Những bức ảnh ấn tượng nhất năm 2019
(Thanh tra) - Chiếm được nhiều ánh nhìn và cảm xúc nhất của công chúng năm qua, đó là tác phẩm “Em bé khóc trên biên giới” đoạt giải World Press Photo, là "Vũ điệu trên biển" mô tả hoạt động của ngư dân Việt Nam... Cùng Báo Thanh tra ngắm lại những bức ảnh ấn tượng nhất 2019.
Bức ảnh “Em bé khóc trên biên giới” đoạt giải Ảnh báo chí thế giới 2019 Ảnh: JOHN MOORE/GETTY IMAGES
1. “Em bé khóc trên biên giới” - Bạo lực tâm lý hay nỗi ám ảnh về khủng hoảng nhập cư?
Bức ảnh đầy ám ảnh “Em bé khóc trên biên giới” của nhiếp ảnh gia, nhà báo John Moore đã vượt qua 78.801 tác phẩm của 4.738 nhiếp ảnh gia, đoạt giải Ảnh báo chí Thế giới (World Press Photo) 2019.
John Moore, nhiếp ảnh gia kỳ cựu của Getty Images, chụp cảnh 1 em bé người Jamaica khóc thét vì sợ hãi khi mẹ em bị cảnh sát bắt giữ tại biên giới Mỹ - Mexico vì vượt biên trái phép. Bức ảnh được Hội đồng chấm giải tại Hà Lan đánh giá cao bởi đã khắc họa một loại bạo lực khác - bạo lực tâm lý.
Bức ảnh đã gây ra làn sóng phản đối công khai trên toàn thế giới về chính sách gây tranh cãi của Washington nhằm tách hàng nghìn người di cư với con cái của họ vào tháng 6/2018.
Đối với John Moore, “Em bé khóc trên biên giới” là một tác phẩm nhằm khắc họa một bức tranh lớn hơn về cuộc khủng hoảng nhập cư tại Mỹ đang có chiều hướng trở nên phức tạp trong những năm trở lại đây.
Kể từ năm 2008, John Moore đã cống hiến gần như cả sự nghiệp của mình chụp lại các hình ảnh phản ánh cuộc khủng hoảng nhập cư tại nước này.
Ông đã di chuyển liên tục giữa nhiều quốc gia, từ Mexico đến Trung Quốc và Mỹ, ghi lại hình ảnh về các nhà tù nhập cư, các hoạt động trục xuất, đột kích cũng như quá trình nhập tịch của cộng đồng những người tị nạn trên khắp lãnh thổ nước Mỹ.
“Thông thường, những điều này được đưa ra thảo luận dưới dạng báo cáo thống kê, đa phần là khá khô khan. Tôi luôn cố gắng đưa gương mặt của những con người thực tế vào chủ đề này. Việc ghi lại hình ảnh bé gái trên biên giới là một phần trong nỗ lực của tôi”, John Moore nói.
Trong bức ảnh, bé gái người Jamaica đã đi thuyền cùng mẹ của mình và những người tị nạn khác vượt địa phận Rio Grande vào biên giới Mỹ và bị lực lượng biên phòng Mỹ tại tiểu bang Texas chặn lại. Theo lời của John Moore, người mẹ đã được yêu cầu đặt bé gái xuống trong quá trình khám xét. Cô bé 2 tuổi ngay lập tức bật khóc một cách vô vọng với ánh mắt hướng về mẹ. Bé gái và mẹ sau đó đã được đưa lên chiếc xe tải hướng thẳng đến một trung tâm cùng nhóm người nhập cư trái phép khác.
2. Bức ảnh năm 2019 của UNICEF - 3 bi kịch của thời đại: Nghèo đói, Ô nhiễm và Lao động trẻ em
Hartmut Schwarzbach, một phóng viên ảnh tự do người Đức, đã được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trao Giải "Bức ảnh của năm 2019" hôm 19/12, cho tác phẩm bé gái tìm vớt rác thải nhựa trên vùng biển bị ô nhiễm ở Cảng Manila, Philippines.
UNICEF cho biết, bức ảnh đã thành công trong việc ghi lại "3 bi kịch của thời đại chúng ta". Đó là: Nghèo đói, Ô nhiễm và Lao động trẻ em.
Hartmut Schwarzbach đã chụp được khoảnh khắc này khi Wenie - tên của bé gái - đang thực hiện công việc của mình là thu thập các mảnh nhựa để đổi lấy tiền từ một người thu nhận rác tái chế.
UNICEF nói rằng, bức ảnh rất có ý nghĩa, vì nó nói về "cuộc chiến dũng cảm vì sự sống còn của trẻ em trước 3 bi kịch của thời đại chúng ta".
Trong nhiều năm, Schwarzbach đã bày tỏ những góc buồn về sự nghèo đói trên khắp thế giới thông qua các bức ảnh của mình.
Bà Elke Budenbender, người bảo trợ của UNICEF cho Đức và Phu nhân Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, cho rằng, bức ảnh tạo cảm giác gần gũi với trẻ em. "Nó cho thấy những gì trẻ em cần, cũng như sức mạnh của trẻ em, ngay cả trong những điều kiện sống ảm đạm nhất, chúng cũng không hề bỏ cuộc. Trẻ em là điều quý giá nhất... Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống và tương lai của chúng... Quyền trẻ em không thể chỉ là những lời hứa suông...", bà Budenbender nói.
Theo tác giả Schwarzbach, tại thời điểm chụp ảnh, bé gái 13 tuổi. Hiện em đã 15 tuổi.
Theo UNICEF, nhiều trẻ em bị buộc phải thu gom rác thải ở vùng biển bị ô nhiễm của Manila. "Chúng phải mạo hiểm sức khỏe và thậm chí là mạng sống của mình, khi phải lao động trong vùng nước bị ô nhiễm... tìm rác thải tái chế để duy trì sự tồn tại", UNICEF cho biết, và nhấn mạnh tại Lễ trao giải ở Berlin rằng, ngay cả khi lao động trẻ em bị cấm, "nhiều trẻ em gái và trai trong khu ổ chuột đã không có lựa chọn nào khác".
3. "Vũ điệu trên biển" - Thế giới tự nhiên truyền cảm hứng tuyệt vời cho chúng ta
Bức ảnh "Vũ điệu trên biển", mô tả hoạt động của ngư dân đánh cá ở Hòn Yến, Phú Yên của nhiếp ảnh gia Việt Nam Lê Văn Vinh đã chiến thắng hạng mục con người và thiên nhiên trong cuộc thi ảnh Bảo tồn thiên nhiên thế giới 2019.
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên, một tổ chức bảo tồn toàn cầu, năm nay đã nhận được 121.774 tác phẩm từ 152 quốc gia cho cuộc thi nhiếp ảnh thiên nhiên hàng năm. Số tác phẩm dự thi năm nay nhiều nhất trong tất cả các năm.
Ông Richard Loomis, Giám đốc tiếp thị của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên cho biết: "Thế giới tự nhiên truyền cảm hứng tuyệt vời cho tất cả chúng ta. Trong chính linh hồn của sự bảo tồn là một sự kính sợ sâu sắc với thiên nhiên. Các bức ảnh là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của thiên nhiên và chúng ta cần cùng nhau cứu lấy vùng đất và vùng nước mà tất cả sự sống con người đang phụ thuộc”.
Cuộc thi có 5 hạng mục gồm động vật hoang dã, nước, con người và thiên nhiên, phong cảnh, thành phố và thiên nhiên.
4. “Đoàn người di cư”- tiếp tục câu chuyện về người di cư trên hành trình tới Mỹ
Phóng viên ảnh của hãng tin AFP, ông Guillermo Arias, người Mexico đã được nhận giải thưởng cao nhất tại Liên hoan Ảnh Báo chí Quốc tế diễn ra thành phố Perpignan (Pháp) công bố ngày 7/9.
Bức ảnh chụp người di cư từ Honduras tìm đường vào Mỹ, khi dừng chân tại một sân bóng rổ ở San Pedro Tapanatepec, bang Oxaca, Nam Mexico. Một tuần trước đó, chính quyền Mexico tuyên bố người di cư Trung Mỹ đang có mặt tại 2 bang phía Nam quốc gia này có thể được hưởng chăm sóc y tế, con cái được đi học và cha mẹ được tìm việc làm tạm thời.
Một bức trong Bộ ảnh “Đoàn người di cư” của phóng viên ảnh Hãng tin AFP, ông Guillermo Arias
Phóng viên ảnh Arias đã xuất sắc vượt qua các đồng nghiệp từ các hãng thông tấn và báo chí như Báo The New York Times, Hãng tin Reuters và Báo The Washington Post giành được giải thưởng.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 5 năm qua, các phóng viên ảnh của AFP được nhận giải thưởng này.
Phát biểu sau khi được trao giải thưởng, ông Arias chia sẻ: "Tôi rất cảm động và vinh dự khi được nhận giải thưởng uy tín nhất thế giới này. Điều quan trọng nhất đối với tôi là giúp cho mọi người hiểu được vấn đề người di cư ở Trung Mỹ, một vấn đề đã trở nên phổ biến trên toàn cầu".
Liên hoan Ảnh Báo chí Quốc tế (International Festival of Photojournalism) diễn ra thường niên, được coi là liên hoan ảnh báo chí lớn nhất thế giới với trung bình 250.000 người tham dự mỗi năm. Tại đây, các tác phẩm của các phóng viên ảnh được chọn lọc đều kể lại một câu chuyện mà trên thế giới chưa nhiều người từng biết hay nhìn thấy, qua đó gửi gắm những thông điệp chung về hòa bình, gìn giữ môi trường.
5. “Cậu bé trong đám đông” với khát vọng hòa bình
Tại Giải Nhiếp ảnh quốc tế Siena 2019, vượt qua hàng trăm tác phẩm của 187 tác giả, đến từ 54 nước trên thế giới, bức ảnh có tên “Cậu bé trong đám đông” của nhiếp ảnh gia Jonathan Bank đã đoạt giải nhất chung cuộc.
Bức ảnh chụp tại Thủ đô Monrovia của Liberia cho thấy một cậu bé đang cố gắng với lấy quả bóng từ đám đông đang bị canh gác bởi những người lính.
Nhiếp ảnh gia, đồng thời là tình nguyện viên hội Chữ thập đỏ Anh quốc nói: “Trong lễ hội 3 ngày ở Monrovia vào năm 2018, đám đông tụ tập lên đến hàng chục nghìn người. Tôi ban đầu chụp ảnh những người lính, sau đó bị thu hút bởi đám đông nhiều hơn. Tôi nhìn thấy cậu bé đang cố gắng với quả bóng, đôi mắt sợ hãi nhìn những người lính đeo súng. Điều này diễn ra trong nháy mắt và bức ảnh giống như một sự bấp bênh của hòa bình, nhìn qua đôi mắt con trẻ. Tất cả những gì cậu bé muốn là lấy quả bóng nhưng làm sao cậu vẫn được an toàn”.
6. “Bồ nông nhảy múa” - Khoảnh khắc tuyệt đẹp của chim muông
Giải Nhiếp ảnh chim muông vừa tổ chức lần thứ 4, năm 2019, với 13.500 tác phẩm đến từ 63 quốc gia.
Bức ảnh chim bồ nông "nhảy múa" trên dòng sông băng ở Hy Lạp ("Dancing on Ice") của tác giả người Anh, Caron Steele, đã giành giải thưởng cao nhất cuộc thi.
Caron Steele cho biết: "Khi tới Hy Lạp để chụp ảnh bồ nông sinh sản, tôi phát hiện ra hồ Kerkini, nơi ưa thích kiếm ăn của bồ nông, đã đóng băng lần đầu sau 16 năm. Trên hồ có vài lỗ hổng nhỏ và bầy bồ nông tụm lại quanh đấy. Tôi đã may mắn ghi lại được khoảnh khắc tuyệt đẹp khi con bồ nông như đang nhảy múa trên dòng sông băng".
7. Mãn nhãn các bức ảnh đạt giải nhất Travel Photographer of the Year 2019
Travel Photographer of the Year là cuộc thi ảnh, được National Geographic tổ chức dành cho các nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới, bao gồm cả không chuyên và chuyên nghiệp.
Các bức ảnh được chia theo giải Nhất, Nhì, Ba và theo 3 danh mục Thành phố, Thiên nhiên và Con người.
Năm nay, 3 giải nhất thuộc về tác phẩm “Greenlandic Winter” của tác giả Weimin Chu (danh mục Thành phố); “Tender Eyes” của Tamara Blazquez Haik (danh mục Thiên nhiên) và “Showtime”, tác giả Huaifeng Li (danh mục Con người).
8. Drone 2019 vinh danh nhiếp ảnh gia Việt Nam
Drone Awards là cuộc thi nhiếp ảnh uy tín trên thế giới do Hiệp hội Ảnh nghệ thuật về du lịch tổ chức hàng năm dành cho các tác phẩm ảnh chụp từ trên cao. Giải thưởng trao cho 7 hạng mục: Trừu tượng, Thiên nhiên, Con người, Thể thao, Động vật hoang dã, Đô thị và Video.
Năm nay, tác phẩm "Hoa trên mặt nước" của nhiếp ảnh gia Khánh Phạm đã đoạt giải nhất trong hạng mục "Con người".
Giải thưởng Drone năm nay thu hút các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư từ 107 quốc gia với hơn 4.400 tác phẩm tham gia dự thi.
Ngọc Anh(TheoThanhtra.com.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét