Tượng Đài vinh danh 25 người tranh đấu cho hòa bình , tự do và nhân bản
Fb Dũng Phan:
Tượng đài này được dựng lên ở Fox Square Park ở thành phố Oakland, California, có tên là "Remember Them: Champions for Humanity", nhằm vinh danh 25 người tranh đấu cho hòa bình, tự do và nhân bản trên thế giới. Trong 25 người ấy có những cái tên mà có thể bạn không xa lạ như Martin Luther King, Nelson Mandela hay Mahatma Gandhi. Các chính trị gia như Winston Churchill hay Abraham Lincoln.
Bức ảnh tôi dùng minh họa này là 4 trong 25 nhân vật đó, đấy là Tổng thống Franklin Deleno Roosevelt, Mẹ Teresa, Tộc trưởng da đỏ Joseph, và Thiền sư Thích Nhất Hạnh !
Tổng thống Franklin D. Roosevelt, người đã đưa nước Mỹ vượt qua Đại Khủng Hoảng, và chiến thắng tại thế chiến thứ II. Miêu tả về ông: "Ông đã tự nhấc người khỏi chiếc xe lăn, để nhấc bổng quốc gia này lên, khi nó đang ở trong tư thế quỳ gối."
Mẹ Teresa, vị thánh của những người nghèo, với câu nói nổi tiếng: “Nếu tôi trở thành một vị thánh, tôi chắc chắn sẽ là vị thánh bóng tối. Bởi vì liên tục vắng mặt trên Thiên đường, để chiếu rọi ánh sáng cho những người chìm đắm trong bóng tối ở Trái Đất".
Tộc trưởng da đỏ Joseph, vị tộc trưởng huyền thoại dẫn dắt người da đỏ bảo vệ từng mét vuông đất của bộ tộc vào thế kỷ 19. “Phía sau ranh giới này, chúng tôi sinh ra, tổ tiên chúng tôi sinh ra. Mảnh đất này bao quanh các ngôi mộ của cha ông chúng tôi, và chúng tôi sẽ không bao giờ để những ngôi mộ này bị giày xéo”. Người Mỹ gọi ông là “Napoleon đỏ”.
Người còn lại, chính là thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh gây ảnh hưởng khắp mạng xã hội. Những người trẻ trích các câu nói của ông, những người lớn tri ân ông, những tờ báo viết về ông. Nhưng tôi nghĩ chưa đủ. Cái chưa đủ ấy phần nhiều đến từ sự tế nhị của chính trị. Thiền sư Thích Nhất Hạnh phổ độ không chỉ chúng sinh mà cả quốc gia dân tộc. Giữa 2 phe xâu xé chiến tranh, mà ai cũng nhận mình chính nghĩa. Thiền sư đứng giữa và gọi hòa bình.
Trang New York Times viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã lưu vong khỏi Việt Nam sau khi phản đối chiến tranh vào những năm 1960 và trở thành một tiếng nói hàng đầu trong phong trào mà ông gọi là "Phật giáo dấn thân", áp dụng các nguyên tắc Phật giáo vào cải cách chính trị và xã hội."
Với hành động này, Việt Nam Cộng Hòa đánh giá ông là “thân Cộng Sản”.
Sau năm 1975, thiền sư Thích Nhất Hạnh không trở về Việt Nam mà vẫn tiếp tục lưu vong. Ông kêu gọi cứu các mảnh đời thuyền nhân trên các chuyến vượt biên nguy hiểm. Đây là một vấn đề nhức nhối mà chính phủ Việt Nam muốn tránh đi. Bởi vì thiền sư Thích Nhất Hạnh không quan tâm thể chế hay chính trị. Ông chỉ quan tâm đến những mảnh đời cần được cứu giúp. Ví dụ, khi tổ chức chiến dịch giải cứu các thuyền nhân kia. Ngài thậm chí đụng chạm đến cả các chính phủ Thái Lan và Singapore. Những quốc gia không chứa chấp người tị nạn mà đẩy họ ra khơi giữa sóng dữ trên các con thuyền nát.
Ông bị Việt Nam Cộng Hòa đẩy đi vì phản chiến. Ông cũng nói thẳng các suy nghĩ nhức nhối cho chủ tịch Nguyễn Minh Triết hay thủ tướng Phan Văn Khải khi trở về Việt Nam vào năm 2005. Thực tế, thiền sư Thích Nhất Hạnh không ưu ái Nam hơn Bắc hay Bắc hơn Nam, không thuộc về bên này hay bên kia. Ngày về Việt Nam, ông viết: “Không có tôn giáo nào, học thuyết nào, chủ nghĩa nào cao hơn tình huynh đệ".
Nhiều người dùng cái tầm thường, si độn, dùng mưu toan chính trị để đi đánh giá thiền sư. Họ nào có biết cái tâm diệu vợi ấy. Họ nào có biết, đó là lý tưởng một đời tranh đấu của ngài. Đâu chỉ Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng đừng ra thuyết giảng cho cả người Israel và Palestin để mong đợi hòa bình ở nơi này. Sau biến cố 11/9/2001, ngài đã thỉnh cầu Hoa Kỳ dùng ngoại giao thay vũ khí ở Afghanistan và Iraq. Bàn về chiến tranh và hòa bình, thiền sư viết: “Khi một nước tấn công một nước khác, điều này có nghĩa là nỗi sợ hãi đã vượt quá giới hạn và cũng là vô minh của tập thể. Khi nhìn sâu, ta biết rằng hạnh phúc không đến từ việc sở hữu một ai đó hay bất cứ thứ gì, mà hạnh phúc đến từ sự tử tế, lòng từ bi, từ việc giúp người bớt khổ.”
Cả thế giới cúi mình trước ngài là vì điều ấy.
Nhưng như ta thấy, hòa hợp dân tộc ở Việt Nam vẫn luôn nhức nhối, Israel và Palestine súng vẫn nổ, và Mỹ vẫn ném bom ở Afghanistan. Thích Nhất Hạnh vì thế giống như một nhân vật chính bước ra từ trong tiểu thuyết, với đầy đủ những tính cách lý tưởng, sáng trong trước các chính trị gia xảo quyệt. Ai cũng tôn trọng ông, ai cũng muốn giá trị của ông lan tỏa, nhưng ai cũng ái ngại ông.
Ông vẫn mang tâm nhân bản đó đi khắp thế giới, gửi vào trong những lời văn, thơ các triết lý cuộc sống tích cực, lời kêu gọi hòa bình. Ông đã đi một con đường đẹp đến không tưởng. Phải, không tưởng nhưng đáng để cúi mình! Con đường của từ bi bác ái và không phân biệt đối xử trong một thế giới tham lam và vọng động.
Một con đường Phật giáo dấn thân đúng như khi xưa Phật đã dạy: "Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét