Nước Mỹ 20 năm xây dựng lại hy vọng sau vụ khủng bố kinh hoàng 11/9
Nước Mỹ đang nỗ lực vượt lên khó khăn và đau thương của vụ khủng bố ngày 11/9/2001 để 'xây dựng lại hy vọng,' khi mà cuộc chiến chống khủng bố hay đại dịch COVID-19 vẫn còn đang tiếp diễn.
Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York, Mỹ, bị tấn công ngày 11/9/2001. (Ảnh: AFP/TTXVN)
“Bầu trời trong xanh. Những tòa tháp màu xám sừng sững, vừa bảo vệ vừa chào đón nơi cửa ngõ của đất nước. Không biết từ đâu xuất hiện sự va chạm, ngọn lửa, khói - và sau đó là các tòa tháp biến mất. Khi đám bụi và ngọn lửa cuối cùng tan đi, một thế giới mới đã xuất hiện. Cái chết và sự tàn phá đánh dấu ngày cuối hè đó và vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của những người sống sót sau vụ tấn công ngày 11/9/ 2001. Từ đống tro tàn và đổ nát, một nước Mỹ mới đã trỗi dậy…"
Lời giới thiệu về bộ phim mới phát hành mang tựa đề “The Longest Shadow: 20 years later, 9/11 families seek justice and peace” (tạm dịch: Bóng tối dài nhất: 20 năm sau, các gia đình nạn nhân vụ tấn công khủng bố 11/9 tìm kiếm công bằng và hòa bình) dường như đã khái quát được đầy đủ cơn ác mộng tồi tệ nhất nước Mỹ với những hệ lụy dai dẳng cho tới tận 20 năm sau, đồng thời cho thấy niềm tin và mong muốn công lý và hòa bình của người dân Mỹ.
Mỗi thế hệ người dân Mỹ đều có thể chứng kiến một bước ngoặt không thể nào quên trong cuộc đời, như trận Trân Châu Cảng năm 1942, vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy năm 1962 hay sự bùng phát của đại dịch COVID-19 bao phủ toàn thế giới vào năm 2020.
Tuy nhiên, khó có sự kiện nào ám ảnh người dân Mỹ với nỗi đau mất mát như loạt 4 vụ tấn công khủng bố liên tiếp nhằm vào nước Mỹ trong buổi sáng 11/9/2001.
Loạt vụ tấn công trên đã làm 2.996 người thiệt mạng chỉ trong vòng 77 phút, hơn 6.000 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỷ USD, đồng thời gây những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3.000 tỷ USD.
Đây cũng là thảm họa gây thiệt hại về người lớn nhất của lực lượng lính cứu hỏa và hành pháp trong lịch sử nước Mỹ, với 343 lính cứu hỏa và 72 sỹ quan cảnh sát hy sinh.
Thảm kịch 11/9/2001 cũng để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York.
Ngoài ra, nước Mỹ còn bị “tổn thương” sâu sắc bởi đây được xem là vụ tấn công vào hai biểu tượng sức mạnh của cường quốc này, tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc.
Cũng từ thời điểm đó, nước Mỹ đã vĩnh viễn thay đổi, từ an ninh sân bay cho tới những hoạt động bình thường của cuộc sống hằng ngày, như đi lại, ra vào các tòa nhà, cách thức nuôi dạy con cái….
Gần như khó có thể xác định được thứ gì đó vẫn còn nguyên vẹn và không bị ảnh hưởng bởi thảm họa kinh hoàng đó.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, khu phức hợp Trung tâm Thương mại thế giới tại thành phố New York đã bị phá hủy hoàn toàn. Hiện khu vực này đã được xây dựng lại, trở thành một khu phức hợp mới với các tòa trung tâm hương mại thế giới mới, trong đó tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới Một là tòa nhà chính.
Hiện trường đổ nát sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York, Mỹ, ngày 11/9/2001. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các sân bay giờ đây được trang bị các thiết bị phát hiện tối tân để tìm kiếm vũ khí và chất nổ. Nơi làm việc có nhân viên bảo vệ vũ trang và học sinh trong trường được dạy cách thức đối phó nếu xảy ra các cuộc tấn công khủng bố.
Sau những nỗ lực kéo dài nhiều tháng để tìm kiếm các nạn nhân bị chôn vùi trong đống đổ nát của WTC, người Mỹ đã phát triển thêm những cách thức mới hiệu quả để tìm kiếm nạn nhân tại các địa điểm thảm họa khác - được triển khai gần đây nhất trong vụ sập khu chung cư 12 tầng bên bờ biển ở thị trấn Surfside, hạt Miami-Dade, bang Florida.
Bước ngoặt đáng kể nhất chính là việc Mỹ quyết định phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, với việc đưa quân vào Afghanistan, nơi ẩn náu của đối tượng chủ mưu vụ tấn công ngày 11/9 Osama bin Laden - thủ lĩnh tổ chức khủng bố Al Qaeda.
Suốt 20 năm qua, Mỹ đi đầu và giữ vai trò dẫn dắt liên minh chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, trong đó phải kể tới cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Với chiến dịch chống khủng bố không ngừng được gia tăng về mức độ và quy mô, Mỹ đã góp phần tích cực nhằm ngăn chặn đà lớn mạnh của chủ nghĩa khủng bố trên thế giới.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây tại Afghanistan với việc lực lượng Taliban trở lại nắm quyền khi liên quân quốc tế rút toàn bộ binh lính ra khỏi quốc gia Tây Nam Á này, đặc biệt là các vụ tấn công đẫm máu tại sân bay ở thủ đô Kabul do chi nhánh ISIS-K thực hiện khiến hàng trăm người thương vong, trong đó có hàng chục binh sỹ Mỹ, cho thấy nước Mỹ vẫn đang đứng trước thách thức lớn.
Kế hoạch của Mỹ ngăn Afghanistan một lần nữa trở thành hang ổ của các nhóm khủng bố như al-Qaeda, đứng trước nguy cơ phá sản và bóng ma khủng bố vẫn tiếp tục bủa vây nước Mỹ.
Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cùng chiến dịch sơ tán lớn nhất trong lịch sử có thể làm gia tăng nguy cơ bạo lực trong lòng nước Mỹ với ba mối đe dọa chính, theo đó những phần từ có quan hệ với tổ chức IS tự xưng và al-Qaeda có thể lợi dụng chiến dịch sơ tán khỏi Afghanistan để "hạ cánh" xuống nước Mỹ.
Binh sỹ Mỹ làm nhiệm vụ hỗ trợ sơ tán tại khu vực sân bay Kabul, Afghanistan, ngày 21/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bên cạnh đó, những người hiện sống ở Mỹ, vốn đã bị kích động bởi những tư tưởng cực đoan của al-Qaeda, IS hoặc các nhóm khủng bố khác, sẽ xem sự kiện ở Afghanistan là "cơ hội gây ra bạo lực trên đất Mỹ."
Những cá nhân có mầm mống bạo lực thuộc các nhóm cực đoan chống chính phủ, da trắng thượng đẳng… tại Mỹ lo sợ việc tái định cư người Afghanistan ảnh hưởng quyền lợi của mình có thể tấn công những cộng đồng nhập cư, khác tôn giáo.
Tổng thống Joe Biden từng khẳng định ưu tiên của ông là đảm bảo Afghanistan không bao giờ được sử dụng như một căn cứ để từ đó các phần tử khủng bố tiến hành tấn công nhằm vào Mỹ, đồng thời cảnh báo nhóm ISIS-K sẽ phải đối mặt với thêm nhiều đòn trừng phạt từ Washington.
Ông cũng tuyên bố Mỹ sẽ duy trì cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan cũng như ở các nước khác bởi trên thực tế, mục tiêu nhổ tận gốc chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan mà Washington đặt ra 20 năm trước vẫn chưa hoàn thành.
ISIS-K thậm chí không phải là nhóm khủng bố duy nhất đang hoạt động ở Afghanistan mà hàng loạt tổ chức cực đoan khác cũng đang có dấu hiệu gia tăng hoạt động.
Ngày càng có nhiều lo ngại rằng nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố có thể sẽ rất nhanh chóng tác động tới cục diện, tình hình an ninh tại nhiều quốc gia trong khu vực, thậm chí có thể sớm trở lại là một chủ đề quan trọng trong chính sách an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Biden.
Câu hỏi đặt ra là chiến lược mới của Mỹ trong thời gian tới sẽ như thế nào trước tình hình bất ổn an ninh mới bởi năng lực tấn công đáp trả của quân đội Mỹ lúc này đang rất hạn chế do không còn căn cứ quân sự nào ở Afghanistan hay ở các nước có đường biên giới liền kề.
Lựa chọn khả dĩ nhất là sử dụng sức mạnh không quân hoặc máy bay không người lái trang bị tên lửa mà không có bộ binh mặt đất xuất hiện trên chiến trường để trấn áp các mối đe dọa.
Việc Bộ Quốc phòng Mỹ ra lệnh không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào nhóm ISIS-K có thể đã cho thấy phần nào chiến lược chống khủng bố hậu rút quân của Mỹ. Tuy nhiên, giai đoạn sắp tới sẽ là bài kiểm tra thực tế đầu tiên về năng lực tác chiến này.
Cuộc chiến chống khủng bố chưa thể kết thúc và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan giờ đây là cuộc đấu tranh toàn cầu mới.
20 năm, một thế hệ mới với hơn 70 triệu người Mỹ được sinh ra, trong đó có nhiều đứa trẻ chào đời sau khi cha chúng - những người lính cứu hỏa hay quân nhân Lầu Năm Góc đã hy sinh trong vụ tấn công ngày 11/9.
Như thông điệp của bộ phim "Xây dựng lại hy vọng: Những đứa trẻ ngày 11/9" (Rebuilding Hope: The Children of 9/11), nước Mỹ đang nỗ lực vượt lên tất cả khó khăn và đau thương của vụ khủng bố ngày 11/9/2001 để “xây dựng lại hy vọng,” khi mà cuộc chiến chống khủng bố nói riêng hay cuộc chiến với những thách thức lớn như đại dịch COVID-19, vẫn còn tiếp diễn./.
Đặng Huyền (TTXVN/Vietnam+)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét