Nhà văn hóa Hữu Ngọc trả lời Giáo sư Võ Tòng Xuân và bà Phạm Chi Lan về kiến nghị sáp nhập Tết ta với Tết tây

10:04:00 SA
Ảnh minh họa
PV: Có nhiều vị khách phương Tây đặt câu hỏi: Dân tộc nào cũng có Tết. Không hiểu Tết có "ma lực" gì mà làm xáo động cả dân tộc Việt Nam đến thế? Trước Tết và sau Tết, tại sao các bến ô tô, ga tàu, sân bay người "đông như kiến", Việt kiều khắp thế giới cũng háo hức về quê hương. Tại sao lại như vậy, thưa ông?
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Dân tộc nào cũng có Tết, nhưng thường chỉ vỏn vẹn một ngày, không mang ý nghĩa thiêng liêng như Tết ta. Tết Việt Nam, ngoài ý nghĩa vui Xuân, còn kết hợp nhiều nội dung của nhiều lễ hội khác phương Tây: Ý nghĩa tinh khiết và tái sinh của Lễ Phục sinh; ý nghĩa vui được mùa và bình an của Lễ Tạ ơn Chúa; cũng đồng thời là dịp họp mặt đông đủ của thị tộc, ý nghĩa họp mặt gia đình cho quà của Lễ Chúa giáng sinh. Nhưng nếu đem cộng tất cả những lễ hội phương Tây ấy lại, vẫn chưa thể hiện được cái "thần" của Tết Việt Nam với một nền văn hóa riêng.
Tết ta kết tinh những gì sâu lắng của bản sắc dân tộc, cộng đồng Việt thể hiện một số đồng cảm nằm trong vô thức:
- Đồng cảm của con người với thiên nhiên, vũ trụ và thần linh.
- Đồng cảm của người sống với người chết.
- Đồng cảm với gia đình, họ hàng, làng xóm.
- Đồng cảm với đất nước và lịch sử.
Những mối đồng cảm cũng được thể hiện tập trung qua nghi lễ tập quán gốc bản địa hoặc ngoại lai nhưng ít đổi thay trong quá trình tiếp biến.
Ảnh minh họa
PV: Nếu vậy, trong các mối đồng cảm đó, đồng cảm của con người với vũ trụ sẽ là ngọn nguồn của Tết vì mùa xuân đánh dấu sự thay đổi của trời đất, từ lạnh lẽo bước sang ấm áp, mang lại cho con người niềm vui?
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Đúng thế. Tết Việt Nam là Tết của dân tộc nhà nông làm lúa gạo, quanh năm vất vả hơn những dân tộc làm lúa mì vì phải tưới nhiều nước, lại phải làm mạ rồi cấy lúa.
Đất Đồng bằng sông Hồng, cái nôi của văn hóa Việt Nam lại eo hẹp. Người dân quanh năm làm lụng, đến mãi cuối đông, bước sang xuân mới có thời gian rỗi và ăn Tết vui vẻ, không phải một ngày mà có khi nửa tháng, cả tháng.
Hình như trong ngôn ngữ các dân tộc, chỉ có nước ta nói "ăn" Tết; điều đó chứng tỏ nhân dân ta nói chung thiếu thốn nên Tết là một dịp để ăn (cho bõ lúc thiếu thốn) và vui chơi xả láng cho bõ những lúc chân lấm tay bùn. Đó là ý nghĩa thực tế của Tết ta, được tóm tắt trong câu ca dao: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Theo câu đó thì trong 6 yếu tố của Tết, 3 thứ nói về ăn: Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh. Trong đó, 2 nguyên liệu quan trọng là bánh chưng và thịt lợn (thịt mỡ) không thể thiếu được trong ngày Tết.
Ảnh minh họa
Nhưng đó chỉ là phần vật chất, về phần tinh thần, thể hiện trước tiên là mối đồng cảm của con người với vũ trụ và thần linh, cảm thông trời đất và thần linh đã phù hộ cho con người được có thức ăn để sinh sống.
Tết đánh dấu sự cảm thông giữa con người và thiên nhiên bằng một tình cảm thiêng liêng, huyền bí, khiến con người tan biến, hòa nhập vào vũ trụ trong niềm hồ hởi tái sinh của mùa xuân. Tình cảm này mạnh mẽ đối với dân tộc Việt Nam hơn là đối với các dân tộc công nghiệp hóa phương Tây, vì tuyệt đại đa số người dân ta sống bằng nông nghiệp nên gần thiên nhiên hơn.
Tình cảm vũ trụ hồi sinh đã thấm nhuần tâm tư và hành động của cả một dân tộc trong mấy ngày Tết? Tết Việt Nam có một giá trị nhân văn hiếm thấy ở các nền văn hóa khác. Vạn vật tưng bừng khí Xuân, con người cũng phải đổi mới, vui vẻ, thực hiện cái mới, cái hay, cái thiện, cái hài hòa, ít nhất trong vài ngày. Bài ca lạc quan, tin vào con người và nhân ái vang lên trong nhiều phong tục Tết cổ truyền.
Trong gia đình, bố mẹ kiêng đánh mắng con cái, mẹ chồng khắt khe cũng dịu giọng với nàng dâu, anh chị em tránh cãi nhau, chủ nhà đối đãi tử tế với người ở. Trong xóm làng, không ưa nhau nếu gặp nhau cũng chào hỏi. Nợ nần không đòi vào ngày Tết. Khách lạ đến nhà cũng chào mời chén trà, miếng bánh. Những tục lệ khai ấn, khai bút, khai trương, hạ điền... nói lên ý nguyện làm ăn nghiêm túc trong năm mới.
Tết còn là một nhịp cầu nối hiện tại với dĩ vãng, người sống với người chết nên mới có sức mạnh huyền bí ấy? Trước Tết có nhiều gia đình đi tảo mộ. Nhà nào cũng lau dọn bàn thờ ông bà ông vải để đến nửa đêm Giao thừa cúng hương hoa và cả cỗ bàn, mời những thế hệ đã khuất về vui Xuân với con cháu trong mấy ngày. Quan niệm ông bà ông vải sẽ về trong dịp Tết, nên ai cũng muốn có mặt ở nhà để tỏ lòng thành kính tổ tiên.
Nỗi khổ tâm của người Việt ly hương là những ngày này không thể về quê được. Tết là một yếu tố tăng cường và nhắc nhở ý thức gia đình, họ hàng và làng nước. Con cháu chúc mừng ông bà, bố mẹ, họ hàng, bạn bè; người làng hỏi thăm nhau. Tình làng nghĩa xóm mặn nồng thêm nhờ cúng lễ thần Thành hoàng của cộng đồng, kèm theo lễ hội có khi rải ra suốt ba tháng đầu năm.
Phải là người Việt Nam mới cảm nhận sâu sắc được Tết Việt Nam. Đây là sự kết tinh của bản sắc dân tộc với biết bao huyền thoại và sự tích như bánh chưng, trầu cau, Âu Cơ, Thánh Gióng, cây nêu, hái lộc, hoa đào,... được lưu truyền trong lễ hội Xuân.
ĐH (ST)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.