Nga xem xét sản xuất vaccine Sputnik V ở Việt Nam

6:23:00 SA

 


Nga đang xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V tại Việt Nam. Đây là kết quả được nêu trong cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chiều 8/6.

Theo Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, vaccine Covid-19 có độ an toàn và hiệu quả cao. Hiện nay, các cơ quan của Việt Nam và Liên bang Nga cũng đang tích cực đàm phán về việc cung ứng nguồn vaccine phòng Covid-19, xem xét tổ chức sản xuất vaccine Sputnik V ngay tại Việt Nam.

Việt Nam và Nga chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng

Chiều 8/6, bà Valentina Ivanovna Matvienko, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về hợp tác phát triển quan hệ Nga – Việt, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 Sputnik V.

© ẢNH : FEDERATION COUNCIL OF THE FEDERAL ASSEMBLY OF THE RUSSIAN FEDERATION
Valentina Matvienko

Theo thông cáo phát đi của chính quyền Việt Nam, cùng dự cuộc điện đàm về phía Hà Nội ngoài Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Konstantin Vnukov, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam.
© ẢNH : THỐNG NHẤT - TTXVN

Tại cuộc điện đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V.I. Matvienko bày tỏ vui mừng khi quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp.

Hai bên đều mong muốn Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang Nga tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy hợp tác Việt - Nga ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, phát triển toàn diện, đáp ứng lợi ích thiết thực của hai nước và nhân dân hai nước.

Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá, thời gian qua, quan hệ chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, cũng như giữa các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội hai nước.

Trong đó, các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác song phương.

“Việt Nam và Nga chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế và khu vực, duy trì phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc”, thông cáo báo chí có đoạn.

Trong khuôn khổ hợp tác song phương, hai bên cũng ủng hộ hợp tác giữa các địa phương hai nước là kênh rất hiệu quả thời gian qua, không chỉ giữa các thủ đô, thành phố lớn như Hà Nội - Moskva, Thành phố Hồ Chí Minh - Saint Peterburg, mà cả giữa các địa phương giàu tiềm năng khác như giữa tỉnh Bình Thuận và tỉnh Kaluga, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Tula, Nam Định và Krasnodar….

Lãnh đạo hai nước cũng bày tỏ ủng hộ tổ chức một hội nghị trực tuyến về hợp tác giữa các địa phương trong thời gian tới.

Mong Nga chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V cho Việt Nam

Tại cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và ghi nhớ sự giúp đỡ của nhân dân Nga trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhà lãnh đạo Việt Nam cũng bày tỏ vui mừng trước những thành quả mà nước Nga đạt được gần đây dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, các lãnh đạo nước Nga, trong đó có bà Valentina Ivanovna Matvienko.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực của Nga trong ứng phó, kiểm soát đại dịch Covid-19, đặc biệt là đã nghiên cứu, sản xuất được vaccine phòng bệnh.

Nhân dịp này, ông Vương Đình Huệ đã cảm ơn Liên bang Nga đã tặng Việt Nam 1.000 liều vaccine Sputnik V từ đầu năm nay và mới đây đã cam kết ưu tiên để Việt Nam tiếp cận 20 triệu liều vaccine Sputnik V.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đồng thời mong muốn Liên bang Nga hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam.

Đối với lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt - Nga chuyển biến tích cực kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu chính thức có hiệu lực (10/2016) và hiện nay vẫn duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những khó khăn do đại dịch

TheoSputnik

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.