Giải mã thảm họa cách đây 143 năm khiến 10 triệu người Trung Quốc thiệt mạng
Thảm họa Đinh Mậu là một trong những quãng thời gian đen tối nhất trong lịch sử Trung Quốc thời phong kiến.
Vương triều nhà Thanh được thể hiện qua các tác phẩm điện ảnh là một thời đại thịnh trị, phồn vinh, nhưng sự thật về triều đại này lại không được hào nhoáng như vậy.
Cuối thời nhà Thanh, đời sống nhân dân vô cùng khốn khó. Không chỉ gánh trên vai gánh nặng tô thuế, họ còn bị đẩy đến đường cùng bi kịch khi đối mặt với một thảm họa giết chết 10 triệu người mang tên: Thảm họa Đinh Mậu hay Nạn đói miền bắc Trung Quốc (1877 - 1878).
Vào thời điểm xã hội rối ren, một thảm họa thiên nhiên lại ập đến.
Sơn Tây và vùng ven kinh đô vốn là nơi có khí hậu khô, ít mưa, nhưng kể từ năm 1867, hiện tượng thời tiết địa phương trở nên bất thường. Mưa liên miên không ngớt. Cuốn "Nghiên cứu lịch sử cận đại" của tác giả Hạ Minh Phương ghi lại, trong 9 năm đó, mưa lũ đã làm vỡ đê tới 11 lần.
Hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ sau này được các nhà khoa học xác định là El Nino, dự báo cho chuỗi thảm họa những năm tiếp theo.
Năm 1875, hạn hán bất ngờ xuất hiện khiến mùa màng thất bát. Từ năm 1876 đến 1879, đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài tại Sơn Tây, Hà Nam, Thiểm Tây, Hà Bắc, Sơn Đông và các tỉnh phía bắc khác, dần lan rộng đến Giang Tô, bắc An Huy, Cam Túc và Tứ Xuyên.
Năm 1877, đợt hạn hán đạt tới đỉnh điểm. Thời điểm đó, trình độ canh tác thấp, những năm được coi là bội thu người dân còn chưa đủ lương thực nên khi thảm họa thiên nhiên ập tới, nạn đói đã đến như một điều tất yếu.
Ngoài đường người ăn xin nhiều hơn người đi đường. Người ta phải ăn vỏ cây, ăn bùn, sống lay lắt.
Một nhà truyền giáo còn ghi lại: "Nếu bạn thấy hơn một chục người lớn và trẻ em tranh nhau một đống phân bò, đừng ngạc nhiên". Thời điểm đó, phân bò là một loại phân bón quan trọng, hàng chục người sẽ tranh giành lấy nó.
Nhiều người chết đói trên đường, các nạn nhân cũng không được an táng đáng hoàng dẫn đến sự bùng nổ của bệnh dịch hạch. Khó khăn chồng chất khó khăn, gây nên sự nhiễu loạn xã hội.
Cuốn sách sử "Tóm lược thảm họa Tấn Dự" có miêu tả giai đoạn tang thương này như sau:
"Người nghèo đói, người giàu đói, người già đói, đàn ông đói, phụ nữ đói, trẻ con đói, gia súc trong nhà đói... Chết vì vì đói, chết bệnh tật, chết tự sát.... Người chết đầy đường, xương cốt trắng đồng."
Theo cuốn sách sử "Mười thảm họa Trung Quốc hiện đại" của Lý Văn Mai, có 160 - 200 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói, chiếm 50% dân số Trung Quốc thời điểm đó. Trong đó, Sơn Tây là nơi gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước khi thảm họa xảy ra, tỉnh Sơn Tây có 16 triệu dân. Sau năm 1878, số người chết đói lên tới 5 triệu người, hàng triệu người phải lưu vong đến nơi khác kiếm ăn.
Tăng Quốc Thuyên, tuần phủ tỉnh Thiểm Tây lúc ấy từng viết trong tấu chương: "Hàng ngàn nhân dân ta nằm trong đất đỏ, dân đói còn năm sáu triệu người, đây là cảnh tượng thê lương chưa từng thấy."
Đứng trước thảm họa này, triều đình nhà Thanh đã phải dồn sức cùng người dân đồng lòng vượt qua. Tăng Quốc Thuyên, một người rất có ảnh hưởng thời bấy giờ, chuyển sang làm tuần phủ tỉnh Sơn Tây, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông sử dụng ảnh hưởng của mình để tổ chức gây quỹ và vay tiền từ các tỉnh khác.
Nhiều thương nhân giàu có cũng phát động các hoạt động cứu trợ từ thiện với các quỹ cứu trợ lên tới sáu trăm ngàn lượng vàng. Tới tháng 7/1879, mưa bắt đầu rơi. Cơn ác mộng thảm họa cuối cùng cũng qua đi.
Theo "Mười thảm họa Trung Quốc hiện đại", ước tính có 10 triệu người dân phải bỏ mạng vì nạn đói và bệnh dịch chỉ trong hai năm 1877, 1878.
Thảm họa Đinh Mậu là thời khắc lịch sử đen tối để lại nỗi đau không thể khỏa lấp cho đất nước Trung Quốc thời phong kiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét