Ba ngày tháo chạy khỏi Ukraine dưới tiếng bom đạn của gia đình người Việt
Dù đã an toàn trong ngôi nhà của một đồng hương người Việt ở Hungary - nơi giáp ranh với biên giới Ukraine, chị N. (người Việt sống hơn 30 năm ở Ukraine) vẫn chưa hết bàng hoàng.
Cảm giác đó sẽ ám ảnh cả đời
Ngay khi PV Dân trí gọi điện, đầu dây bên kia, chị N. đã nghẹn ngào. Giọng nói run run, ngắt quãng, bao nhiêu cảm xúc dồn nén trong chị bỗng vỡ òa. "Tang thương lắm. Bản thân mình phải chứng kiến, rồi con mình cũng chứng kiến. Cảm giác đó sẽ ám ảnh cả đời", chị N. nói trong nước mắt rồi im lặng một hồi lâu.
Sau ít phút trấn tĩnh, chị N. xúc động chia sẻ, hai vợ chồng chị làm nghiên cứu khoa học, đã định cư ở Kiev, Ukraine 30 năm nay. Nơi đây như quê hương thứ hai của họ, nơi họ đã gắn bó cả thời thanh xuân tuổi trẻ, nơi chứng kiến bao gian khó nhọc nhằn lẫn niềm vui hạnh phúc trong những tháng năm xa xứ. Vì vậy, trước đó cả hai xác định, dẫu chiến tranh có xảy ra, hai vợ chồng cùng cậu con trai 7 tuổi vẫn sẽ bám trụ lại thủ đô của Ukraine.
Thời gian gần đây, khi mối quan hệ căng thẳng giữa Ukraine và Nga trở nên đỉnh điểm, chị N. cũng đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến. Chị mua lương thực, đồ dùng đủ cho gia đình dùng trong khoảng 2 tháng.
Tuy nhiên, mọi chuyện diễn ra khác xa so với tưởng tượng của người phụ nữ này.
Tối 23/2, bầu trời Kiev vẫn yên bình. Gia đình chị N. đi ngủ sớm hơn thường lệ và dự tính sáng hôm sau sẽ đi gặp bác sĩ vì cả nhà đang bị ốm.
Khoảng 5h sáng 24/2, chị N. chợt tỉnh giấc bởi một tiếng rầm rất lớn. Ít phút sau, cầm điện thoại lên, chị thấy tin nhắn của một loạt bạn bè, người thân ở Mỹ, Việt Nam hỏi thăm, thể hiện sự quan tâm lo lắng.
Chị N. vội lên mạng đọc tin tức thì mới biết, chiến sự đã thực sự bắt đầu. Lúc ấy, chị cũng nhận được thông báo từ trường học của con trai rằng trường sẽ đóng cửa và phụ huynh không đưa trẻ đến trường.
Lòng dạ rối bời, tuy nhiên, vợ chồng chị N. vẫn cho rằng, căn nhà họ sống sẽ là nơi an toàn nhất nên cả hai hoàn toàn không có ý nghĩ tháo chạy đi đâu. "Chúng tôi nghĩ, giao tranh chỉ xảy ra ở khu vực quân sự, người dân sẽ không bị ảnh hưởng. Hơn nữa, khu chung cư nơi tôi sống còn có hầm trú, đảm bảo an toàn cho người dân nên gia đình tôi sẽ ở yên trong nhà và xuống hầm trú khi cần thiết", chị N. chia sẻ.
Song, cấp độ khốc liệt của cuộc chiến mỗi lúc một tăng dần. Tiếng còi hú báo hiệu nguy hiểm liên tục vang lên.
Ngay đêm đầu tiên, vợ chồng chị N. cùng cậu con trai 7 tuổi đã phải sơ tán xuống hầm trú. Chị còn đón thêm những hàng xóm xung quanh sang trú ẩn cùng. Cả đêm, chị không thể chợp mắt. Trong hầm tối om, chị lo lắng nghĩ những ngày sắp tới không biết sẽ ra sao.
Nơi chị N. sống giáp với cửa ngõ vào thủ đô nên nhiều cây cầu, con đường được cho đánh sập để chặn quân đội Nga tiến vào thành phố. Buổi sáng hôm sau, nhìn quang cảnh tan hoang gần khu nhà mình, chị cảm nhận rõ hơn được sự tàn khốc của chiến tranh.
Chị N. lo lắng không biết nên làm thế nào, đi hay ở. Đúng lúc này, cô bạn thân người Ukraine làm trong lực lượng an ninh nước này tới và khuyên chị rằng, cả gia đình nên rời khỏi chung cư vì xung quanh đó không còn an toàn nữa.
Sau khi thuyết phục được chồng, chị N. vội bế cậu con trai 7 tuổi cùng chồng xuống hầm lấy xe rồi lao ra đường thực hiện một cuộc tháo chạy đúng nghĩa. Chị N. đi vội tới mức không kịp mang theo thuốc thang hay bất cứ đồ đạc gì. Con trai thì liên tục thắc mắc tại sao lại có chiến tranh? Lòng chị N. quặn thắt.
Cả gia đình 3 người ngồi trong chiếc xe con vội vã rời đi, bỏ lại phía sau ngôi nhà đã gắn bó hàng chục năm. Đi ngang qua con đường nơi hàng ngày đưa con đi học, chị nuối tiếc chụp lại một tấm hình. Con đường ấy giờ không còn rộn rã tiếng cười con trẻ, cũng không còn đông đúc người xe qua lại… Lác đác chỉ thấy có mấy binh lính đứng gác ở điểm đứt gãy của cây cầu.
Nhiều chiếc xe đã bị bỏ lại, va quệt tai nạn cũng xảy ra
Khi chiến sự nổ ra, nhiều cơ quan của Ukraine được chuyển tới thành phố Lviv ở phía Tây Ukraine, gần Ba Lan. Người bạn của chị N. vì thế cũng sẽ tới thành phố này làm việc. Chị N. và chồng quyết định đi theo sau xe của bạn, di chuyển tới Lviv sau đó di tản sang Ba Lan.
Chị N. thực sự choáng ngợp khi thấy nhiều ngả đường ra khỏi thủ đô đều trong tình trạng kẹt cứng, hàng dài những chiếc xe liên tiếp nối đuôi nhau. Trên đường đi, rất nhiều chiếc xe đã bị bỏ lại do hết xăng xe, va quệt tai nạn, hỏng hóc…
"Rất nhiều trạm xăng đã đóng cửa, những nơi còn mở cửa thì xe chờ dài tới cả cây số. Số lượng xăng mua cũng bị giới hạn, được mua nhiều nhất là 20 lít. Trong tình trạng tắc đường, xe càng tốn nhiên liệu nên nhiều người có lẽ đã bỏ của chạy lấy người", chị N. nhớ lại.
Vì người bạn đi cùng đã chuẩn bị sẵn được mấy can xăng trước đó nên xe của gia đình chị N. may mắn đảm bảo được nguồn nhiên liệu. Đến khi càng ra xa thủ đô, đến nơi nào thấy thuận tiện cho việc mua xăng, không phải chờ đợi quá lâu, họ lại tấp vào mua.
"So với nhiều gia đình người Việt khác thì chúng tôi còn khá may mắn vì có người dẫn đường. Vẫn còn nhiều đồng bào kẹt lại trong thành phố, những người không biết tiếng, không có phương tiện, không biết xoay xở thế nào", người phụ nữ gốc Việt nghẹn ngào chia sẻ.
Trong suốt hành trình hơn 3 ngày đêm tháo chạy khỏi Kiev, có quá nhiều cảnh tượng ám ảnh người phụ nữ này: Các dấu vết bom đạn, cảnh người dân bị thương, bị thiệt mạng, cảnh mua bán vội vã, hốt hoảng, rồi cảnh binh lính di chuyển... Vì không muốn cậu con trai 7 tuổi chứng kiến những hình ảnh đau lòng đó, chị N. thường bảo cậu bé nằm xuống ngủ hoặc chơi điện thoại để phân tán sự chú ý.
Bữa ăn trên hành trình tháo chạy của gia đình ba người là chút thịt nguội, bánh mỳ và ít hoa quả tranh thủ mua ở các siêu thị ven đường. Dẫu vậy, vợ chồng chị N. chẳng có tâm trạng nào để nghĩ đến việc ăn uống. Họ chỉ cố nhấp chút nước, hoặc ăn mẩu bánh mỳ cho qua bữa.
Dù đang bị ốm và trước đó bị sốt mấy ngày liền, nhưng chồng chị N. lái xe cả ngày trời không nghỉ, đêm đến lại tranh thủ chợp mắt vài tiếng trong nỗi thấp thỏm. Chính vì thế, có lúc anh gần như kiệt sức.
"Đó thực sự là một hành trình khủng khiếp. Cả gia đình tôi đi xe triền miên mấy ngày liền, đi dưới tiếng bom đạn trên đầu… Khi còi hú báo hiệu mọi người chui xuống hầm trú ẩn thì chúng tôi vẫn phải ở ngoài đường và thầm cầu nguyện bom đạn không rơi lạc vào chỗ mình. Nhiều đoạn đường chúng tôi phải di chuyển vào ban đêm giữa đồi núi, không có đèn đường đi lại khó khăn, nguy hiểm", chị N. nhớ lại.
Dự tính chạy sang Ba Lan để lánh nạn nhưng cuối cùng khi di chuyển đến gần cửa khẩu nước này, chị N. thấy có quá đông người dân dồn về đây. Cảnh tượng xe nối đuôi nhau dài dằng dặc khi rời Kiev lại tái diễn. Số xe chờ trước cửa biên phòng vào Ba Lan dài hơn 40 km. Nếu chờ đợi để sang được Ba Lan, có lẽ sẽ mất thêm hai ba ngày. Cuối cùng cả gia đình ba người quyết định chuyển hướng sang Hungary.
Qua một người bạn, chị N. kết nối được với một đồng hương người Việt ở Hungary và được anh cho ở nhờ những ngày này. Gia đình ba người đang tạm có khoảng thời gian nghỉ ngơi an toàn trước khi đưa ra những dự định tiếp theo.
Chị N. hi vọng, chiến tranh sớm kết thúc để không còn thương vong xảy ra. Nếu chiến sự kéo dài thì chị N. đành tính đến phương án trở về Việt Nam hoặc sang ở cùng người thân tại một số nước châu Âu...
TheoDantri
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét