Chuyện lạ ở trại rắn Đồng Tâm
Trên đường tới trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) tôi sực nhớ đến câu đố được học từ thời trẻ thơ: "Con gì có cánh không bay. Con gì không cẳng chạy ngay trăm rừng". Đúng thật con rắn không chân lại thường bò ngang vậy mà nó nhanh như gió cuốn. Con rắn nhiều người "ghét" hơn là "yêu" vì nó có thể giết người bằng độc dược. Hơn nữa, rắn còn gắn bao nhiêu chuyện trái ngang ở đời. Người đời vẫn nói chớ có "Vẽ rắn thêm chân", phải trung thực và không được làm việc "Rắn đổ nọc cho lươn" là vậy. Lấy độc trị độc
Khi có mặt ở Bảo tàng rắn thuộc Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến được liệu Cục Hậu cần, Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm) tôi thật ngỡ ngàng với không khí nhộn nhịp của thế giới động vật. Có tới 400 loài rắn độc đã được nuôi dưỡng và khai thác ở đây với hàng ngàn cá thể.
Hơn 40 năm qua, các quân y sĩ ở đây đã dùng huyết thanh nọc rắn cứu sống hàng vạn người bị rắn cắn. Có những người đã ngừng thở vì nọc độc xâm nhập vào máu làm tim ngừng đập mà vẫn được cứu sống.
Câu chuyện ngỡ như cổ tích vậy, nhưng nó đang hiện hữu trước mặt tôi. Cuốn phim tài liệu trong phòng bảo tàng đã lần lượt kể lại những câu chuyện kỳ diệu cứu người từ nọc độc rắn. Tất cả những câu chuyện "huyền thoại" này, xảy ra trên mảnh đất là trại lính đầy bom đạn địch để lại sau 1975…
Có một thời bộ đội chủ lực và địa phương đều lấy những cánh rừng sáp ngập mặn làm chiến khu. Không ít những chiến sĩ trong chiến đấu đã bị rắn độc cắn nhưng lại vô phương cứu chữa. Những bài thuốc dân gian xưa không mấy tác dụng. Khi người bị rắn độc cắn vào tay chân, không chết thì cũng bị hoại tử phải cưa tay hoặc chân.
Hơn nữa cứ vào mùa nước lên, rắn trôi về và leo lên cây trú ngụ trở thành hiểm họa khó lường. Chúng còn là mối đe dọa cho người dân quanh vùng sông nước của cả lục tỉnh miền Nam. Hình ảnh rắn đã được cách điệu trong những câu ca dao nói về điều kiện sinh sống của người dân Nam bộ từ xa xưa: "Muỗi kêu như sáo thổi. Đỉa lội tựa bánh canh. Cỏ mọc cọng thành tinh. Rắn đồng đà biết gáy". Người hướng dẫn viên còn kể ông Ba Phi (Nghệ nhân ở rừng U Minh) nói dóc có chuyện rắn hổ mang tát nước bắt cá chính là minh chứng hiểm họa rắn độc thường xuất hiện trong cuộc sống thường ngày của người dân ở vùng rừng núi bưng biền.
Một nhu cầu cấp bách của cán bộ nơi trung tâm là phải thành lập đội cứu thương và chữa cho những người bị rắn độc cắn. Đó cũng chính là sáng kiến của bác sĩ Trung tá Trần Văn Dược ở Tiền Giang hồi 1977.
Từ đây Khoa cấp cứu được ra đời và hình thành Trại rắn Đồng Tâm (1979). Nhiệm vụ của các chiến sĩ quân y ở đây chữa bệnh không những cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh mà còn mở rộng cả nhân dân đồng bằng Nam bộ. Đi trong khu vườn nuôi rắn độc của trại, tôi tưởng mình đang đi trong một công viên rộng lớn.
Mỗi con rắn độc được nuôi trong một chuồng riêng. Chuồng rắn xinh xinh chạy dọc những con đường lát đá. Xen kẽ là cỏ hoa và cây làm thuốc. Bên cạnh đó còn có khu chăn nuôi rắn theo môi trường tự nhiên.
Có thể nói đây là một vương quốc của hàng trăm loại rắn độc với hàng ngàn con đang được nuôi và lấy nọc để chế biến thành huyết thanh kháng độc trị bệnh. Đúng lúc đó một chiến sĩ ra làm nhiệm vụ cho rắn ăn sáng như thường lệ. Các chiến sĩ ở đây kể đã có nhân viên bị rắn vô tình đớp vào ngón tay mà phải cưa đi vì bị hoại tử. Mới hay nọc độc của rắn có tác dụng cực nhanh, chúng sẽ làm vỡ mạch máu và tê dại thần kinh.
Theo thống kê chỉ cần 1 gram nọc độc khô có thể giết chết 160 người. Hiện trại nuôi 200 rắn hổ mang chúa cả đực lẫn cái để lấy nọc và sinh đẻ. Khi đến khu rắn Hổ mèo ai nấy phải đứng xa mấy mét vì theo như nhân viên của trung tâm cảnh báo, nọc của loại rắn này có thể phun xa đến mét rưỡi.
Còn riêng loài rắn lục đuôi đỏ thì không thể phân biệt được với cành cây và lá rừng. Vô tình chạm vào chúng thì quá nguy hiểm. Bởi thế mới có chuyện ông Ba Phi kể một người leo lên một thân cây ngồi vào ba chạc cành. Bỗng anh ta nghe tiếng thở, nhìn kỹ mới tá hỏa đó chính là miệng con rắn lớn đang há to đón chim về làm tổ để ăn thịt. Mọi người nghe chuyện đều rùng mình.
Chân dung người "say" nọc rắn
Cùng đi dạo quanh khu vườn nuôi rắn với chúng tôi là Thượng tá Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc Trung tâm. Anh là người Hà Nội (xã Phúc Thượng, huyện Phúc Thọ), một bác sĩ chuyên khoa cấp 1, làm việc tại trại rắn đã hơn 20 năm. Cuộc đời anh thật kỳ lạ. Từ bé ở quê anh đã nổi tiếng về tài bắt rắn.
Anh hài hước nói, tiền bán rắn đã nuôi anh ăn học đến hết phổ thông. Sau này, ngẫu nhiên anh trở thành sinh viên Học viện Quân y. Anh tốt nghiệp và làm việc trong quân đội đến năm 1999 thì được điều về Trại rắn Đồng Tâm. Những con rắn của tuổi thơ Xứ Đoài đã quay về trong đời sống và công việc của anh. Bài đồng dao ngày nào "Rồng rắn lên mây" lại cất lên trong tâm tưởng.
Hình bóng núi Ba Vì vẫn hiện lên trong ký ức mờ ảo mộng mị trên những dòng sông Tiền sông Hậu. Chính vì thế anh đã cho xây những ngọn núi và hàng cây làm bể cảnh nuôi rắn an toàn cho mọi người xem. Vào đây, cảm nhận, chúng không còn là hoang dã nữa mà quây quần với con người, với cán bộ chiến sĩ nơi đây.
Nhà bảo tàng rắn tại trại rắn Đồng Tâm.
Bác sĩ Vũ Ngọc Lương để số điện thoại thường trực cho các bệnh nhân gọi anh bất kỳ lúc nào. Nhưng theo anh những người bị rắn độc cắn đa số bị cấp cứu về đêm. Do vậy các bác sĩ và nhân viên y tế ở đây thường trực suốt 24 giờ. Nhất là vào mùa nước nổi, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được mùa cá thì lại là mùa rắn cắn.
Ở nhiều vùng quê vẫn còn nhờ cậy các ông lang vườn chữa chạy cầm chừng. Nhưng nay họ đều đưa sớm ngay đến bệnh viện của Trại rắn. Không ít người bị hôn mê thoi thóp, nhưng ai cũng được các bác sĩ nơi đây cứu sống trở về quê hương.
Điều đặc biệt ở đây các bác sĩ điều trị phải phân biệt được vết thương của bệnh nhân do loại rắn nào cắn mới đưa ra phác đồ điều trị. Bởi lẽ mỗi loại rắn độc lại có huyết thanh khử độc riêng. Bác sĩ Vũ Ngọc Lương còn là chủ nhiệm đề tài khoa học cấp nhà nước: "Khai thác và phát triển nguồn Gen rắn hổ mang đất và hổ mang chúa".
Với công lao gây dựng được Khoa cấp cứu rắn độc, bác sĩ Vũ Ngọc Lương còn trực tiếp phẫu thuật các ca nguy hiểm cho bệnh nhân bị rắn cắn. Anh được coi là khắc tinh của rắn độc và không bao giờ thua cuộc với loại nọc độc nào. Bác sĩ đã cùng đồng nghiệp ở khoa cứu chữa hàng trăm ca bệnh nhân đặc biệt nguy kịch. Anh còn là người đầu tiên nghiên cứu tìm ra phương pháp ghép da vào vết thương của bệnh nhân để không bị hoại tử trước khi đưa vào bệnh viện.
Bác sĩ Vũ Ngọc Lương thường hướng dẫn bằng điện thoại cách chữa rắn cắn cho các chiến sĩ ở những đảo xa không kịp đưa bệnh nhân về đất liền. Thậm chí có nhiều bệnh nhân bị rắn cắn từ hai nước bạn Lào và Campuchia cũng đều được cấp cứu tại đây cho dù đã bị ngấm độc. Họ đều trông cậy vào bàn tay tài năng của các bác sĩ tại Trại rắn Đồng Tâm. Điều đặc biệt ở đây mọi chi phí điều trị đều miễn phí. Đó chính là công việc từ thiện có một không hai của Trại rắn Đồng Tâm. Ngẫm mới hay, bác sĩ Vũ Ngọc Lương cùng đồng nghiệp ở đây đã biến "rắn hóa rồng" đúng với câu ca cổ truyền: "Có phúc thì rắn hóa rồng. Vô phúc phượng lại đổi lông hóa cò".
Tiếp bước những người anh hùng
Trại rắn Đồng Tâm ngay từ đầu đã trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên sâu đặc biệt có nhiệm vụ cứu người và xuất khẩu huyết thanh. Với nhiều chiến công trong quá khứ và thành tựu thời kỳ hòa bình xây dựng, Trại rắn Đồng Tâm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1989).
Với phương châm "Nuôi rắn trị rắn cắn" hay "Dĩ độc trị độc", trong hơn 40 năm qua, Trại rắn đã chữa trị và cứu sống hàng chục ngàn người. Đúng với y đức và "Lời thề Hippocrates" những chiến sĩ nguyện theo chân những người anh hùng đi trước.
Hiện nay Trại rắn Đồng Tâm đã mở thêm cơ sở hai tại đảo Phú Quốc (với diện tích 27,4 ha). Một cuộc hành quân mới mà những chiến sĩ quân khu 9 đã đồng tâm tiến bước với nhiệm vụ điều trị rắn cắn cho bộ đội và nhân dân ở toàn vùng biển đảo Tây Nam. Họ luôn hướng tới thiện tâm bởi nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông và sự hiểu biết. Những điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ. Đó cũng chính là một trong những lời thề mà những người quân y theo đuổi suốt cuộc đời.
Vương Tâm(BáoCAND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét