Không ít người trong chúng ta có niềm đam mê du lịch, được len lỏi khắp chốn khắp nơi để tìm hiểu những miền đất mới lạ và nhà báo Chicago - Victoria Lautman cũng không phải ngoại lệ.
30 năm trước, Victoria Lautman đã thực hiện chuyến đi của mình lần đầu tiên tới Ấn Độ và ghé chân tới thăm giếng bậc thang Chand Baori - một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo và huyền thoại ở Ấn Độ.
Lautman vô cùng ấn tượng với công trình này và đã ghi lại thật nhiều bức hình về nơi đây. Không những thế, Lautman còn thu thập được vô số thông tin thú vị về lịch sử chiếc giếng bậc thang Chand Baori này.
Nằm gọn trong một ngôi làng Abhaneri tại miền Đông bang Rajasthan (Ấn Độ), Chand Baori là một trong những công trình độc đáo và là một nét đặc trưng của đất nước Ấn Độ.
Rajasthan là một vùng đất khô hạn bởi vậy mà mỗi giọt nước nơi đây đều rất đáng giá. Điều này đã buộc người dân địa phương tìm ra cho mình một nguồn nước bằng cách tự đào một cái giếng lớn và sâu nhằm đón mạch nước ngầm, hứng được nước mưa để sử dụng quanh năm.
Giếng được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ IX bởi Vua Chanda của triều đại Nikumbha. Theo các truyền thuyết cổ xưa của người dân địa phương thì ma quỷ đã giúp họ xây dựng công trình này chỉ trong vòng một đêm.
Cấu trúc giếng có hình vuông, gồm khoảng 10 tầng ngầm, 3 mặt là các đường đi dạng bậc thang nằm song song trên mép tường.
Giếng có chiều sâu khoảng 20m - là nơi giữ nước mưa và cung cấp nước cho khu vực dân cư Abhaneri suốt nhiều thế kỷ trước khi hệ thống cung cấp nước hiện đại được xây dựng.
Kiến trúc đường lên xuống bằng bậc thang trong giếng sẽ giúp người dân Rajput có thể lấy nước bất cứ lúc nào, từ bất cứ phía nào cũng như bất cứ thời gian nào trong năm.
Ước tính, tổng số bậc thang của công trình lên tới 3.500 bước, trải dài từ phía trên xuống mặt đáy giếng. Hiện nay, do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nên giếng không còn được sử dụng, trở thành một công trình kiến trúc ấn tượng của Ấn Độ.
Chính bởi việc không còn được sử dụng nhiều như trước nên Chand Baori dần bị lãng quên. Nhiều khu vực trong quần thể bị bỏ hoang, thành nơi sinh sôi nảy nở của cỏ cây, động vật hay là nơi thả rác.
Lautman hi vọng những bức hình của mình sẽ giúp cho công trình giếng cổ Chand Baori này không biến mất trong tương lai.
Nguồn: Thisiscolossal, Dailymail
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét