BÀI DIỄN VĂN CHÍNH THỨC CUỐI CÙNG TRÊN CƯƠNG VỊ THỦ TƯỚNG ĐỨC CỦA BÀ ANGELA MERKEL

6:22:00 SA

 



Ngày 3/10/2021 thủ tướng Merkel có một bài phát biểu tuyệt vời nhân dịp kỷ niệm 31 năm ngày nước Đức thống nhất. Sau khi nghe TV thông báo, tôi tìm ngay bản gốc và quyết định dịch ra Việt ngữ. Bởi tôi muốn chính mình được thưởng thức từng câu chữ của vị nguyên thủ quốc gia mà tôi rất ngưỡng mộ.

Thượng viện Đức là cơ quan đại diện cho 16 tiểu bang (số đại biểu từng tiểu bang tỉ lệ với số dân của tiểu bang đó). Chức chủ tịch thượng viện hàng năm được trao luân phiên cho một tiểu bang và tiểu bang đó có nhiệm vụ tổ chức ngày quốc khánh cho toàn quốc. Năm nay Sachsen – Anhalt đến lượt. Họ tổ chức tại thành phố Halle bên bờ sông Saale.
Bài phát biểu của bà dài tới 8 trang A4 và có lẽ là bài phát biểu chính thức cuối cùng trên cương vị là thủ tướng Đức. Tôi xin dịch nội dung chính của bài phát biểu để tặng những ai quan tâm đến nước Đức và như một bó hoa cám ơn đóng góp của vị thủ tướng tuyệt vời này.
….
Kính thưa ông Tổng thống liên bang,
Kính thưa ông Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch thượng viện và Chủ tịch tòa hiến pháp liên bang,
Kính thưa Thủ hiến các bang,
Các đồng nghiệp trong nội các liên bang và các đại biểu quốc hội, những tinh hoa của chúng ta thân mến,
Kính thưa ông Thị trưởng thành phố,
Thưa các quý vị trong hội trường và những người đang ngồi trước màn ảnh nhỏ.
Quốc khánh của chúng ta, ngày thống nhất nước Đức, không chỉ để tưởng niệm một sự kiện đã khắc sâu vào lịch sử của đất nước này, mà nó còn đánh thức một sự kiện mà nhiều người đã trực tiếp chứng kiến trước đây 31 năm, sự kiện đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta.
Ngày 3 tháng 10 năm 1990 là ngày tái thống nhất đất nước trong hòa bình và tự do. Nền tự do không tự nhiên mà có mà phải chiến đấu để giành lấy. Hôm nay chúng ta chào mừng một đất nước đã thống nhất để cám ơn những con người ở CHDC Đức đã không quản sức mình, dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, cho tự do và cho một xã hội hoàn toàn mới.
Chúng ta còn nợ những con người dũng cảm, liều mình nhưng vẫn mang hy vọng, họ đã xuống đường vì công lý. Chúng ta không được phép quên là tình hình lúc đó hoàn toàn có thể xảy ra theo chiều ngược lại. Những người đã đứng lên, đã ủng hộ quyền dân chủ, đã biểu tình, chính họ cũng không dám chắc là cuộc cách mạng sẽ thành công. Họ có thể bị trừng phạt rất dã man. Đó là lòng dũng cảm thực thụ.
Chúng ta cũng không được phép quên, quá trình thống nhất nước Đức nếu không có sự ủng hộ của các nước láng giềng ở Trung và Đông Âu, chưa chắc chúng ta đã thành công. Đó là những người ở Ba-Lan, Hung-ga-ri hay Tiệp khắc, khắp nơi đều chiến đấu vì tự do dân chủ để châu Âu không còn bị chia cắt nữa. Sự đóng góp đó đã làm cho Liên Xô cũng phải buông xuôi để chôn vùi cuộc chiến tranh lạnh.
Chúng ta không thể nào quên sự giúp đỡ tận tình của các bạn Phương tây, trước hết là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Pháp và Anh. Không phải đương nhiên họ tin tưởng một nước Đức tái thống nhất, mà sự tin tưởng này phải xây dựng qua hàng chục năm trời, trước hết là công của các nguyên thủ quốc gia như Konrad Adenauer, Willy Brandt, Helmut Kohl. Và tôi cũng phải nhắc đến tên của một người ở thành phố này Hans Dietrich Genscher (Ngoại trưởng CHLB Đức lúc thống nhất, sinh ra ở Halle - ND).
Thành quả từ những nỗ lực to lớn và những cơ hội đã mang đến cho đất nước ta sự thống nhất. Hôm nay chúng ta có quyền được hưởng.
Đối với riêng tôi, người đã chứng kiến việc xây tường, chứng kiến chế độ độc tài SED, chứng kiến nỗi lo sợ bộ máy an ninh theo dõi, mất tự do và nghẹt thở thì việc nước Đức không còn chia cắt nữa vẫn là một điều hết sức đặc biệt.
Cũng vì thế mà tôi hiểu được, tất cả những thứ đó phải chiến đấu mới có, con người phải được sống trong nền dân chủ, phải đòi hỏi có dân chủ và cương quyết bảo vệ nó. Nền dân chủ cần chúng ta cũng như chúng ta cần nó. Nền dân chủ không đơn thuần mà có mà chúng ta phải lao động cật lực và hàng ngày vì nó.
Có những lúc tôi lo sợ rằng, chúng ta đã vô tâm và bỏ bê với những thành tựu dân chủ đã đạt được. Chúng ta cứ làm như là chẳng cần phải làm gì cho nó, cứ như là nó sẽ tự động truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hiện tại chúng ta đã chứng kiến những giá trị cao cấp của tự do báo chí bị tấn công. Chúng ta đã chứng kiến sự mị dân công khai bằng lừa đảo và thông tin thất thiệt để đánh bóng mình, khêu gợi hận thù mà không hề biết ngượng.
Không chỉ nhân phẩm của một số cá nhân một số nhóm người bị hạ nhục, không chỉ những người bị tấn công vì nguồn gốc, hình thức bên ngoài hay tín ngưỡng. Sự tấn công đó là tấn công vào nền dân chủ. Sự đoàn kết toàn xã hội của chúng ta đang đứng trước những thử thách to lớn.
Kinh hoàng hơn là sự thù địch giữa người với người ngày càng tăng, mà đó lại là những người làm việc cho cái chung của xã hội. Họ là nhân viên cứu hỏa, người cấp cứu y tế hay những nhà chính trị ở địa phương. Lên án cách nói thô lỗ và cực đoan không chỉ là vấn đề của những người bị nạn, mà tất cả chúng ta phải đồng lòng để bài trừ. Từ phản ứng thô lỗ đến việc dùng bạo lực không cách nhau xa, ví dụ như vụ giết hại người phụ trách thành phố Kassel Walter Lübcke, vụ tấn công nhà thờ Do Thái ở Halle, vụ ám sát ở Hanau hay vụ giết hại người 20 tuổi ở trạm xăng Idar – Oberstein. Đáng lẽ ra không được để xảy ra đến mức như thế.
Trong những ngày như thế này chúng ta cần thành thực tự hỏi, chúng ta đã đối xử với nhau như thế nào, tôn trọng nhau ở mức nào và chúng ta bảo vệ nền dân chủ trước đám coi thường và phỉ báng dân chủ như thế nào. Chúng ta có thể ngăn ngừa định kiến cũng như sự u mê bằng bằng việc nên mở lòng để mọi quan điểm và trải nghiệm được thể hiện.
Đó là cái đặc biệt của dân chủ: cho phép và bảo vệ những người có tín ngưỡng riêng, có cách sống riêng. Chúng ta chấp nhận cái khác biệt, cho phép phát triển phương thức sống có lợi cho cái chung và nằm trong khung pháp luật của chúng ta.
Tính đa dạng và sự khác biệt không phải là nguy cơ cho dân chủ, mà ngược lại. Đa dạng và khác biệt là biểu hiện cho tự do. Điều rõ nhất ở đất nước thống nhất của chúng ta là cách sống của con người giữa Đông và Tây rất khác nhau trước năm 1990, do đất nước bị chia cắt.
Thật lòng cũng phải nói rằng, nó không đơn giản như vậy. Những người trong thế hệ của tôi và đến từ CHDC Đức vẫn phải cố thể hiện mình là thành tố của đất nước đã thống nhất cho dù đã ba thập kỷ trôi qua. Đừng nghĩ đó là vấn đề của lịch sử đã qua rồi. Tức là cuộc sống thời CHDC Đức vẫn luôn ám ảnh họ?
…Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, cho đến ngày hôm nay vấn đề chưa được đánh giá đầy đủ. Đó là việc tái thống nhất đối với phần lớn người dân Tây Đức ít ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, trong khi với người dân Đông Đức hầu như bị thay đổi tất cả: Chính sách, công ăn việc làm, xã hội. Ai muốn cầu tiến trong cuộc đời tất nhiên phải tự thay đổi mình.
31 năm thống nhất nước Đức, mỗi một người đều có những tổng kết riêng cho chính họ. CHDC Đức không còn và vì có nền tự do con người có thể tự quyết cuộc sống và tư duy của mình, nhiều cơ hội đến với họ. Đó là điểm tuyệt vời.
Nhưng đồng thời không ít ngưởi cảm thấy cuộc đời họ với những ngoại cảnh hoàn toàn khác lại là một ngõ cụt. Có những nghề trước kia rất được trọng dụng bây giờ không còn được coi trọng nữa, có khi mất hẳn. Đó là điểm trái ngược.
Những hoàn cảnh thất vọng như thế cũng là một phần lịch sử của đất nước chúng ta. Chúng ta không được phép làm ngơ hoặc quên họ, kể cả lý lịch xuất thân của họ, hoặc biện luận rằng quá trình thống nhất của chúng ta chưa đi đến kết thúc.
…Sẵn sàng tiếp nhận thay đổi và đoàn kết là những giá trị quyết định trong tình hình đại dịch. Nếu không có sự chăm lo cho nhau, không sẵn sàng chấp nhận hạn chế để bảo vệ mạng sống con người thì chúng ta không thể có được kết quả như ngày nay. Tôi biết chúng ta đã phải trả giá rất đắt.
Đúng năm 2020, năm chúng ta kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất mà chúng ta bắt buộc phải hạn chế quyền tự do. Đó là điều thật đau xót đối với tôi. Dù đó là chính sách cần thiết nhưng sự hạn chế dân chủ đó là những quyết định khó khăn nhất trong cương vị là thủ tướng của tôi.
Mặc dù thế, với việc tái thống nhất, đất nước ta đã trưởng thành và gánh vác nhiều trọng trách. Điều đó không chỉ nhờ vào sức mạnh của nền kinh tế. Hơn 30 năm qua, người Đức và người châu Âu không phải sống trong cảnh song cực đối đầu của chiến tranh lạnh. Châu Âu không còn là tiêu điểm để thế giới nhìn vào như thời còn bức màn sắt chia cắt lục địa của chúng ta. Chúng ta phải nhận trách nhiệm nhiều hơn vì an ninh cho châu lục và vì sự ổn định của các khu vực gần chúng ta. Những cuộc chiến tranh, khủng hoảng và xung đột vùng Ban-căng, ở châu Phi, ở Afghanistan, nước Đức thống nhất phải nhận ra và định nghĩa lại trách nhiệm của mình.
…Một châu Âu muốn gìn giữ bản sắc dựa trên nền tảng tự do, an toàn và tôn trọng những giá trị chung sẽ không đến được đích nếu không đẩy mạnh khả năng hành động của EU trong chính sách đối nội và đối ngoại của mình.
Thưa các quý vị, nhờ sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác và bạn bè ở châu Âu cũng như trên toàn thế giới, nhờ những quyết định tế nhị, nhờ sự tận tâm cống hiến và dĩ nhiên cả may mắn nữa, chúng ta đã thành công nhiều kể từ ngày thống nhất. Ngay cả sau những cuộc khủng hoảng, chúng ta cũng vững vàng hơn. Mọi người đều thấy được trách nhiệm của mình vì cái chung. Họ đã nhận trách nhiệm vì người khác trong các lĩnh vực xã hội và sinh thái, lĩnh vực văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh tế và chính trị. Những con người ở CHDC Đức cũ đã dũng cảm chiến đấu cho tự do, nhận trách nhiệm với tự do dân chủ. Tất cả những ai đã cống hiến vì sự thống nhất đều đã hoàn thành trọng trách.
Tất nhiên đất nước của chúng ta vẫn phải tiếp tục xây dựng. Cụ thể như thế nào cho tương lai thì hãy để cho mọi người tranh luận. Nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng câu trả lời nằm trong tay của chính chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe nhau, hãy nói chuyện với nhau để phát hiện ra cái quan điểm chung và cả những khác biệt.
Trong bộ phim ngắn về những sứ giả của công cuộc thống nhất mà chúng ta vừa xem có một người phụ nữ nói rất hay: „Mọi người hãy mở hẳn cửa ra để xem phía sau có cái gì.“ Hãy sẵn sàng cho những cuộc gặp gỡ, hãy tò mò muốn biết về nhau, hãy kể cho nhau nghe câu chuyện riêng của mỗi người, hãy kiên nhẫn nghe những quan niệm khác biệt.
Đó là bài học của 31 năm thống nhất. Chúng ta cần sự tôn trọng trước mỗi hoàn cảnh, trước mỗi trải nghiệm và trước nền dân chủ.
Chân thành cám ơn!
Người dịch: Nguyễn Thế Tuyền

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.