Mọi chuyện trên đời đều có an bài

2:11:00 CH

 


Người xưa có câu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, chính là để nói rằng: mọi chuyện trên đời đều đã được trời cao an bài. Bất luận bạn gặp ai hay chuyện gì, cho dù bạn không muốn, cho dù nó đem lại đau thương hay tuyệt vọng, tuyệt đối chẳng phải ngẫu nhiên, tất cả đều là sự sắp đạt hoàn hảo nhất.

Chuyện kể rằng có một người lữ hành đi ngang qua bờ sông, gặp một người phụ nữ trung niên đang lo lắng vì không tìm được cách qua sông. Người lữ hành này dùng toàn bộ sức cùng, lực tận của mình giúp người phụ nữ đó qua sông; sau khi qua được sông, người phụ nữ này liền vội vàng bước đi mà không nói một lời nào.

Người lữ hành cảm thấy hối hận và cảm giác người phụ nữ này không đáng để giúp đỡ, bởi ngay cả một câu “cảm ơn” bà ấy cũng không biết.

Ai ngờ, khoảng hơn một tiếng sau, có một chàng thanh niên trẻ đuổi theo người lữ hành và nói: “Cảm ơn anh đã giúp mẹ tôi qua sông; mẹ tôi kêu tôi đem tặng anh thứ này.” Nói xong chàng thanh niên đưa cho người lữ hành một ít lương khô, và cả con ngựa mình đang cưỡi.

Cuộc đời là như vậy, tất cả mọi việc ta gặp đều là sự sắp đặt hoàn hảo. Mọi việc trên đời đều có đáp án, chỉ cần bạn chờ đợi, kiên nhẫn. Thượng Đế đều sẽ có an bài tốt nhất.

“Tất cả đều là an bài tốt nhất”.

Có một vị quốc vương kia rất thích săn bắn, thường cùng thừa tướng cải trang thành thường dân vào rừng đi săn. 

Một hôm hai người cùng nhau đi săn, vị quốc vương bắn được một con báo hoa. Sau khi con báo hoa trúng tên bị thương sắp chết, vị quốc vương xuống ngựa định chạy đến thu chiến lợi phẩm của mình. Ngờ đâu, con báo hoa dùng chút sức lực cuối cùng bật dậy vồ lấy quốc vương.

Vị Quốc vương nhanh nhẹn né sang một bên nhưng vẫn bị báo hoa cắn vào đầu ngón tay mất một miếng. Quốc vương gọi Thừa tướng đến dùng rượu rửa vết thương cho mình; ai ngờ, vị Thừa tướng lại nói:

“Đại vương hãy nghĩ thoáng đi một chút; tất cả đều là sự an bài tốt nhất.”

Quốc vương thấy Thừa tướng không những không giúp mình trị thương lại còn nói vậy, nên nổi giận nói:

“Nếu như quả nhân đem Thừa tướng nhốt vào đại lao, đây cũng là an bài tốt nhất sao?”

Vị Thừa tướng cười nói: “Nếu là vậy, thần vẫn tin rằng đó là an bài tốt nhất.”

Quốc vương nghe vậy lại càng giận hơn, bèn cho người nhốt Thừa tướng vào đại lao.

Một tháng sau, Quốc vương dưỡng thương xong, lại một mình vào rừng săn bắn. Khi đến một nơi thâm sâu cùng cốc trong núi cao rừng già, đột nhiên xuất hiện một đám người thổ dân; đám thổ dân nhanh chóng bắt lấy Quốc vương đem về bộ lạc. Bộ lạc này có tập tục là vào mỗi ngày trăng tròn trong tháng thì đều xuống núi tìm lễ vật để tế nữ Thần của mình.

Khi đám thổ dân chuẩn bị đem Quốc vương đi hỏa thiêu trên dàn tế, trong lúc Quốc vương tuyệt vọng đợi chết thì họ phát hiện tay Quốc vương bị thiếu mất nửa đốt ngón tay. Đây là một lễ vật không hoàn mỹ, sẽ làm nữ thần họ phẫn nộ. Vậy nên đám thổ dân tha cho Quốc vương trở về.

Quốc vương vui mừng trở về cung, bày yến tiệc rồi mời Thừa tướng đến uống rượu. Trong lúc cao hứng, Quốc vương nói: “Thừa tướng nói quả là không sai chút nào; tất cả đều là an bài tốt nhất. Nếu như hôm đó tay quả nhân không bị báo hoa cắn một miếng, e rằng mạng này của quả nhân đã không còn rồi.”

Nói xong Quốc vương nhìn Thừa tướng rồi đột nhiên nghĩ ra: “Nhưng mà, thừa tướng vô duyên vô cớ bị quả nhân đem nhốt vào ngục hơn một tháng; điều này giải thích sao đây?”

Thừa tướng đáp: “Nếu như thần không bị nhốt vào ngục, vậy chẳng phải thần sẽ cùng đại vương đi săn sao? Khi đám thổ dân phát hiện đại vương không thích hợp làm lễ vật, chẳng phải họ sẽ bắt thần thay thế sao?”

Quốc vương nghe vậy cười lớn mà rằng: “Quả không sai, tất cả đều là an bài tốt nhất.”

Người Ấn Độ lấy những quy luật tâm linh này làm kim chỉ nam.

“Bất luận bạn gặp ai, đó đều là gặp đúng người.

Bất luận phát sinh vấn đề gì, đó đều là việc duy nhất phát sinh.

Bất kể sự việc phát sinh lúc nào, đều là đúng thời khắc.”

Trong cuộc đời, mọi sự đến với ta tưởng như tình cờ nhưng hoàn hoàn không phải ngẫu nhiên. Mỗi người bước vào cuộc đời chúng ta đều có duyên phận, dẫu là thiện duyên hay ác duyên thì đều để giúp ta nhận ra bài học nào đó. 

Người đối xử tốt với ta giúp ta hiểu thế nào là thiện lương, tử tế, cho ta sự ấm áp để ta trân quý lòng tốt, nâng đỡ tâm hồn ta trở nên cao thượng hơn. Người đối xử tệ bạc với ta để ta học cách tha thứ, cho ta hiểu thế nào là ‘trả nợ’ kiếp trước, có lẽ ta đã từng đối xử không tốt với người ta. 

Tất cả những người chúng ta gặp trên đường đời đều là những người “thầy” cho ta những bài học vô giá để trưởng thành, hiểu thấu hơn ý nghĩa cuộc nhân sinh. Vì thế thay vì oán trời trách người, ta biết chấp nhận để tôi luyện bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào, từ đó hoàn thiện phẩm cách trở nên viên mãn. 

Bất kỳ tình huống hay hoàn cảnh nào mà ta trải qua trong đời đều là tuyệt đối hoàn hảo, dù cho nó không phù hợp với lý giải và ý muốn của chúng ta. Mỗi chuyện xảy ra đều là một mảnh ghép hoàn hảo trong bức tranh số phận cuộc đời. Vì thế đừng hối tiếc hay phiền muộn về những điều bất như ý. Hãy tin rằng mọi điều xảy ra đều có lý do của nó, việc của chúng ta chỉ là đón nhận với sự bao dung, thái độ điềm tĩnh an nhiên. 

Chuyện gì đến, sẽ đến, cho dù ta muốn hay không. Vì thế đừng phí thời gian lo lắng cho tương lai, bởi đó là cách lãng phí nhất để đánh mất đi hiện tại, vốn dĩ là thứ duy nhất chúng ta có. 

Không mơ tưởng tương lai cũng chẳng nên níu kéo quá khứ, bởi tất cả những gì chúng ta cần học là buông bỏ những dính mắc của tâm trí, chỉ khi đó ta mới cảm nhận được sự bình yên của nội tâm, mới có thể sống một cuộc đời thanh thản và thuận theo tự nhiên, để sinh mệnh mình trôi theo dòng chảy của vũ trụ, hòa cùng với những quy luật, đặc tính thiêng liêng và những mối nhân duyên ý nghĩa mà Thượng Đế đã dành riêng cho ta.

Không kể là bạn gặp ai, họ đều là những người cần xuất hiện trong đời bạn. Không kể xảy ra chuyện gì, đó đều là chuyện cần phải xảy ra. Không kể sự tình bắt đầu vào thời khắc nào, đó đều là thời khắc đúng đắn. Chuyện đã kết thúc, chính là nên kết thúc rồi.

Mỗi một khó khăn và chướng ngại, trên thực tế đều là lời chúc phúc âm thầm, đều là sự an bài tốt nhất của thiên thượng.

Đợi chờ là cảnh giới của trí huệ.

Đợi chờ cũng là cảnh giới của trí huệ bởi tất cả những gì tốt đẹp và thú vị nhất của cuộc sống này đều được vun bồi từ sự kiên nhẫn mà ra. Rất có thể là cái khổ mà hôm nay ta chịu, trách nhiệm mà hôm nay ta phải gánh, nỗi đau mà hôm nay ta trải ; sau cùng, sẽ thành ánh sáng, bình minh của ngày mai.

Khi Moses nói chuyện mặt đối mặt với Chúa về kế hoạch quy tụ dân Israel. “Và Thượng Đế phán cùng Moses rằng: Này, ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Và ta sẽ cho ngươi thấy tác phẩm của bàn tay ta; Và ta có một kế hoạch cho ngươi, hỡi Moses, con trai của ta” (Moses 1:3–4, 6).

Với sự hiểu biết này, Moses đã có thể chịu đựng nhiều năm hoạn nạn trong đồng vắng và dẫn dắt dân Israel trở về quê hương họ.


Cổ nhân nói: 
“Trong họa được phúc, mà trong phúc có họa” cũng chính là ý này. Khi chúng ta gặp khó khăn, nghịch cảnh, những tình huống không như ý, thì cũng đừng quá bi thương; hãy học cách nhìn xa hơn, nhìn rộng hơn, dùng tâm thái tĩnh lặng, khoáng đạt mà đối diện với mọi việc; trời cao không vô duyên vô cớ mà an bài bất cứ việc gì đó. Hãy tin rằng Thượng Đế luôn có kế hoạch vĩ đại của Ngài.

Sưu tầm 

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.