Jack Ma: Từ hình mẫu thành công đến ‘con quỷ hút máu
Ở Trung Quốc, Jack Ma đồng nghĩa với thành công. Doanh nhân thời công nghệ xuất thân từ giáo viên tiếng Anh là người giàu nhất cả nước. Ông lập ra Alibaba, đối thủ đáng gờm nhất của Amazon. Sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016, Jack Ma là nhân vật nổi tiếng Trung Quốc đầu tiên mà ông gặp.
Thành công đã thay đổi cuộc đời của “Bố Ma” – cách một số người gọi ông trên mạng. Ông vào vai bậc thầy võ thuật trong một bộ phim năm 2017 cùng những ngôi sao điện ảnh hàng đầu Trung Quốc. Ông hát cùng Faye Wong, diva nhạc pop Trung Quốc. Bức tranh ông vẽ cùng hoạ sĩ nổi tiếng nhất Trung Quốc Zeng Fanzhi được bán với giá 5,4 triệu USD ở hãng đấu giá Sotheby. Đối với những người trẻ và tham vọng ở Trung Quốc, câu chuyện của “Bố Ma” là hình mẫu.
Nhưng gần đây, dư luận Trung Quốc bắt đầu thay đổi và “Bố Ma” chuyển từ người được yêu sang bị thù ghét. Ông bị gọi là “nhân vật phản diện”, là “kẻ ác”, là “con quỷ hút máu”. Một nhà văn đã liệt kê ra “10 tội lỗi chết người” của Jack Ma. Thay vì gọi “bố”, một số người chuyển sang gọi ông là “con” hoặc “cháu”.
Sự đổ vỡ hình tượng này xảy ra khi Jack Ma đang gặp rắc rối với Chính phủ Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc hôm 24/12 thông báo mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba, công ty thương mại mà ông đồng sáng lập và vẫn giữ vai trò đáng kể.
Cùng lúc đó, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục điều tra Ant Group, hãng công nghệ khổng lồ mà Jack Ma đã tách khỏi Alibaba.
Tháng trước, giới chức dập tắt đợt chào bán công khai đầu tiên của Ant, chỉ 2 tuần sau khi Jack Ma công khai chỉ trích giới quản lý tài chính rằng họ bị ám ảnh bởi chuyển giảm thiểu rủi ro và cáo buộc các ngân hàng hành xử như “hiệu cầm đồ”. Ngày 24/12, bốn cơ quan quản lý cho biết quan chức của họ sẽ gặp lãnh đạo Ant để nói về các biện pháp giám sát mới.
Trên bề mặt, sự thay đổi về hình tượng công khai của Jack Ma bắt nguồn từ sự chỉ trích ngày càng lớn của chính phủ về đế chế kinh doanh của ông. Nhưng nhìn kỹ hơn sẽ thấy một xu hướng đáng ngại hơn đối với cả chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc đã vực dậy đất nước từ thời kỳ kinh tế đen tối trong suốt 4 thập kỷ qua, báo New York Times viết.
Nhiều người Trung Quốc đang cảm thấy rằng cơ hội mà những người như Jack Ma nhận được đang biến mất, dù trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19. Dù Trung Quốc có nhiều tỷ phú hơn Mỹ và Ấn Độ gộp lại, nhưng khoảng 600 triệu dân Trung Quốc chỉ kiếm được 150USD/tháng hoặc ít hơn. Tiêu dùng trong 11 tháng của năm nay giảm 5% trên cả nước, trong khi tiêu dùng hàng xa xỉ dự kiến tăng gần 50% so với năm ngoái.
Các sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí cả những người học từ Mỹ về, không có nhiều cơ hội việc làm tốt và thu nhập khá. Giá nhà cửa ở những thành phố tốt nhất trở nên quá xa xỉ với nhiều người. Những người trẻ đã vay tiền từ các nhà cho vay trực tuyến như Ant Group của Jack Ma ngày càng oán trách.
Với tất cả thành công kinh tế của Trung Quốc, sự oán giận đối với những người giàu, đã âm ỉ từ lâu. Với Jack Ma, mọi việc hiện nay giống như sự báo thù.
“Một tỷ phú nổi bật như Jack Ma chắc chắn sẽ bị treo lên cột đèn”, một nhà bình luận trên mạng xã hội viết. Ý kiến này được chia sẻ 122.000 lần trên mạng Weibo và được đọc hơn 100.000 lần trên ứng dụng nhắn tin WeChat.
Trong cuộc họp tuần trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố sẽ đẩy mạnh các biện pháp chống độc quyền và ngăn chặn “hoạt động mở rộng vốn không theo trật tự”.
Một số doanh nhân nói rằng sự thù địch với Ant và Jack Ma khiến họ băn khoăn về hướng đi của đất nước.
“Bạn có thể kiểm soát tuyệt đối hoặc tạo nên một nền kinh tế năng động và sáng tạo. Nhưng bạn khó có thể có cả hai”, Fred Hu, sáng lập viên hãng đầu tư Primavera ở Hong Kong, nói với NYT.
Mười ngày sau vụ I.P.O của Ant sụp đổ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm bảo tàng tưởng nhớ Zhang Jian, một nhà công nghiệp cách đây hơn 1 thế kỷ. Zhang giúp xây dựng quê hương Nantong và mở hàng trăm trường học. Những người kinh doanh hiểu rằng thông điệp của chuyến thăm là họ phải đặt quốc gia lên trên chuyện kinh doanh của mình.
Trong cuộc gặp hồi tháng 7 với cộng đồng kinh doanh, ông Tập nói ông Zhang là hình mẫu và thúc giục các doanh nhân thời nay đề cao chủ nghĩa yêu nước. Một điều mà ông Tập không đề cập đến là ông Zhang đã chết vì phá sản.
Jack Ma cũng có những dự án nhân đạo, như nhiều sáng kiến thúc đẩy giáo dục ở nông thôn và tài trợ để phát triển tài năng kinh doanh ở châu Phi. Nhưng từ nhiều khía cạnh, đế chế công nghệ của Jack Ma khác cơ bản với của ông Zhang.
Ông tạo được danh tiếng tốt hơn trong lĩnh vực sản xuất, bất động sản và các ngành công nghiệp khác. Ông nổi tiếng với những tuyên bố táo bạo và thách thức chính quyền. Năm 2003, ông lập ra Alipay, công ty sau đó trở thành một phần của Ant Group, đặt màn hình quảng cáo của mình ngay trung tâm thế giới tài chính do nhà nước kiểm soát.
“Nếu ai đó phải vào tù vì Alipay, hãy để người đó là tôi”, ông nói với các đồng nghiệp vào thời điểm đó.
Đôi khi ông ngầm thách chính phủ trừng phạt ông. Nói về việc làm ăn của Ant, ông nói một câu trong nhiều dịp: “Nếu chính phủ cần nó, tôi có thể trao nó cho chính phủ”. Những trợ lý của ông cũng nhiều lần nhắc lại câu này. Hồi đó ít người coi phát biểu này là nghiêm trọng. Nhưng giờ đây, những tuyên bố thẳng thừng đó có vẻ sắp trở thành thực tế. “Với những gì đã xảy ra, cuối cùng Ant sẽ bị kiểm soát hoặc nhà nước sẽ nắm đa số cổ phần”, Zhiwu Chen, một nhà kinh tế học tại ĐH Hong Kong, nói.
Áp lực lên Jack Ma là tín hiệu cho thấy sự thay đổi của chính phủ Trung Quốc trong cách quản lý internet.
Ngày nay, Alibaba và đối thủ Tencent kiểm soát nhiều dữ liệu cá nhân hơn và liên quan đến hoạt động hằng ngày của người dân Trung Quốc hơn cả Gooogle, Facebook và các hãng công nghệ khác ở Mỹ. Giống như các tập đoàn Mỹ, các gã khổng lồ Trung Quốc đôi khi mua lại những đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn và tiêu diệt đổi mới.
Không chỉ phá vỡ hệ thống của nhà nước, các tập đoàn cũng bắt tay với chính quyền để theo dõi người dân. Nhưng chính phủ vẫn thấy quy mô và tầm ảnh hưởng quá lớn của họ là mối đe doạ.
Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét