Củ Chi - thành phố ngầm của du kích trong lòng đất Việt

 


Củ Chi - thành phố ngầm của du kích trong lòng đất Việt

Điểm đến tiếp theo trong chương trình khảo sát thực địa dành cho các nhà báo Nga là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất, di sản của Chiến tranh Việt Nam – Địa đạo Củ Chi, do các du kích Việt Nam tạo nên. Hiện nay, một tổ hợp bảo tàng tương tác đã được trang bị dành cho các du khách trong các đường hầm.

Địa đạo Củ Chi là hệ thống đường hầm ngầm 3 tầng cấp phân nhánh, do các chiến sĩ du kích địa phương đào khoét xây dựng hầu như hoàn toàn bằng tay, với sự trợ giúp của những thiết bị cơ bản thô sơ để chiến đấu chống quân Mỹ xâm lược. Trong đường hầm có đủ khu sinh hoạt, bếp, nhà kho, trạm xá, trụ sở chỉ huy, xưởng chữa súng… và đạt tới độ sâu từ 10 đến 12 mét. Những khúc đường đi chật hẹp đến nỗi một người vóc dáng phương Tây khó lòng vượt qua. Lối vào các đường hầm được ngụy trang cẩn thận, cũng như hệ thống thông gió, trông bên ngoài giống như đụn mối tự nhiên. Người Việt Nam bảo vệ kỹ lưỡng "thành phố ngầm" của mình với sự hỗ trợ của vô số bẫy khác nhau, như các vị khách được thấy trong chuyến tham quan.

Trong tổ hợp bảo tàng đặc biệt này lắp đặt những thiết bị tương tác dành cho du khách thử nghiệm như xưởng may quần áo và xưởng sản xuất dép từ lốp xe. Nếu muốn, có thể mua những thứ đã làm được như món quà lưu niệm.


Điểm thu hút chính của khu tổ hợp này đương nhiên là những đường hầm dưới lòng đất, và hiện nay bất cứ ai cũng có thể cố gắng chui xuống tự mình khám phá địa đạo kỳ bí này. Tuy nhiên, như lời kể của hướng dẫn viên, một phần đường hầm năm xưa đã được mở rộng thêm để tạo tiện lợi cho các vị du khách.

Hướng dẫn viên mời nhà báo Nga chui xuống hầm và vào vai một nữ du kích Việt Nam, len lỏi qua đường hầm dài 15 mét. Bên trong địa đạo rất tối, ngột ngạt và ẩm ướt, chắc hẳn không hoan nghênh những ai bị chứng sợ không gian đóng kín hay yếu tim và có bệnh về đường hô hấp. Sau đó, hướng dẫn viên nêu 2 phương án tùy chọn: hoặc chui lên khỏi hầm và tiếp tục chuyến tham quan xuyên qua rừng rậm hoặc là trườn bò thêm chừng 50 mét nữa dưới lòng đất âm u.


Thử hình dung xem các du kích Việt Nam đã phải sống như thế nào trong những đường hầm này hồi chiến tranh, phóng viên Sputnik quyết định đi xa thêm trong lòng địa đạo (nói đúng hơn là bò). Đoạn đường hầm đặc biệt này khó khăn nặng nề nhất, nhưng đồng thời cũng là thử thách sắc nét nhất tạo bao cảm xúc không quên về chuyến tham quan này!

                                                       Máy bay C-130 số hiệu 005

Trên lối ra của tổ hợp có một triển lãm nhỏ trưng bày chiến lợi phẩm – đó là các thiết bị quân sự Mỹ mà du kích thu được, ở trung tâm triển lãm là chiếc máy bay vận tải C-130 kềnh càng. 

Không ngẫu nhiên khi nói rằng địa đạo Củ Chi là di tích thú vị nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại, được công nhận trên khắp thế giới như là biểu tượng của khí phách ngoan cường và sức mạnh tinh thần của nhân dân Việt Nam.

Hôm nay vẫn thật khủng khiếp khi tưởng tượng ra những điều kiện kinh hoàng mà các chiến sĩ du kích Việt Nam đã sống và chiến đấu. Nhưng chính hệ thống địa đạo thực sự là một trị trấn ngầm dưới lòng đất này đã đóng vai trò quan trọng trên con đường tới chiến thắng tất yếu.

Theo https://vid1.ria.ru/ig/infografika/kafidov/Sputnik/viet/tour/page3967565.html

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.