New York thấm đòn biến đổi khí hậu
ừ khi đổ bộ vào nước Mỹ, bão Ida xô đổ kỷ lục về thời tiết cực đoan tại nhiều khu vực. Cơn bão đã phần nào cho người Mỹ thấy biến đổi khí hậu có sức tàn phá đến nhường nào.
Sau khi quét qua các bang phía Nam, bão Ida đã tấn công các bang ở Đông Bắc nước Mỹ, biến thành phố New York trở thành khu vực nguy hiểm vào sáng 2/9.
Bão Ida gây ra mưa lớn trên khắp thành phố. Nhiều tuyến tàu điện ngầm phải dừng hoạt động khi nước tràn vào đường tàu. Thành phố Newark của bang New Jersey, nơi nằm cạnh New York, ghi nhận lượng mưa trong ngày lớn nhất trong lịch sử.
Các nhà khoa học dự báo hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ còn xuất hiện nhiều trong thời gian tới. Đây là hậu quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Trận bão lịch sử
Giới chức New York dường như hoàn toàn mất cảnh giác trước lũ lụt gây ra bởi cơn bão. Ngay cả các nhà khí tượng học cũng bất ngờ trước những diễn biến khó lường của thời tiết.
“Thật nguy hiểm. Chúng ta đang chứng kiến trận mưa đến nhanh chưa từng thấy”, Thị trưởng New York Bill de Blasio nói. Ông kêu gọi người dân không ra đường.
Thống đốc bang New York Kathy Hochul cho biết bà không thể đảm bảo lực lượng cứu hộ có thể kịp thời giải cứu những người mắc kẹt trong ôtô “nếu chúng bắt đầu trôi như những chiếc thuyền trên sông”.
Ít nhất 14 người đã thiệt mạng tại bang New York và bang New Jersey. Cả hai bang này đều phải áp đặt tình trạng khẩn cấp.
“Điều đáng ngạc nhiên là thời gian mưa và diện tích bị ảnh hưởng”, ông Michael Guy, biên tập viên thời tiết của CNN, nhận định. “Diện tích này bao phủ một vùng rộng lớn ở vùng Đông Bắc. Tất cả lượng mưa đổ xuống chỉ trong vài giờ đồng hồ. Chúng ta chưa từng chứng kiến hiện tượng này, đặc biệt ở vùng Đông Bắc”.
Trong ngày 1/9, thành phố Newark ghi nhận lượng mưa hơn 210 mm. Con số này cao hơn 25% so với kỷ lục cũ được ghi nhận năm 1977.
Tại thành phố New York, lượng mưa kỷ lục được ghi nhận là hơn 80 mm trong vòng một giờ. Công viên Trung tâm của thành phố ghi nhận lượng mưa 181 mm, cao gần gấp đôi kỷ lục cũ năm 1927. Đây cũng là lần đầu tiên New York phải ban hành lệnh tình trạng khẩn cấp do lũ quét.
Gia tăng thời tiết cực đoan
Trên quy mô toàn cầu, tần suất xảy ra các trận mưa lớn đang có chiều hướng gia tăng. Vào đầu mùa hè, Đức, Bỉ và Trung Quốc phải đối mặt với những trận lụt lịch sử, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Các nhà khoa học nhận định nguyên nhân đến từ hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Báo cáo gần đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc kết luận “tần suất và cường độ của các trận mưa lớn có chiều hướng gia tăng từ những năm 1950 đến nay”.
Tại Mỹ, số trận mưa lớn đang gia tăng tại mọi khu vực. Vùng Đông Bắc chứng kiến tần suất mưa tăng mạnh nhất, theo Báo cáo Đánh giá Khí hậu Quốc gia Mỹ.
“Không khí nóng có thể chứa nhiều hơi nước hơn không khí lạnh. Các phân tích được thực hiện trên thế giới cho thấy lượng hơi ẩm trong không khí đang gia tăng, cả ở trên đất liền lẫn trên biển”, báo cáo viết.
Biến đổi khí hậu cũng khiến các cơn bão nguy hiểm hơn. Lượng mưa đi kèm sẽ nhiều hơn, di chuyển chậm hơn sau khi đổ bộ vào đất liền và tạo ra các đợt bão lớn hơn dọc theo bờ biển. Bão Ida là ví dụ điển hình cho những thay đổi này. Các nhà khoa học nhận định các cơn bão như vậy sẽ còn tiếp tục xuất hiện nếu Trái Đất nóng lên.
Giới khoa học giờ đây có thể phân tích phần đóng góp của biến đổi khí hậu vào một sự kiện thời tiết cụ thể. Chưa thể kết luận chính xác đóng góp của biến đổi khí hậu với bão Ida, tuy nhiên xu hướng từ các trận bão gần đây cho thấy một sự liên kết nào đó.
“Tần suất xảy ra các cơn bão mạnh đã gia tăng trong những thập kỷ gần đây. Hiện tượng này không thể giải thích chỉ bằng các dữ liệu đơn thuần từ tự nhiên”, tiến sĩ Friederike Otto, đồng lãnh đạo Sáng kiến Ghi nhận Thời tiết Thế giới, nói với CNN.
“Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy khi bão xuất hiện, lượng mưa trở nên lớn hơn vì hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Bão Ida không phải là ngoại lệ”, ông Otto cho biết.
Dù mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu với tốc độ gió và một số thông số khác của bão chưa được chứng minh, hiện tượng này khả năng cao khiến bão di chuyển chậm lại.
“Điều này có nghĩa là bão tồn tại lâu hơn và có thể gây nhiều thiệt hại hơn”, ông Otto nói.
Con người chưa kịp thích ứng
Nhà khoa học khí tượng Kim Cobb, giám đốc Chương trình Biến đổi Toàn cầu tại Viện Công nghệ bang Georgia, cảnh báo New York và nhiều thành phố khác chưa sẵn sàng để đối phó với các thảm họa thời tiết như bão Ida.
“Tôi không nghĩ những gì chúng ta đang thấy hôm nay thể hiện một thành phố New York sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu”, bà nhận định.
“Khu vực Đông Nam nước Mỹ - như các bang Louisiana và Mississippi - vừa thoát khỏi thiệt hại do cơn bão. Cơ sở hạ tầng nơi đây còn chưa sẵn sàng cho khí hậu hiện tại, chưa nói đến tương lai”, bà nói.
Bà Cobb là một trong những tác giả chính của báo cáo được công bố hồi tháng 8 của IPCC. Bản báo cáo này kết luận hiện tượng nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn so với những gì giới khoa học dự tính.
Theo báo cáo, để có thể cắt giảm mức phát thải carbon về không đến năm 2050, loài người cần giảm lượng khí nhà kính thải ra và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nếu đạt được mục tiêu này, nhiệt độ Trái Đất sẽ ở ngưỡng 1,5 độ C cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp. Qua đó, con người có thể tránh được nhiều thảm họa về khí hậu trong tương lai.
“Những tác động về khí hậu sẽ còn tồi tệ hơn khi Trái Đất ấm lên”, bà Cobb nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét