Nước Nga phòng thủ và phát triển
Máy bay TU-160M của Nga, mối đe dọa cả châu Âu.
BÀN CỜ THẾ GIỚI
Bài 4: Nước Nga phòng thủ và phát triển
Nước Nga từ xưa tới nay chẳng mấy dính dáng đến những cuộc chiến tranh lâu dài và tốn kém, ngoại trừ cuộc chiến ở Afghnistan thời Liên Xô và Syria hiện nay.
Có ý kiến cho rằng Liên Xô sụp đổ thế mà hay. Chuyện này hạ hồi phân giải. Có điều khi Liên bang Xô Viết còn hiện diện, thể chế này đã phải gánh một gánh nặng các nước cộng hòa, mà sự đóng góp của các nước trong khối chỉ là theo sự phân công lao động.
Tỷ như Ukraine được phân công trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp quốc phòng; các nước cộng hòa Trung Á phát triển ngành công nghiệp khai khoáng; ngay như nước Bulgaria nho nhỏ cũng là nơi cung câp sản phẩm nông nghiệp cho khối (kể cả nước hoa!). Việt Nam ta là một nước có chiến tranh không những không đóng góp mấy mà còn được các nước trong phe cung cấp các điều kiện cần thiết để chống xâm lược.
Đúng là một cái gánh rất nặng đè lên trên vai những người Xô Viết.
Ngày mà Liên Xô sụp đổ, người phương tây nhìn người Nga với con mắt khinh thường, và các chính phủ phương tây nghĩ rằng, chẳng mấy ngày, họ sẽ bắt người Nga phải khuất phục. Thậm chí đến tận ngày hôm nay, người ta vẫn nghĩ sẽ một ngày lôi kéo nước Nga gia nhập NATO!
Phương cách mà các chính phủ phương tây lôi kéo các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là làm cho họ nghèo đi, nền kinh tế kiệt quệ đi thì chỗ dựa duy nhất chỉ còn là EU và NATO. Phải công nhận họ đã thành công trong phương cách ấy.
Mạnh nhất trong phe XHCN sau Nga là Ukraine, nhưng chỉ sau khi ăn mấy “trái cam màu vàng” thì mọi thứ biến mất. Công nghiệp đóng tàu không còn, có một tàu sân bay phải đem bán cho Trung quốc; Mỹ tìm cách phá nát nền công nghiệp quốc phòng Ukraine để rồi hết tổng thống này đến tổng thống khác phải ngửa tay xin tiền từ phương tây.
Đến lúc này thì Mỹ và phương tây bảo gì thì Ukraaine cũng phải nghe. Thế là tự nguyện làm tên lính xung kích đứng lên, phồng mang trợn má hù dọa nước Nga của Putin.
Một lần tôi sang Bulgaria, đi thăm thung lũng hoa hồng, nơi đó khi xưa, thời còn là nước XHCN đã xuất khẩu hoa hồng và nước hoa sang nước khác. Đến nơi tôi chẳng thấy một cây hồng, hỏi ra mới biết, họ phá bỏ hết rồi, bây giờ nhập hoa hồng từ nước khác thôi. Đó là một nước nông nghiệp, bây giờ các cô gái Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) vẫn sống ở đó song họ chảnh lắm!
Đưa những câu chuyện trên ra để nói rằng, nước Nga ngày nay bị cô lập hoàn toàn. Người ta điều động quân và vũ khí từ nơi xa lạ nào đó đến sát biên giới Nga, Nga buộc phải điều động bình sĩ, khí tài ra chuẩn bị nghênh chiến. Một bên đưa quân từ nơi khác đến, một bên thì điều binh trong nước. Ấy thế mà bên từ nơi khác đến lại cứ to mồm tố bên phòng thủ là đe dọa!
Chẳng phải vô cớ mà họ nói vậy đâu. Họ nói vậy để anh Tổng thống danh hài run lên mà xin phương tây giúp kẻo chúng tôi sẽ bị Nga oánh đến nơi rồi. Thế là cứ phụ thuộc, phụ thuộc mãi vào Mỹ không thôi. Mỹ không cho Ukraine lớn và khôn, vì như vậy Mỹ không khống chế được và mất đi công cụ hù dọa Nga.
Nga ngày nay đã khác Liên Xô ngày xưa rồi. Nga gần như rảnh tay với các nước Cộng hòa cũ, bây giờ chỉ còn lại Tổ chức An ninh tập thể (CSTO) gồm 6 nước thành viên, Nga đủ sức gánh vác. Ngoài ra còn đủ thời gian và nguồn lực để phát triển những loại vũ khí tối tân như vũ khí siêu thanh, vũ khi tác chiến điện tử… Thậm chí, vừa rồi Nga còn dùng hỏa tiễn phá thử một con tàu vũ trụ cũ kỹ đang bay trên quỹ đạo, thành công rồi!
Mới đây thôi, anh Putin ra Sắc lệnh số 374, thoạt nhìn tưởng đây là một văn bản chỉ có tính nội bộ, song thực đó là một lệnh, làm cho Hạm đội Phương Bắc của Nga trở thành một đơn vị hành chính quân sự độc lập trong biên giới của khu vực Murmansk va Arkhangelsk. Sau khi sắc lệnh này được ban hành, có cơ quan thông tin đã nói rằng “Bộ chỉ huy NATO rơi vào tình trạng hoang mang”.
Chỉ biết rằng, Sắc lệnh 374 đã đem lại cho Nga sức mạnh ở vùng biển phương Bắc mà NATO đang ra sức làm giảm bớt ảnh hưởng của Nga tại đây. Việc này cũng sẽ tác động đến toan tính của Trung quốc trên con đường tơ lụa mới.
Sự kiện xảy ra ờ Kazakhstan là một chiến thắng, một điểm cộng của ông Putin không chỉ trước phương tây mà còn ngay cả trước Trung quốc. Cả phương tây và Trung quốc ngỡ ngàng trong việc Tổng thống Tokayev kêu gọi Nga (thông qua CSTO) giúp đỡ. Ngày nay sự liên kết giữa Belarus, Kazakhstan và Nga bền chặt hơn trước rất nhiều. Đó là bài học cho ba nước còn lại trong liên minh CSTO, là chỉ có thể dựa vào nước Nga mà thôi. Nhờ vậy mà biên giới phía nam của Nga thêm vững chắc.
Trong năm 2021, một biên đội tàu mặt nước và máy bay chống ngầm của khối NATO đã không thể tìm ra chiếc tàu ngầm Kilo chạy bằng động cơ diesel-điện đang ở đâu, chung quanh Địa Trung hải trong một khoảng cách có thể gây nguy hiểm cho các tàu của NATO. Mỹ đã chi ra hơn 200 triệu USD để mua 18.000 phao sonar để dò tìm, song kết quả thế nào cũng chưa thấy công bố.
Rõ ràng là, Nga ngày nay đã khác trước rất nhiều, mặc cho Mỹ và phương tây bao vây, cấm vận, dọa nạt song Nga vẫn âm thầm phát triển nội lực, tạo nên sức mạnh cả về quốc phòng và kinh tế. Tờ báo Financial Times ngày 18/1 cho biết Nga đã chuẩn bị các biện pháp cứng rắn để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương tây, bằng các biện pháp làm giảm phụ thuộc vào đồng dollar Mỹ; dự trữ của ngân hàng trung ương đã tăng lên đáng kể và nợ nước ngoài của Nga năm qua chỉ chiếm 20% GDP của nước này.
Ngày nay Nga có bán đảo Crimea, biển Azov, biển Đen ở phương nam; có căn cứ quân sự ở phương tây, đó là Kaliningrad; Nga có căn cứ Khmeimim ở Địa Trung hải; hướng đông và bắc đó là cái đơn vị được thành lập theo 374. Gần đây nước Nga đã cho trình làng máy bay ném bom TU-160M cánh cụp cánh xòe, có thể nói vũ khí này sẽ làm cho Ukraine không còn mộng tưởng gia nhập NATO nữa. Rồi nước Nga lại có thứ thủy lôi mang tên Poseidon, có thể nằm im dưới đáy biển, một chiến hạm địch đi qua là nhận lệnh kích nổ. Thứ này thì phương tây không có.
Nga đang cùng Trung quốc và các nước có quan hệ kinh tế, nhất là dầu mỏ, hạ thấp dần ảnh hưởng của đồng dollar trong thanh toán quốc tế.
Rõ ràng là bàn cờ chính trị thế giới hiện nay có các mối quan hệ chằng chịt – bạn, thù, đối tác, đối thủ biến hóa khôn lường. Đừng ai nghĩ Việt Nam sẽ dựa được vào ai đó để phát triển. Có khi lại giống con ruồi mắc vào cái mạng nhện, đến lúc đó chẳng còn đường ra, chỉ còn biết hiến thân thôi./.
Ngày 21/1/2022
Ph. T. Kh.
Bổ xung theoTintuc :
Theo trang RT (Nga), Tư lệnh Hải quân Đức, Phó đô đốc Kay-Achim Schoenbach, đã rời nhiệm sở vào tối 22/1 (theo giờ địa phương) chỉ một ngày sau khi ông nói rằng Crimea “sẽ không bao giờ quay trở lại”, và rằng Tổng thống Putin và Nga “có lẽ đáng được tôn trọng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét