Ấn tượng về mùa thu Hà Nội của cô gái Pháp.

8:30:00 SA

 Bắc Kỳ vào mùa này tặng cho ta luân phiên hai cảnh tượng: một ngày lạnh, không khí đầy ánh sáng và trong veo, tưng bừng lá đỏ sẫm; ngày hôm sau, mưa phùn u ám làm dịu bầu không khí phủ màn sương lên con người và mọi vật; và ta đong đưa trong sự đan xen ấy, cũng chẳng còn biết thực sự bầu không khí nào in đậm tính chất ở cái xứ mang gương mặt luôn thay đổi đến thế.

Trên các đại lộ dài của Hà Nội, trong những ngày lạnh đẹp trời, cảm giác về mùa thu choán lấy bạn; và dưới hàng cây gần như trơ trụi kết thành vòm nhỏ trên vỉa hè, những kỷ niệm về nước Pháp, thấp thoáng, lại trở về; ta từng biết ở Chambéry, Grenoble, Nice cũng có những con đường như thế. Và ta thoát khỏi hiện tại một lúc cho tới khi gặp một người con gái mặc áo dài [nhuộm] củ nâu và đội nón đưa ta trở về thực tế.

Ngoài ra không phải bao giờ cũng là nước Pháp ta tìm thấy dưới hàng cây mùa thu, bởi vẻ đẹp sáng rỡ của cái mùa ngắn ngủi này tỏa lên những truyền thuyết Á Đông một vầng sáng đầy sức quyến rũ huyền diệu.

Mới gần đây, đi qua đại lộ Carreau (đường Lý Thường Kiệt hiện nay) gần chùa thờ Phật, tôi thấy trước mặt mình con đường dài vô tận mà phối cảnh dần khép lại tới chân thềm trường đại học (Viện Đại học Đông Dương, hiện nay nằm ở 19 Lê Thánh Tông) do những cành cây sến màu xám. Bụi vàng bay trong không trung; tiếng thầm thì của các vị sư đang lặp lại kinh kệ vẳng tới chỗ tôi. Đột nhiên, một làn gió khiến khóm cây rung rinh và những chiếc lá vàng nhỏ cuối cùng bay lên, cơn mưa vàng rơi trên đường. Đẹp hoàn hảo đến nỗi tôi dừng bước, thảng thốt trước bài thơ của thiên nhiên không lời nào diễn tả nổi.

Viện Đại Học Đông Dương

Lúc ấy tôi nhớ tới câu chuyện về Rikyn, nhà thẩm mỹ người Nhật ở thế kỷ 16, một hôm trong khi đợi khách khứa, ông ra lệnh cho đứa con trai quét sạch và dọn dẹp khu vườn; cậu bé quét dọn những lối đi rất kỹ, rửa đá lát, nhưng người cha vẫn không vừa lòng và bắt làm lại tới ba lần. Cuối cùng, ông tới rung một cây phong và “phủ lên lối đi tấm gấm vàng của mùa thu”, ông dạy con trai mình sửa soạn một khu vườn ra sao.

Ở vài ba đại lộ, lối trộn lẫn nhiều màu khiến ánh mặt trời rực rỡ: lá bàng to đỏ sẫm quện với màu vàng nhạt của cây sến đối lập với màu cây cối xanh suốt các mùa. Gần các ngôi chùa những cây sung trơ trụi in lên nền trời trong veo bóng dáng của vô số cành mà ở đầu ngọn, những cái mầm nhú lên chỉ còn chờ đến Tết là bung lá màu hồng.

Dọc theo vỉa hè, trên những vườn hoa công cộng, đàn bà và nhất là trẻ con đang nhặt lá khô; lá bàng để nhuộm màu, lá khác dùng để đốt… và khi gió xoáy những chiếc lá đỏ sẫm quanh các cô bé đang lượm lá, bức tranh ấy đẹp đến nỗi ta quên hẳn những bộ đồ rách rưới của chúng khi một tia nắng làm thay hình đổi dạng nỗi khốn cùng.

Thời tiết khô ráo tăng thêm màu sắc và trong những ngày giá lạnh, một chiếc váy màu tím nhạt tà bay phấp phới, một chiếc khăn trùm đầu màu lục nhạt hoặc khăn quàng hoa hút mắt những khách qua đường, mà nếu là ngày khác hẳn họ sẽ không để ý. Đôi khi có người đàn bà bán hoa đi qua, đội trên đầu cái thúng dẹt đung đưa những bông hoa thược dược đỏ và hoa cúc trắng, vàng hoặc màu nâu ánh đỏ, khiến con phố vui hẳn lên như một nụ cười. Và tiếng chim hót vút lên bầu trời trong trẻo…

Không có đoạn chuyển tiếp, lắm khi trong một ngày, thời tiết thay đổi; ánh nắng tắt sau cơn mưa phùn ấm áp; thế là những lề đường dính nhớp và toàn thành phố trùm sương mù ẩm ướt làm nhòa những mái nhà và khiến những cái ở xa hơn mờ mịt.

Mọi người luôn nguyền rủa mưa phùn, theo thói quen và vì nó cứ kéo dài, nhưng nếu sự trả giá là mưa và bùn thì trái lại bầu không khí ấy vẫn tỏa ra một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại, hợp thành từ vẻ dịu dàng và thơ mộng; và trong suy nghĩ, người ta tìm lại âm vang những câu thơ của Droin (nhà thơ và tiểu thuyết gia người Pháp):

"Một cơn mưa không chạm vào được rải rác trong không trung,

Trên ruộng đồng làn hơi nước dày trải ra…

Linh hồn cảnh vật tựa như giấc mơ đã chết".

Cổng đền Quán Thánh cạnh Hồ Tây, nằm trên đường Grand Bouddha. Ảnh: Flickr.

Có những nơi phù hợp với mối hoài niệm về nỗi buồn vốn dường như chỉ có tính chất thực sự này dưới làn mưa bay màu xanh lơ nhạt của mùa đông ấm. Nên chi vào ngày Noel, đi xuống phố Grand Bouddha (phố Quán Thánh hiện nay), dường như tôi đã tìm thấy lại trong màu xám ướt át, tất cả tâm hồn của Bắc Kỳ cổ kính.

Những con đường sáng lên, đầy bùn, dưới những cái cây lớn rỏ xuống không ngớt hơi ẩm của chúng, và những cái lá mục tích lại trong rãnh bốc lên mùi mùn. Phong cảnh ủ ê này toát ra nỗi buồn sâu sắc xuyên suốt một số trang của Boissière (tiểu thuyết gia, nhà báo người Pháp), người mà hơn ai hết, đã cảm nhận được sự quyến rũ u buồn của những mùa đông Bắc Kỳ.

Hẳn là mưa phùn ở thành phố luôn khó chịu; không có ai thấy dễ chịu với quần áo ẩm ướt và chân vấy bùn, nhưng nếu ta tới đồng ruộng, bị bão hòa bởi làn mưa bay tràn trề, nhìn lúa non xanh tươi và hít vào mùi đất bốc lên dưới bầu trời xám, nơi những con cò phết lên những vệt trắng, dẫu ruộng đồng còn hoang vắng, ta đã thấy dường như có một sự đổi mới.

Rồi đột nhiên, trong cảnh cô đơn, gió quét thêm mưa, ta cảm thấy thấm lạnh và bị bỏ rơi, ta khát khao mãnh liệt trở về nhà. Trời không lạnh lắm, nhưng ta nhóm lửa và tới tận tối ta ngồi mơ màng trước những ngọn lửa đang nhảy múa, với cuốn sách kẹp giữa các ngón tay.

TheoZing.vn                                                                                                        


Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.