ĐÔI LỜI VỀ CHỢ TRỜI BẰNG CẤP

6:46:00 SA

 Chuyện mua bán bằng cấp ở xứ ta đã rỉ rả từ vài chục năm nay, nó như “chuyện thường ngày ở huyện”, nó có vẻ như một ‘tất yếu lịch sử’ của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà nhiều người gọi là “nạn bằng giả”.

Thậm chí người ta cảm thấy nói nhiều thành nhàm, bởi nói cứ nói, nạn bằng giả cứ diễn ra như một cái chợ đêm, nhưng ngày càng sầm uất. Pháp luật, báo chí, công luận, chính quyền và người dân hết thảy đều ghét cái nạn này, không một ai ủng hộ cái thứ bất công, dối trá ấy. Tuy nhiên đôi chỗ cũng chỉ bắt quả tang được vài trường hợp thuộc loại “tép riu” để báo chí có chuyện cho xôm trò thôi, chứ chả có biện pháp nào ăn thua… Cá biệt có dư luận một ông to có bằng “học giả”, nhưng vẫn thấy yên vị nên không ai dám bàn.
Thế nhưng gần đây, lần đầu tiên sự kiện "Đại học Đông Đô” rộ lên như một cơn sóng lớn trên truyền thông mà mọi người đã biết…
Điều đáng nói là “mua bằng của đại học Đông Đô đều là người có uy tín”, như cái title trên báo Thanh niên, chứ nếu là “phó thường dân” thì chắc không mấy ai quan tâm.
Trên trang facebook của nhà báo Nguyễn Như Phong, cựu đại tá công an, nguyên Phó Tổng biên tập báo Công an nhân dân, từng là Tổng biên tập báo Petrotimes, (người bị kỷ luật thời Bộ trưởng 4T Trương Minh Tuấn), hôm 30/11 có một stt ngang quả bom tấn khi ông có “thư ngỏ” gửi “55 người có uy tín đã mua bằng giả của ĐH Đông Đô”.
55 người này là ai, tại sao lại là “những người có uy tín” (mà cả lề phải, lề trái đều dùng chung ‘thuật ngữ’ này), khiến công chúng cả nước hết sức bất bình, nín thở đợi chờ họ lộ diện.
Stt của ông Nguyễn Như Phong yêu cầu “55 người có uy tín” phải từ chức, nếu không ông sẽ công bố danh tính của họ.
Ây zà, căng nhỉ! Ông Phong viết: “Thưa 55 vị mua bằng giả của ĐH Đông Đô để dùng tấm bằng đó “leo cao, chui sâu” vào bộ máy chính quyền các cấp, hoặc để thỏa mãn thói háo danh của mình... Các vị là kẻ đồng phạm với những kẻ “phạm tội có tổ chức ở Trường ĐH Đông Đô... Và hoàn toàn đủ căn cứ pháp lý để mời các vị ra tòa án, hoặc lên cơ quan ANĐT để làm việc...”.
Ông Phong nêu rõ: “Trong tay tôi hiện đã có danh sách của 55 vị “có uy tín” đó! Để các vị bớt “xấu mặt” trước cơ quan, bạn bè, vợ con và người thân, tôi có một đề nghị rất chi là “duy tình” thế này:
- Tôi hạn cho các vị trong 1 tháng, phải làm đơn xin rút ngay khỏi các chức vụ hiện có. Lý do gì để rút thì các vị cứ bịa ra, miễn là được cấp trên chấp nhận. Quá thời hạn trên, nếu không thấy ai “nhúc nhích”, tôi sẽ công bố danh tính từng vị, theo thứ tự ABC...Và dĩ nhiên, tôi chịu trách nhiệm về tính trung thực của danh sách này” 

Rõ là một thách thức lớn, làm khó cho những vị “có uy tín” này.
Nhưng thiết nghĩ, nếu là một người còn chút nhân cách thì có đau như hoạn cũng nên lẳng lặng từ chức đi. Nhưng khó đấy. “Những người có uy tín” ở xứ ta xưa nay mấy ai làm được, trừ khi Đảng lôi ra và cho nghỉ việc. Có ông bị công luận ép phải từ chức vì để xảy ra quá nhiều bễ bãi… thì lại ngụy biện rằng, chức vụ của tôi do Đảng phân công nên tôi không dám từ!
Từ lâu, tôi đã rất băn khoăn về cơ chế tuyển chọn cán bộ của ta khi quá coi trọng bằng cấp, như một thứ tiêu chuẩn “cứng”, khiến các đối tượng tìm mọi cách mua bằng. Và trong cơ chế thị trường có cầu thì ắt sẽ nảy ra cung. Nó chả khác gì khi có nhiều kẻ lắm tiền “chán cơm thèm phở”, tha hóa đạo đức đi mua dâm thì tất nhiên phát sinh ra đội ngũ bán dâm, dù là ở “chợ đen” nhưng vẫn sầm uất, có cấm cũng chả được.
Khổ nỗi, trong thực tế có không ít những kẻ khoe bằng nọ cấp kia, học hàm này, học vị nọ, nhưng viết một câu còn sai chính tả, nói một câu trước công chúng ngô nghê như kẻ tâm thần, dân bảo đó là giáo sư, tiến sĩ “củ chuối”. Củ chuối là tri thức thôi, chứ bằng của họ đa số là “bằng thật”, dấu đỏ choét, chữ ký của người có chức năng cấp bằng là thật. Họ mua bằng tiền cụ Hồ, bằng đô la hẳn hoi, chứ không phải tiền âm phủ.
Trong thực tế đã có nhiều người không có bằng cấp gì, danh xưng học hàm học vị gì, nhưng họ là người trí tuệ cao siêu. Bác Hồ đấy, cụ có bằng cấp gì đâu?... Khi tôi đi công tác vào giữa thập niên 60 thì ông Hoàng Trường Minh, Bí thư tỉnh tôi chỉ có học vấn lớp 7. Ty Giáo dục phải cử một giáo viên phổ thông sang làm gia sư cho ông, nhưng công việc bận, không biết ông đã học được hết lớp 10 chưa. Nhưng ông là người trí tuệ, đạo đức, được dân Lào Cai vô cùng kính trọng. Sau ông còn lên Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Những ai từng biết ông nhớ ông mãi. Hay như Donal Trump TT nước Mỹ, cả thế giới khâm phục mà chả thấy ông khoe bằng cấp gì cả….
Nếu cơ chế tuyển chọn cán bộ được điều chỉnh bằng thi tuyển, bằng việc làm cụ thể của cán bộ, bằng tín nhiệm của nhân dân, còn tiêu chuẩn bằng cấp chỉ là yếu tố tham khảo chẳng hạn, thì chắc sẽ dẹp được cái chợ đen bán bằng cấp như ĐH Đông đô và những nơi khác chưa bị lộ.
Nguyễn Ngọc Dương

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.