Tết Việt trên đất nước Hungary

4:20:00 CH
NDĐT - Có một điều rất khác biệt trong những ngày giáp Tết đối với cộng đồng người Việt tại Hungary. Đó là, dù vẫn tất bật với nhịp sống chung hằng ngày, song trong lòng mỗi người Việt đang sinh sống ở nơi đây dù mấy chục năm hay chỉ một vài năm lại rộn ràng chuẩn bị một cái tết theo truyền thống cổ truyền của người Việt.
Tết Việt trên đất nước Hungary
Tết là để gợi nhớ quê hương…
Ở Hungary, khi Lễ Giáng sinh, chào mừng năm mới theo lịch Tây vừa khép lại cũng là lúc người Việt tại đây lại háo hức chuẩn bị cái tết theo lịch Âm, Tết Nguyên Đán. So với cộng đồng người Việt ở nhiều nước trên thế giới thì ở Hungary số người Việt sinh sống có con số khá khiêm tốn, hơn 5.000 người. Và trong những ngày giáp Tết, với cộng đồng người Việt ở đây cũng thật khó để tìm đến một không gian mua sắm Tết tràn ngập sắc xuân của đào, của quất hay tìm về được chốn đậm chất hương quê với nồng nàn khói bếp từ nồi bánh chưng, mâm cỗ thơm lừng được mẹ và bà kỳ công chuẩn bị…
Thế nhưng nhắc đến Tết, chúng tôi vẫn thấy những ánh mắt tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, đong đầy ký ức của cộng đồng người Việt nơi đây. Bởi với họ tết Việt vẫn là một thứ rất đỗi thiêng liêng, gắn bó với gia đình, quê hương, Tết là lúc cả nhà cùng chuẩn bị gói bánh chưng, trẻ con lau lá dong, mẹ thì rửa lá, đãi gạo nếp, bố thái thịt, chuẩn bị củi bếp…. Trong nhà đào mai đã rực rỡ, bánh kẹo đầy bàn, trẻ con xúng xính quần áo mới…. Đó thật sự là cảm giác tràn đầy hạnh phúc và nôn nao với mỗi người xa quê khi Tết đến Xuân về.
Thực tế, những năm gần đây dù ở nước ngoài nhưng việc sắm tết Việt không mấy khó khăn vì hầu như các chợ châu Á đều bán khá đầy đủ bánh chưng, giò, miến, mộc nhĩ, măng khô… Đủ để người Việt có thể chuẩn bị cho gia đình những món ăn ngày Tết theo truyền thống. Bởi vậy, dù vẫn tất bật với công việc thường nhật, nhưng trong mỗi gia đình của người Việt vẫn dành thời gian để chuẩn bị một cái tết thật chu đáo giữ đúng nét văn hóa người Việt.
Quầy hàng thực phẩm tết của anh chị Đăng Mười tại Hungary.
Cứ đến gần tết cửa hàng của anh chị Đăng Mười chuyên đồ châu Á lại tấp nập người mua. Người mua lá dong, mua lạt về để gói bánh chưng với mong muốn giữ được không khí của một cái tết cổ truyền theo đúng nghĩa: quây quần gói bánh, trông nồi bánh chưng chờ đón giao thừa. Người mua ngũ quả, mua đồ ăn ngày Tết để chế biến mâm cỗ cúng giao thừa theo truyền thống. Người mua gà trống để cúng giao thừa… Với những người Việt xa quê ở đây, thời khắc giao thừa vốn được mong đợi nhất vì đó cũng là khoảng thời gian mà các gia đình được gần gũi nhau, tạo không khí yêu thương, gắn bó ấm tình quê hương nơi xứ xa.
Lưu giữ nét văn hóa truyền thống
Với những người Việt xa quê, việc lưu giữ văn hóa truyền thống Việt luôn được quan tâm. Ở Hungary, hiện nhiều gia đình đã có ba thế hệ sinh ra và lớn lên tại đây, hoặc cũng có gia đình vợ Việt chồng người Hungary và ngược lại. Hòa nhập với nhịp sống nơi đây thì việc lãng quên văn hóa Việt sẽ là điều có thể xảy ra.
Mâm cơm ngày Tết của gia đình chị Phan Bích Thiện tại Hungary.
Theo bà Phan Bích Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt tại Hungary, vai trò gia đình sẽ là cốt lõi trong việc giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam trong đó có Tết cổ truyền của người Việt.
Bà Thiện cho biết, chồng bà là người Hungary hai cô con gái đều sinh ra và lớn lên tại đây nên ngay từ khi con còn nhỏ bà đã chú tâm đến việc giáo dục con cái đơn cử như mỗi khi chuẩn bị đón Tết bà đều kể cho các cháu nghe về sự tích, ý nghĩa cúng ông Công, ông Táo, cúng đêm Giao thừa, mồng Một… Bà vui mừng cho biết, đến giờ khi đã lớn các cháu đều rất thích và hứng thú cùng gia đình chuẩn bị đón Tết. Các cháu còn hiểu rất rõ các phong tục như lì xì, xông đất đêm giao thừa… Và có những năm, nếu sắp xếp được thời gian các cháu còn đề xuất được về Việt Nam đón Tết với ông bà, người thân ở Việt Nam.
Ngoài ra để nuôi dưỡng cũng như tạo không khí ấm cúng mỗi khi Tết đến xuân về theo phong tục tập quán của Việt Nam, Ban tổ chức Cộng đồng người Việt tại Hungary cũng tạo ra những sân chơi, giúp cộng động tham gia như nấu ăn món Việt, tổ chức gói bánh chưng, biểu diễn ca nhạc…
So với nhiều nước trên thế giới, cộng đồng người Việt tại đây chỉ vài nghìn người, song việc lưu giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống khá tốt, luôn được mỗi cá nhân và gia đình quan tâm gìn giữ…
ĐINH LOAN

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.