Hồ sơ Pandora là gì ?

7:02:00 SA

 

 


Hồ sơ Pandora là gì?

Hồ sơ Pandora là loạt tài liệu mới được công bố, tiết lộ cách hàng trăm người giàu có, quyền lực nhất thế giới chuyển tài sản tới thiên đường thuế ở nước ngoài.

'Hồ sơ Pandora' được coi là vụ rò rỉ tài liệu mới, và lớn nhất từ trước đến nay, hé lộ những hợp đồng bí mật, những khối tài sản khổng lồ được chuyển ra nước ngoài của hàng trăm những người giàu có, quyền lực nhất thế giới, trong đó có không ít các chính trị gia.


Quy mô Hồ sơ Pandora lớn thế nào khi so sánh với các vụ rò rỉ trước đây?
Hồ sơ Pandora là vụ rò rỉ tài liệu mới nhất trong một loạt các vụ rò rỉ trong vòng 7 năm qua, theo sau vụ Tài liệu FinCen, Hồ sơ Paradise, Hồ sơ Panama và LuxLeaks.
Đây cũng là quá trình thẩm tra tài liệu có quy mô lớn nhất do International Consortium of Investigative Journalists (ICIJ) tiến hành, cùng sự tham gia của hơn 650 phóng viên từ 117 quốc gia, với slogan 'The truth will come out', (Sự thật rồi sẽ bị phơi bày).
Các nhà báo đã phải đọc hơn 11,9 triệu file, hơn 50% trong số đó gồm 6,4 triệu tài liệu văn bản, hơn 4 triệu file pdf, một số dài lên đến 10.000 trang, ngoài ra còn có các khoảng 467.000 bảng tính.
Số tài liệu này bao gồm hộ chiếu, sao kê ngân hàng, tờ khai thuế, hồ sơ công ty, hợp đồng bất động sản…Ngoài ra còn có hơn 4,1 triệu hình ảnh và email trong vụ rò rỉ lần này.
Nếu so với 2 vụ rò rỉ Hồ sơ Panama (năm 2016) và Hồ sơ Paradise (năm 2017) thì dữ liệu của Pandora cao hơn hẳn, lên đến 2,94 Terabyte.
Các nhà báo cũng phải đối diện thách thức lớn khi họ phải đọc phân tích dữ liệu từ nhiều ngôn ngữ như Tiếng Anh, Tây Ban Nha, Nga, Pháp, Ả Rập, Hàn Quốc và các ngôn ngữ khác. Ngoài ra cách thức trình bày văn bản ở các đơn vị cung cấp cũng khác nhau.
Kết quả là Hồ sơ Pandora đã phơi bày tài sản vào giao dịch bí mật của 35 lãnh đạo đã hết nhiệm kỳ hoặc đương nhiệm trên thế giới, hơn 330 chính trị gia và quan chức nhà nước từ hơn 91 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Thụy Sĩ - đảo giấu vàng trong Hồ sơ Pandora

Hồ sơ Pandora khiến Thụy Sĩ thành tâm điểm chú ý, khi là nơi giúp giới siêu giàu và chính trị gia thế giới cất giấu tài sản tránh thuế.

Trong suốt sáu thập kỷ, Tập đoàn Fidinam, một trong những công ty ủy thác lớn nhất của Thụy Sĩ, cam kết bảo vệ tài sản của khách hàng khỏi những người thu thuế, thành viên gia đình và những người dòm ngó khác.

"Hãy nghĩ chuyện lớn. Mọi chuyện khác cứ để chúng tôi lo", Fidinam đăng thông điệp trên trang web của mình.

Một trong số những người "dám nghĩ lớn" là Massimo Bochicchio, nhà tài chính hứa hẹn với các nhà đầu tư của mình về khoản lợi nhuận khổng lồ. Bochicchio nói tất cả những gì họ phải làm là chuyển tiền vào tài khoản của công ty quản lý tài sản Kidman mà ông tuyên bố có liên kết với ngân hàng HSBC của Anh.

Nhưng Kidman chỉ là một công ty offshore (công ty ngoại biên, đăng ký, hoạt động ở nước ngoài) ở quần đảo Virgin thuộc Anh, thiên đường thuế bí mật, và không phải là một phần trong mạng lưới toàn cầu của ngân hàng HSBC. Các nhà đầu tư, gồm Antonio Conte, cựu huấn luyện viên câu lạc bộ bóng đá Chelsea, không bao giờ thấy số tiền mà họ đã rót vào Kidman nữa.

Hồ sơ Pandora được Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố ngày 3/10 đã tiết lộ những chi tiết về mối liên hệ của Fidinam và vụ bê bối chấn động, cũng như phơi bày cách các doanh nghiệp như Fidinam khai thác những lỗ hổng trong hệ thống quản lý của đất nước để giúp người giàu có, quyền lực che giấu tài sản.

Gần 11,9 triệu tài liệu bị rò rỉ đã tiết lộ thông tin về hơn 90 cố vấn Thụy Sĩ, hoạt động trong các công ty pháp lý, công chứng hay tư vấn tham gia vào mạng lưới offshore. Tại Thụy Sĩ, ngân hàng được yêu cầu tiến hành thẩm định khách hàng để xác định nguy cơ rửa tiền và báo cáo hoạt động tài chính đáng ngờ cho chính quyền. Tuy nhiên, các cố vấn không phải tuân theo yêu cầu này, trừ khi họ quản lý tiền của khách hàng. Năm 2020, các cố vấn chỉ đệ trình một phần rất nhỏ, khoảng 2%, trong số hơn 5.300 báo cáo hoạt động đáng ngờ diễn ra ở Thụy Sĩ.

Một số nhà lập pháp Thụy Sĩ gần đây đã nỗ lực để thắt chặt quy định với các cố vấn, nhưng thất bại. Những người phản đối cho rằng các luật hiện hành đủ để chống nạn rửa tiền.

Cờ Thụy Sĩ bay trên nóc tòa nhà quốc hội ở thành phố Bern vào tháng 11/2015. Ảnh: Reuters.

Cờ Thụy Sĩ bay trên nóc tòa nhà quốc hội ở thành phố Bern vào tháng 11/2015. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Hồ sơ Pandora đã cho thấy một thực tế khác. Từ năm 2005 đến 2016, ít nhất 26 công ty Thụy Sĩ cung cấp dịch vụ cho những khách hàng có công ty offshore bị điều tra về rửa tiền và các vi phạm tài chính khác. Trong hầu hết trường hợp, các công ty đóng vai trò giới thiệu, kết nối khách hàng với các nhà cung cấp dịch vụ offshore.

Fidinam đôi khi còn hơn một công ty giới thiệu. Các thực thể mà công ty kiểm soát ở Panama và quần đảo Virgin thuộc Anh nắm giữ cổ phần trong các công ty của khách hàng, tạo điều kiện cho các khoản vay giữa công ty bình phong và giám sát tài khoản ngân hàng của khách. Fidinam vẫn tiếp tục làm như vậy ngay cả khi các khách hàng của họ bị công ty tài chính khác cảnh báo.

Bochicchio đã mở một tài khoản ngân hàng cho Kidman ở HSBC, nơi ông từng làm giám đốc đầu tư. HSBC đã đóng tài khoản này năm 2017, sau khi phát hiện "những bất thường". Ngay sau đó, hai nhân viên Fidinam, làm việc ở công ty con ở quần đảo Virgin thuộc Anh, đã giúp Bochicchio mở tài khoản ngân hàng Credit Suisse.

Giới chức cho biết cả hai tài khoản đều được sử dụng trong cáo buộc lừa đảo của Bochicchio, người được cho đã biển thủ 600 triệu USD.

Một người phát ngôn của HSBC nói cả ngân hàng và các nhà quản lý của họ đều "không có bất kỳ quyền sở hữu nào trong những kế hoạch đầu tư của Bochicchio và không bao giờ ủng hộ hay quảng bá chúng".

Credit Suisse sau đó đã đóng tài khoản vì những "báo cáo bất thường", theo cựu đối tác kinh doanh của Bochicchio. Ngân hàng này từ chối bình luận.

Năm 2020, các công tố viên Italy đã nghe lén các cuộc điện thoại của Bochicchio với vợ, khách hàng và đối tác kinh doanh. Ông ta có lần phàn nàn với bạn rằng một số khách hàng ở Milan đã liên lạc với Fidinam trong nỗ lực lấy lại tiền, theo hồ sơ điều tra mà L’Espresso, đối tác truyền thông của ICIJ thu thập.

Vụ án đang chờ xét xử. Một tòa án ở London đã tịch thu nhà và những tài sản khác của Bochicchio. Năm nay, ông nói với tòa án rằng dự định trả lại tiền cho khách hàng. Bochicchio và luật sư từ chối trả lời yêu cầu bình luận.

Fidinam cũng từ chối yêu cầu bình luận về khách hàng, với lý do "phải đảm bảo quyền riêng tư, bảo mật và bí mật kinh doanh".

Trong một tuyên bố với ICIJ, tập đoàn có chi nhánh ở Lugano, Zurich và Geneva nói rằng "các công ty con luôn tuân thủ điều khoản pháp lý và quy định của Thụy Sĩ, cũng như các quy định quốc tế hiện hành".

Fidinam không trả lời câu hỏi về các công ty offshore cũng như vai trò quản lý các tài khoản ngân hàng của khách hàng, gồm Kidman. Công ty không nói liệu họ có báo cáo trường hợp của Bochicchio với chính quyền hay không.

Stefan Lenz, cựu điều tra viên cấp cao của văn phòng tổng chưởng lý Thụy Sĩ, nói các cố vấn Thụy Sĩ thường đóng vai trò quan trọng trong các vụ phạm tội tài chính.

Các cuộc điều tra trước đây chỉ ra "các công ty ủy thác Thụy Sĩ và luật sư đã thiết lập các cấu trúc offshore quan trọng để rửa tiền và hầu như không có cách nào truy tố họ", theo Lenz.

Fidinam là một trong những công ty ủy thác lâu đời nhất ở Thụy Sĩ, được thành lập năm 1960 và cung cấp dịch vụ tư vấn thuế, bất động sản và kinh doanh. Nhà sáng lập tập đoàn Tito Tettamanti từng là cầu thủ bóng đá bán chuyên nghiệp, trước khi trở thành luật sư, chính trị gia và nhà tư vấn tài chính.

Ở tuổi 90, Tettamanti, người có khối tài sản ròng lên tới hơn 900 triệu USD, vẫn giữ chức chủ tịch danh dự của Fidinam. Trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ, ông đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với nhiều nguyên thủ quốc gia và các chính trị gia quyền lực khác. Một trong số đó là Hoàng tử Khalifa bin Salman Al Khalifa, cựu thủ tướng của Bahrain qua đời năm ngoái.

Panama cũng là một trong những thiên đường thuế bí mật mà Fidinam cung cấp cho khách. Hồ sơ rò rỉ tiết lộ một đối tác của Fidinam là Alemán, Cordero, Galindo & Lee, hay còn gọi là Alcogal, công ty luật Panama và nhà cung cấp dịch vụ offshore nổi tiếng.

Trong cuốn sách "Trung thực là vô giá" năm 2014, Jaime Alemán mô tả cách công ty này giúp tạo nên ngành công nghiệp trốn thuế bí mật. "Khách hàng chỉ cần tới Thụy Sĩ, mở một tài khoản ngân hàng mà người thụ hưởng là một tập đoàn Panama, hoạt động hoàn toàn bí mật và không phải trả thuế ở cả Thụy Sĩ và Panama", Alemán viết.

Từ đầu những năm 2000, Fidinam đã hợp tác với Alcogal để tạo ra hơn 7.000 công ty offshore cho các khách hàng quốc tế. Fidinam liên tục đảm bảo rằng đối tác Panama sẽ làm mọi thứ hợp lý để đảm bảo rằng "các hoạt động rửa tiền không diễn ra". Tuy nhiên, giới chức cho biết đã điều tra ít nhất 30 khách hàng chung của họ vì cáo buộc phạm tội tài chính.

Năm 2017, các nhà quản lý Panama phát hiện Fidinam và Alcogal đã giúp Paulo Roberto Costa, cựu giám đốc công ty dầu mỏ Petrobras của Brazil, thành lập hai công ty bình phong mà ông sử dụng để nhận hối lộ hơn 5 triệu USD. Costa trở thành mục tiêu của Operation Car Wash, cuộc điều tra hối lộ lớn đã điểm mặt nhà thầu Odebrecht của Brazil và quan chức chính phủ cấp cao ở hơn chục quốc gia Trung và Nam Mỹ. Costa sau đó nhận tội và chịu một năm quản thúc tại gia.

Hồ sơ Pandora tiết lộ 13 khách hàng khác của Fidinam cũng liên quan tới Operation Car Wash.

Fidinam và Alcogal đã tiếp tục hợp tác với hai anh em Meyer và Nessim El Maleh, sau khi họ bị kết án ở Thụy Sĩ năm 2013 vì tội rửa tiền với số tiền lên tới 800 triệu USD. Fidinam vẫn giữ hồ sơ và xử lý thư từ cho các công ty của anh em là El Maleh, gồm một công ty trong danh sách đen điều tra rửa tiền của Thụy Sĩ.

Fidinam không trả lời bình luận về khách hàng này. Trong mail hồi đáp ICIJ, công ty nói sẽ hợp tác với giới chức nếu cần điều tra. Alcogol nói công ty "luôn tuân thủ tất cả luật lệ" của khu vực pháp lý mà họ hoạt động, cũng như hợp tác đầy đủ với cơ quan thẩm quyền khi có yêu cầu.

Ngoài công ty lớn như Fidinam, hồ sơ Pandora tiết lộ ngay cả những cố vấn hoạt động riêng lẻ ở Thụy Sĩ cũng trở thành những người hỗ trợ chính cho một số người quyền lực nhất thế giới.

Susanne Reinhardt, người từng cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh ở ngôi làng Zurich, phía nam Thụy Sĩ, cũng đã giúp con cái và đồng minh của Tổng thống Azerbaijani Ilham Aliyev quản lý hơn 30 công ty bình phong. Một số trong đó đã sở hữu bí mật bất động sản xa xỉ ở Anh.

Reinhardt cho biết bà "hoàn toàn không quan tâm" những khách hàng này là ai và cho tới giờ "không biết" công ty của họ được sử dụng làm gì. Nhưng bà nói việc kiếm tiền này hoàn toàn chính đáng.

Thụy Sĩ được xem như trung tâm lưu giữ bí mật tài chính ít nhất từ những năm 1930. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã đưa bí mật của Thụy Sĩ ra ánh sáng. Giới chức Mỹ phát hiện UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, đã giúp khoảng 52.000 người Mỹ giấu hàng tỷ tài sản chưa bị đánh thuế trong các tài khoản ở quốc gia châu Âu này.

"Thụy Sĩ là một đảo giấu vàng cho những người như vậy", Mark Pieth, giáo sư luật hình sự tại Đại học Basel, Thụy Sĩ, nói. "Bạn tìm thấy mọi thứ cần thiết ở đây để giấu tiền".

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.