NỔ & CHÉM !
Người Hà nội ngày nay đã và đang khác xa ngày xưa, khác nhiều lắm và khác ở rất nhiều chỗ. Cái mà tôi muốn đề cập ở đây là sự khác nhau trong cách nói chuyện hay nói cách khác là cách giao tiếp ứng xử trong khi uống rượu.
Ngày trước khi uống rượu người Hà nội cổ xưa họ mời mọc nhau lịch sự lễ phép ăn nói nhỏ nhẹ tôn trọng nhau và có thứ bậc, họ chọn và nói với nhau những câu chuyện vui vẻ, họ chúc tụng nhau rất từ tốn và đặc biệt họ nói rất nhỏ cũng như tránh những câu chuyện vô bổ gây tranh cãi bất đồng quan điểm.
Và ngay cả khi họ không vừa lòng nhau hay bất đồng ý kiến họ vẫn nhã nhặn và nhẹ nhàng tìm ra những lời lẽ đầy hiểu biết, lịch sự có tính thuyết phục để phân tích và phản biện...
Ngày nay thì hoàn toàn ngược lại, ngồi vào bàn rượu sau vài ba cốc có tý men là mạnh ai người đó nói. Họ nói rất to, thi nhau "Nổ", "Chém" và nói những câu chuyện vô bổ để sỹ diện, thể hiện và khích bác nhau thậm chí tranh cãi hơn thiệt đến mức độ gây ra giận dữ cãi nhau, đánh nhau.
Người Hà nội ngày nay khi uống rượu hay liên hoan với nhau không biết tìm những câu chuyện vui đồng quan điểm để nói, họ hay phản bác ý kiến của người khác và luôn bảo vệ ý kiến của mình một cách bảo thủ bất kể đúng hay sai tạo ra một không khí căng thẳng, gây bất hoà với nhau trong cuộc rượu, đấy là chưa kể đến những người thiếu hiểu biết hay kiến thức nông cạn trong khi nói chuyện nhưng lại thích "tỏ ra là nguy hiểm" và luôn cãi cùn, cãi cố “như đúng rồi” làm cho người khác khó chịu, bực mình.
Nếu chúng ta chú ý quan sát kỹ hơn một chút thì sẽ thấy hầu như ở bất cứ bàn rượu nào cũng có một hình ảnh giống nhau như vậy, họ nói chuyện rất to và ầm ỹ và có những lúc người ngoài cuộc tưởng họ như là sắp sửa đánh nhau...
Khác hẳn với những văn hoá ở các nước khác, trong nhà hàng hay quán xá họ rất là yên tĩnh và nhẹ nhàng, hầu như không nghe thấy gì và họ rất kỵ chuyện to tiếng. Họ biết cách và chọn những câu chuyện thích hợp để nói, tạo ra một không khí vui vẻ hoà đồng.
Ở nước ta thì ngược lại nó ồn ào và ầm ỹ, đến mức độ mà ai cũng phải gào lên thì mới nghe thấy người kia nói thật là bất lịch sự và khó chịu.
Tại sao lại như vậy ?
Cái hay cái tốt từ ngàn xưa của các cụ để lại thì không học, không gìn giữ mà lại học và phát triển những cái tồi, cái xấu nếu không muốn nói đó là một hiện tượng xã hội đang bị mai một, xuống cấp và ngày một suy đồi, tồi tệ hơn.
Thật đáng buồn...
Tuệ Phong. (HN trong tim )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét