NHỮNG LỜI DẠY CỦA HÒA THƯỢNG THIỀN SƯ VIÊN MINH
Thí dụ trong cuộc sống ai cũng có khổ, có lạc. Nên nếu ai thích lạc thì khi gặp khổ sẽ thấy khổ hơn, ngược lại, ai chịu được khổ thì khi lạc sẽ thấy lạc nhiều hơn. Trong Dịch lý, mọi sự vận hành theo quy luật “cực lạc sinh bi” nên cực lạc sẽ đi dần đến cực khổ. Mùa Xuân hoa lá đẹp tươi rồi sẽ dần héo tàn trơ trụi vào mùa Đông. Sự vận hành của pháp là sự xoay chuyển tự nhiên, từ cực này đến cực kia, “Bĩ cực thái lai” rồi “Cực lạc sinh bi” chính là sự vận hành
theo quy luật cùng tắc biến, cực tắc phản của Dịch lý. Hạnh phúc và đau khổ chỉ là hai cực của sự trở thành. Cho nên sự tìm cầu và tu luyện sở đắc chỉ là vòng lẩn quẩn của luân hồi sinh tử mà thôi. Đức Phật cũng Người giác ngộ không chọn thái bỏ bĩ hay chọn lạc bỏ khổ mà là người sống trọn vẹn tỉnh thức trong thực
tại đang là, dù bĩ hay thái, khổ hay lạc. Bản ngã càng chọn thái bình an lạc càng gặp phiền não khổ đau nhiều hơn. Ví như người chỉ thích mùa Xuân thì ba mùa Hạ, Thu, Đông sẽ cảm thấy khổ. Do đó thích lạc thì khổ nhiều hơn, ngược lại chịu được khổ thì lạc nhiều hơn. Đó là lý do vì sao Dịch có đạo lý “Thời bĩ tắc bĩ, thời hanh tắc hanh” tức khi bế tắc cứ bế tắc, khi hanh thông cứ hanh thông, không cần đứng núi này
trông núi nọ, vì bế tắc rồi cũng qua, hanh thông rồi cũng hết. Chọn lựa cái mình thích cuối cùng chỉ mời gọi cái mình ghét. Đó là quy luật vận hành của Pháp.
Vậy hiện tại, bất cứ đang trong tình trạng nào
cũng đều là bài học của Pháp để dù bĩ hay thái, tham hay sân thì cũng ngay đó cần định tĩnh sáng suốt để thấy ra sự thật, vì “chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây”. Nếu đang trong thời bĩ, mà cảm nhận trọn vẹn được cái bĩ này tức cảm thông được với nguyên lý vận hành của vạn pháp. Như vậy, khi tâm đang sân thì ngay đó trọn vẹn tỉnh giác, cảm nhận trạng thái sân thì trọn vẹn chính là Định, tỉnh giác chính là Tuệ. Tức ngay đó Định và Tuệ đầy đủ. Cho
nên Dịch lý mới nói muốn “cảm nhi toại thông”
nguyên lý của Dịch thì phải “Vô vi”, “vô tư” và “tịch nhiên bất động” tức là không tạo tác gì hết, ngay đó sân chỉ thấy sân thôi, bĩ chỉ thấy bĩ thôi.
Trong Kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật dạy rất rõ, sân thì thấy sân như nó đang là, tham thì thấy tham như nó đang là. Dịch lý gọi đó là “thời vị trung chính”, tức ngay đây và bây giờ nó đang là như vậy là như vậy .
Ở đây có một điểm rất đáng lưu ý, đó là trật tự
vận hành của Pháp. Tại sao có sự bất an? Vì làm mất trật tự vận hành của Pháp. Tại đây và bây giờ Pháp đang vận hành như vậy thì lại mơ mộng tương lai, tiếc nuối quá khứ hoặc thả ý lang thang theo ngoại cảnh chính là tạo ra bất an, còn nếu ngay đây và bây giờ dù hiện trạng đang như thế nào tâm vẫn trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thì làm sao bất an được. An có
nghĩa là để Pháp vận hành tự nhiên như nó đang là. Nhưng nếu chúng ta bị quá khứ, tương lai hay bên ngoài chi phối thì liền đánh mất trật tự vận hành của Pháp ngay nơi thực tại. Hoặc nếu chúng ta khởi ý cố dừng lại ở một trạng thái nào như định chẳng hạn cũng đánh mất trật tự vận hành của Pháp vì sự vận hành luôn trôi chảy chứ không dừng lại chỗ nào. Mọi
hiện tượng đều vô thường vậy mà mình cứ muốn nó thường theo ý mình như muốn đắc định, muốn an lạc rồi cố giữ lại những trạng thái đó cũng là đánh mất trật tự vận hành của Pháp. Đức Phật nói: “Không bước tới, không dừng lại, Như Lai thoát khỏi bộc lưu”.
Vì nếu dừng lại thì bị chìm đắm, bước tới thì bị cuốn trôi. Bộc lưu là dòng nước chảy xiết tượng trưng cho vòng sinh tử luân hồi, thoát khỏi bộc lưu không phải là bước ra ngoài dòng Pháp mà là không dừng lại, không bước tới, chỉ thấy dòng Pháp đang vận hành.
Vậy cần xem xét lại liệu phương pháp mỗi người đang hành có bước tới hay dừng lại không. Nếu cố hành để mau đắc định là đang bước tới, rồi khi đã đắc định thích an trú trong định là đang dừng lại.
Cũng vậy, cố hành để được an lạc là đang bước tới, được an lạc rồi thì dính mắc là đang dừng lại. Đó chính là đang bị cuốn trôi và chìm đắm trong câu trả lời vô cùng chính xác của Đức Phật. Chỉ cần một yếu tố là thấy, giác hay minh, tức sáng suốt không bị mê mờ mới có thể “vô vi giả, vô tư giả”, mới có thể không bị cuốn trôi hoặc chìm đắm trong sinh tử.
Sách Khai Thị Thực Tại - HT.Viên Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét