Cảm tưởng của Chú Đỗ Xuân Khôi sau khi nghe nhạc Beethoven

2:19:00 CH

 Giao hưởng Niêm Vui

Lần đầu tiên trong đời được nghe bản giao hưởng Niềm Vui của Beethoven do chính Dàn nhạc Giao hưởng nước nhà trình tấu. Cũng lần đầu tiên trong đời trải qua cơn ốm đau nặng như thế. Điều tuyệt vời là sự trùng hợp ngẫu nhiên của hai sự kiện này; và tuyệt vời hơn nữa- chúng lại đến theo một trình tự đẹp: Đau ốm trước, Niềm Vui sau! Vậy là tôi được tham dự buổi trình diễn bản nhạc này (16/12/2020) trong đêm đầu tiên của Beethoven Cycle X- lần cuối cùng- của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam (VNSO), nằm trong chương trình hai năm 2018-20 nhân dịp kỉ niệm 250 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc vĩ đại.
Nếu từng theo dõi dàn nhạc giao hưởng VN từ thời bao cấp, thì mới thấy nó đã có bước tiến thật dài. Ngày xưa nếu không nhầm thì chỉ có một dàn nhạc giao hưởng, trực thuộc cái đơn vị tả-pí-lù có tên Nhà hát Giao hưởng- Hợp xướng- Nhạc Vũ kich VN (đôi khi được nói lộn thành nhà hát giao hợp hưởng xướng). Thập kỉ 1970-80, mỗi lần có dịp đi nghe dàn nhạc này biểu diễn ở Nhà hát Lớn là y như rằng ta sẽ được nghe bản giao hưởng Định Mệnh của Beethoven, rồi nghe bài hát Tình Ca nổi tiếng của Hoàng Việt do ca sĩ Trung Kiên trình bày. Vài lần như vậy thì ngay khán giả cũng thuộc lòng bản giao hưởng tuyệt tác nhưng chỉ dài 20 phút ấy! Nhưng nếu đã yêu thích nhạc giao hưởng thì ai nghe xong bản Định Mệnh lại chẳng cố tìm nghe những bản nối tiếng khác, như bản số 3 Anh Hùng, bản số 6 Đồng Quê, hay hơn nữa là bản số 9 Niềm Vui; tất cả cùng là sản phẩm của nhà soạn nhạc khiếm thính vĩ đại. Những bài này dài hơn nhiều, nên không những dàn nhạc GH VN không chơi được, mà trên đài Tiếng nói Việt Nam, trong các chương trình ca nhạc nước ngoài cũng chỉ cho nghe được một chương (thường là chương 1, chương đặc trưng nhất). Vậy là hàng ngày vào đúng giờ của nhà đài, người hâm mộ là tôi lại ôm lấy cái radio Rigolda của Liên Xô- to như cái tủ con, hi vọng chất lượng âm thanh đủ tốt để có thể hiểu được những bản nhạc thể loại giao hưởng! Hồi đó cũng có đĩa than do du học sinh mang về từ “phe XHCN”, nghe chất hơn, nhưng hiếm có người lại mang đĩa giao hưởng về.
Giờ đây thì Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã khác hẳn. Nó đã trình diễn được tất cả 9 bản giao hưởng của Beethoven, đặc biệt là bản giao hưởng đồ sộ hơn cả- bản Niềm Vui- nổi danh như bản nhạc tuyệt tác nhât của kho tàng giao hưởng cổ điển! Không phải chỉ là độ dài 1 giờ 15 phút, so với 20 phút của bản Định Mệnh ngày xưa; không phải chỉ là nội dung phong phú đa dạng hơn; mà còn là chương cuối độc đáo của nó với sự kết hợp của dàn nhạc và hợp xướng. Không phải là “hợp xướng dàn nhạc đệm”, mà ở đây giọng người và giọng đàn có vai trò ngang hàng trong thể hiện âm nhạc giao hưởng cổ điển.
Trên Youtube tôi rất thích nghe tác phẩm này của Dàn nhạc GH Chicago, biểu diễn năm 2014, vì sau đó nhờ các mạnh thường quân nghệ thuật mà buổi diễn đã và tiếp tục được chia sẻ tự do trên toàn thế giới với chất lượng âm thanh, hình ảnh, quay phim rất tốt. Trong buổi trình diễn này, dàn hợp xướng phải có đến khoảng 150 người- đủ để tạo nên một dòng âm thanh dày dặn, thẳng căng, thuần nhất… có thể sánh vai và hòa hợp với các nhóm đàn hay kèn của dàn nhạc giao hưởng. Cái chương Final độc đáo này của bản giao hưởng cuối cùng của mình đã được Beethoven dày công tìm tòi từ rất rất lâu trong đời về cách thức tốt nhất để thể hiện bài thơ Tụng ca Niềm Vui (Ode to Joy) của thi sĩ F. Schiller, và ông cũng đã làm việc này vài lần, cho tới khi được đặt hàng bản giao hưởng số 9. Trong sáu năm 1818-1824 viết bản nhạc này, nhạc sĩ đã mất nhiều thời gian để quyết định đưa vào dàn hợp xướng và tìm tòi cách dẫn dắt từ dàn nhạc vào hợp xướng. Và kết quả của nó hẳn đã thể hiện không những thiên tài nghệ thuật, mà còn tư tưởng cách mạng, chủ nghĩa nhân văn của nghệ sĩ, lấy cảm hứng từ cuộc Cách mang Pháp mà ông đã chứng kiến thời trẻ.
Niềm Vui như cuốn tiểu thuyết đồ sộ, mỗi chương của nó là một câu chuyện riêng biệt nhưng gắn kết. Chương 1 (~20’) bốc lửa ngay sau vài nhịp dạo đầu khẽ khàng, với chủ đề chính đầy mạnh mẽ. Cả chương này sẽ làm ta ngạc nhiên với dòng nhạc say sưa không ngơi nghỉ, ý nhạc phong phú liên tục tuôn trào với sự tương phản đủ mọi sắc thái- lúc sục sôi mãnh liệt, lúc dịu dàng tình cảm.
Đoạn đầu của chương 2 (~15’) có thể gợi sự liên tưởng đến cảnh săn đuổi giữa giữa con báo và con nai, đầy cơ bắp nhưng không ít sự uyển chuyển, tinh tế và bất ngờ. Chủ đề này với nhịp điệu dồn dập, trang điểm những nghịch phách ấn tượng và tiếng trống bất ngờ, có thể mô tả cảnh rượt đuổi thoắt ẩn giữa những khóm rừng, thoắt hiện ngoạn mục trên vạt cỏ trống… Đoạn sau của chương này gợi nhớ đến giao hưởng Đồng Quê của Beethoven, thể hiện tài tả cảnh thiên nhiên- vẫn có thể là cánh rừng và dòng suối uốn lượn; về mặt này tài năng của nhà soạn nhạc cũng thật đáng nể.
Chương 3 (~17’) là chương thư giãn. Nếu nghe những lần đầu bạn sẽ ngủ gật ở đây, vì sự mệt mỏi như vừa trải qua cơn giông bão. Nhưng chính trong lúc bạn lui vào giấc ngủ, thì thiên nhiên đang tỉnh lại sau cơn giông, nắng ấm bắt đầu lan tỏa, cây lá ẩm ướt rung rinh rũ bỏ những hạt nước cuối cùng… Đó chính là bức tranh thư thái, tĩnh lặng của âm nhạc chương 3, mà lần sau ta sẽ không muốn bỏ lỡ mười mấy phút nhạc này! Mà nó cũng vẫn có sự xuất hiện của một giai điệu mới, đẹp thần tiên và hết sức dịu dàng… Dù sao, vào cuối chương khán giả cũng được đánh thức bởi hồi kèn cor, trompette dõng dạc báo trước một cái mới đang đến, nhưng bạn vẫn còn gần 5 phút thư dãn trước khi nhìn thấy đám đông của “niềm vui” xuất hiện!
Cuối cùng là chương Final sẽ làm ta bừng tỉnh và bị hút vào sức mạnh kì lạ của dàn Hợp xướng kèm Dàn nhạc với chủ đề Ode to Joy. Chương nhạc cuối dài gần nửa tiếng- mở đầu với khoảng 10 phút dàn nhạc giới thiệu giai điệu chủ đề Niềm Vui, bắt đầu từ dòng âm cực trầm trang trọng của dàn contrabass và cello, rồi giai điệu được chuyển dần lên bè cao của kèn, sáo, violin… ban đầu trang trọng, có lúc lại mơ màng, rồi ngày càng náo nhiệt. Bất ngờ giọng nam trung đầy sức mạnh (baritone) cất lên giai điệu Niềm Vui, đơn giản và đầy sảng khoái.
Theo dõi chi tiết hơn thì chương hợp xướng đồ sộ này gồm 4 phần chính với sự minh họa và phát triển của dàn nhạc:
- Đoạn A: Niềm Vui. Mở đầu bằng giọng nam trung solo rồi đến tốp nam. Nhắc lại bằng giọng nữ cao rồi đến tốp nam-nữ. Nhắc lại bằng hợp ca 4 giọng chính (Nam cao, nam trung, nữ cao, nữ trung)
- Đoạn B “Quần chúng” (tên tự đặt!): mở đầu bằng giọng nam cao, dàn nhạc tiếp nối không khí khẩn trương, thúc giục
- Hợp xướng tái hiện chủ đề Niềm Vui (A)
- Đoạn C “Thánh ca” (tên tự đặt): Đoạn này cho ta một dịp lắng nghe hòa âm dày được hát với kĩ thuật cao của tốp Nam và hợp xướng thật thích vô cùng! Tương phản với nhịp điệu nhanh của phần trên, không khí trở nên lắng đọng với âm hưởng của một bản thánh ca. Người nghe liên tưởng đến một mái vòm nhà thờ cổ kính, hay một bầu trời đêm… Lời ca chậm, sâu lắng, thành kính dẫn dắt con người đối diện với Vũ trụ huyền bí, với những sức mạnh siêu nhiên!
- Tái hiện đoạn B,C với giọng nữ và hợp xướng
- Đoạn D: Kết. Đoạn này ghi dấu bằng màn đối đáp-hợp ca khỏe khoắn của 4 giọng hát chính. Thật thú vị sự hòa giọng và đối đáp này, từ âm vực thấp của giọng nam cho tới âm vực cao lảnh lót của giọng nữ!. Hợp xướng bừng lên tiếp nối, với ý nhạc mới cũng như nhắc lại các chủ đề với không khí sôi sục, hưng phấn bởi cơn bão tutti cuồng nhiệt của cả dàn nhạc và hợp xướng, cho đến cái kết gọn gàng của tác phẩm.
Phải nói là những tầng lớp thanh âm nhiều bè dày dặn của hàng trăm giọng hát con người này, xen với những giọng solo nam, nữ chất lượng, đã thể hiện nhiều sức mạnh và chất âm mới, khác biệt so với dàn nhạc. Với 4 giọng ca chính đặc sắc, 20 phút đua tranh giữa dàn hợp xướng và dàn nhạc GH Chicago thật sự tráng lệ. Tim bạn sẽ đập nhanh, mắt bạn sẽ nhòa lệ khi hợp ca cất lên cao vút, thẳng căng ở trên đỉnh hợp xướng nhiều bè dày dặn, mà tít trên đỉnh cao nhất của dòng âm thanh này vẫn còn nữa thấp thoáng, lảnh lót giọng nữ cao chính… , tựa như những bụi nước nhỏ trắng xóa ở trên đỉnh một cuộn sóng lớn- uy nghi và mạnh mẽ- mà ta hay được chiêm ngưỡng khi xem thể thao lướt sóng vậy! Trái lại bạn cũng có thể xúc động trong không gian uy nghiêm của bản “thánh ca” v.v.. Một điểm nhỏ: Bạn sẽ không thể quên thủ pháp tạo ra những khoảnh khắc câm nín ấn tượng, hay những phút tĩnh lặng thật đáng giá, rải rác trong suốt 4 chương của bản giao hưởng.
Hãy luyện tai nghe nhạc giao hưởng, và bạn sẽ được sống trong cảm giác cực kì thăng hoa cho đến màn tutti cuối cùng kết thúc tác phẩm nghệ thuật vĩ đại này. Cần nhăc lại chăng, là nhà soạn nhạc đã hoàn toàn điếc từ lâu trước những năm tập trung sáng tác nó! Nhưng chắc chắn ông vẫn “nghe” được nó, còn đầy đủ chi tiết hơn chúng ta- dù ta đã luyện tập mãi cái tai nghe ngoại đạo của mình. Thực sự đây là công trình tổng kết cả đời của Beethoven, chứ không phải chỉ là của 10 năm cuối đời nhạc sĩ. Ông mất trong cảnh đau buồn, bệnh tật và cô đơn vào buổi chiều giông bão ngày 26 tháng 3 năm 1827.
Đây là những dòng chữ đầy cảm xúc xuất hiện cuối video buổi trình diễn 2014 của DNGH Chicago:
Beethoven shared this with the world even though he could never hear it.
… Consider sharing this joy with someone who might not otherwise hear it.
Đến nay đã có 25 triệu người xem video, và tôi viết bài này cũng nhờ cảm hứng từ dòng chữ đó. Nhưng âm nhạc là phải nghe, chứ làm sao tả lại bằng lời được! (chỉ cần so sánh lượng “bit” thông tin của một bản nhạc với lượng bit của một văn bản là đủ thấy khác biệt !).
Trở lại với buổi diễn của VNSO. Đáng tiếc là dàn nhạc hơi mỏng và dàn hợp xướng chỉ có khoảng 100 người… Nó không đủ sức mạnh và không thể mang lại đầy đủ sự cảm nhận so với nghe trên Youtube. Nhưng dù sao đó là nhạc “sống”, và là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển nhanh của dàn nhạc giao hưởng quốc gia!
Giao hưởng Niềm Vui có một số phận thật vẻ vang. Nó được vang lên trong hầu hết các Thế Vận Hội; nó trở thành bài hát chính của Liên minh Châu Âu; và nó đã được tàu Apollo 11 mang lên Mặt Trăng như một biểu tượng của Trái Đất.

Fb Đỗ Xuân Khôi

                                Beethoven 9th Symphony - Movement IV - "Ode to Joy"


Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.