Các bậc cao niên ở đây cho biết, sau khi hai bên đồng ý thì thường bắt đầu từ lễ hỏi, lễ nạp tài và lễ cưới. Trong ngày cưới hỏi thì họ hàng, cô dâu và chú rể đều mặc những trang phục truyền thống của người Ê đê với các gam màu rực rỡ đến tham dự, chung vui và chúc phúc cho đôi trai gái trong làng. Đây là phong tục tạo nên nét độc đáo của người Ê đê.

Theo luật tục của người Ê đê, nếu vợ chồng bỏ nhau là sai phạm lớn. Nếu người vợ phạm tội này coi như mất tài sản đã trao cho nhà trai, còn trường hợp chồng phạm tội phải bồi thường gấp đôi cho nhà gái và phải cúng bằng lễ vật cho các đấng linh thiêng và các tập tục quy định.

Để hiểu rõ hơn về phong tục “bắt chồng”, chúng tôi đã tìm và gặp ông Y Hy, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây thì được biết, người Ê đê theo chế độ mẫu hệ nên con cái sau khi sinh ra đều lấy họ mẹ.

Khi phụ nữ đến tuổi lập gia đình qua thời gian tìm hiểu, thống nhất thì hai bên tiến hành nghi lễ cưới hỏi. Trước đây người dân do chưa am hiểu nên thường xảy ra tình trạng tảo hôn chỉ từ 15 - 16 tuổi đã lập gia đình. Hiện nay, người dân đa số đều lập gia đình đúng theo quy định của pháp luật.

Ông Hy chia sẻ: Trong lễ hỏi phải có 1 chén đồng, 3 chiếc còng tay bằng đồng, 1 tấm chăn dệt thổ cẩm của người Ê đê. Cùng đi còn có người làm mai mối, người này phải là họ hàng trong gia đình như: Cậu, chú, bác ruột. Tiếp theo lễ nạp tài, tùy theo điều kiện kinh tế gia đình của phía nhà gái.     

Nhạc cụ cồng chiêng góp phần tăng thêm không khí vui tươi của ngày lễ cưới hỏi của đồng bào dân tộc Ê đê. Ảnh: Khoa Lê 

Đặc biệt, trong lễ cưới phải có bộ trang phục quần áo cho cha, mẹ, 1 tấm chăn, 2 con heo trọng lượng từ 60 - 70kg/con, ché rượu cần và 1 con bò. Toàn bộ các chi phí trong ngày lễ bắt chồng đều do phía nhà gái lo. Sau khi hai gia đình tiến hành trao vòng, lễ thỏa thuận thì cô gái nắm tay chàng rể và họ hàng về nhà để chiêu đãi tiệc”.

Người dân địa phường cho biết, nếu phía nhà gái kinh tế gia đình khó khăn thì về làm dâu trong thời gian 3 năm. Còn trường hợp nếu kinh tế đủ điều kiện thì bỏ qua bước làm dâu và tiến hành nghi lễ "bắt chồng" theo quy định.

Ông Y Hy tổ chức cho cô con gái duy nhất đi “bắt chồng” cách đây chưa lâu. Ông chia sẻ: Sau thời gian tìm hiểu nhận thấy chàng trai Y Khen chịu khó làm ăn, sống biết kính trên, nhường dưới, biết quan tâm hòa đồng với mọi người nên con gái tôi là H’Ngọc Nhi Niê đã ưng cái bụng và mách bảo với gia đình để tiến hành “bắt chồng”.

Chia sẻ với chúng tôi, chị H’Ngọc Nhi Niê cho biết: “Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nha Trang, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Khoa Du lịch, con tim rung động trước chàng trai trẻ Y Khen nên đám cưới diễn ra với những ché rượu cần, con heo ngon nhất và những món ăn truyền thống để chiêu đãi họ hàng khách quý. Hiện nay tôi cũng có công việc ổn định ở một cơ quan Nhà nước, kèm theo đó niềm vui được nhân đôi khi bé trai chuẩn bị chào đời”.

 Chị H'Ngọc Nhi Niê ở thôn Buôn Đung hạnh phúc bên chàng trai Y Khen. Ảnh: Khoa Lê

Theo thời gian, đám cưới của đồng bào Ê đê cũng đã dần giản lược đi rất nhiều. Các nghi lễ được thực hiện gộp lại để đỡ tốn kém.

Thông qua tục “bắt chồng”, đồng bào Ê đê sẽ có dịp để mặc những bộ trang phục dân tộc mình, thể hiện những làn điệu dân ca, biểu diễn nhạc cụ cồng chiêng và ẩm thực truyền thống.

Hiện nay, đồng bào Ê đê nằm dưới chân dãy Trường Sơn, cách trung tâm thị xã Ninh Hòa khoảng 25km về hướng Tây, sinh sống chủ yếu tại 4 thôn: Buôn Đung, Buôn Lác, Buôn Tương, Buôn Sim với khoảng 2.700 người.

Nghi lễ cưới hỏi của đồng bào Ê đê với nhiều gam màu độc đáo thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa dân tộc. Và phản ánh sinh động chế độ mẫu quyền của người Ê đê, gìn giữ được nét đẹp tục “bắt chồng” cũng như giữ bức tranh văn hóa cộng đồng 32 dân tộc anh em ở tỉnh Khánh Hòa phong phú và đa sắc màu.

TheoThanhtra.com.vn