Ơn trên cho mình khả năng cảm nhận cái đẹp!
Từ khi đầu tư mở phòng tranh tại vị trí trung tâm quận 1, nhà riêng của doanh nhân Phùng Thị Thu Thủy cũng trở nên sang trọng và có hồn hơn bởi khắp nơi trong căn nhà đều treo các bức tranh có giá trị. Nằm duyên dáng trong góc phòng là chân dung của chị, một tác phẩm mỹ thuật xé giấy do họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên thực hiện…
Từ một doanh nhân, đảm đương chức vụ Tổng giám đốc Công ty Richfield - Công ty cổ phần Phú Trường Quốc tế - chuyên phân phối hàng tiêu dùng nhập khẩu, chị Thu Thủy bắt đầu lắng nghe tiếng gọi đam mê nghệ thuật, và rồi dấn thân thêm vào lĩnh vực áo dài với thương hiệu Peony. Không dừng lại ở đó, chị còn trở thành một nhà sưu tập mỹ thuật và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực mỹ thuật với việc khai trương phòng tranh nghệ thuật Peony & Iris Art Gallery.
Trải qua hai năm vận hành phòng tranh, vào đúng thời điểm dịch bệnh hoành hành, doanh nhân Phùng Thị Thu Thủy vẫn giữ nguyên lửa nhiệt huyết. Chị đã chia sẻ với Người Đô Thị mối duyên mới này của mình.
Khi công việc kinh doanh của chị đã bắt đầu có nhiều thành quả thì chị lại tiếp tục dấn thân vào một lĩnh vực “khó nhằn” là mỹ thuật. Tại sao chị có một quyết định táo bạo như vậy?
Tất cả cũng vì đam mê. Tôi yêu thích nghệ thuật từ thời còn trẻ, nó như ở trong máu, trong tim mình rồi. Và khi có cơ hội, tôi bắt tay vào làm ngay, bắt nhịp nhanh. Tôi không sợ thất bại, vì so với nhiều doanh nhân khác, khối lượng công việc của tôi không nhiều bằng. Việc ở công ty, ông xã tôi điều hành là chính, mọi thứ cũng rất ổn định với bề dày gần 30 năm nay, còn tôi là hậu phương, quản lý nhân sự cao cấp.
Chị Phùng Thị Thu Thủy tại sự kiện khai mạc phòng tranh Peony & Iris Art Gallery.
Tám năm nay tôi bắt đầu lắng nghe con người nghệ thuật trong mình nhiều hơn. Đầu tiên, tôi làm về áo dài nhưng đầu ra khó quá. Khi cơ duyên đến, tôi gặp một “sư phụ” về lĩnh vực nghệ thuật là nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn. Nhờ đó, tôi lĩnh hội được một kho tàng mỹ thuật. Quá cảm kích và xúc động khi nhìn thấy các tác phẩm mỹ thuật có giá trị, tôi chợt nghĩ, hay là mình theo đuổi con đường này?
Lúc đó, tôi quen thân với họa sĩ Lê Đại Chúc, anh đã hỗ trợ tối đa để tôi tổ chức triển lãm đầu tiên khai trương phòng tranh Peony & Iris Art Gallery. Về sau, những người mà mình sưu tập tranh họ cũng tìm đến mình. Rồi từ bạn bè, tôi được gặp các họa sĩ tên tuổi như Ngô Thành Nhân, Văn Dương Thành... Tôi cũng thường ra Hà Nội để gặp gỡ nhiều họa sĩ.
Tuy nhiên, việc tôi làm khá đơn lẻ, chưa có gì gọi là tầm cỡ, chẳng là gì so với các nhà sưu tập lớn tại Việt Nam. Mình cũng không hẳn là một người thuần làm về nghệ thuật, mình là một doanh nhân yêu nghệ thuật.
Nhân nói đến doanh nhân yêu nghệ thuật, chị có thể chia sẻ trong lúc làm phòng tranh, chị nhận định gì về cơ hội cho mỹ thuật nếu nhiều doanh nhân quan tâm hơn?
Mình ước ao giá như có nhiều doanh nhân yêu nghệ thuật hơn, như vậy không chỉ giúp ích cho nền mỹ thuật Việt mà các doanh nhân sẽ làm phong phú cho cuộc sống của họ rất nhiều. Cụ thể như tôi, từ khi tôi làm nghệ thuật, nhà tôi đẹp hơn, sang hơn rất nhiều, tất nhiên là theo con mắt của mình. Tôi đến nhiều nhà các doanh nhân, nhưng phần nhiều chỉ treo tranh chép… Có lẽ họ không có thời gian, không biết đến…
Mình ước ao giá như có nhiều doanh nhân yêu nghệ thuật hơn, như vậy không chỉ giúp ích cho nền mỹ thuật Việt mà các doanh nhân sẽ làm phong phú cho cuộc sống của họ rất nhiều.
Nhà giàu mà chú trọng đến kinh doanh, không chú ý đến nghệ thuật thì đáng tiếc. Giá như họ chỉ cần chú ý một tý thôi thì nghệ thuật cũng phần nào khởi sắc.
Ông xã của chị nói gì về việc chị sưu tập tranh, mở phòng tranh?
Tôi tự thấy mình đi vào con đường quá kinh khủng. Nhưng may mắn lớn cho tôi là ông xã, tuy là người kinh doanh đơn thuần nhưng luôn ủng hộ vợ, và luôn để ý tìm hiểu sang các lĩnh vực khác. Tất nhiên cả hai chúng tôi đều phải bàn bạc và thống nhất ý kiến khi mua một bức tranh có giá trị.
Đứng trước một tác phẩm, chị sẽ quyết định “xuống tay” dựa trên yếu tố nào?
Dường như ơn trên cho mình khả năng cảm nhận, rung động trước cái đẹp. Trước một tác phẩm, tôi lắng nghe sự rung động của con tim mình trước khi biết tác phẩm đó là của ai, danh tiếng hay không. Sự rung động đó đến từ bên trong, không ai dạy tôi, mà tôi nghĩ cũng không trường lớp nào dạy được.
Khi đến nhà anh Trần Hậu Tuấn, tôi rung động và cảm nhận được giá trị sâu bên trong tác phẩm. Và thật lạ là đa số các tác phẩm nổi tiếng, tôi cảm nhận được ngay. Đó là yếu tố quyết định tôi chọn mua tác phẩm, mà có lẽ vì thế mà nhiều người bạn không làm về nghệ thuật đến nhà tôi nhìn tranh hay hỏi bức tranh này vẽ gì, ý gì. Nếu tôi nói giá ra chắc họ sẽ sững sờ và sẽ hỏi tôi có bị làm sao không.
Nhưng cũng nói lại lần nữa, lĩnh vực này rất khó, phải học hoài, và là hành trình dài hơi, tôi chỉ là người mới bắt đầu. Tôi cũng chưa có gì nhiều để nói.
Chị Phùng Thị Thu Thủy và chồng là doanh nhân Chua Cheong Peyu.
Trong thời gian tới, chị có dự định gì mới hay không?
Khi mở phòng tranh, tôi mơ mộng đây là nơi gặp gỡ, giao lưu, lắng nghe các giá trị khác biệt. Tôi cũng hay tổ chức các buổi trò chuyện về nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước Tết, có thể tôi sẽ tổ chức một triển lãm tác giả nữ. Tôi hy vọng trong tương lai còn có thể làm được nhiều hơn nữa, ví dụ như có kênh truyền hình, sản xuất những nội dung về nghệ thuật với mục tiêu chia sẻ cái hay cái đẹp với mọi người. Nhiều người quen thân sẵn sàng đóng góp cho nội dung của chương trình.
Gia đình tôi cũng rất thân thiết với nhạc sĩ Trần Tiến, là người trong gia đình, anh cũng muốn tham gia làm các chương trình. Nhạc sĩ còn rất nhiều ấp ủ về nghệ thuật, anh yêu thích công nghệ, có mong muốn phát triển âm nhạc qua kênh kỹ thuật số… Tôi có mong muốn hợp tác và hậu thuẫn với nhạc sĩ nhưng cũng chưa công bố gì được vì nhạc sĩ cũng cần thêm thời gian để suy nghĩ kỹ.
Bài: Phạm An - Ảnh: NVCC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét