5 năm ăn Tết xa nhà của cô dâu Việt xinh đẹp ở Trung Quốc
Vì dịch bệnh phức tạp và con đầu lòng còn nhỏ nên hai vợ chồng Thương chỉ ở nhà, xoay quanh công việc bỉm sữa trong cả mùa Tết.
Tết Nhâm Dần 2022 là cái Tết xa quê thứ 5 của Lê Thị Thương (sinh năm 1993, quê Hải Dương).
Năm 2017, cô và chồng, Hạ Dĩ Dương (quốc tịch Trung Quốc), tổ chức đám cưới tại Việt Nam, rồi quay trở lại Thượng Hải. Hai năm sau đó, Thương không thể về quê vì bận rộn với việc học.
Những năm gần đây, kế hoạch đón Tết ở Việt Nam của gia đình Thương liên tục đổ bể vì dịch bệnh.
"Vì đã rất lâu rồi không được về quê nên mình rất nhớ. Chắc cũng như những người con xa xứ khác, càng vào dịp Tết đến xuân về thì nỗi nhớ đó lại càng nhiều hơn", cô chia sẻ với Zing.
Đón năm mới theo cách đặc biệt
Mọi năm, vợ chồng Thương bắt đầu dọn dẹp, trang trí nhà cửa khoảng một tuần trước Tết Âm lịch. Tới ngày 30, cả hai cùng họ hàng ăn bữa cơm giao thừa. Đây là thời điểm các thành viên trong gia đình lì xì và chúc Tết nhau.
"Người Việt Nam mình có ăn cơm tất niên thì người Thượng Hải có bữa ăn đêm giao thừa. Đối với người Thượng Hải thì đây là bữa ăn quan trọng nhất trong năm", Thương nói.
Tới ngày mùng 1 Tết, hai vợ chồng bắt đầu đi du lịch. Thương cho biết đây là lựa chọn khá phổ biến vào dịp Tết Nguyên đán của giới trẻ Thượng Hải. Mọi người xem kỳ nghỉ cuối năm là thời gian nghỉ ngơi, thư giãn thay vì quá chú trọng đến các nghi lễ truyền thống trong ngày Tết.
Thay vì du lịch như mọi năm, vợ chồng Thương ở nhà chăm sóc con, đón Tết cùng gia đình.
Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch bệnh chưa ổn định, chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân hạn chế đi lại nên vợ chồng Thương quyết định hủy chuyến du lịch, chỉ ở nhà đón Tết.
"Năm nay vợ chồng mình còn có thêm bé Chiên, 5 tháng tuổi, nên càng phải cẩn trọng hơn. Vì con còn nhỏ nên hai vợ chồng cũng khá bận rộn, gần như cả cái Tết chỉ xoay quanh công việc bỉm sữa".
Tuy khá bức bí vì không thể ra ngoài du lịch, Thương không quá buồn khi có thêm thời gian cho chồng con, gia đình cũng như ngẫm lại một năm đã qua.
"Nhìn lại mình thấy bản thân đã làm được rất nhiều việc, đạt được những thành tích nhất định. Cảm thấy may mắn và hài lòng với những gì đang có".
Hương vị Tết quê hương
Khoảnh khắc giao thừa là lúc Thương cảm thấy nhớ nhà nhất. Hình ảnh nồi bánh chưng, cành đào, cây quất hay bữa cơm tất niên được bạn bè, người thân chia sẻ càng khiến cô "thèm" hương vị Tết quê.
Điều khiến Thương ấm lòng nhất khi đón Tết ở Trung Quốc chính là sự chia sẻ của chồng và sự quan tâm của bố mẹ chồng.
"Mọi người rất tôn trọng khi mình ngỏ ý muốn đón Tết theo phong tục của người Việt Nam. Mình vẫn có thể vào bếp và làm những món ăn truyền thống của người Việt để cả gia đình cùng thưởng thức trong những ngày này".
Về phần mình, Thương cũng rất trân trọng truyền thống đón Tết của gia đình chồng. Có một số nét khác biệt trong phong tục ngày Tết giữa Việt Nam và Trung Quốc nên cô đã gặp đôi chút khó khăn trong thời gian đầu.
"Có một phong tục mình thấy khá đặc biệt của người Thượng Hải là trước Tết mọi người rất chú trọng tới việc cắt tóc và cắt móng tay. Quan niệm xưa cho rằng việc làm này sẽ rũ bỏ cái cũ đã qua, đón chào một năm mới với những điều mới mẻ và tốt đẹp hơn.
Vào tối 25 tháng Chạp, người Thượng Hải còn có tục ăn cháo lát - loại cháo trắng chỉ bỏ một chút muối. Trong ngày này dù là người đi làm xa không kịp về nhà thì người thân cũng sẽ để lại một phần cho họ. Món cháo này có ý nghĩa xua đuổi dịch bệnh và cầu phúc lành".
Như bao người khác, Thương vừa thưởng thức món ăn này và cầu mong ý nghĩa của nó sẽ thành hiện thực trong năm mới.
"Giờ đây, ước muốn lớn nhất của mình là đại dịch sớm qua đi để mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Và chỉ khi đại dịch qua đi thì vợ chồng mình mới có thể yên tâm trở về Việt Nam, thăm gia đình và người thân", Thương chia sẻ.
TheoDantri
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét