Bàn về "Tiên học Lễ, hậu học Văn "
Hiện nay lại rộ lên việc bàn về “tiên học lễ, hậu học văn” sau khi giáo sư, tiến sỹ khoa học Trần Ngọc Thêm, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM - nêu quan điểm: "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động". Ông đề nghị chấm dứt dùng khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" để thúc đẩy tư duy phản biện. Người ủng hộ cũng nhiều và người phản đối cũng không phải là ít. Tôi không dám tranh luận vì không có kiến thức nho học. Tôi chỉ xin trình bày suy nghĩ của mình về câu này mà thôi.
1. Chữ “lễ” được giải thích như thế nào?
Theo từ điển Hán Nôm, lễ được hiểu là:
- Nghi thức trong đời sống xã hội do quan niệm đạo đức và phong tục tập quán hình thành như: “hôn lễ” nghi thức hôn nhân, “tang lễ” nghi tiết về tang chế.
- Phép tắc, chuẩn mực, quy phạm trong quan hệ xã hội.
- Thái độ và động tác biểu thị tôn kính.
Vậy “lễ”, nghĩa là các quy tắc, nghi thức của xã hội trong mối quan hệ giữa cá nhân, tổ chức với các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. Tùy theo mỗi nước, mỗi tổ chức xã hội, mỗi tôn giáo, mỗi giai đoạn lịch sử mà các quy tắc, nghi thức được quy định khác nhau.
Ví dụ:
Con cái thì phải gọi người đẻ ra mình là bố mẹ, ba má…Ở nước nào cũng vậy. Khi khách của bố mẹ đến nhà thì ở trong Nam, trẻ con phải khoanh tay chào; trẻ con ngoài bắc thì chỉ cất lời chào chú, chào bác. Học sinh, sinh viên thì phải gọi người giảng dạy là thầy giáo, cô giáo. Trong lớp học, khi giáo viên vào lớp thì học sinh phải đứng lên chào. Trong đoàn chủ tịch hội nghị thì người quan trọng nhất ngồi ở giữa…Khi vào nhà thờ, vào nhà chùa nhiều nơi phải bỏ giày dép ở ngoài, không ăn mặc hở hang. Chúng tôi có bạn học là chủ tịch thành phố thì khi gặp nhau ở cơ quan gọi là anh xưng tôi, còn gặp gỡ ở nhà thì bạn bè có thể gọi mày tao.
Phạm vi của lễ hầu như liên quan đến mọi quan hệ xã hội của con người:
- Trong gia đình, họ hàng là mối quan hệ vợ chồng, con cái, anh chị em, ông bà, cô chú dì, cháu chắt, nội ngoại… Danh xưng của ta cũng đã chỉ ra quy ước về lễ cũng đã rất rõ ràng.
- Trong cơ quan, chính quyền, nhà nước là mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, cấp trên và cấp dưới.
- Trong tôn giáo cũng phải theo thứ tự danh phận.
- Các lễ hội, hội nghị đều có quy tắc trên dưới rõ ràng.
- Trong xã hội thì quan hệ giữa người lớn tuổi và người ít tuổi, nam và nữ…
- Trong bữa ăn, bữa tiệc, hội nghị, lễ hội, trong buổi giảng đạo… đều có những quy định
2. “Văn” là gì?
Văn được hiểu là cái “tri thức”, hiểu biết về mọi mặt mà người ta thu nhận được trong học tập ở nhà trường và xã hội.Văn là cái dấu vết do đạo đức lễ nhạc giáo hoá mà có vẻ đẹp đẽ rõ rệt gọi là văn, như văn minh, văn hoá, v.v.
3. Hiểu về “tiên học lễ, hậu học văn” như thế nào?
Tôi nghĩ rằng “tiên học lễ” là con người sống trong xã hội thì đầu tiên là phải học lễ nghĩa là học cách cư xử của cá nhân đó trong gia đình mình, trong nơi học hành, trong nơi làm việc, trong hội nghị, trong lễ hội và cả khi đi ra nước ngoài. Đó là cách học làm người, học nhân cách trước khi học tri thức. Lễ, không phải chỉ có xã hội phương Đông Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản mà tất cả các nước, các dân tộc, các tôn giáo thậm chí các đảng phái, đoàn thể đều có quy định về lễ của mình.
Nếu không học lễ trước thì khó cho việc học tri thức trong nhà trường cũng như trong xã hội. Trong làm việc nếu mối quan hệ giữa bản thân mình cư xử không phù hợp với các cá nhân, các tổ chức mà mình làm việc thì khó có thể tiến hành làm công việc của mình suôn sẻ. “Lễ” có phải chỉ một chiều là người dưới nhất nhất chỉ nghe lời người trên không? “Lễ” có làm cho con người thụ động, không chủ động, không phản biện không? Không, đó là người ta cố tình bẻ eo chữ lễ. Theo lễ, “mỗi bên đều phải có trách nhiệm với nhau, đều phải có cách đối xử cần thiết, và cách đối xử của bên này là điều kiện để bên kia có cách đối xử tương ứng.” (https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/.../pham-tru-trung...)
Theo lễ thì trong mối quan hệ bố mẹ phải chăm sóc, nuôi dạy con cái. Cho con cái đủ ăn, đủ mặc, được học hành. Người con hiếu thảo, ngày thường ở với cha mẹ phải hết lòng cung kính, phụng dưỡng thì phải làm cho cha mẹ vui, lúc cha mẹ có bệnh phải tỏ lòng quan tâm lo lắng. Trong trường hợp không may, khi cha mẹ mất thì phải buồn rầu thương khóc. Lúc tế lễ thì phải tỏ vẻ trang nghiêm. Cha mẹ có điều gì không hợp với lẽ phải, bổn phận làm con phải can gián. Làm trọn các điều trên mới gọi là thờ phụng cha mẹ vậy.
Những vị tướng giỏi, những người lãnh đạo tài đều do biết cách ứng xử đối với người dưới mà động viên, phát huy năng lực của họ. Nếu học sinh đánh thầy giáo, cô giáo, con cái đánh chửi cha mẹ, anh em giết nhau, hàng xóm đốt nhà nhau, nhân viên không nghe cấp dưới, cầu thủ không nghe huấn luyện viên… thì xã hội sẽ dẫn tới đâu?
Học lễ trước hay học văn trước? lý luận thì dài dòng nhưng lấy ví dụ cho dễ hiểu. Một thầy giáo vào lớp dạy học thì trò phải đứng lên chào thầy, thầy đáp lễ. Trò ngồi xuống rồi giữ trật tự để thày dạy. Nếu trò gác chân lên bàn, nói chuyện, trêu chọc nhau thì thày dạy làm sao? Vậy phải học cách cư xử giữa thày và trò trước rồi mới học kiến thức được. Tiên là trước, không phải tiên là chính. Hậu là sau, không phải hậu là phụ. Nghĩa là học lễ trước, học văn sau.
Các trường học nêu khẩu hiệu như vậy nhưng hiểu cho đúng mà làm thì đã khá. Nếu coi thày dạy như là một dịch vụ thì lấy đâu ra lễ. Coi bố mẹ nuôi con, cho con ăn học chỉ là nghĩa vụ thì lấy đâu ra lễ.
Tục ngữ, ca dao dân gian thường là dạy lễ:
Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.
Kính lão đắc thọ.
Lời chào cao hơn mâm cỗ.
Bên cha cũng kính, bên mẹ cũng vái.
Một miếng khi đói, bằng một gói khi no.
“Tiên học lễ, hậu học văn” là đúng, nhưng mỗi thời mỗi khác, mỗi môi trường mỗi khác. Cần học cái lễ trong cái thời, cái môi trường mình đang sống.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì thời trước, khi đã làm công chức thì xưng hô với nhau không chú, bác, anh, chị, em như bây giờ mà gọi người khác là ông, bà (dù là người trẻ) và xưng là tôi. Trẻ con khi gặp ông, bà, chú, bác, thày, cô… phải khoanh tay chào.
CHỮ LỄ -
Xưa và Nay
Tác giả:Lê Thí
Vừa rồi trong một hội thảo, một vị Giáo sư thuộc loại hàng đầu cả nước về nghiên cứu Văn hóa đã có một phát biểu gây chấn động: “cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”.
Nhiều người băn khoăn vì sao khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” lại gây “tắt nghẽn” tư duy phản biện và hạn chế sức sáng tạo của người học (và xã hội)!
Thứ nhất chữ LỄ ra đời từ rất sớm: LỄ ra đời gắn liền với việc thờ cúng, tế tự, cầu khẩn thần linh của người Trung Quốc cổ đại, từ đó hình thành những quy định về các loại nghi thức trong các buổi lễ, diễn ra hàng năm.
Khi xã hôi phân hóa thành giai cấp, giai cấp thống trị muốn sử dụng chữ LỄ thành những nguyên tắc quan hệ giữa các giai cấp với nhau nhằm bảo vệ đặc quyền của giai cấp thống trị.
Khổng Tử lại nâng chữ LỄ lên phạm trù chính trị là những “khuôn phép xã hội” nhằm duy trì trật tự phong kiến. Khổng Tử dùng LỄ để bắt người dưới phải luôn cung kính, phục tùng người trên, giai cấp thấp phải tuân phục giai cấp thống trị.
Chữ LỄ như ý nghĩa ở trên gắn với chữ Bộ LỄ: Bộ chuyên lo việc nghi thức; Thọ mai gia lễ: những thủ tục trong việc ma chay …
Chữ Lễ trong câu khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn lâu nay bị một số người hiểu với ý nghĩa trên, đơn giản là lễ phép, lễ độ, gọi dạ bảo vâng, đi thưa về trình, chào hỏi kính trọng người trên, trên nói dưới phải nghe, hoàn toàn tuân phục…
Chữ LỄ với nguồn gốc và ý nghĩa như vậy quả thực đã hạn chế sức sáng tạo, tư duy phản biện của con người nhất là trong giáo dục.
Nhưng theo thời gian chữ LỄ đã thay đổi ý nghĩa cho phù hợp với sự thay đổi của xã hội và theo ngữ cảnh:
LỄ còn được xem là đạo đức, chuẩn mực sống cho phù hợp với xã hội và nhân sinh.
Câu khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn trong ngữ cảnh của nó có ý nghĩa là trước hết phải học nghĩa lý của đời, rèn luyện đạo đức, tu dưỡng nhân cách của bản thân; sau đó mới học đến những kiến thức văn hóa, nâng cao vốn hiểu biết. Khi đã lĩnh hội được LỄ thì thì sẽ có được VĂN (kiến thức, kỹ năng) và mới đem cái VĂN để sống thành người tử tế, sống có ích, sống có ý nghĩa đối với cuộc đời và xã hội. Học giỏi, kiến thức rộng mà không có đạo đức, lương tâm coi như hỏng nếu không nói là … nguy hiểm!.
Lại nữa, chữ Lễ trong ngữ cảnh này gần với chữ “lương tâm” trong câu nói “Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự tàn rụi của tâm hồn”. Cái LỄ theo nghĩa này hoàn toàn không ngăn cản người học và cả xã hội mất khả năng phản biện, mất khả năng sáng tạo. Không những không mất mà còn mạnh dạn sáng tạo và nhất là phản biện một cách đúng đắn trên tinh thần xây dựng.Giữ đúng Lễ một học sinh, sinh viên không bắt buộc phải làm y theo văn mẫu, phải chấp nhận sai trái của Thầy; cấp dưới phải tuân phục hoàn toàn theo cấp trên để… ngồi tù cả đám!
Với ý nghĩa của chữ LỄ như vậy một học sinh, sinh viên, một nhà khoa học sẽ không huênh hoang tự đắc, coi thường thầy cô bạn bè, coi thường dư luận xã hội mà sẽ sống khiêm tốn đúng mực, đúng những giá trị đạo đức của xã hội, thượng tôn pháp luật, tôn trọng nhân quyền!.
Chuyện một vị giáo sư đầu ngành trong lãnh vực hàng không khi về thăm trường cũ đã quỳ xuống để vấn an thầy học(đang ngồi) được coi là: Tiên học LỄ hậu học … hàng không. Nếu mấy vị GSTS nhớ câu: Tiên học Lễ hậu học văn thì có lẽ nhiều bệnh nhân tim sẽ được cứu sống dưới bàn tay tài năng của ông và không có cảnh một “quan chức” ngồi uống bia và giơ tay ra phía sau bắt tay … thầy giáo cũ, rất phản cảm.
Lẽ nào vị Giáo sư Tiến sĩ đầu ngành do phải sống trong một nền giáo dục, một xã hội quá sức áp đặt (của người trên) và sự quá sức thụ động (của người dưới) nên đã nóng giận mà đưa ra một đề nghị vội vàng thiếu bình tĩnh chỉ mang tính hàn lâm, kinh viện và thiếu cân nhắc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét