Khách Việt nín thở chụp ảnh với rồng Komodo
INDONESIANhìn thấy một con rồng đang ngủ, hai vợ chồng anh Thái mon men nhích từng bước một tiến lại gần để chụp ảnh.
Hai vợ chồng anh Trịnh Nam Thái và chị Phạm Bích Ngọc, Hà Nội, tới Indonesia từ giữa tháng 6. Trong 21 ngày khám phá quốc đảo, trải nghiệm ấn tượng nhất với họ là săn rồng tại vườn quốc gia Komodo.
Nhắc tới du lịch Indonesia, nhiều khách Việt sẽ nghĩ ngay tới hòn đảo Bali hay núi lửa Bromo, song vườn quốc gia Komodo xa xôi không phải ai cũng dám đặt chân đến. Khi tìm hiểu thông tin, vợ chồng Thái đắn đo khi đọc được nhiều thông tin tiêu cực, như tai nạn du lịch bị rồng cắn chết, tấn công hay rồng nấp trong phòng khách sạn. Tuy nhiên, điều đó lại càng kích thích sự tò mò, muốn chinh phục điều mới lạ của hai vợ chồng. Người châu Âu không phát hiện ra sự tồn tại của rồng Komodo cho đến năm 1910. Lúc đầu, người ta nghĩ nó là "cá sấu cạn", có người tưởng nó là khủng long còn sống nên đặt tên chúng như vậy.
Để đến đây, bạn có thể mua tour đi tàu thủy từ Bali hoặc Lombok. Tour này khoảng 4 ngày 3 đêm, hoặc 3 ngày 2 đêm tùy loại. Tuy nhiên, hành trình này không phải ai cũng chịu được. Nhiều khách Tây nôn ói, nằm vật vã trên sàn thuyền do say sóng của hai dòng hải lưu giao giữa biển Java và Flores.
Để bảo đảm sức khỏe, vợ chồng anh Thái chọn bay từ Bali đến Badjo, sau đó mới đi thuyền qua ra vườn quốc gia Komodo. Vườn quốc gia nằm ở quần đảo Sunda nhỏ cạnh biên giới giữa Đông Nusa Tenggara và Tây Nusa Tenggara. Nơi đây bao gồm ba đảo lớn Komodo, Padar và Rinca và 26 đảo nhỏ, với tổng diện tích hơn 1.700 km2, được thành lập vào năm 1980 để bảo tồn rồng Komodo, loài thằn lằn lớn nhất thế giới.
Đây không phải nơi mà du khách nên tự ý khám phá. Khi dẫn hai vợ chồng anh Thái về khách sạn, hướng dẫn viên kể có nhiều khách nước ngoài tự ý khám phá vùng đất đã thiệt mạng do rồng Komodo cắn hoặc sốc nhiệt. Nhiệt độ của khu vực có lúc lên tới 50 độ C nên việc bị ngất và không được cấp cứu kịp thời cũng dẫn đến tử vong. Còn rồng Komodo là loài vật có sức sát thương tương đương với báo hoa nên rất nguy hiểm với người không trang bị đủ kiến thức khi đối mặt với chúng. "Tôi từng nhìn và chụp ảnh với loài kỳ đà nhỏ hơn ở Bangkok nhưng con này lớn hơn nhiều, nó có nọc độc gây tê liệt và tuyến nước bọt có nhiều loại protein gây hoại tử", Thái chia sẻ.
Mỗi nhóm du khách sẽ đi cùng hai người trong khu bảo tồn với gậy dài để tự vệ. Nếu tìm thấy rồng Komodo, du khách nên giữ khoảng cách an toàn 5 m. Lang thang đi tìm chúng là cảm giác được hai vợ chồng Thái mô tả vừa háo hức lại vừa căng thẳng tột độ. Đặc tính của loài rồng Komodo là nằm giả chết như một khúc gỗ mục trong rừng, chờ con mồi đi qua là đớp nhẹ, tiêm nọc độc và vi khuẩn, ngồi chờ chúng bất động rồi "chén gọn". "Lời khuyên mà tôi nhận được là đừng bước ra khỏi làn cỏ đã được xem xét kỹ bởi người dẫn đường", Thái nhớ lại.
Trong khoảng 15 phút, hai vợ chồng tìm thấy ba con rồng. Theo như Thái chia sẻ, trước khi dẫn khách, họ đã cho những con rồng ăn no nên loài vật thường đang ngủ chứ không đi săn, đỡ nguy hiểm hơn. Nhìn thấy một con rồng đang ngủ, hai vợ chồng mon men nhích từng bước một tiến lại gần để chụp ảnh. "Cũng dễ thôi, không sợ lắm, nhưng nếu con vật tự dưng giật mình tỉnh thì tôi cũng không dám tưởng tượng sẽ ra sao. Vợ tôi thì chân run, nín thở khi đứng chụp ảnh gần con rồng". Một số du khách khác đang chụp ảnh thì rồng ngỏm dậy, mọi người chạy tán loạn. Tuy nhiên, để tăng độ thuyết phục cho du khách, người dẫn đường thi thoảng sẽ dùng gậy để khiến rồng Komodo tỉnh, chứng minh là nó còn sống.
Ngày bé anh Thái hay xem thế giới động vật trên truyền hình nhưng ở bên ngoài thấy loài vật này to hơn. Nếu may mắn, du khách sẽ được chứng kiến cảnh rồng Komodo bơi ra biển. Vì vậy nếu tắm biển ở đây, bạn cũng cần phải lưu ý khi có thể gặp chúng. Chúng bơi để hạ nhiệt cơ thể, bắt đầu quay về bờ khi bơi xa bờ khoảng 30 m.
Tiền tour để ngắm rồng Komodo của Thái là 1,3 triệu IDR (khoảng 2 triệu đồng) một người, với trải nghiệm săn rồng, tham quan bãi biển Hồng, lặn ngắm san hô, truy tìm cá đuối... chưa gồm thêm tiền vé tham quan các điểm là 370.000 IDR.
Kinh nghiệm săn rồng Komodo của Thái là nên nói chuyện và nhờ người hướng dẫn tìm theo nhóm nhỏ, vừa được nghe giải thích rõ về nguồn gốc, tính cách loài vật, vừa có ảnh đẹp, riêng biệt mà không phải xếp hàng. Hai vợ chồng anh đã có ảnh ngay bên cạnh rồng Komodo, có bảo vệ đứng cạnh đảm bảo an toàn. Khách sạn ở khu vực này có giá khá cao. Thái khuyên du khách nên ở gần bến cảng, tiện để ra tàu đi tour và ngắm hoàng hôn đẹp. Hải sản ở đây tươi ngon và giá rẻ.
Khu vực quanh vườn quốc gia Komodo có ít khách du lịch, hợp với người muốn du lịch mạo hiểm hoặc thích địa điểm nguyên sơ. Nhắc đến Komodo không chỉ có mỗi loài vật cùng tên. Cảnh vật ở đây như thiên đường hạ giới với các bãi biển nước trong vắt, hoang sơ và bãi biển cát hồng. "Loài rồng này biết chọn nơi sống thật. Đúng là rồng, sống ở nơi tiên cảnh", Thái đùa.
Trung Nghĩa
Ảnh: Trịnh Nam Thá
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét