Táo quân Tết Nhâm Dần: Nhắc đủ các 'từ khóa' của năm nhưng vẫn nhạt
TTO - Táo quân năm nay thiếu 2 ‘cây’ hài đình đám Công Lý, Xuân Bắc, nhắc đủ ‘từ khóa’ trong năm như giấy đi đường, thầy ông nội, rác mạng, livestream chửi bới, "dĩ dãng dơ dáy dễ gì giấu giếm", Việt Á, thổi giá kit test, bỏ thầu… nhưng vẫn nhạt.
Nhưng, ngay cả việc Táo quân nhạt cũng chẳng có gì… lạ với công chúng nữa. Mấy năm qua khán giả đã quá quen với việc chương trình chiếm sóng đêm 30 Tết này càng ngày càng nhạt hơn.
Năm nay 2 cây hài có tiếng Công Lý, Xuân Bắc không có mặt, sự thay thế này được giải thích trong chương trình là Bắc Đẩu về nghỉ hưu để làm người tử tế, Nam Tào nghỉ dưỡng bệnh.
Các chương trình Táo quân năm trước dành hầu như nhiều đất diễn nhất cho Nam Tào, Bắc Đẩu (Xuân Bắc, Công Lý đóng) thì năm nay hai diễn viên trẻ Trung Ruồi (vai Bắc Đẩu) và Duy Nam (vai Nam Tào) rất nhạt nhòa, bởi Nam Tào, Bắc Đẩu mới không còn được xây dựng có cá tính đậm nét như trước đây, chưa nói tới khả năng diễn xuất, "tung hứng" của hai diễn viên trẻ.
Táo Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp… được tha
Chương trình năm nay có đủ các Táo Y tế, Giáo dục, Giao thông, Kinh tế, Xã hội, Nông nghiệp và có thêm Táo Mạng. Nhưng chỉ có Táo Giao thông (NSƯT Chí Trung), Táo Xã hội (nghệ sĩ Vân Dung), Táo Kinh tế (NSƯT Quang Thắng), Táo Mạng (NSND Tự Long) được/phải vào chầu báo cáo, chịu những chất vấn của Ngọc hoàng (NSƯT Quốc Khánh).
Táo Giáo dục, Y tế và Nông nghiệp vốn là những ngành nhiều vất vả trong năm đại dịch COVID-19 được… tha, không phải báo cáo trực tiếp mà sẽ trực tuyến với Ngọc hoàng, để mau chóng về hạ giới lo công việc.
Ba diễn viên đóng ba Táo này rất nhàn, rất ít thoại, chỉ xuất hiện ở phần đầu chương trình, cũng là những gương mặt ít quen thuộc với công chúng.
Tuy Táo Y tế không phải vào chầu, được về sớm hỗ trợ chống dịch, nhưng ngành y tế vẫn bị chế giễu quá lố nhiều lần về chuyện "chọc mũi" test COVID-19.
Nữ hoàng livestream, "dĩ dãng dơ dáy dễ gì giấu giếm" được điểm tên
Cả 4 táo Giao thông, Xã hội, Kinh tế, Mạng đều được "xoay" chóng mặt, "xứng tầm" với độ nóng của những ngành này trong một năm nhiều biến động.
Hầu hết những chuyện nóng trong năm, gây bức xúc trong dư luận đều được nhắc tên như giăng dây vùng xanh vùng đỏ, hạch sách giấy đi đường, ra công văn lúc nửa đêm, thổi giá kit test, Việt Á, đường sắt Cát Linh chậm chạp, bi hài học online, nữ hoàng livestream, gà chứng khoán, tiền ảo, ông ngoại, thầy ông nội, rác mạng, quảng cáo thần y thần dược trên mạng, livestream chửi bới, "dĩ dãng dơ dáy dễ gì giấu giếm", sao kê, minh bạch từ thiện, bánh mì ko phải thực phẩm thiết yếu, phiếu đi chợ ngày chẵn lẻ, bỏ cọc, phong sát, phong thành...
Tuy nhiên chỉ một số sự vụ này được diễn lại trên sân khấu khá sinh động như giấy đi đường, nửa đêm ra văn bản, bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu, diễn tập sự cố đường sắt trên cao…
Chuyện rác mạng được dành nhiều "đất" qua màn tung hứng giữa Ngọc hoàng và Táo Mạng, nhằm phê phán nhiều chuyện từ livestream chửi bới đến nội dung "vớ vẩn" dạy cắt tay tự tử, livestream đánh ghen, bán hàng "khoe body", thánh chửi, tin giả…
Còn lại nhiều "từ khóa" hầu như chỉ được nhắc tên.
Đáng chú ý, chuyện minh bạch từ thiện, sao kê vẫn được nêu là chuyện "nổi rất cộm" trong năm dù mới đây những trả lời từ công an đã "giải oan" cho các nghệ sĩ làm thiện nguyện từng bị "dính sao kê".
Hơn nửa giờ cuối của chương trình có lẽ khiến không ít khán giả… ngơ ngác, bởi quá đuối, quá nhạt.
Nhiều phút, khán giả chỉ được xem các Táo báo cáo tập thể, diễn trò bốc quẻ câu hỏi, đùn đẩy nhau trả lời Ngọc hoàng, cuối cùng chỉ để Ngọc hoàng thử bản lĩnh xem các Táo có dám nhìn thẳng vào sự thật hay thờ ơ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và nhắc nhở chuyển đổi số từ lời nói đến việc làm còn cách xa lắm.
Khán giả đã khác, Táo quân vẫn vậy
Dẫu có nhiều thất vọng, nhưng xét cho công bằng, Táo quân cuối cùng vẫn chỉ là một chương trình truyền hình giải trí được khoác thêm tính báo chí chính luận.
Nếu chỉ coi nó là một chương trình giải trí cuối năm thì có thể đánh giá nó đã hoàn thành tốt vai trò của mình. Nhất là năm nay âm nhạc được đưa vào dày đặc, từ Táo tới Ngọc hoàng đều ra sức đàn, hát đủ thể loại từ nhạc trẻ, ca vọng cổ, bolero…
Nhưng Táo quân lại chiếm sóng truyền hình quốc gia vài giờ đồng hồ trong đêm giao thừa, và từng có lịch sử làm nức lòng công chúng với tính châm biếm sâu cay nên chẳng thể tránh được "số phận" bị nhiều người thất vọng.
Gần đây, cứ sau mỗi chương trình Táo quân là lại rộ lên làn sóng dư luận đòi "dẹp" Táo. Nhà đài cũng đã dẹp chương trình trong một năm nhưng rồi lại quay trở lại bởi hào quang quá khứ là thứ chẳng dễ từ bỏ, tất nhiên, và giá quảng cáo cao ngất của chương trình đêm giao thừa lại càng chẳng dễ bỏ.
Không bỏ, nhưng Táo quân vẫn y cách làm cũ từ gần 20 năm trước. Chục năm trước Táo quân chỉ cần "điểm mặt" đủ các vụ bê bối của đủ các ngành trong một năm là đủ làm khán giả hả hê lắm lắm nhưng giờ thì không.
Bởi việc ấy đã được mạng xã hội làm tốt hơn nhiều, ngay và luôn, lại cho người dân được trực tiếp cất lên tiếng nói của mình về những chuyện "động trời" nhất, chứ không phải chỉ đợi nghe diễn viên nói hộ mình trên truyền hình vào đêm cuối năm.
Đó là lý do khiến Táo quân có lẽ không tệ hơn trước mà nhiều khán giả thì thất vọng tràn trề. Khán giả đã khác, thời đại đã khác, thì Táo quân không có cách nào khác là cũng phải đổi thay nếu muốn tiếp tục ở lại trong lòng công chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét