Tết sẽ thế nào nếu không phải để đoàn tụ?

8:22:00 SA
Nếu không có Tết thì vòng xoay của thời gian sẽ trơn tuột và bất tận. 360 ngày này trôi qua lại đến 360 ngày khác...
Thời gian chẳng có gì đặc biệt, để đọng lại, để níu giữ nữa. Cứ thế, trên hành trình dài thăm thẳm của cuộc mưu sinh, của thăng trầm đời người, chúng ta sẽ chẳng được nghỉ ngơi, không biết gửi hồn mình về nơi đâu nữa. Tết là nghỉ ngơi, là nương náu tâm hồn, là trút bỏ cái cũ, “khoác” lên tâm trạng mới, cho những hy vọng mới tốt đẹp và tinh khôi.
26
Ảnh minh họa

Nghỉ ngơi cho thân - tâm

Chúng ta, lớn lên, trưởng thành cùng với cái đầu lúc triền miên căng thẳng tính toán mưu sinh cơm áo. Thực sự đầu óc, tâm trạng chẳng có lấy một ngày yên tĩnh. Tiền tài, danh vọng - tạo ra những cuộc đua miệt mài, bất tận. Trong cuộc đua - tranh ấy, con người dễ mất phương hướng, dễ mắc sai lầm, dễ gặp tai nạn trên đường thiên lý xa vời vợi.
Chẳng phải chuyện của đời người mà là đi đường dài thuần túy cũng cần phải nghỉ ngơi. Trong công viên, đi bộ cũng có ghế đá để nghỉ chân. Để tránh tai nạn cho lái xe đường dài, các nhà khoa học cùng nhà quản lý phải đo đếm sự mệt mỏi, giới hạn chịu đựng của động cơ và sự quá tải của sức người để xây dựng các trạm nghỉ, đảm bảo an toàn tài xế, cho mọi người trên hành trình dài nhiều bất trắc.
Trong vòng quay của 360 ngày của một năm cũng vậy, Tết được coi là trạm nghỉ, là chốn bình yên của thân và tâm trên đường đời để hồi sức cho những hành trình sắp tới!

Nơi nương náu tâm hồn

Trong dòng chảy của thời gian bất tận ấy, chúng ta quay cuồng với công việc, họp hành, hô hào, hiệu triệu để tìm tiếng nói chung, nhìn về một hướng, chung một mục tiêu, đồng lòng, đồng sức. Chúng ta đưa ra nhiều phương án, cách thức để thống nhất, đoàn kết. Thế nhưng, sự phân hóa, chia cắt, bất đồng vẫn xảy ra ở mọi phương diện trong cuộc sống và công việc của chúng ta.
Vậy, trong 360 ngày ấy, thời khắc nào mỗi người, mỗi gia đình, mỗi ngôi làng và cả dân tộc chung một ý nghĩa, nhìn về một hướng?

Đó là thời khắc giao thừa!

Giao thừa phút thiêng liêng, giao thoa, quất quýt năm mới - năm cũ. Phút của trút bỏ muộn phiền, xí xóa mọi lỗi lầm để khoác lên mình một chiếc áo mới, tâm trạng mới, cho một khởi đầu mới, tinh khôi và tràn đầy hy vọng. Cũng giây phút này mỗi người được tiếp thêm năng lượng từ sức mạnh tinh thần của dân tộc, khi tất cả con dân Việt đều chung một mong cầu tốt lành về sức khỏe, may mắn, tài lộc cho mình, cho người thân và cho quốc thái dân an.
Giao thừa là sự kết nối của đất - trời, của con người với vạn vật, của người sống với người đã khuất, của người với thần linh... Tết, phút Giao thừa  tạo ra sức mạnh tinh thần của dân tộc! Tết của mọi người chung một mong cầu tốt lành!

Chiếc áo mới của hy vọng

Trong sự bộn bề của cuộc mưu sinh, đã có người muốn bỏ Tết. Người ta cho rằng, người Việt ăn Tết dài lê thê, bia rượu, tai nạn, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế...
Trong sự phát triển chúng ta sẽ phải “chỉnh sửa” để Tết ý nghĩa hơn. Đó là quy luật của mọi sự vật hiện tượng trong quá trình phát triển!

Bỏ Tết, người Việt còn gì?

Bỏ Tết là bỏ trạm nghỉ ngơi thân - tâm. Bỏ Tết là bỏ sự linh thiêng trong phút giao thừa. Bỏ Tết là những đứa con như những cánh chim trời phiêu bạt theo mưa gió của cuộc đời, chẳng khắc khoải ngày về tổ ấm, sai lầm lạc lối không biết khi nào. Bỏ Tết là mẹ ngồi tựa cửa mong những đứa con về trong sự mênh mang, hoang hoải của đời người. Bỏ Tết là bỏ cả sự nương náu tinh thần, tâm linh của người Việt…
Bỏ Tết là bỏ cả những cuộc đoàn viên. Tết sẽ như thế nào nếu không phải để là sum vầy, đoàn tụ, để những đứa con xa quê sà vào lòng mẹ, tĩnh hồn mình trong bảng lảng khói nhang để nhớ tiên tổ, thần linh, trong những khoảnh khắc đặc biệt của đất trời sinh sôi?
Tết lại đến. Chắc chắn là Tết của sum vầy! Tết của nụ cười rạng ngời trên môi mẹ. Tết của tiếng ríu rít cháu con trong mâm cơm chiều ba mươi tâm trạng xen lẫn cũ - mới mang đến cho mọi người những xao xuyến hạnh phúc đến lạ. Tết của những đứa con xa trở về trên đường dài vạn lý!
Tết vốn không chỉ dừng lại ở khía cạnh phong tục văn hóa nhiều đời người Việt truyền giữ, cũng chẳng phải chỉ là đôi ba câu chuyện tín ngưỡng đầu xuân thuộc về yếu tố truyền thống trước nay vẫn vậy, mà hơn hết, Tết xưa nay vẫn luôn là dịp để những người con, dù đi đâu xa quê, vẫn một mực hướng về gia đình, nơi có những người thân yêu đang chờ, sau một năm dài đằng đẵng với những bộn bề, lo toan. Tết hơn hết hàm chứa trong mỗi người một câu chuyện xúc cảm và nhân văn hơn mang tên mùa đoàn viên...
TheoGiadinhVietnam.com

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.