Hà Nội là… gì nhỉ?
TTO - Ngoài tuổi trẻ, ai có thể định nghĩa Hà Nội bằng hình ảnh robot đang gánh đôi quang gánh đựng những công trình tiêu biểu của thành phố như chùa Một Cột, Khuê Văn các, chợ Đồng Xuân, nhà tập thể… và đòn gánh chính là cầu Long Biên?
Nhưng những cái nhìn thú vị như vậy về Hà Nội có thể tìm thấy rất nhiều trong các tác phẩm được trao giải chứ không chỉ mình tác phẩm giải nhất của Đặng Thái Tuấn.
Ngắm các tác phẩm đoạt giải này (1 giải nhất, 4 giải nhì, 20 giải tác phẩm nổi bật), có thể thấy rất nhiều điều ngạc nhiên về Hà Nội từ cái nhìn mới mẻ của những bạn trẻ ở khắp mọi miền. Trong đó có thể thấy rõ tình yêu với di sản Hà Nội của những người trẻ, họ yêu từ các di tích kiến trúc cho tới những nếp sống đậm chất văn hóa, hay những sinh hoạt đường phố rất Hà Nội…
Với tác giả được trao giải nhất, Hà Nội chính là một gánh hàng rong gánh bao nhiêu là di sản văn hóa. Tác giả đã cách điệu cả Hà Nội thành một gánh hàng rong với chiếc đòn gánh là cầu Long Biên, còn người gánh lại là một cô... robot.
Dù còn những nhược điểm trong kỹ thuật, ý tưởng quá độc đáo trong tác phẩm này đã nhận được sự đánh giá cao nhất từ ban giám khảo.
Hà Nội by night của bạn trẻ Trần Phát (giải nhì và giải bình chọn) lại là Hà Nội trong nhà, trong những cái hộp bị cắt mất nắp đậy của một bạn trẻ chưa từng đến Hà Nội, chỉ biết và yêu Hà Nội qua… màn hình.
Đầu óc trên mây của Hà Mạnh Hiếu (giải nhì) là Hà Nội với những khu tập thể vừa cũ kỹ vừa nên thơ, có gì đó ăm ắp tình người, "một nơi rộng mở với rất nhiều giá trị". Đó chính là Hà Nội của bạn trẻ có "lịch sử" 4 năm sống tại thành phố này.
Hà Nội có khi lại là bát bún ngan ông bà ngoại thường dẫn cháu gái đi ăn mỗi lần cô được về quê ngoại để lặn ngụp trong một thành phố luôn ngát thơm hương vị của xưa cũ.
Tác phẩm Bát bún ngan của Tôn Nữ Thị Bích Trâm rõ ràng đã có một cách định nghĩa Hà Nội giản dị mà yêu thương không ngờ.
Còn Hà Nội với Hoàng Long Anh là một đống các loại từ ghế đẩu, ghé mây cũ kỹ tới ghế đá công viên, ghế nhựa hàng quán bình dân, ghế nhựa phòng chờ bến tàu xe… để lưu giữ kỷ niệm.
Với Hoa Thiên Thanh, Hà Nội lại là những điểm hẹn, nhắc tới Hà Nội là nhắc tới những cuộc hẹn trà lá, cà phê bất tận nuôi dưỡng bao thương mến bạn bè.
Hà Nội còn là nơi có rất nhiều tiếng loa phường, nơi có "Tiếng nói Việt Nam" theo cái nhìn của Phạm Quang Hưng. Chẳng phải ai cùng từng thân thuộc lắm với câu xưng danh: "Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Và Hà Nội là hình ảnh những người "ngồi bệt" trên những chiếc ghế nhựa thấp bình dân, từ ông lão đánh cờ tướng, hút thuốc lào, bà bán quán tới những bạn trẻ yêu thích không khí trà đá vỉa hè…Có lẽ không chỉ mình Vương Hồng Thảo luôn nhớ về Hà Nội với những hình ảnh đầy sức sống ấy.
Và còn rất nhiều góc nhìn thú vị khác về Hà Nội từ các tác phẩm tham dự cuộc thi này, cho thấy các bạn trẻ rất tinh nhạy trong việc nắm bắt hồn cốt của thành phố đầy bản sắc này.
Nhận xét về các tác phẩm được trao giải, nghệ sĩ Thế Sơn (giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) nói các bạn trẻ ngoài khả năng sáng tạo về kỹ thuật, cũng cho thấy năng lực văn hóa khá sâu sắc, tinh tế và tinh thần nhân văn khi gắn kết được với văn hóa truyền thống của dân tộc.
Một số tác phẩm được trao giải của cuộc thi Hà Nội là…:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét