Khách nước ngoài mặc áo dài đi chơi Tết
Khách nước ngoài mặc áo dài đi chơi Tết
Cận Tết Canh Tý, các phố ông đồ, đường hoa xuân tại Cung Văn hóa Lao động và Nhà Văn hóa Thanh niên (quận 1) thu hút đông đảo khách đến tham quan, chụp hình, trong đó có nhiều người nước ngoài.
Rajesh (trái) và bạn mặc áo dài đi dạo phố hoa ở Nhà Văn hóa Thanh niên.
|
Đi dạo trên con đường hoa mai Phạm Ngọc Thạch, Rajesh và Punit từ Ấn Độ mặc áo dài Việt, hòa vào dòng người chủ yếu là dân địa phương : "Đường hoa dường như là hoạt động chính, đặc trưng nên thu hút nhiều người đến. Vì vậy tôi cảm thấy có không khí Tết hơn ở nước tôi", Rajesh nói. Những cành mai giả được trang hoàng trên đoạn phố dài 300 mét này từ hai tuần trước.
Không mặc áo dài nhưng Paul, từ Hà Lan cũng ấn tượng khi thấy người Việt mặc trang phục truyền thống ra đường dịp này. "Trông họ rất thanh lịch với chiếc áo dài. Không gian Tết ở đây nhiều màu sắc chứ không quá nhiều tông màu đỏ như kiểu Trung Quốc", Paul nói sau khi có thời gian đón Tết ở Singapore, Malaysia, Philippines.
Khách Tây cho rằng việc người Việt mặc áo dài đi dạo phố tạo điểm khác biệt với nhiều nơi đón Tết Âm lịch.
|
Vừa đến Việt Nam, ba nữ du khách Italy quyết định đến Cung Văn hóa Lao động TP HCM đầu tiên để tham quan phố ông đồ. Họ tò mò ghé các quầy thư pháp ngắm từng món đồ. "Quang cảnh rất đẹp, nhưng chúng tôi không hiểu tại sao những người này (ông đồ) lại ngồi đây viết vẽ gì đó", họ thắc mắc. Sau khi nghe một khách Việt giới thiệu về nghệ thuật thư pháp, ba du khách đã chụp nhiều ảnh lưu niệm để về khoe bạn bè.
Blogger du lịch Brazil Ricardo đưa bố mẹ ghé phố Tết ở Cung Văn hóa Lao động sau lịch trình khám phá miền bắc Việt Nam. Trước khi đến, họ đã biết về dịp tết cổ truyền Việt Nam đang cận kề. "Không khí đón tết ở trong này (TP HCM) rõ rệt hơn hẳn", Ricardo nói.
Cả gia đình Ricardo cũng tỏ ra quan tâm với những bức thư pháp. Họ nghĩ các con chữ, hình vẽ sẽ mang lại may mắn cho chủ nhân, nhưng không biết liệu mỗi bức có ý nghĩa khác hay giống nhau. Sau khi nghe một thầy đồ đã giải thích, bố mẹ của Ricardo chọn mua một bức thư pháp với nội dung về người mẹ.
Ricardo (áo hoa) cùng bố mẹ xem tranh thư pháp.
|
Đến từ Hàn Quốc, Sung-Ryul Chang nhận xét thời tiết quê nhà và TP HCM có sự khác biệt trong dịp Tết Nguyên đán. "Tết nước tôi rất lạnh, có khi tuyết rơi nên các loài hoa không nở được, người dân cũng không trưng dù chỉ hoa giả", Chang nói và cho biết anh đặc biệt thích những cây hoa nhiều màu sắc.
Tại các con phố đậm không khí Tết, nhiều khách nước ngoài chọn mua những món hàng lưu niệm nhỏ gọn như móc khóa, bao lì xì, nón lá vẽ tay, thư pháp nhỏ... với giá từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng.
Tâm Linh(TheoVnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét