Kiếm tiền rủng rỉnh mùa Tết nhờ tạo tác 12 con giáp từ dừa bonsai
Ngoài tạo hình linh vật hổ cho khách trưng bày Tết Nhâm Dần 2022, anh Quân còn tạo tác thêm những linh vật trong 12 con giáp từ dừa để đa dạng hóa thị hiếu người chơi.
Để phục vụ thị trường Tết năm nay, anh Lê Hồng Quân (34 tuổi) xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đang chuẩn bị tung ra thị trường hơn 500 gốc dừa kiểng được tạo hình con hổ, linh vật của Tết Nhâm Dần 2022 và những linh vật trong 12 con giáp.
Anh Quân cho biết, 5 năm trước từ một trái dừa khô nhặt được trong vườn, đem về ươm trồng. Sau 6 tháng cây dừa mọc đọt cao hơn gang tay, bộ lá bung xòe như đuôi gà, đẹp như cây bonsai, anh Quân liền nghĩ ngay tới chuyện tạo một sản mỹ nghệ từ loại dừa kiểng này.
"Trùng hợp năm đó là năm con gà nên tôi quyết định làm linh vật gà từ cây dừa bonsai để người dân trưng vào dịp Tết. Với kinh nghiệm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nhiều năm đây cũng là lợi thế để tôi thỏa sức sáng tạo những tác phẩm từ dừa", anh Quân nói thêm.
Mới lạ và đẹp mắt, những điều đó đã giúp linh vật gà của anh Quân "cháy hàng" rất nhanh, những năm kế tiếp anh Quân tiếp tục tạo tác linh vật theo từng con giáp mỗi năm. Đỉnh điểm nhất vào Tết Canh Tý năm 2020, anh Quân cung cấp ra thị trường hơn 1.000 tác phẩm và rất được thị trường ưa chuộng.
Nói về tiến độ sản xuất linh vật cho Xuân Nhâm Dần, anh chủ 8x chia sẻ, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công suất sản xuất giảm gấp đôi năm trước, chỉ còn 500 sản phẩm. Ngoài việc sáng tác hình tượng hổ biểu trưng ngày Tết, anh Quân còn kết hợp gia công thêm các linh vật trong 12 con giáp.
"Do linh vật hổ không phải ai cũng trưng và trang trí trong nhà nên tôi làm thêm những con giáp khác để đa dạng thị hiếu người tiêu dùng. Hiện tôi làm được 11/12 con giáp, riêng con rồng tôi vẫn chưa làm được vì khá khó tạo hình", anh Quân nói thêm.
Theo 8x xứ dừa, để có những chậu dừa bonsai tạo hình linh vật cho Tết, từ nửa năm trước anh Quân đã chuẩn bị nguyên liệu. Dừa được chọn là những trái dừa tròn đều như dừa xiêm hồng, xiêm xanh, xiêm đỏ và cả giống dừa ta.
Dừa ươm được khoảng 6 tháng, khi cây cao khoảng 20 cm thì bắt đầu tạo hình. Suốt thời gian lên giống, người thợ phải uốn lá, làm rễ, đôn gốc dừa, không chế chiều cao để lá không phải triển quá cao... cho dáng đẹp.
"Rễ dừa mọc có nhiều dạng, có cây cho rễ đứng thẳng nhưng có cây phần rễ mọc nằm rũ xuống đất, tôi sẽ căn cứ vào hình dạng của rễ để tạo hình con giáp và tư thế cho phù hợp", anh chủ U40 tiết lộ.
Chẳng hạn, các bộ phận của con hổ như đầu, tai, mũi… đều làm từ gáo dừa khô mài nhẵn, cắt gọt thành từng bộ phận rồi dán keo lại trước khi đánh bóng và sơn màu trang trí. Trung bình mỗi linh vật phải sử dụng khoảng 3 gáo dừa.
"Gáo dừa rất cứng và giòn nên khi cắt gọt rất dễ vỡ nát. Trước khi cắt tỉa phải vẽ hình mẫu và dùng máy cắt tay bằng máy cưa chuyên dụng mới ra được từng bộ phận cho linh vật", anh Quân nói thêm. Một ngày, chủ vườn làm được khoảng 5 con giáp tùy vào độ khó.
Sau phần thiết kế, tạo hình người thợ còn phải trang trí cho linh vật và chậu bắt mắt và sống động hơn như gắn thêm thỏi vàng, làm tiểu cảnh, trồng hoa cỏ…
Mỗi tác phẩm hoàn thiện được bán từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng tùy theo số lượng con giáp, độ tuổi và dáng của cây. Hiện 500 tác phẩm của anh Quân đã có khách hàng tiêu thụ hết, trừ hết chi phí anh lãi được hơn 200 triệu đồng vào dịp Tết.
( C.H sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét