Kỷ niệm về Phố Lò Đúc
Nhà 95 Lò Đúc
Phố phường Hà Nội hôm nay đã khác nhiều lắm rồi. Phố Lò Đúc đã mấy chục năm không còn những con cò bay về làm tổ trên những ngọn cây Sao cao vút. Người phố Lò Đúc cũng khác xưa, mấy ai còn nhớ đến mùi bã rượu thơm lừng, hay cái tên “Bang cò ỉa” từng vang bóng một thời ... Nhưng có lẽ chỉ duy nhất có một thứ đã qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên đấy, và chắc sẽ còn đứng đó để làm minh chứng cho sự sinh ra, lớn lên và ra đi ... của bao thế hệ nơi đây : "Cây Đa Nhà Bò" !
Lí do để Nó tồn tại mà không bị chặt đi hay phá bỏ, là vì một nguyên nhân nghe rất lạ lùng : "Nó rất thiêng" ! Nghe nói trước năm 1946 ngay cạnh gốc cây đa có một cái miếu nhỏ, sau ngày Toàn quốc kháng chiến nó bị phá bỏ và thay vào đó là một ban thờ, nó tồn tại cho đến tận ngày nay. Không chỉ bà con buôn bán ở chợ Nguyễn Cao mà rất nhiều người đến đấy cúng bái. Đặc biệt gia đình những người đến sinh con ở Nhà hộ sinh B không bao giờ bỏ qua thủ tục thắp hương cúng lễ ở "Cây Đa Nhà Bò", cầu cho "mẹ tròn con vuông". Người ta đồn, vì có rất nhiều sinh linh bé bỏng đã sớm bỏ cõi trần ra đi ở đây mà không được chôn cất nên linh hồn chúng bám hết vào cây Đa trước cửa Nhà hộ sinh. Nhìn cảnh cúng bái xì xụp ngay bên hè đường đôi lúc cũng phản cảm nên Ủy ban Nhân dân phường Đống Mác mới có sáng kiến xây cái bảng tin chắn mặt trước cây Đa, và cũng chỉ thế thôi chứ không ai dám chặt bỏ, dù là một cành hay cái rễ của Nó. Đã có trường hợp đào hào lắp ống nước, gặp rễ cây Đa này người ta đã phải luồn ống nước qua Nó thay vì chặt bỏ !?
Tôi không sinh ra ở đây nhưng hai người em của tôi đã sinh ra chính tại nhà hộ sinh "Cây Đa Nhà Bò" (sau đặt lại là Nhà hộ sinh B - Quận Hai Bà Trưng), và cùng nhau lớn lên trên con phố cổ có tên là Lò Đúc !
Ở Việt Nam có lẽ rất ít thành phố có nhiều cây xanh và những đường cây đẹp như Hà Nội. Mỗi loại cây tạo nên một nét đặc trưng riêng cho từng con phố mà mỗi khi gọi tên nó lên là người ta đã có thể hình dung ra con phố đó và rất nhiều kỉ niệm thân quen thời con nít. Đó là những con đường đầy lá vàng rụng mỗi khi Thu tới như phố Phan Đình Phùng với hàng Sấu xanh mướt, phố Nguyễn Du với mùi “Hoa Sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm ...”, với hàng hoa Sưa trên phố Hoàng Hoa Thám, cây Lộc Vừng 9 gốc đỏ rực bên Hồ Gươm, hàng cây Cơm Nguội phố Hàng Chuối, ...
Và đặc biệt là Sao Đen, một trong những loài cây đẹp nhất Hà Nội, thân thẳng tắp, cao vút, lá xanh, bốn mùa rợp bóng mát và được trồng duy nhất trên con phố Lò Đúc. Hai hàng Sao Đen được trồng từ những năm đầu thế kỉ XX, nhiều cây đã trên trăm năm, chúng như hai hàng chiến binh ngẩng đầu hiên ngang vững chắc bất chấp gió mưa bão bùng. Thật lạ khi không thấy một cây Sao Đen nào đổ vì mưa bão. Hiện nay, trên phố chỉ còn khoảng hơn 60 cây và người ta cũng đã đánh số chúng ...
Dù không còn sống ở phố Lò Đúc nhưng hình ảnh con phố xưa hiện lên, lúc bình minh đang lên hay lúc chiều hoàng hôn buông xuống qua ánh nắng len lỏi giữa những hàng cây lung linh tạo nên một khung cảnh vô cùng nên thơ và đã từng làm say đắm biết bao nhà thơ, họa sĩ, ... vẫn còn in đậm trong kí ức.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với từng gốc cây, viên gạch, ... trên đường từ nhà đến trường Lê Ngọc Hân. Nhà tôi ở đối diện với Nhà máy Rượu Hà Nội, nơi mà ngày đó nổi tiếng không phải vì Vodka - Lúa Mới, vì các loại rượu hoa quả, ... mà vì mùi của bã rượu thơm lừng mỗi buổi chiều, khi người ta xếp hàng đến mua bã rượu về nuôi lợn. Cái sự nuôi lợn này sẽ còn phổ biến rộng rãi hơn nữa vào những năm sau chiến tranh với câu chuyện hài hước "Lợn nuôi tôi chứ không phải tôi nuôi lợn !".
Đi lên một chút về phía trường Lê Ngọc Hân là ngôi biệt thự 95 Lò Đúc, nơi đây đã trải qua nhiều thế hệ của dòng họ Đỗ Xuân nổi tiếng. Tôi có một người bạn thời ấu thơ cùng học cấp 1 trường Lê Ngọc Hân mà kỉ niệm còn nhớ mãi của thời con nít. Vào nhà bạn chơi như được vào cung điện, và được chạy vòng quanh nhà, trên con đường mà hai bên trồng hoa Tóc Tiên cùng nhiều cây cảnh rất đẹp. Đằng sau nhà 95 Lò Đúc là một bãi đất trống rất rộng của Xí nghiệp Nhuộm - Giặt - Là, và hình như họ mượn cái garage ô-tô của nhà bạn tôi làm nơi giao nhận hàng cho Xí nghiệp.
Đối diện sang bên kia đường là rạp chiếu phim MéLing. Nhớ nhất là bà bán ngô rang và ông bán lạc rang húng lìu ngồi ở cửa rạp. Mùa Đông lạnh giá, mỗi tối hai anh em phải ở nhà một mình vì bố mẹ đi trực, thì tôi lại dọa có ma để cho cô em phải sang đường mua 5 xu ngô rang còn mình được ở nhà trông nhà và chui trong chăn ! (Mà cũng thi thoảng mới được bố mẹ cho tiền, thường là 5 xu thôi).
Tuổi thơ của tôi không có gì là "dữ dội", dù khi học lớp Một tôi có bị cô giáo Huấn phạt bắt ngồi ở nhà cô, đợi bố mẹ đến đón hay xếp vào tổ "hư" (tức là toàn các bạn hư trong lớp), nhưng vẫn còn ngoan và hiền gấp vạn lần nếu so với lũ trẻ "hư" bây giờ ...
Tôi còn nhớ rõ, hồi đó con trai toàn chơi với con trai, con gái toàn chơi với con gái, và trò chơi của lũ con gái với con gái cũng rất khác nhau. Như đã có lần tôi thú nhận, kỉ niệm ngày xưa cũng nhớ nhiều, nhưng tôi ngoài mấy đứa con trai ở gần nhà, thì tôi hầu như không nhớ đứa con gái nào !
Rồi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, chúng tôi phải đi sơ tán. Sau đó dù là ở gần nhau, xung quanh trường Lê Ngọc Hân là chính nhưng chúng tôi không hề gặp lại nhau. Lớn lên đi học Đại học lại càng xa nhau, tốt nghiệp rồi đi làm, ... Có gia đình thì mỗi đứa một nơi, hầu như chẳng còn ai ở nơi cũ nữa, ...
Tưởng như những kỉ niệm thời con nít cùng với những người bạn trẻ con đó, sẽ vĩnh viễn đi vào dĩ vãng, thì chúng tôi lại tìm thấy nhau. Câu chuyện kể ra thì thật dài và cũng nhiều chi tiết li kì, chắc phải để dịp khác thôi.
Tôi viết mấy dòng này là vì Hội con nít chúng tôi vừa gặp nhau để tổ chức sinh nhật cho các cụ "U-70" ! Đây là lần thứ 5 chúng tôi gặp nhau có hát bài "Happy birthday to you ". Nhiều người hỏi tôi, gặp nhau thế có vui không ? Vì họ nghĩ chúng tôi hơn 50 mới tìm lại nhau thì còn nhớ cái gì nữa mà ... vui ! Kể từ lần đầu tiên gặp lại các bạn thời cấp 1 đến nay, đã được hơn 3 năm rồi. Tôi cố gắng đi tìm lời giải đáp cho cả chính mình nữa.
Câu chuyện về phố Lò Đúc, về trường Lê Ngọc Hân, về Cây Đa Nhà bò, ... đâu phải của riêng tôi ! Đó chính là những sợi dây vô hình kết nối tình cảm thời con nít của chúng tôi. Ở lứa tuổi của chúng tôi, ai cũng đã trải qua đủ các cung bậc cảm xúc trong cuộc đời, mà phải nói gian nan, vất vả, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Bởi vậy thế hệ chúng tôi sẽ dễ dàng thông cảm, dễ bỏ qua, dễ yêu thương hơn. Đã đến lúc mà tôi thấy niềm vui của mình chính là được làm cái gì đấy cho bạn bè và người thân. Những đòi hỏi của chúng tôi bây giờ nó cũng đơn giản và ... rẻ tiền hơn ! Đã đến lúc tôi hiểu và cảm nhận được cái sự "cho đi tức là nhận được". Chúng tôi thích sự đơn giản và chân thành. Đúng là niềm vui phải do chúng ta tự tạo ra thôi, đừng chờ nó tự đến hay có ông bụt bỗng dưng xuất hiện !
Phải chăng lớp trẻ, thế hệ con cháu chúng ta luôn hiểu được một điều, là các cụ cũng rất cần có nhiều bạn bè như những người thân, các cụ rất cần gặp gỡ giao lưu. Niềm vui của bạn bè khi gặp nhau chính là liều thuốc bổ tuyệt vời cho sức khỏe và tinh thần.
TheoFB Trần Thái Ninh
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét