Tuyệt phẩm ‘Diễm xưa’ của Trịnh Công Sơn

2:55:00 CH
Diễm xưa là một nhạc phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những rung động, cảm xúc của một con tim yêu thương mong ngóng chờ đợi bóng dáng của một người đẹp với tà áo dài thấp thoáng sau rặng cây đã làm xao xuyến tâm hồn của nhạc sĩ. Một mối tình thầm kín mà với nhạc sĩ đó là những khoảnh khắc đẹp tới tận cuối cuộc đời và hình ảnh người con gái ấy mãi đi theo bản tình ca bất hủ của ông.
Ca khúc được sáng tác vào năm 1960, lấy từ ý “người con gái tên Diễm của những ngày xưa” gọi ngắn lại là “Diễm xưa” . Đây là câu chuyện tình cảm mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho người con gái mà ông thầm thương nhớ, Ngô Thị Bích Diễm.
Diễm xưa còn được đón nhận và yêu thích cả ở xứ Phù tang; ca khúc này ngay khi mới phổ biến đã được dịch sang tiếng Nhật. Với sự thành công của giọng ca được mệnh danh là người thổi hồn cho nhạc Trịnh, ca sĩ Khánh Ly đã từng gửi tới tất cả những người yêu nhạc ở hội chợ Osaka năm 1970 một Diễm xưa đầy ngọt ngào, sâu lắng.
Mưa xứ Huế khiến nỗi nhớ và tình yêu thầm kín của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như buồn, da diết hơn
Cố đô Huế cổ kính và trầm mặc ẩn mình với dòng sông Hương bao bọc. Khung cảnh ấy với những cơn mưa rả rích khiến Huế trong mắt Trịnh Công Sơn càng trở nên buồn bã và mơ mộng. Cái lạnh của những cơn gió thu với những hạt mưa bay bay bay làm khung cảnh trở nên có phần ảm đạm.


(Ảnh: Pinterest)

Thế nhưng, chợt có một sắc sáng được nhen lên khi đâu đó có ánh mắt một nam thi sĩ đang mỏi mòn dõi theo tà áo bay trong gió se lạnh, gót sen hồng như làm ấm lên một tâm hồn đang run rẩy trong ngày mưa lạnh. Bóng dáng ấy với bước chân khoan thai nhẹ nhàng, một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt trên đường tới trường.
Có lẽ hình ảnh đó đã cuốn hút người nhạc sĩ có tâm hồn vô cùng nhạy cảm này, khiến ông nhìn mãi không thôi theo bóng dáng như đang dần khuất dạng, để con đường mà em đi cứ dài hun hút, sâu thăm thẳm với những khoảnh khắc đợi chờ: Từ đó, những tứ thơ và giai điệu đẹp đẽ từ trong tim người nghệ sĩ đã được khai mở:
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu…
Nhạc sĩ mang mãi trong mình nỗi nhớ mong bóng dáng hao gầy, mảnh mai ấy. Ông chờ đợi, chờ đợi, cả buổi chiều ngồi ngóng trong những cơn mưa. Hạt lớn hạt nhỏ thi nhau rơi lộp độp nó như cảm xúc hồi hộp đang tìm kiếm hình dáng thân quen của người mà mình thương mến.
Người ta vẫn bảo đợi chờ là hạnh phúc, ấy vậy mà với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông đợi chờ để rồi thấy đôi chân của người con gái mà với ông là rất mong manh bước đi trong mưa lạnh lại khiến ông xót xa. Có lẽ lúc đó ông như muốn biến mình thành chiếc ô nhỏ đủ để che chở cho tấm thân gầy, hay là bàn tay che đi mưa lạnh, để người mà ông yêu thương được ấm lòng.
Nhưng tâm hồn ông như càng buốt giá xót xa hơn. Bởi ông biết rằng, tình yêu của ông thật khó có thể một lần được tỏ bày. Có lẽ vậy mà ông cứ ôm ấp, cứ nhớ mong, cứ yêu thương và cứ đợi chờ trong vô vọng, cũng như những hạt mưa chiều xứ Huế cứ mãi rơi, không biết khi nào mới tạnh:
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn lạnh buốt cho mình xót xa


(Ảnh: Thoibao.today)

Để rồi cứ mỗi chiều khi cơn mưa tới, ông lại ở bên khung cửa sổ nhìn ra, mỏi mòn kiếm tìm bóng hình ấy; hình bóng người con gái thân thương gắn liền với chiều mưa đặc trưng xứ Huế. Nỗi nhớ trong ông như cồn cào, mãnh liệt hơn để rồi, không thấy em tâm hồn khô héo, con tim đau như chẳng thể nguôi ngoai. Tình đơn phương là mối tình câm lặng, lời yêu kia ấp ủ chẳng thể tỏ bày. Trong tâm hồn ngập tràn nỗi nhớ, những khát khao được nhìn thấy nhau. Và khi mối tình ấy là vô vọng, thì khát khao kia lại vô tình là những vết thương lòng hằn lên nỗi đau:
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, để người phiêu lãng quên mình lãng du
Nỗi nhớ và mong ngóng về phương trời đó hay ánh mắt mỏi mòn kiếm tìm bóng dáng của người thương mà không thấy khiến ông cứ trân trân nhìn về phía xa xa. Những làn khói mỏng trên mặt sông Hương uốn lượn ôm ấp thành phố Huế hay hàng cây long não, bàng, phượng đỏ, mù u như đang mang theo cả bóng dáng của người con gái thanh khiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi vậy mà ông càng như một người lãng du.
Ông rơi vào một giấc mơ, mà ngay cả khi đó ông vẫn còn cố kiếm tìm bóng hình người con gái ấy. Để thấy rằng, tình yêu của nhạc sĩ thật nồng nàn đắm say nhưng cũng mạnh liệt chẳng kém gì biển động.
Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du


Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Để người phiêu lãng quên mình lãng du. (Ảnh: Pinterest.com)

Cố đô Huế với những thành cổ, đền đài, lăng tẩm, cùng với những cơn mưa dai dẳng buồn bã dễ khiến con người ta quay về với những hoài niệm man mác buồn. Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Huế như một một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ cõi trời đất như không có thực.
Bóng dáng người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hàng cây long não để tới trường trong một không gian trong lành tĩnh lặng khiến bước chân kia như bước đi vô định bởi vì hình ảnh ấy ăn sâu vào trong tiềm thức của ông, khiến nhạc sĩ như phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của một giấc mơ. Nhưng đã quá xa rồi hình bóng ấy. Ta như ngóng trông em trong buổi hẹn hò. Không gian liêu trai ấy với những lời hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mộng liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi cuốn theo em, người con gái ngày xưa ấy.
Em đã ở một nơi xa xôi nào đó, đã có một đời sống khác. Còn lại ta bơ vơ với những hoài niệm, những nhớ nhung để rồi dằn lòng cố quên để mà nhớ. Tình yêu mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho người con gái tên Diễm là trong sự vô vọng. Bởi vậy mà ông nói bia đá còn đau thì đừng hỏi ông có đau không khi người ấy đã đi xa rồi? Để thấy rằng, con tim yêu của nhạc sĩ thực sự đã ứa máu bởi sự cào xé của những nỗi nhớ nhung. Trong nỗi đau rất riêng tư ấy, ông còn cần đến cả sự cảm thông của vạn vật, đất đai và sỏi đá, mới có thể xoa dịu tâm can:
Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sầu sỏi đá cũng cần có nhau.


Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Ngày sầu sỏi đá cũng cần có nhau. (Ảnh: DinhVanLinh/flickr.com)

Diễm xưa của nhạc Trịnh Công Sơn là một mối tình mang theo suốt cuộc đời ông. Diễm trong mắt ông đẹp tới mê hồn, dịu dàng, nhẹ nhàng mà sâu lắng, nên ca khúc của ông cũng đẹp giống như tựa đề của nhạc phẩm. Nhưng vượt trên tất cả, người nghe phải cảm động vì, trong sự thăng hoa cảm xúc tình yêu của ông thành âm nhạc đã thấy hoàn toàn một Huế chân thực, một Huế cổ kính, một Huế mộng mơ, một Huế duyên dáng nên thơ, và xuyên suốt trong đó là hình ảnh người con gái Huế đẹp dịu dàng, duyên dáng, khoan thai, nhẫn nại đi trong gió mưa. Nghe nhạc phẩm này, người Việt Nam nào mà chẳng bồi hồi, vì hình ảnh của Huế cũng là một đặc trưng của nước Việt và con người Việt từ ngàn xưa; nơi đó đã từng là kinh đô nước Việt, Ở cấp độ cảm thụ này, ‘Huế xưa’ hay ‘Diễm xưa’ phải chăng cũng chỉ là một mà thôi!
Và người Việt Nam chắc chắn cũng đã từng tự hào khi họ được lắng nghe một bản tình cả của nhạc sĩ Việt được dịch và hát lên trong niềm say mê bởi những nghệ sĩ người Nhật Bản. Đâu đó trong từng con phố nhỏ trên đất nước mặt trời mọc, giai điệu thân quen của tình khúc Diễm xưa vẫn được ngân vang hay những tiếng vỗ tay nồng nhiệt của những khán giả Nhật Bản dành tặng cho ca khúc Diễm xưa phiên bản tiếng Nhật: Utsukushii mukashi, là một minh chứng nữa cho sự trường tồn của ca khúc này.
Hai  Ca Sĩ Nhật Bản Yoshimi Tendo & Shimazu Aya hát Diễm xưa TRỊNH CÔNG SƠN


Thật hạnh phúc biết bao khi một tình khúc Việt phiên bản Utsukushii mukashi đã trở thành một trong 10 bài tình ca hay nhất mọi thời đại của Nhật Bản, và được xếp hạng 11 trong 20 ca khúc hay nhất trên kênh cáp của Nhật Bản năm 2004. Cũng trong năm 2004 “Diễm xưa” là nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được Đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục của mình trong môn Văn hoá và Âm nhạc.
Một bản tình ca bất hủ của cố nhạc sĩ với giọng ca đầy mê hoặc của ca sĩ Khánh Ly như lôi cuốn người nghe đi theo từng nốt nhạc, từng cung bậc cảm xúc để rồi trong chính con tim của mỗi người đều khắc khoải nhớ mong, đều dấy lên một tình yêu không lời mà mình đã mang theo suốt cả cuộc đời. Diễm xưa như một sự đồng cảm cho những ai đã yêu và mong muốn được yêu với một mối tình trong sáng thuần khiết như nụ cười của Diễm trong tâm hồn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trí Lực (Dkn.tv)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.