Mặt trời phù phép phóng lửa khổng lồ về Trái đất
Mặt trời phóng các tia lửa khổng lồ vào Trái đất; Tàu thám hiểm sao Hỏa của NASA trở lại; Bí mật về bão xoáy trên sao Mộc... là những tin vũ trụ nóng nhất tuần qua.
Mặt trời phóng lửa khổng lồ
Video mới do tàu vũ trụ của NASA quay được đã ghi lại cảnh tượng ngoạn mục khi Mặt trời phun trào tia sáng khổng lồ ngay trước lễ Halloween.
Đoạn video do Solar Dynamics Orbiter của NASA thực hiện cho thấy những góc nhìn cận cảnh đầy mê hoặc về các tia lửa Mặt trời từ ngày 25-28.10, kết thúc bằng một cơn bão mặt trời lớn cấp X1 có thể khuếch đại cực quang của Trái đất vào cuối tuần đúng ngày Halloween.
"Một hiện tượng huyền bí với ánh sáng chói lòa phóng ra từ tia lửa cùng tốc độ nhanh như cắt, cứ như thể Mặt trời đang sử dụng một câu thần chú ngay trong ngày Halloween vậy" - NASA cho biết.
Đoạn video bắt đầu với một loạt các vụ phun trào Mặt trời vào ngày 25.10 từ một vùng hoạt động ở bên trái, "nhấp nháy với một loạt các đốm sáng nhỏ và các vụ phun trào giống như cánh hoa đang nở của vật chất mặt trời" - các quan chức NASA viết.
Có lẽ ấn tượng hơn cả là ngọn lửa mặt trời X1, phát nổ hôm 28.10 từ một vết đen ở trung tâm phía dưới của Mặt trời, đối diện trực tiếp với Trái đất. X1 được phân loại là bão mặt trời mạnh nhất.
Các quan chức NASA gọi vụ phun trào là một "ngọn lửa mặt trời đáng chú ý" - ám chỉ nó có những ảnh hưởng nhất định, đồng thời cho biết nó đã được Đài quan sát Động lực học Mặt trời (SDO) của NASA ghi lại trong video thời gian thực.
Lửa mặt trời hôm 28.10 đi kèm với cơn bão bức xạ và một vụ phun trào lớn của vật chất mặt trời làm bung các hạt mặt trời tích điện ra bên ngoài với vận tốc hơn 4 triệu km/h. Những hạt đó đến Trái đất vào cuối tuần, và có thể khuếch hiện tượng cực quang.
Cực quang của Trái đất xảy ra khi các hạt tích điện từ Mặt trời tương tác với tầng trên của bầu khí quyển, tạo nên ánh sáng lấp lánh. Từ trường của Trái đất hướng các hạt này về phía các vùng cực, vì vậy chúng thường có thể nhìn thấy ở các vĩ độ cao phía bắc bán cầu.
Nhưng các hạt bổ sung từ cơn bão mặt trời có thể khuếch đại cực quang để chúng có thể nhìn thấy từ xa hơn về phía nam, như New York, Idaho, Illinois, Oregon, Maryland và Nevada của Mỹ.
Tàu thám hiểm sao Hỏa của NASA trở lại, lợi hại hơn xưa
Tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance của NASA trở lại sau một thời gian tạm nghỉ và chụp được những bức ảnh sao Hỏa tuyệt đẹp.
Cuối tháng trước, sao Hỏa tiến tới vị trí "giao hội Mặt trời" trên quỹ đạo. Hiện tượng này xảy ra khi sao Hỏa và Trái đất di chuyển về hai phía của Mặt trời và cả ba gần như nằm trên một đường thẳng. Bức xạ điện từ của Mặt trời ảnh hưởng lớn đến liên lạc giữa tàu thăm dò, tàu quỹ đạo và kiểm soát mặt đất. Sự cố mất tín hiệu do ảnh hưởng của bức xạ điện từ Mặt trời là hiện tượng phổ biến, buộc NASA phải tạm dừng hoạt động của phần lớn tàu thám hiểm sao Hỏa vì lý do an toàn.
Sau thời gian ngắt tín hiệu, tàu thám hiểm sao Hỏa của NASA và Trung Quốc đã nối lại liên lạc với Trái đất, thậm chí Perseverance còn gửi về những bức ảnh tuyệt đẹp.
Phát hiện bí mật sửng sốt đằng sau bão xoáy khổng lồ trên sao Mộc
Tàu vũ trụ Juno của NASA phát hiện bão xoáy khổng lồ trên sao Mộc trải dài xuống phía dưới sâu hơn nhiều so với dự kiến.
Các đường sọc và một vài cơn bão lốc xoáy được gọi là Vết Đỏ Lớn trên sao Mộc tạo ra một bầu khí quyển đầy màu sắc trên hành tinh thứ 5 tính từ Mặt trời này. Đây được coi là một trong những kỳ quan của Hệ Mặt trời và đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, nhưng các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa hiểu rõ về những gì ẩn sâu bên dưới bề mặt của nó.
Tuy nhiên, theo kết quả 2 nghiên cứu mới nhất về sao Mộc công bố trên tạp chí Khoa học hôm 28.10, dựa trên các phép đo vi sóng và trọng lực do tàu thám hiểm Juno của NASA thu được, các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Tây Nam ở Texas, Mỹ đã phát hiện, cơn bão xoáy Vết Đỏ Lớn trải dài xuống độ sâu từ 350 đến 500km bên dưới các đỉnh đám mây của Sao Mộc.
Thay vì bị giới hạn ở phần trên cùng của bầu khí quyển Sao Mộc, phần gốc rễ của Vết đỏ Lớn lao thẳng xuống các vùng xa hơn - nơi nước ngưng tụ và hình thành mây - và sâu tận nơi Mặt trời không thể chiếu đến.
NASA tung video kỳ thú về Trái đất khi nhìn từ cực nam Mặt trăng
Xưởng Hình ảnh Khoa học của NASA tại Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard ở Maryland (Mỹ) đã phát hành đoạn video ngắn mô phỏng góc nhìn từ cực nam Mặt trăng đến Trái đất trong ba tháng. Đoạn video được NASA nén thành 2 phút.
Trong video, Trái đất nhấp nhô lên xuống trong khi Mặt trời lướt nhẹ nhàng hơn quanh đường chân trời. Nếu theo dõi kỹ video, bạn cũng thấy được hiện tượng nhật thực khi Trái đất đi qua trước Mặt trời (Nếu nhìn từ Trái đất, đây sẽ là nguyệt thực).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét