“Nếu còn nhớ tôi, hãy nhớ một Kiều Chinh - Việt Nam!”

 “Thế rồi một thời gian sau, tôi tìm được cho mình một căn nhà nhỏ khác tọa lạc tại thành phố Huntington Beach, mà tôi ở cho đến ngày hôm nay. Đó là căn nhà thứ năm của tôi trên đất Mỹ, hy vọng nó sẽ là căn nhà cuối cùng của người nghệ sĩ lưu vong. Một căn nhà nhỏ trên một thửa đất không rộng rãi gì cho lắm, không đủ chỗ cho tôi dọn tất cả đồ đạc từ căn nhà ở Garden Grove về... Nhưng không sao, miễn có một chỗ ở riêng là tốt rồi. Căn nhà nhỏ nhưng tràn đầy tình thương mến gia đình. Từ từ đâu lại vào đó, lại mọc lên bụi tre, lại một cây liễu rủ bên tảng đá to...” (*)

Một buổi chiều cuối tháng 11.2021 tôi đã chụp tấm ảnh chân dung của nghệ sĩ Kiều Chinh bên gốc cây liễu rủ ấy và có được ba giờ ngồi trò chuyện cùng bà về quyển hồi ký vừa ra mắt, trong căn phòng mà theo cách nói của bà “vây quanh đây là kỷ niệm, là tình thân”.

Nơi đó, khách như tôi có thể ngồi vào một trong hai chiếc ghế diễn viên thêu tên “Kiều Chinh” từng đặt ở phim trường The Joy Luck Club và M.A.S.H - hai tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp điện ảnh của bà tại Hollywood.

Nghệ sĩ Kiều Chinh dưới tán cây liễu rũ trong khoảng vườn “Cõi Tôi” trong căn nhà của bà ở thành phố Huntington Beach, California. Ảnh: Thúy Hà


Từ chỗ ngồi ấy, tôi đối diện với bà - ngồi nơi cái ghế gỗ có chiếc gối thổ cẩm Sapa, giữa chúng tôi là một chiếc trống đồng Đông Sơn như cái bàn nhỏ, trên kệ sau lưng là bức tượng ngọc Đạt Ma Sư Tổ, gần đó là cúp Emmy Award. 

Trên tường là rất nhiều hình ảnh Kiều Chinh trong những bộ phim từ cuối thập niên 50 thế kỷ trước đến đầu thế kỷ này; là ảnh bà đọc diễn văn tại Quốc hội Hoa Kỳ khi nhận danh hiệu Refugee Of The Year 1990; khi đọc diễn văn tại Bức tường Tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington D.C năm 1993; khi cắt băng khánh thành trường tiểu học ở Quảng Trị năm 1995 trong dự án Vietnam Children’s Fund mà bà đồng sáng lập.

Phía đối diện là bức ảnh bà chụp cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng, là ảnh chụp cùng các đồng nghiệp lừng danh Tippi Hedren, Glenn Ford, William Holden, Franklin Schaffner, John Irvin, Oliver Stone, Richard Gere…, là ảnh diễn thuyết tại Đại hội Phụ nữ Toàn quốc Hoa Kỳ cùng với Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, là ảnh trong bộ áo dài kiểu cung đình Huế khi lên nhận Giải Thành tựu trọn đời của Global Film Festival 2015 cùng ảnh tuổi đôi mươi mặc kiểu áo dài cổ thuyền ở cuộc trình diễn thời trang áo dài đầu tiên tại Sài Gòn 1958, rồi ảnh chụp cùng Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Mai Thảo, là tranh chân dung Kiều Chinh của Choé, của Nguyễn Quỳnh, của Đinh Cường…

Nơi tôi ngồi phỏng vấn hôm nay cũng là nơi bà đã từng tiếp đón rất nhiều nhà báo, trong đó có những tên tuổi từng đoạt Pulitzer đã thành bạn bè lâu năm với bà như Peter Arnett, David Kennerly, Nick Ut, Robert Kovacik…

Nghệ sĩ Kiều Chinh và tác giả bài phỏng vấn Thúy Hà. Ảnh: Đ.Q. Anh Thái


Ở thời điểm này - giữa lịch trình dày đặc các chuyến đi giới thiệu tập hồi ký (tiếng Việt và tiếng Anh) khắp nước Mỹ, Canada, rồi tham dự các liên hoan phim, bà lại vừa được trao Giải thưởng The Winn - Slavin Humanitarian tại Đại hội Điện ảnh Á châu Thế giới hồi trung tuần tháng 11… có được cuộc phỏng vấn này là một sự ưu ái của bà dành cho chúng tôi.

Và thật bất ngờ, khi bước vào căn phòng này, thấy trên mặt chiếc trống đồng nhỏ, bên cạnh ấm trà là tờ Người Đô Thị số tháng 8.2020 với trang bìa Người Việt cần tự kể chuyện ở Hollywood, trong đó có Kiều Chinh. Ngay từ phút đầu gặp gỡ, bà đã cho chúng tôi một cảm giác trân trọng, chuyên nghiệp và gần gũi, như thế.

Nghệ sĩ Kiều Chinh trong căn phòng “xung quanh là kỷ niệm, là tình thân, bè bạn” đầy ắp dấu ấn hơn 60 năm sự nghiệp điện ảnh và hoạt động xã hội của bà. Ảnh: Thuý Hà


Thưa bà, đọc quyển hồi ký Kiều Chinh - Nghệ sĩ lưu vong, tôi cảm giác mở ra một trang bất kỳ nào cũng thấy ở đó một cảnh phim đầy đặn - một hồi ký giàu chất điện ảnh, sống động và ngập tràn xúc cảm.

Cuộc đời bà là một bộ phim lớn, rất cá nhân riêng tư nhưng lại rất phổ quát lịch sử, rất Kiều Chinh và cũng rất người Việt, của một thế kỷ Việt Nam đầy biến động. Nếu là đạo diễn cho cuốn - phim - đời ấy, bà sẽ chọn mở đầu với cảnh quay nào? Có giống như trong hồi ký bắt đầu bằng chuyến trở về Việt Nam đầu tiên năm 1995 cùng dự án xây dựng 51 trường tiểu học của Hội Vietnam Children’s Fund (VCF) mà bà đồng sáng lập? 

Xin cảm ơn bạn đã đọc tập hồi ký và cảm ơn lời khen tặng nhẹ nhàng. Vâng, nếu là đạo diễn cho cuốn phim đời mình, tôi sẽ chọn mở đầu bộ phim với cảnh hồi tưởng như trong hồi ký tôi đã viết: trong chuyến bay đêm trở về Việt Nam lần đầu sau 20 năm chiến tranh chấm dứt và sau 40 năm xa cách Hà Nội khi tôi mới 16 tuổi.

Trên chuyến bay dài 15 tiếng đồng hồ đó, khi đèn đã tắt, hành khách đã ngủ, mọi tiếng động lắng xuống, tôi nhìn ra cửa sổ mây bay, thấy mình như bay ngược lại thời gian, trở về với thời thơ ấu, với gia đình, với Hà Nội, trên quê hương thanh bình thuở đó… Chỉ cần nhắm mắt, tôi thấy lại tất cả.

Nghệ sĩ Kiều Chinh trong buổi ra mắt giới thiệu hồi ký của bà tại San Jose California. Ảnh: Thomas Dang Vu


Bà có nghĩ rằng lịch sử, số phận, đã chọn bà làm người mang vác một câu chuyện Việt Nam đặc sắc, tiêu biểu, và dĩ nhiên mang vác cả nhiệm vụ “kể lại” để hôm nay những người như thế hệ chúng tôi được đọc và hiểu biết nhiều điều từ cuốn hồi ký? 

Tôi không dám nhận là người mang vác một câu chuyện Việt Nam tiêu biểu. Tôi chỉ mang vác nhiệm vụ “kể lại” từ ước nguyện của người cha thương yêu và từ động viên của nhà văn Mai Thảo, người tôi trân quý.

Tôi không phải là nhà văn, tôi không viết tiểu thuyết, tôi chỉ kể lại hành trình của mình, bao lục địa tôi đi qua, bao gặp gỡ, bao được-mất, bao hạnh phúc-thương đau, bao người còn-kẻ khuất… kể cho con cháu, cho gia đình, bằng hữu và bạn đọc.

Người Việt ở khắp năm châu, mỗi người là một câu chuyện. Chuyện tôi chỉ là một trong hàng triệu câu chuyện cần kể. Hy vọng qua cuốn hồi ký này, bạn có thể thấy được đời sống của một gia đình Việt Nam trong một thế kỷ đầy biến động.

Nghệ sĩ Kiều Chinh vẫn đang ấp ủ mơ ước tham gia một bộ phim lớn về Việt Nam, về văn hóa, nghệ thuật và con người, không có chiến tranh. Ảnh: Thomas Dang Vu


Tại sao bà lại chọn hình bìa quyển hồi ký là bức ảnh cô đơn ở New York? Dù đó là ảnh đen trắng nhưng tôi lại liên tưởng tới những sắc màu tịch lặng và cô độc trong tranh Edward Hopper - một họa sĩ nổi tiếng của New York.

Đã ngoài 80, mỗi ngày bà vẫn tấp nập những lời mời, những chuyến đi, gặp gỡ, họp hội, liên hoan, phỏng vấn… nhưng giữa đám đông và hào quang ấy, vẫn có thể thấy một Kiều Chinh riêng mình một cõi, khi chấp nhận bày tỏ “cõi tôi” sâu thẳm riêng tư trong quyển hồi ký với những chi tiết đời thực khiến người đọc sửng sốt... Đó có thật sự là can đảm, là thử thách, với bà?

Ồ, tôi cũng là người yêu thích tranh của danh họa Edward Hopper, có sự trùng hợp khi bức ảnh “cô đơn ở New York” này cũng do một người bạn trẻ của tôi ở New York: Giám đốc Mỹ thuật trường SCAD - giáo sư hội họa Thomas Đặng Vũ chụp.

Tôi có khoảng 32 ngàn bức ảnh trong computer nhưng khi chọn bìa cho quyển hồi ký, tôi nghĩ ngay đến tấm ảnh này, nó nói lên sự cô đơn của người nghệ sĩ trong một bối cảnh ồn ào như New York, nó hợp với câu chuyện đời tôi. Đúng là một thử thách khi tôi chấp nhận bày tỏ “cõi riêng” của mình thành “cõi chung” với muôn người, nhưng đã quyết định viết hồi ký thì phải viết sự thật thôi. 

Bìa quyển hồi ký phát hành 9.2021


Nhan đề quyển hồi ký của bà là Kiều Chinh - Nghệ sĩ lưu vong. Xin bà cho biết ý nghĩa của từ “lưu vong” trong ngữ cảnh của cuốn hồi ký? Nói rộng hơn, theo bà, ta phải hiểu “lưu vong” là gì trong đời sống hôm nay ở quê người?

Đối với một nghệ sĩ thì chúng ta có thể hiểu “lưu vong” là lưu vong trong tâm thức, một tâm thức lưu đày, một tâm thức lạ hóa, không thể tương hợp với thực thể xã hội chung quanh, một tâm hồn trôi giạt, một tâm hồn không trú xứ.

Người lưu vong có thể là kẻ đang sinh sống ngay trên quê hương mình hay tại một góc trời xa xăm nào đó. Nói như thế lưu vong không phải là một cảnh huống mà là một thái độ, một thái độ có chọn lựa.

Những đoạn nhắc đến tình cảm da diết và thổn thức dành cho cha mình của cô con gái lạc cha từ năm 16 tuổi, luôn là những đoạn “đắt” nhất trong tập hồi ký, nó làm tôi rơi lệ. Trong những cuộc diễn thuyết (lecturer) suốt hơn 15 năm qua, diễn giả Kiều Chinh có bao giờ nói về chủ đề cha-con trong đời sống? 

Tôi không thuyết trình về chủ đề cha-con nhưng trong các buổi diễn thuyết, khi được hỏi tôi có chia sẻ câu chuyện cha con tôi và đã gây nhiều xúc động về sự thiêng liêng của tình phụ tử và thường nhận được thắc mắc: chuyện như vậy tại sao bà không viết hồi ký? Đó cũng là một yếu tố thúc đẩy tôi viết hồi ký.

Kiều Chinh 16 tuổi và bố Nguyễn Cửu trong cái Tết cuối cùng bên nhau ở Hà Nội 1954 (ảnh tư liệu Kiều Chinh)


Sự trùng hợp của những sự kiện xảy ra trong cuộc đời bà thật kỳ lạ, chẳng hạn những khúc quanh cuộc đời đều diễn ra tại phi trường trong những chuyến bay định mệnh: 1954 đột ngột lạc bố phải bay vào Nam một mình, 1975 đột ngột trở thành người không tổ quốc trên một chuyến bay gần như vòng quanh thế giới, năm 1995 là chuyến bay lần đầu trở về Hà Nội được đưa tin trên báo chí Mỹ; 30.4.1975 bà trở thành một người lưu vong trong hoang mang cực độ, rồi 30.4.2014 bà gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma ngay tại Dharamsala trong sự tĩnh tâm vô bờ.

Chuyến trở về Việt Nam lần thứ hai để khánh thành ngôi trường tiểu học thứ bảy trong dự án VCF, bà bất ngờ biết được ngôi trường ấy được xây dựng ngay trên mảnh đất trước kia của ông nội bà, nơi bà từng sống tuổi ấu thơ... Bà nghĩ đó là những sự kiện mang tính ngẫu nhiên hay tin rằng đó là sự xếp đặt của số phận?

Vâng, David Jackson - người phụ trách mục tin tức của Fox Television, cũng từng nhận xét như thế trong phần mở đầu cuộc phỏng vấn tại phi trường Los Angeles, trườc giờ tôi khởi hành chuyến về Việt Nam đầu tiên năm 1995: “Hình như mọi khúc quanh quyết định cuộc đời Kiều Chinh đều diễn ra ở phi trường”.

Ngày xưa khi còn trẻ tôi không tin vào “số phận” nhưng càng về sau, trải qua bao thăng trầm, nhìn lại sự trùng hợp của những sự việc xảy ra trong đời mình thì thấy quả thật số phận đã sắp xếp, an bài. Nói cho vui, đến giày dép còn có số, huống chi là con người chúng ta!

Nghệ sĩ Kiều Chinh dưới bức ảnh chụp cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Tây Tạng (2014), trong phòng khách của bà. Ảnh: Thúy Hà


Trong cuộc đời làm nghệ thuật và hoạt động xã hội, bà đã gặp gỡ, làm việc, thân thiết với rất nhiều tên tuổi trong nhiều lãnh vực trong và ngoài nước Mỹ. Nếu phải kể ba cái tên ấn tượng nhất với bà cho đến hôm nay thì đó là ai?

Thật khó để chọn lựa vì quả thật tôi được ơn phước gặp gỡ rất nhiều người để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc.

Nếu chỉ được kể ba cái tên thôi, thì người thứ nhất là tài tử Tippi Hedren bởi bà luôn mở rộng trái tim và vòng tay với tôi trong thời điểm khó khăn nhất, là người bảo trợ tôi vào nước Mỹ. Tippi còn là một tài tử điện ảnh dồn toàn bộ sức lực cho hoạt động nhân đạo. Người thứ hai là James V. Kimsey - một cựu chiến binh, Chủ tịch Công ty AOL - America Online, người đặc biệt hết lòng với Việt Nam, một trong những nhà tài trợ đầu tiên và đồng hành cùng Hội Vietnam Children’s Fund, một người mà tôi kính trọng vì nhân cách và sự từ tâm. Người thứ ba là Đức Đạt Lai Lạt Ma mà tôi may mắn từng được diện kiến và Ngài đã để lại cho tôi một triết lý sống: giản dị và từ bi.

Nếu cho tôi kể thêm ba cái tên nữa, thì tôi muốn nhắc tới đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc mà tôi từng tham gia cùng ông phim Người tình không chân dung tôi rất trân quý; nhà văn Mai Thảo mà tôi kính trọng như một người anh lớn; và ông Bùi Diễm - nhà sản xuất phim đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh của tôi với phim Hồi chuông Thiên Mụ, cũng là cựu đại sứ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ.

Ngày 12.11.2021, nghệ sĩ Kiều Chinh được Đại hội Điện ảnh Á châu Thế giới (AWFF) lần thứ 7 trao giải thưởng “Winn Slavin humanitarian award”. Trước đó, tháng 3.2021, AWFF lần thứ 6 cũng đã vinh danh Kiều Chinh với giải “Thành tựu trọn đời” (ảnh Kiều Chinh cung cấp)


Vì những lý do bất khả kháng, bà đã vuột mất cơ hội vào vai trong những bộ phim nổi tiếng của Hollywood như vai nữ chính cho phim The Quiet American của đạo diễn Joseph Mankiewicz (1957), vai nữ chính cùng tài tử Steve McQueen trong phim The Sand Pebbles (1966) hay đạo diễn lừng danh Francic Coppola dành cho bà vai người vợ của Marlon Brando trong phim Apocalypse Now (1979)...

Nếu được nhận những vai diễn này, bà có nghĩ sự nghiệp của mình sẽ sang những ngả rẽ khác?

Dĩ nhiên được vào những vai diễn ấy cùng những đạo diễn lừng danh ấy thì có thể nghiệp diễn của tôi sẽ sang những ngã rẽ khác, nhưng đó là số phận. Trời cho sao hưởng vậy thôi!

Nghệ sĩ Kiều Chinh trong bộ áo dài theo kiểu cung đình Huế khi lên nhận Giải "Thành tựu trọn đời" của Global Film Festival 2015. Và bộ áo dài Kiều Chinh cùng hình ảnh sự nghiệp của bà tại thư viện Richard Nixon, California (ảnh Kiều Chinh cung cấp)


Nhưng dù bà có sang ngã rẽ nào, tôi vẫn tin chỉ có một cốt cách phong thái Kiều Chinh không hề lẫn lộn, từ lúc mới bước vào nghiệp diễn cho đến hôm nay, với áo dài và mái tóc không-thể-Việt-Nam hơn.

Các kiểu áo dài của bà còn có những biến tấu trên cái nền cổ điển, nhưng kiểu tóc búi của bà thì tuyệt đối không thay đổi từ đầu thập niên 90 đến nay. Khó mà tưởng tượng một phụ nữ, lại là một minh tinh điện ảnh Hollywood, chỉ duy nhất một kiểu tóc mọi lúc mọi nơi, trong suốt ngần ấy năm!

(Cười lớn) Phải chăng đó chính là marque déposée - dấu ấn Kiều Chinh? Tôi không thể hình dung mình với mái tóc bôm-bê, đeo lông nheo dày cong vút, quần áo rực rỡ… có thể đẹp với người khác nhưng không hợp với tôi.

Tôi đi nhiều và vẫn thấy áo dài đẹp nhất. Tôi thích tóc búi, một hình ảnh thuần chất của người đàn bà Việt, và tôi trung thành với chọn lựa đó vì đó chính là tôi. Nhưng đến một ngày nào đó có thể tôi sẽ thay đổi: tôi muốn một Kiều Chinh đầu trọc, rất gầy, chỉ còn da bọc xương và mặc trang phục thật rộng.

Nhiều năm qua, tôi mê hình ảnh nhẹ nhàng thanh thoát đó, nhưng do vẫn còn hoạt động, đóng phim, nên tôi chưa thực hiện được. Hiện tại, tôi vẫn muốn nếu ai còn nhớ tới Kiều Chinh thì hãy nhớ đến một hình ảnh Kiều Chinh - Việt Nam!

Nghệ sĩ Kiều Chinh nhận Giải thưởng The Winn-Slavin Humanitarian tại Đại hội Điện ảnh Á Châu Thế giới ngày 12.11.2021 (ảnh Kiều Chinh cung cấp)


Kiều Chinh - Việt Nam, hình ảnh và sự nghiệp điện ảnh của bà đã làm cho người ta nhớ đến điều đó, rồi tiếp nối là sự ra đời của Hội Vietnam Children’s Fund mà bà là một trong ba người sáng lập. Hội này ra đời từ động lực nào, thưa bà? 

Ngày 11.11.1993, tôi được mời đọc diễn văn trong lễ kỷ niệm Ngày Cựu chiến binh Hoa Kỳ tại bức tường đá đen ở Washington D.C. Khi xướng danh những tên Johnson, Smith… trong lòng tôi không khỏi không nghĩ tới những họ Trần, Lê, Nguyễn… của trên hai triệu người Việt đã gục ngã trong cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ. Tôi mong sẽ làm được điều gì đó để tưởng nhớ những trẻ em vô tội đã thiệt mạng trong cuộc chiến và giúp đỡ những trẻ em hôm nay.

Sau đó, tôi được làm quen với hai người: Lewis B. Puller, một cựu chiến binh cụt cả hai chân - người từng được trao giải Pulitzer với tự truyện Fortunate Son, con một vị tướng trong quân đội Hoa Kỳ - và nhà báo danh tiếng Terry Anderson. Tôi đã trình bày với họ điều thôi thúc ấy. Họ đồng cảm ngay và vận động nhiều nhân vật tên tuổi khác tham gia để cho ra đời Hội Vietnam Children’s Fund cùng sự quan tâm của giới truyền thông Mỹ. Năm 1995, Hội xây dựng trường tiểu học đầu tiên ở Đông Hà - Quảng Trị, và sau đó là 50 ngôi trường nữa khắp Việt Nam. 

Kiều Chinh trong chuyến trở về Việt Nam đầu tiên năm 1995 khánh thành trường tiểu học ở Đông Hà (Quảng Trị) - ngôi trường đầu tiên của Hội VCF (ảnh Kiều Chinh cung cấp)


Kiều Chinh tại sự kiện khánh thành ngôi trường tiểu học ở Quảng Nam năm 2016, được xây dựng bởi Hội Vietnam Children’s Fun, mà bà đồng sáng lập (ảnh Kiều Chinh cung cấp)


Nhìn lại những vai diễn, bà có tiếc nuối về diễn xuất của mình trong một phim nào đó mà nếu được diễn lại, bà sẽ làm khác đi, làm tốt hơn?

Có chứ, nhiều lắm, gần như tôi chưa vừa ý với những vai đã được giao. Tôi vẫn mong ước một vai diễn khó khăn hơn, hoàn hảo hơn, ý nghĩa hơn. Mong ước được vào một bộ phim ít nhân vật, ít lời thoại, ít hành động, ít cảnh trí, một bộ phim đặc tả nội tâm như Rashomon (1950) của Nhật mà tôi xem từ thời thiếu niên, ám ảnh đến giờ, với diễn xuất của bậc thầy Toshiro Mifune.

Chỉ đôi mắt của ông ấy thôi, hơn vạn lời nói. Điện ảnh là ngôn ngữ chung của nhân loại, bộ phim đó nói tiếng Nhật, tôi vẫn cảm nhận được mà không cần phiên dịch, một bộ phim châu Á gây kinh ngạc cho điện ảnh phương Tây thời ấy.

Kiều Chinh (ôm con chó nhỏ) bên mẹ Nguyễn Thị An và chị gái ở Hà Nội. Năm 1943 bà An mất ở nhà hộ sinh do bị trúng bom khi quân Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam, Kiều Chinh mồ côi mẹ lúc mới 6 tuổi (ảnh tư liệu Kiều Chinh)


Nhưng bà đã có vai diễn thành công trong The Joy Luck Club - bộ phim được bình chọn vị trí thứ 22 trong số 50 phim của lịch sử điện ảnh thế giới lấy nước mắt khán giả nhiều nhất.

Và Cúp Nước mắt “The Trophy of Tear” được trao cho Kiều Chinh trong vai diễn bà mẹ Suyuan trong phim, đặc biệt làm người ta nhớ nhất là cảnh bà mẹ sức cùng lực kiệt quyết định bỏ lại hai đứa con sơ sinh dưới một gốc cây trước khi mình quỵ chết trên đường chạy loạn thời Thế chiến II?

Tôi có kể lại trong hồi ký về cảnh quay này là “Chỉ hai tiếng kêu”: kêu cứu cho con và kêu vĩnh biệt con. Tôi nhớ lời đạo diễn Wayne Wang dặn hôm trước đó: khó diễn nhất không phải với đám đông mà với sự vắng lặng. Ông nói tôi hãy diễn theo cách của riêng mình, “tiếng kêu ấy không cần phải bằng tiếng Quảng Đông của nhân vật, hãy kêu bằng thứ tiếng bà muốn. Máy quay sẽ sẵn sàng, khi ánh sáng lóe trên vòm cây cổ thụ là bắt đầu diễn, tôi sẽ không hô “action!”.

Buổi sớm đó lạnh hơn âm 20 độ, tôi chờ đợi tia nắng đầu ngày rơi xuống đúng chỗ, và nhập vai Suyuan. Ôm ghì hai con vào lòng, tôi nhìn lên tia sáng trên vòm cây xin phù hộ cho con, khi đặt con xuống gốc cây, tôi nghe tiếng bố kêu tôi khi ông đẩy tôi vào phi cơ một mình trong cảnh hỗn loạn năm tôi 16 tuổi, rồi nước mắt giàn giụa và tiếng kêu xé ruột từ trong lòng tôi bật ra: “Con ơi!”. Tôi run rẩy, hai tay bấu chặt gốc cây, hai mắt mở trừng trừng…

Không có tiếng hô “Cut!” như thường lệ, cho đến lúc một vòng tay ôm vai tôi lặng lẽ. Biết chính là đạo diễn, cố giữ giọng nhẹ nhàng tôi hỏi có cần quay thêm “take” nữa không? Wayne nói không, không thể làm hơn được. Hình như Wayne không phải nói với tôi mà nói với chính ông.

Kiều Chinh trong phim The Joy Luck Club - bộ phim được bình chọn vị trí thứ 22 trong số 50 phim của lịch sử điện ảnh thế giới lấy nước mắt khán giả nhiều nhất. Ảnh: Hollywood Pictures

Kiều Chinh cho biết nếu là đạo diễn cho cuốn phim đời mình, bà sẽ chọn mở đầu bộ phim với cảnh hồi tưởng như trong hồi ký đã viết: "Trong chuyến bay đêm trở về Việt Nam lần đầu sau 20 năm chiến tranh chấm dứt và sau 40 năm xa cách Hà Nội khi tôi mới 16 tuổi…”. Ảnh: Thúy Hà


Hơn 60 năm sự nghiệp điện ảnh với hơn 100 cuốn phim, từng quay phim ở rất nhiều nơi, trước 1975 là Huế, Sài Gòn, Đà Lạt, Cam Ranh, Nha Trang... và khắp vùng Đông Nam Á như Philippines, Singapore, Hongkong, Đài Loan, Ấn Độ… Sau 1975 là làm phim ở Hollywood, Canada, Úc… Thậm chí bà từng diễn xuất trên sân khấu Broadway New York - điều này khiến tôi nhớ một chi tiết trong hồi ký là cô bé Kiều Chinh 12 tuổi từng tham gia diễn kịch tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Thế nhưng đến nay, nghệ sĩ Kiều Chinh vẫn chưa có một bộ phim nào với bối cảnh Hà Nội - nơi sinh ra và lớn lên của bà. Cách nay hai năm, khi nhà báo Lê Hồng Lâm phỏng vấn bà cho quyển biên khảo điện ảnh Người tình không chân dung, bà có nói “Tôi vẫn mơ một bộ phim lớn về Việt Nam, về văn hóa, nghệ thuật và con người, không hề có chiến tranh, vì đề tài chiến tranh đã làm nhiều quá rồi!”. Đến nay mơ ước ấy của bà vẫn tiếp tục?

Vâng, đúng vậy, tôi vẫn ấp ủ mơ ước ấy và vẫn chờ đợi!

Xin cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn thú vị này, kính chúc bà dồi dào sức khỏe để tiếp tục thực hiện những ước mơ và dự định trên con đường của mình. 

Thúy Hà (TheoBaomoi.com)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.