Kỳ vĩ KON HÀ NỪNG (Gia Lai)

1:57:00 CH

 

Bí ẩn về báu vật thế gian giữa đại ngàn cao nguyên ở Việt Nam

Tháng 9/2021, tại Nigeria, Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển UNESCO (ICC-MAB) đã tiến hành bỏ phiếu thông qua hồ sơ các khu dự trữ sinh quyển trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là nước duy nhất có 2 hồ sơ được thông qua ngay từ vòng xét duyệt đầu tiên: Vườn Quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) được UNESCO ghi danh Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bí ẩn về báu vật thế gian giữa đại ngàn cao nguyên ở Việt Nam - 1

Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích hơn 400 nghìn ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ và thị xã An Khê.

Bí ẩn về báu vật thế gian giữa đại ngàn cao nguyên ở Việt Nam - 2

Toàn bộ Khu dự trữ sinh quyển được khoanh vùng thành 3 khu chức năng gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. 

Vùng lõi có diện tích hơn 57 nghìn ha, bao gồm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Hệ sinh thái ở đây có tính đa dạng sinh học cao, đặc trưng của khu vực Tây Nguyên. Phần lớn vùng lõi đều là kiểu rừng kín, xanh, mưa ẩm á nhiệt đới với nhiều loài động - thực vật đặc hữu, quý hiếm.

Trong đó, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát cùng nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt ở đây còn có một số loài đặc hữu mới phát hiện như chim khướu Kon Ka Kinh, voọc chà vá chân xám...

Bí ẩn về báu vật thế gian giữa đại ngàn cao nguyên ở Việt Nam - 4

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, xác định có  863 loài thực vật, trong đó có 22 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 7 loài trong Sách đỏ thế giới.

Về động vật hoang dã có xương sống, nơi đây ghi nhận được 380 loài; trong đó, 80 loài thú, 228 loài chim, 38 loài bò sát, 34 loài lưỡng cư. Hiện có 64 loài động vật hoang dã có xương sống nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế.

Trong số các loài thú đang bị đe dọa ở mức toàn cầu và 17 loài trong Sách Đỏ Việt Nam, đặc biệt, có 3 loài thú đặc hữu của Đông Dương là vượn má hung Hylobates gabriellae, voọc vá chân xám Pygathrix nemaeus cinereus và mang lớn Megamuntiacus vuquangensis (Anon. 1999)…

Ông Trịnh Viết Ty - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng - thông tin, Cao nguyên Kon Hà Nừng được xếp loại A quốc tế về đa dạng sinh học, có nhiều động - thực vật quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao cần được bảo vệ.

Đáng chú ý, cao nguyên này còn có những kiến tạo địa chất cổ trên 2 triệu năm, nhiều miệng núi lửa còn rất rõ nét và có dấu vết của con người sinh sống hàng ngàn năm trở về trước.

Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận và đánh dấu là khu dự trữ sinh quyển thứ 11 của Việt Nam trong mạng lưới khu sinh quyển của thế giới. Danh hiệu này không chỉ là vinh dự mà còn là cơ hội, trách nhiệm lớn đối với tỉnh Gia Lai trong việc xây dựng mô hình phát triển bền vững, gắn kết hài hòa con người và thiên nhiên, kết hợp cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đệm. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong nỗ lực phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19.

Bí ẩn về báu vật thế gian giữa đại ngàn cao nguyên ở Việt Nam - 6

Với một hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú bậc nhất của khu vực Tây Nguyên nên Khu dự trữ sinh quyển Cao Nguyên luôn đứng trước những nguy cơ bị xâm hại bởi nhiều yếu tố. Lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh Gia Lai luôn phải "ăn rừng, ngủ lán", túc trực 24/7 để canh giữ màu xanh khu sinh quyển. Khi những cánh rừng Gia Lai được công nhận là khu sinh quyển thế giới thì họ càng phải "căng mình" gấp nhiều lần để hoàn thành nhiệm vụ.

Bí ẩn về báu vật thế gian giữa đại ngàn cao nguyên ở Việt Nam - 7

"Với việc thực hiện Nghị định số 01 của Chính phủ và Quyết định số 80 UBND tỉnh Gia Lai về trách nhiệm, quyền hạn của kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng đã gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, trong quá trình tuần tra, phát hiện hành vi vi phạm, chúng tôi không có thẩm quyền xử lý vụ việc trên địa bàn quản lý. Lực lượng bảo vệ rừng luôn đơn độc tuần tra nên thường xuyên phải đối đầu trực tiếp với lâm tặc, bị chống đối và gây thương tích khi đang thi hành nhiệm vụ", ông Vinh cho biết thêm.

Cuộc chiến giữ rừng "nóng" nhất là ở các vùng đệm ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Roong và Công ty TNHH MTV Trạm Lập. Lâm phần của 2 đơn vị này đa số là rừng tự nhiên, bao quanh để bảo vệ vòng ngoài cho Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn Kon Chư Răng. Chính vì vậy, lâm tặc luôn có nhiều hành vi, thủ đoạn để xâm hại, "xẻ thịt" rừng xanh.

Bí ẩn về báu vật thế gian giữa đại ngàn cao nguyên ở Việt Nam - 9

Chỉ trong năm 2021, trên địa bàn huyện Kbang đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ lâm tặc hành hung, chống lại lực lượng bảo vệ rừng. Những giọt mồ hôi và máu của lực lượng bảo vệ rừng đã rơi xuống nhằm bảo vệ màu xanh cho cánh rừng. Chính vì sự khắc nghiệt, khó khăn và nguy hiểm nên trong những năm vừa qua đã có rất nhiều nhân viên, cán bộ bảo vệ rừng, kiểm lâm phải xin ra khỏi ngành.

Nếu cơ quan chức năng không có những hành động, hỗ trợ kịp thời thì Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng sẽ luôn đứng trước những nguy cơ xâm hại, trước sự "căng mình" bảo vệ của lực lượng chức năng.

Bí ẩn về báu vật thế gian giữa đại ngàn cao nguyên ở Việt Nam - 11

Khi được công nhận là Khu sinh quyển thế giới, các ngành chức năng rất coi trọng vấn đề tạo sinh kế cho người dân sống ở vùng đệm nói riêng và bà con đồng bào nói chung. Trong thời gian qua, ngành chức năng đã đề xuất nhiều giải pháp để tạo nguồn thu từ rừng. Trong đó, chủ trương giao khoán rừng cho cộng đồng bảo vệ đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi nhận thức và suy nghĩ của bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Bí ẩn về báu vật thế gian giữa đại ngàn cao nguyên ở Việt Nam - 12

Hiện nay, các đơn vị chủ rừng đã tiến hành giao khoán rừng cho các cộng đồng sống gần đó để gia tăng lực lượng cùng phối hợp bảo vệ rừng. Chính điều này đã mang lại nguồn thu rất lớn từ tiền dịch vụ môi trường rừng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Điển hình như Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã tổ chức giao khoán gần 18 nghìn ha rừng cho 26 nhóm hộ thuộc 18 cộng đồng thôn, làng ở vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trên 03 huyện: Kbang, Mang Yang, Đăk Đoa. Nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ cho bà con trong công tác bảo vệ rừng là hơn 6 tỷ đồng.

Đồng thời, các đơn vị chủ rừng đã phối hợp kêu gọi nhiều tổ chức để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trong tổ bảo vệ rừng những nhu yếu phẩm, vật nuôi và tặng cho làng công trình phục vụ chung vào đời sống của bà con. Từ đó, đời sống của cộng đồng đã được khởi sắc, nhận thức bà con được nâng lên.

Ông Thuơn (người làng Kon Năk, xã Hà Đông, Gia Lai) bộc bạch: "Chúng tôi có 52 hộ dân đang tham gia bảo vệ hơn 1.400 ha rừng cho Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ngoài ra, còn nhiều làng nữa bảo vệ rừng cho các đơn vị chủ rừng khác nhau. Trung bình mỗi ha rừng, chúng tôi được nhận hơn 300.000 đồng. Nhờ nguồn vốn này đã giúp gia đình mua vật nuôi, cây giống phát triển kinh tế. Đồng thời, tạo việc làm cho lao động thất nghiệp tại địa phương. Nhiều người trước thường đi làm gỗ, phá rừng làm rẫy nay cũng tham gia bảo vệ rừng".

Bí ẩn về báu vật thế gian giữa đại ngàn cao nguyên ở Việt Nam - 13

Ông Djưng từng là thợ săn có tiếng ở ngôi làng cạnh sông Ayun (huyện Mang Yang, Gia Lai). Bao nhiêu con suối trong rừng Kon Ka Kinh đều ghi dấu chân ông Djưng. Trước đây, ông thường cùng dân làng thường vào rừng săn bắn và cắt gỗ về bán để nuôi lớn 4 đứa con trong những mùa giáp hạt đói kém.

Sau khi được tuyên truyền, vận động, ông Djưng cùng nhóm thợ rừng đã "gác cưa" để tham gia vào tổ bảo vệ rừng. Sau này, ông cũng là thành viên nòng cốt trong lực lượng chuyên trách hợp đồng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nhận nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng.

"Khi bà con no cái bụng và có nghề nghiệp ổn định thì bà con sẽ không đi phá rừng như trước nữa. Giờ bà con hiểu rừng vô cùng quý giá nên phải bảo vệ. Lúc đã bảo vệ rừng tốt thì sẽ tránh được lũ lụt và cho nguồn lâm sản phụ để tăng nguồn thu nhập. Người dân trong xã ngoài việc trồng mỳ, trồng lúa đều đăng ký đi tuần tra rừng. Thấy người lạ vào xẻ cây thì dân làng báo cán bộ bảo vệ rừng ngay", ông Djưng bộc bạch.

Bài: Phạm Hoàng

Ảnh: Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Kon Chư Răng cung cấp.

Thiết kết: Khương Hiền

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.