Mẹ Việt tại Pháp và bí quyết gìn giữ bản sắc Tết quê hương
(Tổ Quốc) - Ba người mẹ Việt sinh sống và làm việc tại Paris chia sẻ về những nỗ lực để duy trì và truyền tải các giá trị truyền thống Việt Nam cho thế hệ người Việt trẻ.
Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp hiện có hơn 300.000 người với thành phần khá đa dạng, từ những người đã sinh sống tại Pháp trong nhiều năm cho tới những sinh viên, học sinh mới sang Pháp học tập trong thời gian gần đây.
Cũng như phần lớn cộng đồng Kiều bào tại nhiều quốc gia trên thế giới, Kiều bào Pháp không chỉ chăm lo làm ăn, hòa nhập với cuộc sống của quốc gia sở tại…, mà còn luôn nỗ lực gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là tới các thế hệ sau.
Trong những ngày giáp Tết, phóng viên Báo Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ba người phụ nữ Việt hiện sống và làm việc tại Paris. Các chị đang là những mẹ của các em bé mang hai dòng máu vô cùng xinh xắn và đều đã nhiều năm không ăn Tết Nguyên đán tại Việt Nam.
Đã trải qua 9 cái Tết xa nhà nhưng đôi khi nhìn thấy mưa phùn lạnh giá trên đất Pháp, chị Lê Thanh Bình lại không thể ngừng nhớ đến bầu không khí xuân ở miền bắc. "Mỗi dịp Tết đến, cho dù bận tới đâu mình cũng cố gắng chuẩn bị một bình hoa đào và một mâm cơm cúng giao thừa cho dù có thể không được đầy đủ các món như ở Việt Nam", chị Bình chia sẻ.
Thông thường trước và trong dịp Tết, các siêu thị đồ châu Á tại Pháp đều có bày bán khá nhiều các sản phẩm đặc trưng của Tết Việt từ hoa đào, hoa mai cho tới các nguyên liệu để làm những món ăn cổ truyền Việt Nam như bánh chưng, bánh tét, thịt kho, mâm ngũ quả… Nếu Tết Nguyên đán rơi vào ngày thường thì bà con người Việt tại Pháp vẫn phải đi làm, vì vậy khi Tết trùng vào ngày cuối tuần thì các gia đình sẽ "tận dụng tối đa". Chị Trần Thị Mai Phượng, một Việt kiều đã 5 lần ăn Tết tại Pháp cho hay, nếu được nghỉ, gia đình chị sẽ đi chùa hoặc rủ bạn bè về nhà nhau cùng liên hoan thưởng thức các món ăn Việt.
Mỗi năm đều có một số hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán cho Kiều bào, trong đó nổi bật là Tết cộng đồng do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức ở tòa thị chính Paris. Chị Mai Phượng từng hai lần tham gia hoạt động này, thậm chí còn có mặt trong dàn hợp ca biểu diễn trong chương trình nghệ thuật. "Những hoạt động như thế này là rất thiết thực và cũng giúp cộng đồng người Việt xích lại gần nhau hơn, đồng thời tạo cơ hội để con em Việt kiều hiểu được hơn về truyền thống Việt Nam", chị nói.
Có lẽ một trong những mỗi quan tâm lớn nhất của những người mẹ Việt như chị Bình và chị Phượng, đó là làm sao để có thể truyền tải được nhiều nhất những nét đẹp truyền thống Việt cho gia đình mới của mình tại Pháp. Điều này đặc biệt rõ nét hơn trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Chị Thanh Bình tâm sự: "Mình thường kể cho chồng con nghe về những kỷ niệm ngày Tết ở Việt Nam và giải thích rằng, ngày Tết là ngày đoàn tụ sum vầy, hạnh phúc của mọi gia đình Việt".
Còn chị Mai Phượng, mặc dù bé trai đầu mới chỉ đang đi học mẫu giáo, nhưng chị đã bắt đầu hướng dẫn con các nghi lễ khi thắp hương cúng bái ông bà tổ tiên. Có chồng là người Pháp, nhưng trong nhà chị Phượng vẫn bày bàn thờ như ở Việt Nam. "Theo mình, yếu tố quan trọng nhất chính là ý thức giữ gìn truyền thống và các giá trị của nó", chị kể lại. "Dù xa quê hương nhưng mình vẫn luôn cố gắng chia sẻ với chồng con về những phong tục của người Việt như thắp hương cho ông bà tổ tiên như thế nào, mừng tuổi ông bà cha mẹ và con cháu trong dịp Tết…"
Hiện đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đã có 15 cái Tết xa Việt Nam, chị Bùi Vân Anh cũng đồng tình với những chia sẻ trên. Theo chị, yếu tố hàng đầu để giữ gìn bản sắc Việt cho các thế hệ Việt kiều thứ 2, 3 và xa hơn nữa phải xuất phát từ chính những bậc làm cha, mẹ. "Bản thân mình phải không được quên nguồn cội và luôn cố gắng tổ chức các hoạt động lễ/Tết ở nhà", chị cho biết. "Trẻ con thấy vậy từ khi còn nhỏ thì sẽ đi vào tim các con như một lẽ tự nhiên. Con mình thấy mình vậy thì chúng sẽ học theo, làm theo. Dù không học được theo và làm được theo mẹ thì cũng biết được khái niệm".
Nói về sự ủng hộ của người bạn đời ngoại quốc trước những nỗ lực duy trì văn hóa Việt, cả ba người vợ đều tỏ ra hài lòng. Mai Phượng kể lại: "Chồng mình đã đón Tết một lần cùng gia đình vợ ở Việt Nam. Anh ấy rất thích và hòa nhập rất tốt với văn hóa và phong tục Việt". Còn, chị Bùi Vân Anh bật mí, nếu mình biết "chia sẻ, khơi nguồn hạnh phúc và khơi nguồn cảm hứng trong gia đình khi Tết đến thì người vợ/chồng nước ngoài cũng sẽ thích và tham gia nhiệt tình".
"Mình nghĩ điều quan trọng nhất chính là bản thân mình, vợ/chồng là người Việt có yêu quý và muốn giữ gìn bản sắc Việt hay không. Nếu muốn là sẽ làm được, bằng cách này hay cách khác", bà mẹ hai con khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét