Họa sĩ Đặng Can với những tác phẩm đầy chất thơ miền sông nước
Nhiều người khi xem tranh của họa sĩ Đặng Can, đã gọi anh là họa sĩ của vùng sông nước ĐBSCL, bởi rất nhiều tranh của anh diễn tả thật ấn tượng, gợi cảm về những người, những cảnh của vùng quê miền Tây Nam Bộ.
Họa sĩ Đặng Can tên thật là Đặng Văn Can (sinh năm 1957). Anh sinh ra và lớn lên tại vùng quê xã An Đức (Long Hồ).
Có lẽ cảnh vật quê nhà với dòng sông, bến nước, con đò, hàng cau, chiếc cầu,… đã ăn sâu vào tiềm thức tự lúc nào không hay và sau này thể hiện ra tác phẩm. Năm học lớp nhì, lớp nhất (lớp 4, lớp 5 ngày nay), anh đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa.
Anh đam mê vẽ đến độ ngồi đâu cũng mày mò vẽ. Khi thì bút chì, lúc thì viên gạch hoặc có khi chỉ đoạn que vẽ trên đất.
Và, anh trở thành một tài năng hội họa lúc nào không biết. Thuở đó, có lẽ anh không bao giờ nghĩ rằng lớn lên mình sẽ sống bằng chính những nét cọ của mình.
Năm 1975, sau ngày giải phóng, vừa tròn 18 tuổi, anh công tác tại Tổ Hội họa thuộc Phòng Văn hóa Thông tin TX Vĩnh Long.
Chợ nổi. Tranh sơn dầu: Đặng Can (TP Vĩnh Long) |
Thời gian này, công việc chủ yếu của anh là vẽ tranh cổ động, kẻ vẽ khẩu hiệu, thỉnh thoảng minh họa cho một số tờ báo trong tỉnh.
Năm 1977, một cơ hội mà cũng là một duyên may chợt đến, anh được chọn đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa chuyên ngành mỹ thuật do Cục Mỹ thuật tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long.
Trong 6 tháng học tập, anh đã trang bị cho mình nhiều kiến thức bổ ích về hội họa và đây cũng là hành trang theo anh trên suốt con đường nghệ thuật.
Thời gian công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin, anh cũng đã vẽ nhiều tranh để trưng bày tại nhà, chủ yếu là tranh sơn dầu bởi đây là sở trường của anh.
Khách đến xem, thích thì mua mang về. Anh cũng thuê chỗ thật khiêm tốn để vẽ chân dung cho những người có nhu cầu, kiếm chút tiền trang trải cho cuộc sống.
Lúc đó, có một anh bạn công tác chung đơn vị đã “thỉnh” về và treo trong nhà mình 4 tranh của Đặng Can bởi vẻ đẹp tự nhiên và lung linh của tranh. Trong 4 bức này, có 2 bức vẽ về nét đẹp ngây thơ, hồn nhiên của các em thiếu nhi, 1 bức vẽ thiếu nữ tuổi 16; 1 bức vẽ cô gái thổi sáo dưới trăng.
Lấy tranh không trả chi phí, anh bạn nhiệt tình nói: “Đặng Can thông cảm nghen, tại tranh đẹp chớ không phải tại tôi. Tôi mang tranh về nhà cũng tại nó hợp với sở thích của mình.
Anh thấy không, các em thiếu nhi thì xinh xắn, hồn nhiên; bức tranh cô gái 16 với chiếc áo bà ba, tóc dài, dáng nghiêng dịu dàng bên chòm hoa, gương mặt toát lên vẻ ngây thơ, trong trắng của người con gái mới lớn thì ai mà không cảm.
Còn bức tranh cô gái thổi sáo dưới trăng thì vừa hấp dẫn, vừa mơ màng làm cho tôi phải nằm chiêm bao và ngây ngất như đang bay bổng giữa bầu trời cùng cô gái”.
2 người chỉ biết cười trừ. Đó cũng là một kỷ niệm khó quên của Đặng Can với người ngưỡng mộ tranh trong những năm công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin.
Năm 1984, anh chuyển về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, phụ trách mỹ thuật. Thời gian này, anh tiếp tục sáng tác và cũng thường xuyên minh họa cho Tạp chí Văn nghệ Cửu Long.
Ngắm tranh Đặng Can, người xem không khỏi bồi hồi, xao xuyến về vẻ đẹp dịu dàng của một vùng quê trong ký ức.
Tranh của anh thể hiện nhiều đề tài khác nhau, rất phong phú, đa dạng; trong đó nổi bật là những bức tranh về thiếu nữ, về vùng quê sông nước, ruộng đồng như nơi anh sinh ra và lớn lên.
Các thiếu nữ thì gợi cảm, xinh xắn, chân chất, mộc mạc; có những cô gái của vùng quê, của miền phố chợ, có những em là học sinh với tà áo trắng tinh khôi bay bay trong gió; có tranh chỉ thể hiện một nàng, có tranh là một nhóm thiếu nữ như những bông hoa duyên dáng.
Tranh vẽ thiếu nữ thường kèm theo vật trang trí, làm duyên như chiếc nón lá, cây dù, chòm hoa, chiếc cặp… Có những cô gái được họa sĩ cách điệu kéo dài ra làm bức tranh như huyền ảo, mơ màng, nửa hư nửa thật.
Đề tài nổi bật thứ hai là cảnh miền quê sông nước với dòng sông, bến nước, con đò, bờ cây, mái lá, hàng cau, hình bóng những người nông dân một nắng hai sương, những cánh đồng bạt ngàn xanh ngát…
Thời gian thể hiện trong tranh cũng phong phú với nhiều thời điểm khác nhau, bình minh có, hoàng hôn có, đặc biệt là những bức mô tả đêm trăng thì thật lung linh, huyền dịu, nửa sáng, nửa tối đầy chất thơ lãng mạn và pha chút trầm tư, suy tưởng nhưng không xa rời hiện thực.
Màu sắc thì đậm nhạt, nóng lạnh chuyển hóa đầy bất ngờ qua từng bức tranh. Người xem đang thưởng thức cảnh đêm trăng bàng bạc với sương khói mơ màng thì sang tranh khác lại ngỡ ngàng bởi màu vàng rực rỡ hoặc sắc xanh ngọc bích lóe lên lấp lánh.
Khi được hỏi về số lượng tranh sáng tác xưa nay được khoảng bao nhiêu, họa sĩ Đặng Can không thể nhớ hết.
Nghe có người nói cũng phải gần một ngàn bức, anh ngẫm nghĩ rồi gật đầu đồng ý với con số này. Còn tranh bán trong nước, ngoài nước, anh cũng không nhớ hết.
Anh là một trong số ít họa sĩ của tỉnh Vĩnh Long bán được nhiều tranh. Nhiều người nước ngoài đã sưu tầm tranh Đặng Can như để tìm hiểu thêm, chiêm nghiệm thêm con người, cảnh vật, nét sinh hoạt của miền quê Nam Bộ Việt Nam.
Đến nay, anh đã bước vào tuổi 60, nhưng sáng tác vẫn còn sung sức. Anh vẫn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm đậm dấu ấn Đặng Can.
Tranh của anh có phong thái đặc thù, nhìn vào là biết ngay. Một nhà báo sau khi nghe ngóng dư luận về tranh họa sĩ Đặng Can đã nêu nhận xét: “Tranh của Đặng Can nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng cũng rất sôi động trong cái yên bình của miền sông nước Cửu Long.
Những bức tranh của Đặng Can mang đến cho người xem một giấc mơ nhẹ nhàng bình dị, thấm nhuần chất thơ trầm lắng, bay bổng mà hiện thực. Đề tài xuyên suốt trong tranh của anh là phong cảnh miền quê hiền hòa yên tĩnh; những cô nữ sinh hồn nhiên trong tà áo trắng, những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày mộc mạc và giản dị của người nông dân ĐBSCL”.
Nói chung, họa sĩ Đặng Can đã thể hiện rất tuyệt vời chất dân dã của người miền Tây qua những hình ảnh của vùng sông nước. Anh đã dẫn người xem về với sự yên bình, trong lành của thôn quê và tranh của anh cũng trở nên gần gũi với công chúng.
Trong các lần Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long tổ chức đi thực tế sáng tác tại các xã nông thôn mới, đi biển đảo, hoặc sáng tác về những gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh có một ký họa triển lãm.
Nét bút của anh nhẹ nhàng, phóng khoáng nhưng cũng thật tỉ mỉ, trau chuốt đối với những chi tiết chọn lọc cần thiết. Anh cũng còn một nghề khác là tham gia thiết kế mẫu cho những sản phẩm gốm nghệ thuật của làng gốm Vĩnh Long- những sản phẩm này được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Họa sĩ Đặng Can đã có 3 lần tổ chức triển lãm, trong đó có lần tham gia triển lãm cùng họa sĩ Lê Triều Điển tại phòng tranh Phương Mai với tên gọi “Dấu ấn thời gian”; triển lãm cùng họa sĩ Lâm Chiêu Đồng với chủ đề: “Một thoáng Mê kông” tại TP Hồ Chí Minh… Anh cũng có tranh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.
Ước mơ xanh.Tranh sơn dầu: Đặng Can (TP Vĩnh Long) |
Từ năm 1996 đến nay, Đặng Can đã 10 lần đạt giải thưởng quốc gia của Hội Mỹ thuật Việt Nam và giải thưởng khu vực.
Có thể kể ra vài tác phẩm tiêu biểu: Năm 1996, tác phẩm sơn dầu khổ lớn “Những người thợ xây” đạt giải khuyến khích. Năm 1997, giải khuyến khích tranh sơn dầu với tác phẩm “Những chiếc lồng màu xanh”.
Năm 1999, khi tham gia cùng Hội Mỹ thuật Việt Nam đi thực tế sáng tác về cầu Mỹ Thuận, Đặng Can lại tiếp tục được giải thưởng cao với tác phẩm sơn dầu khổ lớn “Một đời người 20 thế kỷ”.
Bức sơn dầu “Giấc mơ xanh” đã giành được giải nhất của Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại TP Cà Mau năm 2001…
Hoặc các giải khác như giải II tác phẩm “Nhớ biển” và tác phẩm “Vị ngọt đồng bằng” năm 2004, giải III tác phẩm “Nỗi đau còn lại” năm 2003, Tác phẩm “Thông điệp xanh” giải nhì năm 2007...
Với những sáng tác truyền cảm và những đóng góp cho ngành mỹ thuật, họa sĩ Đặng Can được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1997 và được bầu làm Chi hội phó Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Vĩnh Long. Cùng với anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà, anh tiếp tục sáng tác và tham gia các đợt triển lãm tranh ảnh phục vụ công chúng.
VĂN HIẾN VĨNH(TheoBaoVinhLong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét