Các nút giao thông quan trọng của Hà Nội
(Dân trí) - Trong giao thông, các nút giao đóng vai trò kết nối quan trọng giúp tránh các luồng xung đột phương tiện, giảm ách tắc... Bên cạnh đó còn tạo nên giá trị thẩm mỹ cho đô thị.
Nút giao Pháp Vân (Hoàng Mai) nằm tại điểm đầu cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, là nút giao có lưu lượng phương tiện giao thông lớn nhất ra vào ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội. Dịp nghỉ lễ thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc kéo dài.
Đây là nút giao quan trọng hàng đầu của Thủ đô khi là điểm kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát.
- Nút giao Pháp Vân là một trong 5 nút giao trên toàn tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, và là một trong rất nhiều nút giao qui mô lớn trên tuyến đường Vành đai 3.
Nhằm giảm ùn tắc tại điểm kết nối này, nút giao vẫn tiếp tục được nâng cấp. Theo phê duyệt, dự án nâng cấp toàn tuyến đường có chiều dài khoảng 3,4km, có điểm đầu giao với đường Pháp Vân - Cầu Giẽ tại nút giao Tứ Hiệp, điểm cuối giao với đường Vành đai 3, thuộc địa bàn quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.535 tỷ đồng.
Nút giao Cổ Linh (Long Biên và Gia Lâm) kết nối đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tổng chiều dài 1,5km với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng, là cửa ngõ phía Đông Hà Nội.
Đây là nút giao thông hiện đại nhất thành phố với 6 đường dẫn giúp kết nối một loạt các tuyến lưu thông huyết mạch như Vành đai 3, Cổ Linh, cầu Thanh trì, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nút giao không chỉ là cánh cửa nối trực tiếp huyện Gia Lâm với quận Long Biên mà còn nhiều vùng lân cận.
Nút giao Cổ Linh liên kết với một số khu đô thị lân cận, được xem như tâm điểm của hệ thống hạ tầng khu vực phía Đông Hà Nội.
Khi các công trình lớn như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy 2, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở hoàn thành đi vào sử dụng, đây hứa hẹn sẽ là một giao lộ sôi động của cả khu vực phía Bắc trong những năm tới.
Nút giao Vĩnh Ngọc (Đông Anh) ở hướng Bắc Thủ đô, liên kết cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) với QL5 kéo dài.
Đây là một nút giao thông hình hoa thị cân đối, qui mô trung bình. Nếu vượt sông Hồng qua cầu Nhật Tân sẽ phải đi qua nút giao này để đi sân bay, Mê Linh, Gia Lâm...
Toàn cảnh nút giao Vĩnh Ngọc, phía xa là cầu Nhật Tân qua sông Hồng.
Nút giao Trung Hòa là nút giao đường Vành đai 3 với Đại lộ Thăng Long thuộc địa bàn quận Cầu Giấy. Trung Hòa có 3 tầng xe chạy, trong tương lai cũng có thể trở thành 4 tầng phương tiện lưu thông. Nút giao này gồm hầm đường bộ theo hướng Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long, tuyến đường vành đai 3 trên cao cùng tuyến đường bộ với 4 làn xe chạy.
Nút giao Trung Hòa kết nối trung tâm Hà Nội với khu vực phía Tây và các trục chính phía Đông Bắc như: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn đi qua đường Vành đai 3 lên khu công nghệ cao Hòa Lạc, đi Hòa Bình và ngược lại.
Toàn cảnh nút giao Trung Hòa và Đại lộ Thăng Long.
Nút giao Long Biên (quận Long Biên) có tổng mức đầu tư 2.847 tỷ đồng. Hạng mục chính là cầu vượt qua vòng xuyến gồm 6 làn xe theo hướng đường Nguyễn Văn Linh - QL5 kéo dài, tổng chiều dài hơn 800m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Cầu vượt có 16 nhịp, bao gồm một cầu chính và hệ thống cầu dẫn với kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép. Đây là cầu vượt thép lớn nhất Việt Nam.
Đồng bộ còn có các hạng mục: Đường giao thông nội đô hai bên cầu vượt; hai cầu đường sắt phía dưới cầu vượt và hầm chui cho các phương tiện đi qua; đảo xuyến giao thông...
Các đảo vòng xuyến có diện tích rộng hàng trăm m2 được trồng cỏ, 4 góc trồng các khóm cọ. Dọc các nhánh đường trong đảo xuyến, hệ thống cây xanh được trồng đồng bộ, cao khoảng 5m, lá xanh tốt. Nút giao Long Biên và cầu vượt thép có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giao thông các tuyến cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô với Quốc lộ 5, đường 5 kéo dài; giảm tải ùn tắc và tai nạn giao thông ở khu vực này.
Nút giao Nguyễn Trãi - Thanh Xuân là một trong những nút giao trọng điểm ở Thủ đô được đầu tư cùng lúc với nhiều dự án đi qua như hầm chui hướng Thanh Xuân - Hà Đông, đường vành đai 3 trên cao và đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Trong đó hầm nút giao Thanh Xuân giao giữa đường vành đai 3 và đường Nguyễn Trãi, chạy theo đường Nguyễn Trãi (QL6) từ Km5+160 đến Km6+140 (lý trình QL6); theo đường vành đai 3 từ Km24+970 đến Km25+370 (lý trình vành đai 3). Tổng chiều dài hầm và đường dẫn vào hầm 980m.
Đây là nút giao đầu tiên có 4 tầng phương tiện lưu thông đầu tiên của Việt Nam. Công trình hoàn thành vào đi vào hoạt động năm 2016 góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc kéo dài và xung đột giao thông từ các hướng Trần Phú, Hà Đông, Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét