ÔNG GIÀ NOEL KHÔNG LỖI HẸN
ÔNG GIÀ NOEL KHÔNG LỖI HẸN
S uốt đêm, con bé trằn trọc khó ngủ. Lúc mệt mỏi quá thì nó cũng có thiếp đi nhưng không lâu sau lại choàng dậy.
Nó sốt ruột lắm. Người ta chỉ sốt ruột đến không ngủ được khi đang chờ đợi một ai hoặc một sự việc gì đến trễ. Đúng thế, con bé đang nóng lòng mong ngóng “Ông già Noel của nó”.
Từ lâu, nó vẫn ngầm gọi thế, như thể mặc nhiên khẳng định “Ông già Noel ấy” chỉ là của riêng một mình nó thôi, tuy ông cũng giống y những ông già Noel khác mỗi dịp cuối năm vẫn nhan nhản chạy xe xuôi ngược ngoài đường, hoặc chiếu ở TV, hoặc in trong sách báo. Một ông già Noel cao và mập ú, mặc quần áo đỏ, đội mũ đỏ, tóc bạc loăn xoăn, râu rậm rì trắng xóa như bông gòn. Chỉ có chút xíu khác biệt: “Ông già Noel của nó” không đem theo bất cứ túi quà nào, ngoài duy nhất gói quà cho nó... À không, phải gọi “thùng” chứ “gói” thì không chính xác đâu, vì khá to, đựng bên trong nhiều quần áo, mũ, giày, sách vở, bánh kẹo, đồ chơi… đặc biệt thêm một búp bê Barbie mặc váy công chúa, đẹp và vô cùng đáng yêu.
Lần đầu tiên nghe ông già Noel giải thích: tất cả quà của trẻ em khác đã được ông phân phát cho chúng hết rồi và nhà này là địa chỉ cuối cùng ông đến, con bé đã xịu mặt, buồn hiu. Nó cảm tưởng bị phân biệt đối xử, bị bỏ rơi, bị thua thiệt. Và nó tủi thân, chực khóc. Đến khi nghe ông phân bua rằng: sở dĩ ông cố ý sắp xếp như thế để có thời gian ngồi lại chơi với nó lâu hơn, thì nó mới hiểu ra để tươi tỉnh lên, toe toét cười.
Con bé rất dễ tủi thân, dễ khóc, vì vốn nó đã là một đứa trẻ mấy lần bị bỏ rơi. Người cha bỏ rơi nó khi nó còn chưa kịp có mặt trên đời. Vài năm sau, đến lượt người mẹ bỏ rơi nó, đi lấy chồng. Nó bị “quăng” về cho bà ngoại mà bà ngoại nó đã già yếu lắm, từ lâu chỉ nằm một chỗ, sống dựa vào vợ chồng cậu Hai. Từ ngày theo chồng về tỉnh xa, mẹ nó rất hiếm có điều kiện (hoặc nhớ ra) để về thăm con gái. Con bé hóa mồ côi ngay khi cả cha lẫn mẹ đều còn đủ.
Đã có hai đứa con, thêm mẹ già bệnh tật mà bất đắc dĩ lại phải gánh đứa cháu nheo nhóc trong khi kiếm sống ngày một chật vật, cậu Hai có cáu kỉnh còn mợ Hai có ngấm nguýt, nặng tay nặng lời với nó, cũng là chuyện “đáng thông cảm”. Đó là vài người lớn rỗi hơi vẫn tặc lưỡi bình luận thế.
Nhưng một đứa bé con làm sao hiểu nổi những ngóc ngách lắt léo của cuộc đời? Nó chỉ thấy toàn nỗi bất hạnh, thiệt thòi để thêm hờn tủi mà thôi.
Chập tối đúng vào sinh nhật 5 tuổi của con bé -ngày 23 tháng 12- lần đầu tiên có một ông già Noel bằng xương bằng thịt đến cho quà nó. Trước giờ, con bé có biết gì về sinh nhật đâu vì chưa nghe một ai trong nhà đả động đến cả. Ngay ông già Noel này cũng chỉ nói: ông được phái đi phát quà cho trẻ con vào mỗi Giáng Sinh, như tất cả các ông già Noel khác. Ồ, một nhiệm vụ rất vất vả mà cũng vô cùng cao quý!
Thời khắc đó, nhà chỉ có con bé với bà ngoại thôi, mà bà ngoại chắc cũng đã ngủ trong phòng rồi. Tuổi già khổ lắm, cứ ăn no là buồn ngủ, không cưỡng được. Gia đình cậu Hai chẳng bao giờ có nhà giờ này cả: cậu Hai phải làm tăng ca nên về khá muộn, còn ba mẹ con mợ Hai chiều chiều trải tấm bạt ra vỉa hè ngoài phố bán giày dép và quần áo cũ.
Ông già Noel ngồi lại khá lâu với con bé. Bàn tay đeo găng to lớn của ông ủ gọn bàn tay bé bỏng của nó. Rất chặt. Rất ấm. Hôm đó nó đã vui lắm, vui hơn Tết. Nó không cho đây chỉ là người hoàn toàn xa lạ, bởi một người xa lạ thì không thân thiện, gần gũi với nó như thế đâu.
Ông già Noel quan tâm hỏi con bé: Có đau ốm gì không? Có nghịch ngợm để bị la mắng không? Có hay bị đòn không? Có bị bạn bè bắt nạt không? Thích đi chơi đâu? Thích ăn gì nhất?... Ôi, nhiều thứ lắm!
Sau cùng, ông còn hỏi nó ước gì? Chẳng cần suy nghĩ lâu, nó trả lời ngay:
-Con ước ở chung với ba mẹ con.
Ôi, ông già Noel này buồn cười ghê! Chỉ có thế thôi mà mắt ông tự dưng đỏ hoe hoe và òng ọng nước. Con bé lạ lùng quá, trố mắt:
-Ơ, sao ông khóc?
-À… à… Vì ông giống cháu… Cũng ước ở chung với… với… ba mẹ ông…
Con bé ngậm ngón tay út, nghiêng đầu, hơi ngẫm nghĩ. Rồi nó gật gù như đã hiểu ra. Ông già Noel đã già thế này dĩ nhiên ba mẹ của ông đâu còn sống nữa? Nhưng đã là con thì già cũng nhớ, cũng thương, cũng muốn ở với ba mẹ mình chứ? Ông đáng thương khác gì nó đâu.
Lúc ông già Noel về, con bé lưu luyến níu tay ông, hỏi một câu mà nó thấy là vô cùng cần thiết:
-Noel sau, ông đến nhà con nữa không?
-Có chứ!... Có chứ!… Ông sẽ đến…
♣♣♣
Đúng hẹn và liên tiếp mấy năm sau, cũng vào chiều tối ngày 23 tháng 12, ông già Noel lại đến phát quà Giáng Sinh cho nó. Vẫn là thùng quà lớn, có thể còn lớn hơn năm vừa qua nữa -là vì con bé cũng đã lớn hơn năm vừa qua một tí rồi, phải không?
Con bé mừng rỡ biết bao khi ông già Noel xuất hiện. Nó ôm chầm lấy ông hay chính ông ôm chầm nó, không rõ mà cũng không cần phân định rạch ròi, vì cũng giống nhau cả.
Con bé nhận ngay ra chính là ông già Noel năm ngoái, không lầm được. Vẫn dáng người ấy. Vẫn giọng nói trầm trầm ấy. Đặc biệt, vẫn đôi mắt đỏ hoe hoe và òng ọng nước khi ông nhìn vết roi của mợ Hai in lằn trên da thịt nó. Còn nhỏ quá không biết diễn tả nhưng nó cảm nhận chính xác chỉ “Ông Già Noel của nó” mới có đôi mắt nhòe ướt ấy, vừa rất lạ lại cũng vừa rất quen!
Rồi ông lại nắm chặt bàn tay nó, vuốt tóc nó, ngồi nghe nó nói ríu ran. Đã quen thân rồi nên con bé cởi mở lắm. Nó tin cậy kể rất nhiều chuyện, những chuyện trẻ con, không đầu không cuối mà nó chưa bao giờ nói ra, đơn giản vì nó chẳng biết kể với ai. Chỉ cần có người ngồi nghe là nó thấy vui sướng lắm rồi. Con bé lâng lâng hạnh phúc vì biết đang được yêu thương, thứ tình yêu nó chưa được ai khác ban phát. Nó còn hạnh phúc hơn vì trước khi từ giã, bao giờ ông già Noel cũng hẹn sẽ quay lại, năm sau…
♣♣♣
Nên năm nay, gần Giáng Sinh là con bé háo hức chờ đợi.
Nhưng ngày 23 tháng 12 lặng lẽ qua đi. Rồi liên tiếp mấy ngày sau, ông già Noel vẫn biền biệt. Con bé khắc khoải. Mỏi mòn. Buồn thảm. Thất vọng… Đêm đêm, nó gục mặt vào gối, giấu tiếng nấc nghẹn ngào.
Bây giờ đến lượt “Ông Già Noel của nó” bỏ rơi nó… Ông đã lỗi hẹn... Rồi ông cũng biến mất luôn như ba mẹ nó thôi…
Mỗi lần nghĩ thế là nó khóc. Năm nay nó đã lớn hơn một chút nên cũng hiểu thêm phần nào. Nó không cần quà, chỉ sợ bị quên lãng, chỉ sợ cô đơn. Nếu “Ông Già Noel của nó” đến với hai tay không, chẳng đem theo bất cứ quà gì, nó cũng không vì thế mà buồn hay bớt yêu ông đâu. Nhất định thế!
Nhưng đã là ông già Noel thì sao có thể đến với một đứa trẻ mà “hai tay không, chẳng đem theo bất cứ quà gì” cơ chứ? Nên cuối cùng, khi đến, ông già Noel cũng mang theo thùng quà lớn, như lệ mấy năm nay vẫn thế. Con bé suýt hét lên, nước mắt mừng tủi trào ra. Có trễ hẹn cả tuần thì dù sao người nó mỏi mòn chờ đợi cũng đã đến!
Nó cuống quýt ôm chầm lấy ông… Hôm nay đúng là nó ôm chầm ông chứ không phải ông ôm chầm nó. Là vì hai tay ông còn bận bịu với thùng quà nặng chăng?
Nhưng con bé buông ngay tay ra, lùi lại, giương mắt nhìn. Có một điều gì đó khiến niềm vui của nó bị khựng lại, mong manh…
-Ông đến muộn, con đừng giận ông nhé!… Là ông bị bệnh… À quên, chẳng bệnh gì, chỉ nhức đầu tí thôi… Hôm nay ông khỏe rồi… Quà của con đây.
Con bé lưỡng lự, đứng ngây ra. Không trả lời. Không cười. Không cả chớp mắt. Có phải vì hôm nay ông khang khác nên nó thấy xa lạ? Có phải ông nhức đầu không ăn được nên người gầy đi? Có phải ông còn bị viêm họng nên giọng đổi khác?
Ông già Noel buông thùng quà xuống, ôm con bé vào vòng tay xiết chặt. Nhìn vào mắt ông bất ngờ đỏ hoe hoe và òng ọng nước, nó hết mọi nghi ngại. Đôi mắt nhòe nước này đúng là của “Ông Già Noel của nó” rồi, không thể là ai khác! Và nó tức tưởi:
-Ông ơi, đừng bỏ con!… Năm sau ông lại đến với con, nhé!...
-Nhất định rồi, bé cưng!
♣♣♣
Việc đầu tiên khi chị về đến nhà là trút ngay bộ đồ hóa trang dầy cộm đang khiến chị nóng toát mồ hôi. Trên ngực áo ấy còn ướt nước mắt con bé. Chị chưa bớt bồi hồi xúc động, thương cảm nó. Lúc nhìn cặp mắt nó buồn rười rượi giống anh như tạc, chị đã không thể cầm lòng. Cả vầng trán và khuôn mũi nó cũng rất giống con chị. Tất nhiên rồi khi hai đứa bé có chung một người cha.
Chị lại bàn thờ, đốt ba nén nhang như để “báo cáo công tác” vừa hoàn thành. Đôi mắt buồn trong di ảnh xoáy thẳng vào chị khiến chị lại nghẹn ngào, nức nở.
Tuần trước, một cơn đột quỵ thình lình đã cướp anh ra khỏi cuộc đời, để lại cho chị bao tiếc thương lẫn ân hận.
Tìm thấy cuốn nhật ký của anh, chị mới hiểu một phần đời đã qua của chồng. Cái phần đời anh cố tình muốn chôn giấu luôn ghim trong lòng anh nỗi giằng xé dai dẳng: ngày đó, anh để lại cho người yêu một đứa con mà vô tình không hay biết. Có thể ngay chính cô người yêu ấy cũng không ngờ đang mang một sinh linh bắt đầu tượng hình.
Yêu nhau từ những ngày học chung lớp chung trường bất chấp hai bên gia đình bất hòa sâu sắc, nhưng đôi bạn chẳng quan tâm điều đó. Ôi, hai người trẻ non nớt và ngây ngô, đinh ninh chỉ cần yêu thôi là dễ dàng san lấp mọi cản trở hay hiềm khích. Họ tin tình yêu của họ là bất diệt, vĩnh viễn chẳng có gì thay đổi được nên không biết (hay không cần) giữ thân. Họ ngỡ xã hội hôm nay đã tuyệt nọc chuyện “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, trái lại, chỉ có “con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”, ngồi im thin thít, rụt cổ so vai, chẳng dám hó hé rục rịch một li!
Thực tế, xung đột giữa hai nhà đã khó bề cứu vãn lại không ngừng bị bồi thêm những lời nhục mạ lẫn hăm dọa kiểu “không đội trời chung” của anh trai người yêu khiến anh thương tổn nặng nề. Nên anh chủ động chia tay. Nên anh thành“Sở Khanh”, “vô trách nhiệm”…
Chia tay người yêu rồi, anh phẫn khích bỏ về một miền biển, nổi trôi theo tàu cá đánh bắt xa bờ của gia đình người bạn. Một cách chạy trốn và tìm quên!
Đến khi cưới vợ, quay lại đất liền, anh mới dần dần biết về đứa con ngày ấy.
Trong nhật ký, anh nhiều lần nung nấu ý định nhận đứa bé. Hình dung nhiều gian nan khi đối đầu “người anh vợ hụt” độc tài và khắc nghiệt nhưng anh vẫn tin làm được nếu ngay từ đầu có vợ hỗ trợ, tiếp tay. Tiếc rằng chị đã không chấp nhận. Chẳng phải chị nhẫn tâm, độc ác hay ghen tuông gì đâu. Chỉ là chị vô tình còn anh đã không nói thật.
Nhớ lại chi tiết này, chị quặn lòng, ân hận và xót xa thương anh. Giờ chị mới hiểu mấy lần anh xa xôi khéo léo kể với chị vài hoàn cảnh vu vơ nào đó, là cốt dọ ý tứ chị. Chuyện người chồng muốn nhận con rơi về nhà, còn ngại người vợ hiện tại không đồng ý. “Nếu là em, em nghĩ sao?” Anh luôn hỏi thế. Dĩ nhiên, như đa số phụ nữ khác, quan điểm của chị là không đồng ý. Chị còn phân tích lợi hại, mà phần hại bao giờ cũng thấy rõ nặng nề hơn, không chỉ cho riêng một ai mà cho tất cả người trong cuộc.
Đó cũng là điều anh lo lắng nhất. Anh không lường được sóng gió nào sẽ ập đến mái gia đình anh, sẽ úp chụp xuống đứa con đã chịu nhiều bất hạnh? Liệu nó sẽ hạnh phúc hay càng khốn khổ thêm? Ngay đứa con của anh chị nữa, liệu anh có ươm thêm mầm mống một hận thù mới vào đời nó?
Anh đã ít nhiều trải nghiệm để hiểu rằng trên đời không thiếu trường hợp như thế: lỡ chọn phải sai lầm, người ta có tâm lý bức bối, vẫy vùng muốn tìm cách mau chóng sửa chữa, để rồi sau đó mới cay đắng nhận ra chẳng sửa chữa được gì, có khi lại chuyển một sai lầm này sang một sai lầm khác trầm trọng hơn!
Nhiều ngày đêm dằn vặt và cân nhắc, cuối cùng anh chọn câm lặng. Anh chỉ biết trải lòng vào con chữ. Không thể chính thức thừa nhận, anh âm thầm nghĩ cách bù đắp thiệt thòi cho đứa bé. Để bí mật không bị phát hiện, anh mượn lốt hóa trang ông già Noel đến với con...
Từng trang nhật ký vắt của chị nhiều nước mắt. Anh không một lời trách móc vợ, trái lại, còn tỏ ra thấu hiểu. Anh chỉ nhận hết tội lỗi về mình. Điều đó làm chị thêm day dứt. Chị tự trách mình lâu nay sống gần chồng mà lòng vẫn xa chồng quá. Nên anh không tin tưởng. Không thổ lộ. Không gửi gắm. Không giao phó…
Biết sớm hơn, nhất định chị không để anh mỗi năm chỉ âm thầm gặp con vỏn vẹn một lần dịp sinh nhật nó, như anh đã làm. Cả anh cả nó đều không đáng chịu những vô lý, bất công như vậy.
Và chị quyết định thay anh tiếp tục vai trò anh bỏ dở dang. Chị tin mình sẽ làm tốt hơn anh nhiều, bởi chị và gia đình kia chẳng có mâu thuẫn nào cả. Chị phải đền bù cho con bé. Đền bù cho nó chính là chị đền bù cho anh. Để cả anh lẫn chị an nhiên, thanh thản…
Nhìn theo làn khói nhang lững lờ uốn éo lan tỏa, phủ mờ lên đôi mắt luôn buồn rười rượi trong di ảnh, chị thầm hứa: đến khi nào con bé còn cần đến chị, chị sẽ không bỏ rơi nó, không để nó thất vọng.
Ông già Noel không bao giờ lỗi hẹn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét