Tại sao Trung Quốc xuyên tạc thư của cố TT Phạm Văn Đồng ?
Trong công hàm chính thức gửi Liên Hợp Quốc ngày 17 tháng 4 năm 2020, biện minh cho việc các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc một lần nữa đánh chìm tàu ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc đến công hàm của Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ngày 9 tháng 9 năm 1958 gửi cho chính phủ Trung Quốc.
Trong tài liệu này, ông Phạm Văn Đồng được cho là đã công nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Cái gọi là “công hàm Phạm Văn Đồng” đó là gì và nói về điều gì? Ông Grigory Lokshin, một trong những chuyên gia Việt Nam học kỳ cựu nhất của Nga, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã giải đáp các câu hỏi này.
Trung Quốc đã biến chuyện thực tế thành điều giả mạo như thế nào
Ông Grigory Lokshin cho biết, đây không phải là lần đầu tiên báo chí Trung Quốc đề cập đến tài liệu này. Theo các nhà khoa học và tuyên truyền chính trị Trung Quốc, trong tài liệu này, người đứng đầu chính phủ VNDCCH đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa và Nam Sa).
"Trong nhiều năm nghiên cứu vấn đề Biển Đông, tôi thường gặp tuyên bố này trong các bài viết và chuyên khảo của giới khoa học Trung Quốc. Nhưng khi bắt đầu tìm hiểu xem “công hàm Phạm Văn Đồng” là gì, tôi đã sớm phát hiện ra rằng các tuyên bố của Trung Quốc về bản chất tài liệu này là hoàn toàn sai sự thật và được thiết kế nhằm tới sự thiếu hiểu biết của đông đảo người dân Trung Quốc và toàn bộ cộng đồng thế giới.
Thứ nhất, đó không phải là công hàm chính thức, mà chỉ là một bức công thư do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai, người mà ông nhiều năm gắn bó và tin tưởng qua quan hệ tình cảm thân thiện. Hai ông từng dẫn đầu phái đoàn của nước mình dự Hội nghị Genève 1954 và hiểu nhau rất rõ.
Thứ hai, bức công thư này đề cập đến tuyên bố của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 4 tháng 9 năm 1958 về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. Đây là thời kỳ đỉnh cao của cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự gay gắt trong quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan. Khi đó, cả hai bên gần như sắp diễn ra chiến tranh. Trong thời điểm căng thắng đối với Trung Quốc đó, ông Phạm Văn Đồng khẳng định với người đứng đầu chính phủ Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ ủng hộ Bắc Kinh. Cụ thể, trong bức công thư đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết rằng chính phủ VNDCCH ghi nhận Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm “triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”. Và chỉ có vậy mà thôi!
© AFP 2020 / STRINGER
Thứ ba, bức thư này không hề có từ nào nói đến Hoàng Sa hay Trường Sa. Về sau, chính quyền Trung Quốc đã lý giải điều này một cách sai lạc, trên thực tế họ đã xuyên tạc nội dung bức công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Thứ tư, cách lý giải của Trung Quốc về bức công thư của ông Phạm Văn Đồng là hoàn toàn bóp méo thiện chí của VNDCCH đối với Trung Quốc, khi đó (năm 1958) đang lâm vào tình huống khó khăn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các cố vấn của ông không phải là các chính trị gia ngây thơ và thiếu hiểu biết. Họ biết rất rõ, ngay cả tại hội nghị thế giới về hiệp ước hòa bình với Nhật Bản tại San Francisco năm 1951, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã không được công nhận là của Trung Quốc như Bắc Kinh mong muốn, mà là của Việt Nam, thuộc Nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ người Pháp bảo hộ chính quyền vua Bảo Đại. Và năm 1954, theo Hiệp định Genève, hai quần đảo đó tạm thời thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa, được thành lập ở miền Nam Việt Nam. Vào thời điểm ông Phạm Văn Đồng viết bức công thư nói trên, hai quần đảo này không thuộc quyền kiểm soát của VNDCCH, do đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có quyền hành với các quần đảo đó. Thật vậy, ngay cả khi muốn làm điều này, trong bức công thư của mình, ông Phạm Văn Đồng cũng không thể xác nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam mà không có sự đồng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội VNDCCH".
Tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là không có căn cứ
Điều đáng ngạc nhiên là Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể đưa “sáng kiến tuyên truyền” này vào tài liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc – cụ thể là Công hàm gửi Liên Hợp Quốc ngày 17 tháng 4 năm nay. Việc này nói lên điều gì? - Sputnik hỏi ông Lokshin.
Theo ông Grigory Lokshin, điều này trước hết nói lên tham vọng của Trung Quốc, muốn lợi dụng thời điểm cả thế giới đang bận tâm với cuộc chiến chống đại dịch coronavirus, để leo thang căng thẳng trong khu vực biển Đông và đưa ra các yêu cầu mới đối với Việt Nam, thậm chí đe dọa trực tiếp chống nước này. Đồng thời, Công hàm của Trung Quốc lần này lại một lần nữa nói lên rằng, Trung Quốc hoàn toàn không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào trong việc xác nhận chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu có, Trung Quốc từ lâu đã giới thiệu chúng với cộng đồng thế giới.
"Do không có bằng chứng đáng tin cậy, chính quyền Trung Quốc buộc phải dùng đến những biện chứng hoàn toàn dối trá. Các dẫn chứng của Trung Quốc về cáí gọi là “công hàm Phạm Văn Đồng” không hề có ý nghĩa pháp lý nào và không hề có bất cứ cơ sở nào. Ngoài ra, các liên kết này còn phủ bóng đen lên một trong những nhà lãnh đạo được kính trọng nhất của Việt Nam và vẫn sống mãi trong ký ức của mọi người dân đất nước này như Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi cho rằng cần phải bảo vệ tên tuổi ông Phạm Văn Đồng trước những lời bịa đặt vu khống hiện đang được tất cả kẻ thù của Việt Nam sử dụng, đặc biệt là các thế lực phản động trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những người cáo buộc nhà lãnh đạo Việt Nam “đầu hàng Trung Quốc”. Sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện đại, tích cực hướng đến tất cả các nước trong Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ khác, Chính phủ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam đang làm tất cả mọi điều để mang sự thật đến với cộng đồng thế giới. Chân lý đó là: Trung Quốc không được quyền nêu yêu sách chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong Biển Đông và không có lý do nhỏ nhất nào để tuyên bố rằng chính phủ VNDCCH thông qua Thủ tướng Phạm Văn Đồng "đã nhượng lại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc".
Cộng đồng khoa học Nga đồng cảm với những nỗ lực này của Việt Nam và tìm cách đóng góp vào việc giải quyết chính trị các tranh chấp trong Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc 1982.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét