Người chết trò chuyện với người sống tại lễ tang của chính mình
Một phụ nữ vừa qua đời có thể nói chuyện với những người tham dự lễ tang của mình nhờ công nghệ video ba chiều trên nền trí tuệ nhân tạo (AI).
Marina Smith qua đời tháng 6 năm nay ở tuổi 87. Bà đã xuất hiện đầy bất ngờ ngay sau lễ hỏa táng ngày 29/7. Bà có bài phát biểu ngắn gọn về cuộc đời, tâm linh và trả lời câu hỏi của người thân tham gia lễ viếng.
Điều này trở thành hiện thực nhờ con trai của bà, Tiến sĩ Stephen Smith - đồng sáng lập kiêm CEO công ty trí tuệ nhân tạo StoryFile. Ông cho biết những người có mặt bị “sốc” khi nhìn thấy mẹ của mình trên màn hình. Điều gây kinh ngạc là bà trả lời các câu hỏi với sự chân thực và hé lộ cả những thông tin mới.
“Mọi người cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi ghi lại dữ liệu của họ. Những người đến viếng có thể tiếp xúc với một phiên bản tự do hơn, chân thực hơn của người đã khuất”, Tiến sĩ Smith chia sẻ.
StoryFile tạo ra bản sao kỹ thuật số của một đối tượng bằng cách dùng 20 camera đồng bộ để quay phim khi họ trả lời hàng loạt câu hỏi. Sau đó, các chuyên gia sẽ xử lý hậu kỳ, gắn thẻ các clip, dùng chúng để đào tạo một AI nhằm cung cấp phản hồi theo ngôn ngữ tự nhiên. Sản phẩm hoàn thiện được tải lên nền tảng StoryFile, công bố sau khi người đó qua đời. Những người dự tang lễ có thể nói chuyện với người đã khuất do công nghệ tạo ra ảo giác về một cuộc trò chuyện thời gian thực. Theo các nhà phát triển, StoryFile tương thích với mọi thiết bị kết nối như hệ thống thực tế ảo, tăng cường, 3D
Khi còn sống, bà Smith dùng cả đời mình làm việc thiện, giúp đỡ mọi người ở các khu vực chưa phát triển tại Anh cũng như nước ngoài. Bà được nhận danh hiệu MBE cao quý của Nữ hoàng Anh năm 2005 vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của mình.
Hồi tháng 1, bà dành vài giờ để quay phần trả lời cho những câu hỏi StoryFile bằng webcam và máy tính. Ngoài các câu hỏi về tuổi thơ, bố mẹ ly hôn, trải nghiệm của người nhập cư, bà còn chuẩn bị phản hồi cho những câu hỏi về quan điểm chính trị, môi trường và tương lai, các chủ đề bà chưa từng trao đổi với con trai.
Theo ông Smith, người thân ấn tượng vì "sự xuất hiện" trung thực của mẹ mình tại tang lễ. Trước đây, bà ấy quá xấu hổ nên không muốn tiết lộ tuổi thơ thực sự của mình.
Ra đời năm 2017, StoryFile ban đầu muốn lưu giữ câu chuyện của những người sống sót trong thảm họa Holocaust và các nhân vật lịch sử khác song đã chuyển hướng. Một cá nhân muốn tạo StoryFile cho riêng mình sẽ lựa chọn những chủ đề mà họ nghĩ là bạn bè và người thân muốn hỏi chẳng hạn như bí mật tuổi thơ… Tiếp đó, họ trả lời 75 trong ngân hàng 250.000 câu hỏi.
Công ty đã hợp tác với diễn viên William Shatner trong phim Star Trek để tạo ra hình ảnh ba chiều cho ông, giúp lưu giữ “ký ức và di sản cho các thế hệ tương lai”. Nhờ đó, thế hệ tương lai có thể trao đổi với ông một cách chân thực, không phải với avatar hay deepfake mà là một William Shatner sống động.
Công nghệ StoryFile đã có mặt từ tuần này với giá 39,99 bảng Anh (1,1 triệu đồng).
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét