Cô gái Tày mất 1 chân lấy giáo sư người Đức
24 tuổi mất đi 1 chân, cô gái Cao Bằng từng sụp đổ, không dám tin vào tình yêu nay là một vũ công, người truyền cảm hứng và có cuộc hôn nhân hạnh phúc với chồng ngoại quốc.
Cú sốc năm 24 tuổi với bước ngoặt thay đổi cuộc đời
Trên trang cá nhân của Bế Thị Băng (sinh năm 1987), một người mang khiếm khuyết về đôi chân, được nhiều người đặc biệt quan tâm như một tấm gương về nghị lực cuộc sống. Ở đó, chị thường chia sẻ về những câu chuyện cuộc sống, các chuyến từ thiện hay đơn giản là những clip chị nhảy múa với 1 chân.
Là cô gái dân tộc Tày sinh ra ở Cao Bằng, chị Băng lên Hà Nội học tập rồi ở lại mảnh đất hứa này với ước mơ đổi đời như bao người. Thế nhưng, năm 24 tuổi, khi đang mải miết trên con đường ấy, chị không may gặp tai nạn giao thông và phải tháo đi 1 chân.
Sau 4 ngày hôn mê, chị tỉnh dậy thấy mình ở bệnh viện với cú sốc mất đi 1 phần cơ thể. Cú sốc ấy khiến chị từng muốn chết, tưởng như cuộc đời mình sụp đổ và cô gái tuổi mới lớn khi ấy chỉ biết khóc và khóc.
Khi đi qua được những ngày tuyệt vọng, chị thầm cảm ơn bố mẹ đã cho mình động lực để vượt lên nghịch cảnh và trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, lạc quan.
Sau 21 ngày điều trị tại bệnh viện Việt Đức, hơn 2 tháng hồi phục tại nhà, chị bắt đầu làm quen với nạng. Bục vết mổ, chảy dịch, chị mặc kệ đau, tự lẩm nhẩm trong đầu rằng mình phải làm được.
"Khi làm quen với cơ thể 1 chân và chiếc nạng cũng là lúc mình có ý tưởng tập múa. Chỉ có 1 chân, mình cần sự nỗ lực hơn gấp nhiều lần so với những người khác. Trả giá bằng mồ hôi, nước mắt với những buổi tập trong nhà vệ sinh, vài tháng sau mình đã có thể nhảy múa và đi bằng một chân", chị Băng nhớ lại.
Không chỉ học múa, chị còn tham gia nhiều bộ môn thể thao khác như: võ, ném đĩa, cưỡi ngựa, lặn, bơi, nhảy dây, đi xe đạp,...
Chị Băng ở thời điểm hiện tại đã mạnh mẽ vượt lên cú sốc khiếm khuyết cơ thể trở thành 1 vũ công, người truyền cảm hứng.
Sau này, chị Băng mang những điệu múa trên 1 chiếc chân của mình để tham gia nhiều chương trình thiện nguyện như: Tiếp sức đến trường, Đại sứ Mottainai, Thương thương handmade hát vì người bệnh, Cổ tích hội tụ (Bệnh viện Châm cứu TW), Trái tim cho em (Bệnh viện nhi TW),...
Ngoài công việc kinh doanh, chị mở thêm kênh Youtube để có thêm nguồn thu nhập làm từ thiện hàng tháng.
Cô gái 1 chân và tình yêu cổ tích với chồng giáo sư ngoại quốc
Không chỉ khiến bao người cảm phục với câu chuyện nghị lực sống, mối tình của cô gái khuyết tật với chàng giáo sư Đức cũng thật đẹp và đáng ngưỡng mộ.
Đám cưới cổ tích của cặp đôi cách đây hơn 5 năm khiến ta thêm tin vào tình yêu chân thành trong cuộc sống khi họ đã vượt qua khoảng cách yêu xa nửa vòng trái đất, những mặc cảm về sự khiếm khuyết của cơ thể, những lời kì thị của mọi người.
"Mình và ông xã quen nhau ở sân bay trong chuyến đi anh sang Việt Nam du lịch. Từng không dám nghĩ đến tình yêu, thấy mình không xứng đáng. Sợ bản thân không thể chăm sóc và mang đến hạnh phúc cho người mình yêu nên mình đã nhiều lần từ chối anh.
Nhưng sự chân thành của anh đã làm "đảo lộn" mọi thứ trong cuộc sống của mình thêm một lần nữa. Đảo lộn ở đây là sự thích nghi, học hỏi về ngôn ngữ, văn hoá 2 nước. Sự xuất hiện của anh cũng là 1 bước ngoặt cho cuộc sống của mình. Anh không chỉ là người chồng mà còn là người bạn tốt, người thầy cho mình những bài học lớn để sống cởi mở, hòa nhập, bỏ qua mặc cảm, tự ti", chị Băng miên man nói về một nửa của mình, anh Oturak.
2 tuần sau đám cưới cổ tích vào đầu năm 2017, anh Oturak rời về nước và cả hai lại bắt đầu một hành trình yêu xa. Cuộc sống của họ cũng trải qua những lần tranh luận, giận hờn như hầu hết các cặp vợ chồng khác, thậm chí nhiều khi họ phải đứng giữa ranh giới cho quyết định đi tiếp hay dừng lại.
Nhưng sau tất cả, chàng giáo sư người Đức đã kiên nhẫn, tự cảm hóa những mâu thuẫn đó để thích nghi và gắn bó với người mình yêu thương.
"Anh là người cân bằng giữa đau khổ và yêu thương trong cuộc sống của mình"
Tâm sự về cuộc sống hôn nhân, chị Băng thổ lộ: "Ông xã giúp mình có cuộc sống cân bằng giữa đau khổ và yêu thương. Anh thường nói, đi khắp nước Đức mà không thấy nơi nào có món ăn như vợ nấu là mình lại cố gắng. Câu nói đơn giản vậy thôi nhưng mình coi đó như sự động viên để bản thân có niềm tin là anh ấy vẫn luôn nhớ về mình.
Ông xã cũng luôn là người ủng hộ mình, không muốn gặp thêm bất cứ khó khăn nào nữa, luôn muốn mình phải có được những thứ tốt nhất. Dù độc lập về tài chính nhưng anh vẫn thường gửi tiền về cho vợ. Còn phía mình, mình chưa bao giờ dùng đến số tiền ấy dù chỉ là 1 euro".
Với một người trải qua nhiều đau khổ như chị Băng, điều chị cần ở người chồng của mình đơn giản là sự quan tâm mỗi ngày, sự thấu hiểu chứ chẳng mong gì sự hỗ trợ về tiền bạc hay sự đổi đời khi lấy chồng ngoại quốc.
Nhìn lại cuộc đời đầy biến cố, thăng trầm của mình, bản thân chị Băng thấy mình thực sự may mắn khi được sống, được yêu, được cho đi và được làm tất cả những gì mình thích.
TheoSoha.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét