Đôi Việt - Mỹ bỏ phố về rừng, ở tại 'thung lũng của người sống thọ'
Ở nơi nổi tiếng là thung lũng của những người sống thọ, anh Đức - chị Hanna có cuộc sống đơn giản. Họ mặc quần áo cũ, không có nhu cầu mua sắm và tập trung nuôi dạy con gái.
Khi còn ở Việt Nam, anh Lương Thanh Đức (gốc Nghệ An) và bạn gái Hanna Larsen (đến từ Chicago, Mỹ) đã thích cuộc sống bỏ phố về rừng.
Tuy nhiên, phải đến khi xa cách mỗi người một nơi rồi hội ngộ tại Ecuador vào đầu năm nay, hai người mới thật sự có những ngày tháng yên bình mình ao ước.
“Ở Ecuador có những thành phố lớn, sầm uất nhưng gia đình tôi quyết định chọn vùng đất khá hẻo lánh, không khí trong lành, sạch sẽ. Nơi đây nổi tiếng là thung lũng sống thọ, có nhiều người hơn 100 tuổi. Chúng tôi không phải lo lắng về vấn đề ăn uống, an toàn hay nuôi dạy em bé”, anh Đức chia sẻ với Zing từ Loja.
Anh Đức và chị Hanna sống ở Loja, Ecuador 7 tháng nay.
Thoát khỏi guồng quay
Trước khi rời phố thị về vùng quê, anh Đức và chị Hanna đều chuẩn bị tinh thần vì hiểu rằng cuộc sống sẽ rất khác. Họ thuê nhà để chủ động và không mất thời gian khi chuyển đi.
Nhà có sẵn vườn với nhiều loại trái cây như quýt, cam, ổi, chuối và thảo mộc. Hơn nữa, cặp đôi không muốn ăn đồ qua chế biến nhiều. Bởi vậy, họ gần như không có nhu cầu đi siêu thị cách đó hơn một tiếng lái xe.
Ở Loja, có 50% người địa phương, nửa còn lại là cư dân đến từ các quốc gia khác. Bởi vậy, cuộc sống nơi đây có sự đa dạng về văn hóa.
“Mọi người tách rời công nghệ, chỉ dùng liên lạc khi cần thiết và không ai xem tivi. Họ sống theo cộng đồng, thích gặp gỡ, chia sẻ, chơi nhạc, hát, nhảy múa cùng nhau”, chị Hanna cho biết.
Với cặp đôi, việc sống trong môi trường hiện tại còn phù hợp để nuôi dạy con. Họ hướng cho bé học ít nhất 3 ngôn ngữ gồm Việt, Anh, Tây Ban Nha một cách tự nhiên.
Ở nhà, chị Hanna và anh Đức trò chuyện với nhau bằng 3 ngôn ngữ Việt, Anh, Tây Ban Nha để con gái được tiếp xúc một cách tự nhiên.
Vốn có năng khiếu về nghệ thuật, anh Đức cùng bạn mở lớp dạy các điệu nhảy của Nam Mỹ như bachata, kizomba, chachacha, salsa. Tuy nhiên, thu nhập chính của anh đến từ công việc online, đầu tư bất động sản. Trong khi đó, chị Hanna mở workshop về dinh dưỡng và sức khỏe.
Thời gian rảnh, anh Đức thích tham gia bộ môn leo núi. Anh từng trải nghiệm 20 cung đường khác nhau trong khu vực hiking rộng lớn và đa dạng.
So với khi ở thành phố, anh Đức nhận thấy việc sống tại vùng quê có nhiều lợi ích: tránh xa nguồn thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần; môi trường tốt để nuôi dạy em bé; chi phí sinh hoạt thấp hơn; không gian sống gần gũi với thiên nhiên; ăn uống lành mạnh; sức khỏe tốt hơn.
“Thay vì suốt ngày ở thành phố gò bó, hít khói bụi, lao vào kiếm tiền rồi lại tốn tiền chữa bệnh, sống ở vùng quê giúp chúng tôi thoát khỏi guồng quay mệt mỏi đó. Thực tế, ở nơi không khí trong lành vẫn có thể kiếm tiền và có sức khỏe. Tinh thần của chúng tôi cũng thoải mái và không còn nhu cầu về vật chất”, anh nói.
Trước đây, chị Hanna có rất nhiều quần áo, giày dép, vật dụng cá nhân. Hiện tại, chị tối giản mọi thứ, chỉ dùng đồ cũ, ăn uống đơn giản, tiết kiệm chi phí sinh hoạt nhờ trao đổi nhiều thứ với mọi người xung quanh.
Người mẹ trẻ cũng học hỏi được nhiều kỹ năng trong cuộc sống như nấu ăn, làm vườn, may và sửa quần áo.
Vườn có sẵn nhiều loại trái cây, anh Đức và chị Hanna không có nhu cầu đi siêu thị.
Theo anh Đức, trước khi bỏ phố về quê, việc có sự chuẩn bị trước sẽ bớt khó khăn hơn. Trong số đó, điều cần thiết là có công việc online, nguồn tài chính đủ để phòng bị trong vòng một năm đầu. Bởi lẽ, kiếm tiền lại từ đầu ở quê sẽ rất vất vả.
“Khi thế giới quan được mở rộng, mọi người sẽ nhận ra cuối cùng, hạnh phúc của cuộc đời rất đơn giản. Đó là tập trung vào giây phút hiện tại, những gì mình đang có và tận hưởng thay vì cứ mãi lo nghĩ mai kiếm được bao nhiêu tiền, thăng tiến đến đâu”, anh nói.
Hành trình hội ngộ
Cách đây 4 năm, cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống ở Mỹ, chị Hanna tới Việt Nam du lịch để trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
Khi đến Cát Bà (Hải Phòng) tham gia thử vai cho bộ phim của Canada tuyển diễn viên người nước ngoài, chị tình cờ gặp anh Đức - thời điểm đó đang làm việc cho nhà sản xuất. Họ kết bạn trên mạng xã hội nhưng gần như không liên lạc.
Trở về Mỹ, chị Hanna chăm chỉ học tiếng Việt. Năm 2020, chị quay trở lại TP.HCM sinh sống và làm việc. Hai người bắt đầu trò chuyện nhiều hơn.
Khi biết chị Hanna có ý định chuyển ra Mũi Né (Bình Thuận), anh Đức cũng tới đây. Qua thời gian làm bạn, họ nhận thấy có nhiều điểm chung, đặc biệt là mong ước về cuộc sống đơn giản.
Vài tuần sau khi gặp lại cô gái Mỹ, anh Đức quyết định tỏ tình bằng thơ. Tuy nhiên, dù rung động, chị Hanna cân nhắc về chuyện tình cảm đến quá nhanh.
Sau lần bày tỏ thất bại, anh Đức một mình tới Đà Nẵng và nghĩ rằng cả hai không còn cơ hội gặp lại. Nhưng ít lâu sau, chị Hanna quyết định nghe theo tiếng gọi của con tim. Từ đó, hai người trở thành một đôi và cùng nhau du lịch qua nhiều tỉnh miền Tây.
Anh Đức và chị Hanna dự định đưa con gái về Việt Nam trong vài năm nữa.
Tháng 3 năm ngoái, chị Hanna phát hiện có thai. Anh Đức cùng bạn gái chuyển hẳn về Mũi Né để có môi trường sống trong lành.
Ở giữa thai kỳ, chị Hanna quyết định trở về Mỹ thăm bố mẹ để họ yên tâm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, cặp đôi bị chia cắt cho tới khi con gái chào đời.
Khi chị Hanna sắp lâm bồn, hai người hẹn nhau ở đất nước thứ 3 là Panama vì rất khó xin visa vào Mỹ.
Anh Đức chấp nhận mọi rủi ro trên hành trình di chuyển do quy định về kiểm soát dịch của các quốc gia khác nhau. Khi đến sân bay quá cảnh ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), anh sốc khi nhận tin mình không thể vào Panama.
Chờ đợi ở sân bay 2 ngày để kết nối, giải quyết các thủ tục, anh Đức mới lên được chuyến bay tới Panama. Tuy nhiên, đáp xuống sân bay chưa đầy nửa tiếng, anh được dẫn sang máy bay khác để trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Do bất đồng ngôn ngữ, anh Đức đành nghe theo. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh tiếp tục mắc kẹt 7 ngày rồi buộc phải trở về Việt Nam.
Tới tháng một năm nay, khi dịch bệnh bớt căng thẳng, anh Đức xin visa vào Peru để qua đất nước này nhập cảnh vào Ecuador. Đây là nơi chị Hanna sinh và nuôi con.
Trải qua nhiều khó khăn, gia đình nhỏ được đoàn tụ. Con gái của hai người mang quốc tịch Ecuador, trong khi bố mẹ là công dân dài hạn với điều kiện sống ở đây ít nhất 2 năm.
“Vùng Nam Mỹ rất rộng lớn, cộng đồng rừng phong phú với văn hóa tâm linh độc đáo. Tháng sau, gia đình tôi dự định chuyển nơi ở khác để trải nghiệm. Có lẽ vài năm nữa, chúng tôi sẽ về thăm Việt Nam”, ông bố trẻ nói.
TheoZing.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét