Cuộc gặp gỡ kỳ thú Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng
Cuộc gặp gỡ kỳ thú Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng
Sinh thời, người ta nói hai người chơi thân với nhau cũng không hẳn đúng, bởi lẽ mỗi người một tính cách, mặc dù có thời gian nhà hai người ở gần chợ Trương Minh Giảng, Sài Gòn.
Thi sĩ Bùi Giáng thì ngông nghênh, lãng du và toả sáng bất cứ hoàn cảnh nào bằng thơ ca, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại dịu dàng, trầm buồn và trĩu nặng với sự cô đơn. Thơ Bùi Giáng luôn phớt tỉnh sự đời, suy tư chông chênh với ý tứ bất ngờ như tia chớp. Còn nhạc của Trịnh da diết nhưng không kém phần bảng lảng trong cõi triết luận vô thường. Mặc dù ngoài đời hai người ít để lại những kỷ niệm sinh hoạt hay giao lưu thân thiết đến mức tạo nên giai thoại. Thậm chí, nhiều năm trước khi mất, Bùi Giáng không còn có dịp lui tới gặp gỡ, trò chuyện với Trịnh Công Sơn vì những sự cố không đáng có, nhưng hai người lại luôn gần gũi nhau về những nỗi niềm nhân sinh và luôn chia sẻ cùng nhau về cái sự vô thường của ý niệm giác ngộ về đời, về đạo của Phật giáo.
Những câu chuyện của hai người đều được ghi lại bằng dấu ấn thơ ca, tựa như sự đùa cợt, giao hoà và tâm đắc cùng nhau. Bùi Giáng đã từng viết những câu thơ trêu Trịnh Công Sơn:
“Công Sơn Trịnh trọng phiêu bồng
Thưa rằng thơ nhạc có ngần ấy thôi”
Trịnh Công Sơn đối đáp không nhanh nên khó có thể ứng tác, nhưng ông lại bị nhiễm cái nét lạ trong thơ Bùi Giáng để nạp năng lượng cho ca khúc của mình. Theo nhà văn Bảo Trúc nói, thì Trịnh Công Sơn đã mượn của Bùi Giáng một số câu hoặc ý thơ để viết nên những ca khúc rất hay. Nhưng thực ra có sự giao thoa tự nhiên giữa ca khúc và thơ của Bùi Giáng, như trời ban cho vậy, chứ không hẳn là Trịnh mượn câu thơ nào đó rõ rệt. Vì thế có người dẫn chứng rất thú vị ở ca khúc “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” Trịnh Công Sơn có lời hát như: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/ Chọn những bông hoa và những nụ cười./ Tôi nhặt gió trời, mời em giữ lấy để mắt em cười tựa lá bay…”.
Thì nhà thơ Bùi Giáng cũng có những câu thơ giầu nhạc điệu tương tự trong cấu trúc của bài “Nhìn thấy”: “Mỗi sáng tôi nhìn mắt trời mọc trong mây,/Mỗi chiều tôi nhìn mặt trời lặn trong mây,/ Suốt ngày tôi lắng tai nghe tiếng chim hót trong lá cây reo,/ Và nhìn thấy rất nhiều mùa xuân mênh mông đang đi tới”
Có người còn dẫn hai câu khá điển hình mà Trịnh Công Sơn đã mượn ý thơ của Bùi Giáng, đó là lời trong bài hát “Em đi bỏ lại con đường”: “Em đi bỏ lại con đường/ Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em”.
Tuy nhiên những dẫn chứng ấy chỉ những ai thật thân thiết với hai người mới có thể nói chi tiết. Vả lại đó là con số rất ít ỏi trong toàn bộ gia tài âm nhạc đồ sộ của Trịnh. Nhưng đặc biệt, rõ rệt nhất Trịnh Công Sơn đã lấy nguyên câu thơ “Còn hai con mắt khóc người một con” trong bài thơ “Mắt buồn” của thi sĩ Bùi Giáng, để viết ca khúc “Con mắt còn lại” năm 1992. Mặc dù, Trịnh Công Sơn không đề sáng tác theo ý thơ Bùi Giáng nhưng vẫn dùng nguyên câu “Còn hai con mắt khóc người một con” làm nút mở cho những lời hát rất cuốn hút người nghe. Tuy chỉ có một câu thơ dẫn, nhưng hầu như phần lời đều đậm đặc chất trừu tượng của thi sĩ Bùi Giáng. Đó là cảm xúc đối chọi được nén chặt trong kịch tính và ý tứ trùng khít qua hình tượng “Đôi mắt” đầy ám ảnh. Dường như khổ thơ thứ hai của Bùi Giáng trong bài thơ đã được “hoá” hết trong ba phần lời ca khúc của Trịnh Công Sơn. “Bỏ trăng gió lại cho đời/ Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa/ Bỏ người yêu bỏ bóng ma/ Bỏ hình hài của tiên nga trên trời/ Bấy giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con ”
Còn qua lời ca khúc, cũng thấy sự sáng tạo của Trịnh Công Sơn rất đặc sắc với những câu hát giầu chất bi kịch của tình yêu: “Còn hai con mắt khóc người một con/ Còn hai con mắt một con khóc người/Con mắt còn lại nhìn một thành hai/ Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ/ Con mắt còn lại ngờ vực tình tôi/ Cuồng điên yêu thương cuồng điên nỗi nhớ…”.
Có điều thú vị, vào cái bận năm 1992 ấy, thi sĩ Bùi Giáng không hề có ý tranh giành về chuyện bản quyền với người bạn của mình, khi có người thắc mắc vì sao nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không đề sáng tác theo ý thơ của ông. Có lẽ với tính cách bất cần của thi sĩ họ Bùi thì ông cũng chẳng coi đó là sự xúc phạm. Và hơn nữa, bài thơ “Mắt buồn” của ông đã quá nổi tiếng, vậy thêm một lần đề tên mình lên bản nhạc thì cũng chỉ là thêm được “tiền rượu” mà thôi. Chuyện giữa hai người không ồn ào về bản quyền như giữa nhạc sĩ Trần Quang Lộc và thi sĩ A Khuê trong ca khúc “Về đây nghe em” sau này.
Mọi chuyện nhẹ nhàng, chứng tỏ tình bạn giữa hai người khá sâu sắc, mặc dù bị gián đoạn một thời gian dài. Điều còn lại là thành tựu của cả hai tác phẩm thơ và nhạc đều trở nên bất hủ. Hai người còn giao lưu với nhau, sáu năm sau cho đến khi thi sĩ Bùi Giáng qua đời, năm 1998. Đến viếng cố nhân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong sổ tang những vần thơ, tại chùa Vĩnh Nghiêm, ngỡ như còn đang uống rượu cùng nhau:
“Bùi Giang Bàng Dúi Búi Giàng
Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời đất ngỡ ngàng
Hoá ra thi thể là ngàn hư vô
Nhớ thương vô cùng là từ
Là từ vô hạn ứ ừ viển vông.”
Sau này ông còn viết những câu thơ, để kỷ niệm một năm ngày mất của cố thi sĩ, với những lời hết sức buồn:
“Thi nhân vĩnh viễn chân trời ấy
Đảo điên điên đảo bụi trần gian
Từ ấy tôi buồn như cỏ dại
Buồn vì một chút bụi lang thang”.
Thật đặc biệt, thi sĩ họ Bùi vẽ cũng đẹp và lạ, không khác là bao so với tài hội hoạ của Trịnh. Hai người cũng đã từng vẽ cho nhau. Người nọ vẽ cho người kia một bức chân dung cũng rất lạ và đều được bạn bè lưu giữ cho đến nay.
Sự giao cảm “vô thường” của hai ông trong nghệ thuật đã đem lại những cảm xúc cho đông đảo bạn bè trong giới. Nhiều người làm thơ ca ngợi hai ông và cũng nhiều hoạ sĩ dựng chân dung hai ông với những đưòng nét và mầu sắc độc đáo. Ngay sau khi Trịnh Công Sơn về cõi, nhà điêu khắc Trương Đình Quế ở Đồng Nai đã tạc hai bức tượng lớn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và thi sĩ Bùi Giáng. Bức tượng toàn thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ở tư thế ngồi vắt chân chữ Ngũ, một tay chống cằm, một tay cầm đàn guitar chìm đắm trong suy tư. Còn bên cạnh là bức tượng nhà thơ Bùi Giáng, nom rất sinh động khác với nét tĩnh lặng của tượng Trịnh, người choàng áo mưa, đeo hồ lô rượu bên hông, tay chống gậy, râu tóc phất phơ trong gió, một chú chó nhỏ đu trên vai ông thật ngộ nghĩnh; và là một con mèo, một con gà trống đi cùng. Cả hai đều hiện lên đúng tính cách rất khác biệt nhưng lại đầy biểu cảm. Sau hai mẫu tượng này được đúc đồng và đưa về đặt yên vị tại bờ sông Rạch Chiếc, ở Q.2, TP.HCM.
Có thể nói Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng, đều lừng danh và tiêu biểu cho những phong cách thơ, nhạc rất đặc sắc của một trăm năm. Nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thành công những cảm xúc và suy tư đậm tính triết luận gần gũi với đạo Phật, chia sẻ và bày tỏ chân thành với người đời, thì ở thơ Bùi Giáng thể hiện sâu sắc một tinh thần tiêu dao, sắc sắc không không của cõi niết bàn. Người đời tặng cho ông danh hiệu “thi sĩ Bồ tát” vì lẽ đã cảm thụ và yêu thơ ông như thế. Do vậy sự hội tụ trong thi pháp còn kỳ lạ hơn cả tình bạn của hai ông. Tình bạn ấy khó gọi tên bởi nó lúc xa lúc gần, lúc mong manh, khi lại chói loà bởi sự hoà nhập về nhạc điệu, khúc thức, hình ảnh, và ngôn ngữ lẫn tư duy ở cõi thiền vô vi lan toả trong vũ trụ bao la. Đó chính là sự giao cảm vô thường của những kỳ nhân mang hai cái tên: Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn.
Vương Tâm
Sinh thời, người ta nói hai người chơi thân với nhau cũng không hẳn đúng, bởi lẽ mỗi người một tính cách, mặc dù có thời gian nhà hai người ở gần chợ Trương Minh Giảng, Sài Gòn.
Thi sĩ Bùi Giáng thì ngông nghênh, lãng du và toả sáng bất cứ hoàn cảnh nào bằng thơ ca, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại dịu dàng, trầm buồn và trĩu nặng với sự cô đơn. Thơ Bùi Giáng luôn phớt tỉnh sự đời, suy tư chông chênh với ý tứ bất ngờ như tia chớp. Còn nhạc của Trịnh da diết nhưng không kém phần bảng lảng trong cõi triết luận vô thường. Mặc dù ngoài đời hai người ít để lại những kỷ niệm sinh hoạt hay giao lưu thân thiết đến mức tạo nên giai thoại. Thậm chí, nhiều năm trước khi mất, Bùi Giáng không còn có dịp lui tới gặp gỡ, trò chuyện với Trịnh Công Sơn vì những sự cố không đáng có, nhưng hai người lại luôn gần gũi nhau về những nỗi niềm nhân sinh và luôn chia sẻ cùng nhau về cái sự vô thường của ý niệm giác ngộ về đời, về đạo của Phật giáo.
Những câu chuyện của hai người đều được ghi lại bằng dấu ấn thơ ca, tựa như sự đùa cợt, giao hoà và tâm đắc cùng nhau. Bùi Giáng đã từng viết những câu thơ trêu Trịnh Công Sơn:
“Công Sơn Trịnh trọng phiêu bồng
Thưa rằng thơ nhạc có ngần ấy thôi”
Trịnh Công Sơn đối đáp không nhanh nên khó có thể ứng tác, nhưng ông lại bị nhiễm cái nét lạ trong thơ Bùi Giáng để nạp năng lượng cho ca khúc của mình. Theo nhà văn Bảo Trúc nói, thì Trịnh Công Sơn đã mượn của Bùi Giáng một số câu hoặc ý thơ để viết nên những ca khúc rất hay. Nhưng thực ra có sự giao thoa tự nhiên giữa ca khúc và thơ của Bùi Giáng, như trời ban cho vậy, chứ không hẳn là Trịnh mượn câu thơ nào đó rõ rệt. Vì thế có người dẫn chứng rất thú vị ở ca khúc “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” Trịnh Công Sơn có lời hát như: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/ Chọn những bông hoa và những nụ cười./ Tôi nhặt gió trời, mời em giữ lấy để mắt em cười tựa lá bay…”.
Thì nhà thơ Bùi Giáng cũng có những câu thơ giầu nhạc điệu tương tự trong cấu trúc của bài “Nhìn thấy”: “Mỗi sáng tôi nhìn mắt trời mọc trong mây,/Mỗi chiều tôi nhìn mặt trời lặn trong mây,/ Suốt ngày tôi lắng tai nghe tiếng chim hót trong lá cây reo,/ Và nhìn thấy rất nhiều mùa xuân mênh mông đang đi tới”
Có người còn dẫn hai câu khá điển hình mà Trịnh Công Sơn đã mượn ý thơ của Bùi Giáng, đó là lời trong bài hát “Em đi bỏ lại con đường”: “Em đi bỏ lại con đường/ Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em”.
Tuy nhiên những dẫn chứng ấy chỉ những ai thật thân thiết với hai người mới có thể nói chi tiết. Vả lại đó là con số rất ít ỏi trong toàn bộ gia tài âm nhạc đồ sộ của Trịnh. Nhưng đặc biệt, rõ rệt nhất Trịnh Công Sơn đã lấy nguyên câu thơ “Còn hai con mắt khóc người một con” trong bài thơ “Mắt buồn” của thi sĩ Bùi Giáng, để viết ca khúc “Con mắt còn lại” năm 1992. Mặc dù, Trịnh Công Sơn không đề sáng tác theo ý thơ Bùi Giáng nhưng vẫn dùng nguyên câu “Còn hai con mắt khóc người một con” làm nút mở cho những lời hát rất cuốn hút người nghe. Tuy chỉ có một câu thơ dẫn, nhưng hầu như phần lời đều đậm đặc chất trừu tượng của thi sĩ Bùi Giáng. Đó là cảm xúc đối chọi được nén chặt trong kịch tính và ý tứ trùng khít qua hình tượng “Đôi mắt” đầy ám ảnh. Dường như khổ thơ thứ hai của Bùi Giáng trong bài thơ đã được “hoá” hết trong ba phần lời ca khúc của Trịnh Công Sơn. “Bỏ trăng gió lại cho đời/ Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa/ Bỏ người yêu bỏ bóng ma/ Bỏ hình hài của tiên nga trên trời/ Bấy giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con ”
Còn qua lời ca khúc, cũng thấy sự sáng tạo của Trịnh Công Sơn rất đặc sắc với những câu hát giầu chất bi kịch của tình yêu: “Còn hai con mắt khóc người một con/ Còn hai con mắt một con khóc người/Con mắt còn lại nhìn một thành hai/ Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ/ Con mắt còn lại ngờ vực tình tôi/ Cuồng điên yêu thương cuồng điên nỗi nhớ…”.
Có điều thú vị, vào cái bận năm 1992 ấy, thi sĩ Bùi Giáng không hề có ý tranh giành về chuyện bản quyền với người bạn của mình, khi có người thắc mắc vì sao nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không đề sáng tác theo ý thơ của ông. Có lẽ với tính cách bất cần của thi sĩ họ Bùi thì ông cũng chẳng coi đó là sự xúc phạm. Và hơn nữa, bài thơ “Mắt buồn” của ông đã quá nổi tiếng, vậy thêm một lần đề tên mình lên bản nhạc thì cũng chỉ là thêm được “tiền rượu” mà thôi. Chuyện giữa hai người không ồn ào về bản quyền như giữa nhạc sĩ Trần Quang Lộc và thi sĩ A Khuê trong ca khúc “Về đây nghe em” sau này.
Mọi chuyện nhẹ nhàng, chứng tỏ tình bạn giữa hai người khá sâu sắc, mặc dù bị gián đoạn một thời gian dài. Điều còn lại là thành tựu của cả hai tác phẩm thơ và nhạc đều trở nên bất hủ. Hai người còn giao lưu với nhau, sáu năm sau cho đến khi thi sĩ Bùi Giáng qua đời, năm 1998. Đến viếng cố nhân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong sổ tang những vần thơ, tại chùa Vĩnh Nghiêm, ngỡ như còn đang uống rượu cùng nhau:
“Bùi Giang Bàng Dúi Búi Giàng
Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời đất ngỡ ngàng
Hoá ra thi thể là ngàn hư vô
Nhớ thương vô cùng là từ
Là từ vô hạn ứ ừ viển vông.”
Sau này ông còn viết những câu thơ, để kỷ niệm một năm ngày mất của cố thi sĩ, với những lời hết sức buồn:
“Thi nhân vĩnh viễn chân trời ấy
Đảo điên điên đảo bụi trần gian
Từ ấy tôi buồn như cỏ dại
Buồn vì một chút bụi lang thang”.
Thật đặc biệt, thi sĩ họ Bùi vẽ cũng đẹp và lạ, không khác là bao so với tài hội hoạ của Trịnh. Hai người cũng đã từng vẽ cho nhau. Người nọ vẽ cho người kia một bức chân dung cũng rất lạ và đều được bạn bè lưu giữ cho đến nay.
Có thể nói Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng, đều lừng danh và tiêu biểu cho những phong cách thơ, nhạc rất đặc sắc của một trăm năm. Nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thành công những cảm xúc và suy tư đậm tính triết luận gần gũi với đạo Phật, chia sẻ và bày tỏ chân thành với người đời, thì ở thơ Bùi Giáng thể hiện sâu sắc một tinh thần tiêu dao, sắc sắc không không của cõi niết bàn. Người đời tặng cho ông danh hiệu “thi sĩ Bồ tát” vì lẽ đã cảm thụ và yêu thơ ông như thế. Do vậy sự hội tụ trong thi pháp còn kỳ lạ hơn cả tình bạn của hai ông. Tình bạn ấy khó gọi tên bởi nó lúc xa lúc gần, lúc mong manh, khi lại chói loà bởi sự hoà nhập về nhạc điệu, khúc thức, hình ảnh, và ngôn ngữ lẫn tư duy ở cõi thiền vô vi lan toả trong vũ trụ bao la. Đó chính là sự giao cảm vô thường của những kỳ nhân mang hai cái tên: Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn.
Vương Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét