Những người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu
TP - Lần đầu tiên, hơn 200 người Việt, đại diện cho cộng đồng tinh hoa người Việt khắp thế giới cùng nhau quy tụ tại Diễn đàn Người Việt ảnh hưởng toàn cầu (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF) được tổ chức tại Lâu đài Salomon de Rothschild, Paris (Pháp) hồi cuối tháng 3/2019.
Các đại biểu thẳng thắn trao đổi về chủ đề “Nâng tầm thương hiệu Việt Nam” nhằm đánh thức tiềm lực quốc gia, đưa thương hiệu và giá trị Việt cạnh tranh trên trường quốc tế. Đặc biệt, kết thúc diễn đàn, một mạng lưới Người Việt thành đạt toàn cầu đầu tiên đã được thành lập nhằm tạo mối liên hệ lâu dài và bền vững.
Bứt phá... từ những “cánh chim đầu đàn”
Là người có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài và thu hút chất xám của người Việt, Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), đã nỗ lực khởi xướng diễn đàn này. Từ Paris, anh chia sẻ với Tiền Phong: “Bất luận sinh sống ở đâu, hoạt động trong lĩnh vực nào, trí thức Việt Nam cũng có thể mang được nhiệt huyết của mình để đóng góp cho đất nước. Khi muốn bứt phá, chúng ta có thể bắt đầu từ những “cánh chim đầu đàn”, những người tiên phong có khát vọng và dám dấn thân vì sự hùng cường của đất nước”.
Qua một năm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tế của Việt Nam, với 6 tháng lên kế hoạch, Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu đã thành công ngoài mong đợi với sự tham gia của đông đảo các trí thức Việt toàn cầu trên nhiều lĩnh vực như khoa học, giáo dục và văn hóa. Nó là bước khởi đầu cho một chiến lược lâu dài và huy động được sức mạnh to lớn của mạng lưới những người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hiện mạng lưới đang tham gia chủ động vào dự án chiến lược về xây dựng Thương hiệu quốc gia của Việt Nam với 3 trụ cột “Khoa học Công nghệ – Nông nghiệp – Du lịch”. Đây cũng là ưu tiên trong giai đoạn hiện tại.
Về lâu dài, mạng lưới sẽ hệ thống hóa các hoạt động tập trung vào 3 mảng chính là chia sẻ thông tin và kết nối giữa các thành viên (thông qua các cuộc gặp gỡ chuyên đề), tạo cảm hứng hành động và cống hiến cho các bạn trẻ, đồng thời lựa chọn tham gia chủ động vào các dự án chiến lược có tác động tích cực lớn cho sự phát triển của Việt Nam.
Nguyễn Đức Khương luôn tâm niệm: Một cây làm chẳng nên non. Kết nối toàn cầu, dấn thân và trí tuệ tập thể đã và đang là những giá trị mà cá nhân anh và AVSE Global hướng tới. Những đóng góp của tập thể AVSE Global thời gian qua vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Dù kết quả chưa được như mong muốn, nhưng rất có ý nghĩa và có sức mạnh lan toả lớn giữa các thành viên, bạn bè đồng nghiệp xung quanh.
“Theo tôi, Việt Nam có nhiều người xuất sắc. Người Việt ở nước ngoài chỉ là một bộ phận trong tổng hòa đó. Có rất nhiều người Việt nổi tiếng sống ở Việt Nam. Phải chung tay để người Việt ở bất cứ đâu ngày càng giỏi hơn và được sử dụng để cùng xây dựng đất nước. Ở đâu không quan trọng, miễn là có thể đóng góp tốt cho sự phát triển của quê hương, đất nước mình”, Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh.
Nguyễn Đức Khương là người Việt đầu tiên được lọt vào top 200 chuyên gia kinh tế trẻ hàng đầu của thế giới do dự án RePEc bầu chọn tháng 1/2016.Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) là nỗ lực hợp tác của hàng trăm tình nguyện viên tới từ 82 quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường phổ biến nghiên cứu về kinh tế học và các ngành khoa học liên quan.
Danh sách 200 nhà kinh tế trẻ này được chọn ra từ 18. 625 nhà nghiên cứu kinh thế giới có ấn phẩm khoa học, mọi thể loại, xuất bản từ 10 năm trở lại đây.
Nguyễn Đức Khương cũng là thành viên Ban quản trị Hội Tài chính châu Á (2014-2016) và thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ tháng 7/2017.
“Khi muốn bứt phá, chúng ta có thể bắt đầu từ những “cánh chim đầu đàn”, những “người tiên phong” có khát vọng và dám dấn thân vì sự hùng cường của đất nước”.
Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu
Tỷ phú Hoàng Chúc, doanh nhân gốc Việt nổi danh tại Pháp
Tỷ phú Hoàng Chúc là một trong những người Việt nổi danh tại Pháp. Ông Hoàng Chúc quê gốc Thái Bình, du học Pháp từ khá sớm, tốt nghiệp trường Bách khoa Pháp năm 1969 và đã từng được tặng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh danh giá của Pháp.
Ông Chúc khá kín tiếng trước công chúng Pháp và chỉ được biết đến nhiều hơn khi tờ Le Monde của Pháp năm 2014 có bài viết “Chuc Hoang, nhà triệu phú của tháp Eiffel” cho hay việc ông muốn mua lại tháp Eiffel. Thực ra, thương vụ mà ông Hoàng Chúc nhắm đến là mua cổ phần của Công ty tháp Eiffel, đơn vị thực hiện quản lý biểu tượng nước Pháp chứ không phải tòa tháp này. Thương vụ không thành công dù ông đã theo đuổi nó tới 10 năm. Vốn là người thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, ông Hoàng Chúc đã từng mua lại được 3 khách sạn lớn nhất ở Paris, trong đó có khách sạn Nikko của người Nhật nằm ở giữa lòng Paris. Ông Hoàng Chúc từng lọt vào top 200 doanh nhân giàu nhất nước Pháp.
Mặc dù vậy, bí quyết kinh doanh của ông khá giản dị. Ông chia sẻ,dòng máu Việt Nam là một lợi thế cho sự thành công của ông. Ông nói: “Vì tôi mang trong mình dòng máu Việt, tôi có đủ niềm tin, và niềm tin mạnh mẽ đó giúp tôi thành công”. Ông cho biết, ông từng làm việc ở nhiều quốc gia và nhận được nhiều thiện cảm, sự tôn trọng từ các đối tác khi họ biết ông là người gốc Việt.
“Tôi mang trong mình dòng máu Việt, tôi có đủ niềm tin, và niềm tin mạnh mẽ đó giúp tôi thành công”.Ông Hoàng Chúc
Phan Bích thiện- bà chủ khách sạn lâu đài nổi tiếng ở Hungary
Là người Việt duy nhất sở hữu một tòa lâu đài cổ ở Hungary, chị Phan Bích Thiện đã điều hành và kinh doanh khách sạn hiệu quả nhiều năm. Khách sạn lâu đài Fried mà gia đình chị quản lý nhiều năm lọt vào top khách sạn được yêu thích nhất ở Hungary. Lấy chồng người Hungary, nhưng chị Thiện đã không quên được quê hương xứ sở. Chị góp phần xây một ngôi chùa Việt ngay cạnh khách sạn lâu đài của mình. Không những thế, chị rất tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng người Việt tại đây với tư cách Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary. Không những thế, chị còn là Chủ tịch Quỹ Vì hữu nghị Hungary-Việt Nam. Chị đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng đài hữu nghị Việt Nam- Hungary tại Hungary. Khi Thủ tướng Hungary sang thăm Việt Nam, chị cũng là người Việt duy nhất được tháp tùng thủ tướng với vai trò Giám đốc thị trường Việt Nam của tập đoàn Gama Hungary. Cũng nhờ vào sự năng nổ, tích cực của chị ở Hungary, đất nước và con người Việt Nam đã được nhiều người Hungary biết đến và trân trọng.
Không chỉ là bà chủ khách sạn đẹp bậc nhất Hungary năm 2010, Tiến sĩ kinh tế Phan Bích Thiện còn là 1 trong 50 nữ doanh nhân thành đạt nhất nước này.Chị cũng là một trong những nhân vật trong bộ phim tài liệu phát trên kênh Duna TV của Hungary khi nói về những người Việt Nam hòa nhập tốt với xã hội Hungary.
Chia sẻ về tầm ảnh hưởng của người Việt ở nước ngoài, chị Thiện cho biết: “Những người có uy tín trong lĩnh vực của họ và là người có tầm ảnh hưởng với các tổ chức của nước sở tại, thì việc kết nối và phát triển hợp tác sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.Ngoài ra nên mở rộng mạng lưới “Đại sứ” văn hóa, du lịch Việt Nam tại các nước và cố gắng mời những người có uy tín với nước sở tại tham gia mạng lưới này để có thể quảng bá rộng rãi và có hiệu quả hơn về Việt Nam”.
Trần Hải Linh: Kết nối doanh nhân Việt- Hàn và thế giới
Sống ở Hàn Quốc khá lâu và hiện là giáo sư tại một trường đại học Hàn Quốc, Trần Hải Linh rất năng nổ trong việc kết nối doanh nhân Việt Nam với doanh nhân Hàn Quốc.Đã từng là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, Chủ nhiệm quỹ vì biển đảo Việt Nam, trưởng văn phòng HPC- Korea và mới đây là Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam- Hàn Quốc (VKBIA), Trần Hải Linh chia sẻ: “Tôi cho rằng không nhất thiết phải về quê hương làm việc mới được gọi là cống hiến, mà quan trọng phải chọn con đường có khả năng cao nhất giúp phát huy được tối đa năng lực của mình để có thể dựa vào năng lực đó cống hiến. Khi đã phát huy được tối đa khả năng, lúc đó dù có ở đâu đi nữa vẫn có thể cống hiến được cho đất nước, cho xã hội”.
Với mục tiêu nâng cao kim ngạch thương mại Việt- Hàn lên 100 tỷ USD vào năm 2020, Chủ tịch VKBIA Trần Hải Linh tin tưởng việc thành lập hiệp hội sẽ là một bước đi quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu đó.
Điều khá đặc biệt, đây là lần đầu tiên người Việt được bầu làm chủ tịch một hội có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, CJ, FB... Điều này cho thấy uy tín và vị thế của người Việt được nâng cao. Trần Hải Linh cho biết thêm, không chỉ với Hàn Quốc, hội sẽ tiếp tục mở rộng ra thị trường châu Âu, trong đó có Italia để có thể đưa các mặt hàng Việt Nam thông qua Hàn Quốc và tới nhiều nước khác.
GS.TS Nguyễn Đức Khương nhận bằng tiến sĩ ngành Quản trị Tài chính tại ĐH Grenoble, Pháp khi mới 27 tuổi. Hiện, Khương đang là Phó GĐ phụ trách nghiên cứu và hợp tác khoa học quốc tế, đồng thời là Trưởng khoa Tài chính tại Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét