'Bão cytokine' tấn công nhiều bệnh nhân TP HCM

 


TP HCM70% bệnh nhân điều trị ở Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, Bệnh viện dã chiến số 16, trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, gặp phải "bão cytokine" và chủ yếu là người trẻ.

"Bão cytokine' là một triệu chứng điển hình của bệnh nhân trong đợt dịch này mà các bác sĩ điều trị phải đối mặt", tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Phụ trách Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 16, nói với VnExpress, chiều 14/9.

"Bão cytokine" là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt cytokine gây viêm, khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt. Bình thường, người khỏe mạnh khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch sẽ phản ứng, cơ thể tiết ra chất cytokine để ức chế virus. Tuy nhiên, một số người tiết ra quá nhiều cytokine, gây ảnh hưởng các phủ tạng. Còn tại sao hệ miễn dịch phản ứng thái quá, hiện y học chưa lý giải được. Hiện tượng này y học gọi là Hội chứng giải phóng cytokine, hay "cơn bão cytokine".

Theo tiến sĩ Sơn, 70% bệnh nhân Covid-19 điều trị tại ICU do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách, mắc hội chứng cytokine, xảy ra ở tất cả độ tuổi song chủ yếu là người trẻ. Bác sĩ đã tiếp nhận điều trị những bệnh nhân 17 tuổi hay 22 tuổi gặp "bão cytokine", khiến cơ thể suy sụp nhanh, nhiều trường hợp không qua khỏi. "Bệnh nhân càng trẻ bao nhiêu, khi gặp cytokine càng nặng bấy nhiêu", theo bác sĩ Sơn.

Hơn 50% bệnh nhân được chuyển đến ICU Bạch Mai cần phải hỗ trợ về thở máy, thở oxy dòng cao, nhiều biện pháp hồi sức khác. Đây là nhóm bệnh nhân thuộc nặng và nguy kịch. So với đợt dịch trước, số lượng bệnh nhân tăng nhiều, kéo theo số ca nặng cũng tăng lên.

Bệnh nhân nặng cơ bản gặp các triệu chứng như suy hô hấp cần hỗ trợ hô hấp ngay, ngoài ra có biểu hiện ở tim mạch, tổn thương thận hoặc các cơ quan khác. Cơ chế chính là virus trực tiếp hay gián tiếp khiến các cơ quan này thiếu oxy dẫn đến tổn thương.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn trao giấy ra viện cho một bệnh nhân 24 tuổi, nặng 130 kg, mác Covid-19 rất nặng, được cứu sống tại Trung tâm. Ảnh: Thành Dương

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn trao giấy ra viện cho một bệnh nhân 24 tuổi, nặng 130 kg, mắc Covid-19 rất nặng, được cứu sống tại Trung tâm. Ảnh: Thành Dương

Xác định kiểm soát bão cytokine là một trong những biện pháp tối ưu giúp người bệnh nặng thêm cơ hội được cứu sống, ICU Bạch Mai đã tiến hành xét nghiệm chẩn đoán sớm cho 100% bệnh nhân vào trung tâm, để chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị sớm "cơn bão cytokine".

"Kết quả xét nghiệm giúp chẩn đoán xem bệnh nhân có gặp 'bão cytokine' không, nếu mắc cytokine thì đang ở mức độ nào, từ đó các bác sĩ chủ động phác đồ điều trị sớm, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong", bác sĩ Sơn nói và cho biết đây là điểm khác biệt của ICU Bạch Mai trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bác sĩ Sơn nhấn mạnh, về điều trị, có nhiều biện pháp song cơ bản là duy trì sự sống trong giai đoạn có bão cytokine như thở máy, truyền đủ dịch, dùng thuốc, ngoài ra lọc máu hấp thụ, dùng kháng thể đơn dòng... Phác đồ này nhằm giảm bớt nguy cơ, yếu tố độc hại mà cơn bão gây ra cho bệnh nhân.

"Cơn bão cytokine" thường xuất hiện ở tuần đầu và tuần thứ hai phát bệnh. Nếu bệnh nhân được điều trị, may mắn thoát ra khỏi, thì có thể hồi phục sau khoảng hai tuần điều trị.

ICU Bạch Mai đang tổng hợp báo cáo về hiệu quả khi xét nghiệm, điều trị sớm bão cytokine đối với bệnh nhân Covid-19. Hiện các bệnh viện khác cũng chưa có số liệu cụ thể. Song, theo bác sĩ Sơn, phác đồ điều trị cơ bản mang lại hiệu quả, đã có rất nhiều bệnh nhân tránh được cơn bão này và hồi phục.

Các bác sĩ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19. Ảnh: Thành Dương

Các bác sĩ hội chẩn bệnh nhân nặng đang điều trị tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19. Ảnh: Thành Dương

Năm 2020, tình trạng "bão cytokine" xảy ra với bệnh nhân phi công người Anh ("bệnh nhân 91") 43 tuổi, nặng 100 kg, phổi đông đặc gần như hoàn toàn, rối loạn đông máu, can thiệp ECMO... là ca nặng nhất tại Việt Nam trong đợt dịch đầu tiên. Khi ấy, bệnh Covid còn mới mẻ, phác đồ điều trị còn đang được bác sĩ mày mò vừa điều trị vừa cập nhật, thiếu thuốc, chỉ điều trị theo triệu chứng... Bộ Y tế đã phải nhập thuốc chống đông máu từ nước ngoài về để điều trị đông máu cho bệnh nhân 91, tính đến phương án ghép phổi... May mắn, bệnh nhân sau đó hồi phục thần kỳ, về nước.

TheoVnexpress - Lê Nga 

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.