HỘI HỌA THỜI KỲ BAROQUE

9:17:00 SA

 


HỘI HỌA THỜI KỲ BAROQUE

Bài viết của Chu Truong Thach
Ảnh sưu tầm
Thời kỳ Baroque thể hiện trong mọi lĩnh vực tư tưởng, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, văn học ... Bài viết này đề cập riêng lĩnh vực hội họa.
Khởi phát từ Ý, xu hướng này lan nhanh khắp châu Âu nhưng lại phát triển rực rỡ nhất ở xứ Flandre, vùng đất ngày nay bao gồm Bỉ, Hà Lan và một phần nước Pháp.
Nguyên nhân của sự phát triển được cho là do sự ủng hộ của các hoàng gia mạnh trong thời kỳ này, điển hình là vua Mặt Trời Louis 14 đã cho mở rộng cung điện Versailles với những tạo hình đặc trưng của nghệ thuật Baroque, hoành tráng, trang trọng và hoa mỹ, với những chủ đề dựa theo Kinh Thánh có hiệu ứng mờ ảo. Hoặc là hoàng gia Tây Ban Nha sau một thời kỳ chinh phục đại dương chiếm được nhiều vùng đất mới ở Mỹ La Tinh và Thái Bình Dương thu được vô số của cải.
Đặc trưng nổi bật của hội họa Baroque là hình tượng mạnh mẽ, đề cao tính hiện thực của hình thể con người tuy lại chú ý đến tỷ lệ thật ấn tượng, dáng điệu thật hùng vĩ, hành động cử chỉ thật duyên dáng, hiếm khi sử dụng các đường thẳng, mà nặng thiên hướng các đường cong uyển chuyển, quyến rũ.
Đã có rất nhiều họa sĩ tài năng như
Caravaggio được coi là họa sĩ nổi bật nhất đầu tiên trong phong trào Baroque và có sức ảnh hưởng quan trọng với những người kế tục.
Diego Velázquez, một bậc thầy Baroque Tây Ban Nha
Nicolas Poussin ở Pháp
Gian Lorenzo Bernini ở Ý
Johannes Vermeer: Họa sĩ người Hà Lan
Peter Paul Rubens: Họa sĩ người Flemish được đào tạo tại Rome
Rembrandt van Rijn cũng là một bậc thầy xứ người Hà Lan
Đặc biệt xuất hiện một phụ nữ hiếm hoi nhưng rất tài năng là Artemisia Gentileschi
Bài viết tập trung phân tích hai tác phẩm thú vị
Rokeby Venus (Venus soi gương,1651) là một bức tranh của Diego Velázquez, Đây là tranh khỏa thân duy nhất của Velázquez còn lưu truyền đến nay vì thời đó đây là đề tài cấm kỵ, may mà Velázquez là họa sĩ triều đình và ông khôn khéo sáng tác ở Ý nên không bị kết tội. Vậy mà 1914, Mary Richardson, một người theo phong trào bảo vệ nữ quyền đã dùng dao chặt thịt xông vào phòng tranh chém xối xả làm bức tranh rách tơi tả với giải thích: giải thoát người phụ nữ đẹp nhất thời Baroque khỏi bị lũ đàn ông nhòm ngó, nhìn chằm chằm cô ấy cả ngày.
Họa sĩ đã ý tứ để Venus nằm quay lưng lại, nhưng những đường cong tuyệt đẹp lại vô cùng ấn tượng khiến người ta khao khát. Và cậu con trai tinh nghịch chính là thần tình yêu Cupid đã cầm gương để người ta có thể chiêm ngưỡng cả vẻ đẹp phía trước của mẹ mình. Họa sĩ đã nhấn mạnh vẻ tròn trịa, những đường cong tuyệt mỹ và làn da mịn màng nuột nà khó có thể làm ngơ. Và họa sĩ đã tạo một trò chơi khó cưỡng với tấm gương phản chiếu khuôn mặt quyến rũ của nữ thần sắc đẹp có cái nhìn như muốn buộc người xem khuất phục thừa nhận quyền năng của cái đẹp toàn thân.
Velázquez đã tạo thêm một trò chơi trong vị trí của Venus với người xem, tạo ra một ảo tưởng như người xem đang bí mật chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp tuyệt trần của Venus từ phía sau mà có ngờ đâu nàng lại đang xem xét thái độ của người xem qua gương, hoặc là ảo giác rằng người xem đang được ở cùng một không gian, cùng một căn phòng với Nữ thần sắc đẹp, đồng thời từ vị trí bên ngoài lại được quan sát toàn bộ thân hình khỏa thân đang phơi bầy đầy đủ trước mắt, tức là người xem vừa ở ngoài chiêm ngưỡng, lại vừa dấn thân vào trong để được Nữ thần nhìn ngắm.
Tác phẩm hiện được trưng bày tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London, Vương quốc Anh.
Tác phẩm thứ hai là Suzanne và các vị trưởng lão (Suzanne and the Elders) của nữ họa sĩ nổi danh duy nhất, sang stác năm 1610 khi cô 17 tuổi.
Bức tranh là sự thể hiện của một câu chuyện Kinh thánh.
Hai người đàn ông lớn tuổi ngầm chú ý đến một phụ nữ trẻ đã kết hôn tên là Susanna. Một ngày nọ, Suzanne ra khu vực tắm ở ngoài vườn thì người quản gia của cô ấy bị hai đàn ông kia mua chuộc đã cho vào. Hai vị trưởng lão đã đòi hỏi được hưởng lạc nhưng bị từ chối. Thế là hai kẻ tội đồ đe dọa sẽ hủy hoại danh tiết của cô và thực sự sau đó đã vu cáo Susanna ngoại tình vì đã cho họ vào nhà. Ở thời đó, ngoại tình có thể bị trừng phạt bằng cái chết. May thay, một nhà thông thái trẻ tên là Đa-ni-ên đã tách riêng hai gã dâm tặc tra hỏi riêng họ, và phát hiện các chi tiết không khớp, mâu thuẫn tiết lộ sự giả dối trong lời khai của họ. Nhờ đó mà Suzanne vô tội.
Bố cục bức tranh truyền tải nỗi kinh hoàng của Suzanne trước sự xuất hiện của hai người đàn ông lớn tuổi ở phòng tắm và sự ngạc nhiên đến phẫn nộ của cô khi đối mặt với những đề xuất bất ngờ, thô bỉ của những ông già dâm đãng, tha hóa.
Gentileschi bố trí theo chiều dọc với nền duy nhất là bầu trời xanh bị phủ bóng tối bởi dáng hình dâm đãng của hai ông già tạo ra một cảm giác áp lực ác độc áp lên Suzanne, gây một ấn tượng khủng khiếp cho người xem theo đúng phong cách cường điệu của trường phái Baroque
Ngược lại, bên dưới, Suzanne ngồi không hề trhoải mái, tư thế uốn éo thể hiện sự đau khổ, tuy vậy cô vẫn cố chống lại dù tuyệt vọng nhưng rất nữ tính, thể hiện đức tính khiêm nhường nhưng chung thủy, không chịu khuất phục bởi đe dọa và uy hiếp
Bức tranh cũng cho thấy các nghệ sĩ đã mượn Kinh thánh để tạo cơ hội thể hiện tài năng trong việc miêu tả khỏa thân phụ nữ, tuy thường là để làm hài lòng những khách hàng có địa vị, có tiền của, quen thuộc là nam giới.
Một thành ngữ La tinh hay được dùng cho thời kỳ này là: memento mori, có nghĩa là "Hãy nhớ răng ai rồi cũng sẽ chết". Song cũng có một thành ngữ khác Carpe diem có nghĩa là "Hãy sống với ngày hôm nay", đơn giản là "Đừng bao giờ hoãn cái sự sung sướng hiện tại lại".
HN, HG, Chủ Nhật, 31*7*2022

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.