Vì sao lại dựng cây nêu ngày Tết và dựng thế nào cho đúng?

2:11:00 CH

Cây nêu có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi gia đình trong dịp Tết nhưng không phải ai cũng biết cách dựng.

Sự kiện: 

Tết Nguyên đán

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, trước đây, mỗi dịp Tết Nguyên đán, trước cửa nhà người dân thường dựng một cây nêu. Cắm nêu với ý nghĩa tâm linh là mong muốn những điều tốt đẹp trong năm mới và xua đuổi tà ma, quỷ dữ.
Thế nhưng, hiện nay, rất ít gia đình còn giữ được phong tục này. Một số gia đình còn cắm nêu nhưng cũng không còn đúng với phong tục dựng nêu cổ truyền.
Vì sao lại dựng cây nêu ngày Tết và dựng thế nào cho đúng? - 1
Dựng cây nêu ngày Tết với mục đích xua đuổi quỷ dữ và mang lại điều tốt lành cho gia đình. Ảnh minh họa: internet.
“Người Việt xưa coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Cây nêu thường được làm bằng tre vì loại cây này có đốt, dẻo dai, là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tốt tươi”, GS Biền chia sẻ.
Cây nêu thường dài khoảng 5 - 6 mét, được dựng trước sân nhà. Tre để dựng nêu thường phải là loại to, thẳng, không cụt ngọn. Trên ngọn nêu có buộc nhiều thứ tùy theo phong tục của từng địa phương.
Tuy nhiên, theo phong tục cổ, ngọn nêu thường được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng, câu đối, niêu đất chứa vôi, chuông gió… Bên dưới gốc nêu có rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi tà ma.
Người ta tin rằng, những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, chuông gió… là để báo hiệu cho ma quỷ biết nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu.
Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để Tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch (giao thừa) còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may.
Người Kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp, là ngày Táo Quân lên chầu Trời; người Mường dựng nêu vào ngày 28 tháng Chạp; người Mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng.
Ngày hạ nêu là ngày mùng 7 tháng Giêng. Trước khi hạ nêu, cần tránh động thổ để cho đất được hội tụ sinh khí, phì nhiêu. Sau khi hạ nêu, con người có thể bước vào lễ hội mới, bước đầu có những hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Sự tích cây nêu
Tục xưa truyền rằng, từ xa xưa, quỷ dữ ỷ đông áp bức và chiếm hết đất đai của con người. Người phải thuê đất của quỷ trồng lúa và chịu điều khoản “ăn ngọn cho gốc”. Quỷ lấy hết thóc, người chỉ còn rơm rạ.
Thương người, Phật mách cho người trồng khoai lang. Cuối vụ, người thu hoạch hết phần củ, để lại quỷ phần lá. Quỷ đổi điều khoản sang “ăn gốc cho ngọn”. Phật lại mách người quay lại trồng lúa. Người thu hoạch lúa, phần rơm rạ cho quỷ.
Bực tức vì 2 vụ liền không thu được gì, quỷ đổi điều khoản “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật bảo người trồng ngô. Bắp ngô ra ở giữa thân cây nên cuối vụ, người thu hoạch ngô về chất đầy bồ, quỷ chẳng thu được gì.
Không thu được nông sản, quỷ đòi lại đất. Phật bảo người đến mua một mảnh đất nhỏ bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy hời, quỷ đồng ý. Khi người trồng cây tre xuống, Phật hóa phép cho cây tre cao lên tận trời, chiếc áo cà sao mở rộng che khắp mặt đất.
Quỷ mất hết đất đai, phải lùi ra tận biển. Uất hận, chúng mang quân đánh chiếm lại ruộng đất. Biết quỷ sợ vôi bột, lá dứa... Phật bảo người sử dụng những thứ đó để 3 lần đánh bại lũ quỷ.
Bại trận, quỷ khóc than với Phật mỗi năm cho chúng vài ngày được về đất liền thăm phần mộ tổ tiên. Phật đồng ý. Từ đó trở đi, mỗi địp Tết đến, quỷ lại được về đất liền. Người dân dựng cây nêu trước nhà để ma quỷ không lại gần phần đất của mình.
Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/vi-sao-lai-dung-cay-neu-ngay-tet-va-dung-the-nao-cho-dung-1048787.html

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.